Vài lời giới thiệu
Khi dạy Việt văn cấp lớp Đệ Ngũ ở trường Trung-học Ban-Mê-Thuột, theo chương-trình, thầy có hướng dẫn các em làm thơ Đường luật. Vài ngày sau khi dạy bài này, thật là bất ngờ, Thanh-Hương lúc đó học lớp Đệ Ngũ 4 (tức lớp 8A2) đưa cho thầy một bài thơ rất dài, đọc rất cảm-động có tên là “Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ” được chép trên 4 trang giấy học trò, gồm có 21 bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt mà ý tưởng đươc xếp đặt một cách liên tục, kết cấu rất chặt chẽ.
Lúc nhận được bài thơ, thầy nghĩ rằng Thanh-Hương đã sao chép của một tác-giả nào đó vì nội-dung thật đau buồn, không phải là tâm-trạng hồn nhiên, vô-tư của lứa tuổi ươm mơ luôn-luôn nhìn đời toàn màu hồng của em. Hơn nữa cô học-sinh này giỏi Toán chớ không phải là một học sinh xuất-sắc trong lớp về môn Việt- văn. Nhưng sau khi vặn hỏi kỹ-lưỡng, thầy mới tin chắc chính Thanh Hương làm bài thơ này. Thầy không ngờ Thanh Hương có tài làm thơ và có óc tưởng-tượng phong-phú đến như vậy. Thầy đã cất giữ bài thơ hơn 40 năm nay. Bốn trang giấy giờ đây đã ngả màu theo năm tháng.
Khi dạy Việt văn cấp lớp Đệ Ngũ ở trường Trung-học Ban-Mê-Thuột, theo chương-trình, thầy có hướng dẫn các em làm thơ Đường luật. Vài ngày sau khi dạy bài này, thật là bất ngờ, Thanh-Hương lúc đó học lớp Đệ Ngũ 4 (tức lớp 8A2) đưa cho thầy một bài thơ rất dài, đọc rất cảm-động có tên là “Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ” được chép trên 4 trang giấy học trò, gồm có 21 bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt mà ý tưởng đươc xếp đặt một cách liên tục, kết cấu rất chặt chẽ.
Lúc nhận được bài thơ, thầy nghĩ rằng Thanh-Hương đã sao chép của một tác-giả nào đó vì nội-dung thật đau buồn, không phải là tâm-trạng hồn nhiên, vô-tư của lứa tuổi ươm mơ luôn-luôn nhìn đời toàn màu hồng của em. Hơn nữa cô học-sinh này giỏi Toán chớ không phải là một học sinh xuất-sắc trong lớp về môn Việt- văn. Nhưng sau khi vặn hỏi kỹ-lưỡng, thầy mới tin chắc chính Thanh Hương làm bài thơ này. Thầy không ngờ Thanh Hương có tài làm thơ và có óc tưởng-tượng phong-phú đến như vậy. Thầy đã cất giữ bài thơ hơn 40 năm nay. Bốn trang giấy giờ đây đã ngả màu theo năm tháng.
Thanh-Hưong đã đồng ý để thầy phổ biến bài thơ như là một chút đóng góp kỷ-niệm xưa. Thầy gởi nguyên văn bài thơ, không sửa đổi gì cả về ý tưởng cũng như thanh luật, đặc biệt là những gạch nối trong các từ ghép… để nhớ về một cô bé ít nói, bề ngoài có vẻ lạnh-lùng nhưng bên trong tiềm ẩn một tình-cảm dồi-dào không muốn cho ai biết.
Thầy Khánh
Thầy Khánh
Sau đây là bản chính của bài thơ "Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ" Thầy Khánh đã giữ hơn 40 năm.
Chiều Xuân Bên Mộ Mẹ
Trời xuân trong vắt thật nên thơ
Với những cụm mây trắng lững-lờ
Hờ-hững trôi theo làn gió mát
Êm-đềm lướt nhẹ, đẹp như mơ.
Đâu đây tiếng pháo nổ vang vang
Rộn–rã từng tràng đón Tết sang
Xác pháo tung bay rơi lả-tả
Đỏ tươi màu pháo ngập đường làng.
Mai vàng nở rộ, đẹp xinh ghê!
Nhộn-nhịp phố-phường đón Tết về
Đường phố người đi như mắc cửi
Chuyện trò rộn-rã, vui tràn-trề.
Tiếng cười, tiếng nói khắp nơi nơi
Duy có nghĩa-trang vắng bóng người
Tich-mịch, im-lìm hàng mộ trắng
Vàng hoe óng-ả , nắng chiều rơi.
Lặng-lẽ mình con giữa nghĩa-trang
Bên mồ con nhớ mẹ vô vàn
Xuân về vạn-vật vui chào đón
Riêng có hồn con nhuộm tóc-tang.
Nhìn đứa trẻ đi cạnh mẹ cha
Níu tay mẹ nũng-nịu đòi quà
Con buồn số-phận “ ngôi sao xấu “
Mẹ mất, cha lìa thật xót-xa.
Gục xuống trước mồ mẹ đắng cay
Tóc dài gió thổi nhẹ tung bay
Tủi-hờn đôi mắt lệ hoen ướt
Chua xót phận mình thật chẳng may.
Ra đi mẹ đã biệt tình trần
Vĩnh-viễn đời con vắng mẹ thân
Cạnh mộ âm-thầm con khẽ đếm
Đếm xuân vắng mẹ đã ba lần.
Giờ còn đâu những Tết ba ngày
Xúng-xính trong quần áo mới may
Dạo phố đi bên cha, cạnh mẹ
Đòi quà níu mẹ khẽ lay tay.
Con còn nhớ những lúc con đau
Chỉ tại dầm mưa nắng dãi-dầu
Thiêm-thiếp, buồn lo, mẹ héo-hắt
Con biết lấy gì đáp ơn sâu ?
Vì con mẹ trẻ tóc hai mầu
Quỳ gối nhiều đêm con nguyện cầu
Mong mẹ ở bên con vĩnh-viễn
Không gì làm mẹ con xa nhau.
Nhưng điều con ước đã tan-tành
Khi nước Việt bùng nổ chiến tranh
Nhập-ngũ cha đi vì tổ-quốc
Tung-hoành cánh sắt khắp trời xanh.
Vò- võ con và mẹ ngóng trông
Được tin ngày ấy, một chiều đông
Cha vừa mất-tích trong phi-vụ
Xa–cách cha yêu, nát cõi lòng
Từ dạo vắng cha, mẹ héo-hon
Rồi ngày kia mẹ đã lìa con
Mùa xuân năm ấy, con còn nhớ
Mẹ mất, ngoài kia pháo nổ dòn.
Từ khi mẹ nhắm mắt lìa đời
Đau khổ lòng con lắm mẹ ơi
Thao-thức nhiều đêm vì nhớ mẹ
Buồn đau, lả-chả lệ sầu rơi
Con thầm mơ-ước có nàng tiên
Xinh-đẹp, nàng tiên thật dịu-hiền
Với cánh trắng ( như lời mẹ kể )
Ngày xưa trong những chuyện thần-tiên.
Nàng xuống trần-gian một buổi chiều
Mùa xuân êm dịu, gió hiu hiu
Tay mang chiếc đũa thần mầu-nhiệm
Nàng sẽ cho con ước một điều.
Thì con sẽ ước mẹ con yêu
Sống dậy như sau giấc ngủ chiều
Và ước cha yêu thôi cách-biệt
Để con rồi sẽ hết cô-liêu.
Để thôi thao-thức những đêm trường
Ray-rứt lòng buồn, nhớ mẹ thương
Để hết nhớ cha yêu vắng bóng
Long-lanh khóe mắt lệ sầu vương.
Mơ ước của con chỉ thế thôi!
Phũ-phàng sự thật vẫn bày phơi
Nghĩa-trang vẫn thấy ngôi mồ mẹ
Cha vẫn xa con suốt cuộc đời.
*
* *
Mẹ giờ an giấc ngủ ngàn thu
Hình bóng cha xa thẳm mit-mù
Xuân đến nhớ thương bao kỷ-niệm
Lòng con ôm mối sầu thiên-thu !...
Nguyễn Thị Thanh-Hương
Đệ Ngũ 4 - 8A2 ( 1969-70 )
Cảm tưởng của Thanh Hương khi nhận được bảng scan của những trang giấy học trò đã ngả màu vàng Thầy Khánh gửi cho Thanh Hương:
Mọi người chắc bất ngờ khi thấy Hương cũng dám làm thơ.Có lẽ trong mắt mọi người, Thanh Hương "nghịch với học thôi, chả biết gì". Thật ra Hương còn ngạc nhiên hơn mấy bạn. Hương cũng thích đọc thơ nhưng đâu có tâm hồn văn chương lãng mạn để làm thơ như Hồng A, Kim Hương hay viết văn như bạn Can. Năm học Đệ Ngũ 4, thầy Khánh dạy thơ Đường luật rồi yêu cầu mỗi người tập làm một bài. Vốn chăm học Hương có làm một bài nộp cho thầy nhưng chỉ nghĩ đó là một bài tập như những bài tập Toán, Lý, Hoá ... thôi. Làm xong cũng quên luôn. Không thể ngờ thầy Khánh vẫn còn giữ bài thơ ấy qua bao biến cố. Năm ngoái thầy scan rồi mail cho Hương, nhìn lại nét chữ tròn trĩnh ngày xưa trên mấy trang giầy học trò đã ngả màu vàng, Hương đã lặng người đi vì xúc động trước tấm lòng của thầy. Thật là một kỷ niệm vô giá của tuổi học trò và Hương may mắn biết bao khi có được một người THẦY như thầy Khánh.
Các bạn ơi, Hương nghĩ rằng trong mỗi chúng ta đều có một nàng thơ nhưng có thể ta chưa nhận biết. Hãy mời nàng ra, ban đầu nàng còn thẹn thùng ít nói nhưng khi đã quen quen rồi nàng sẽ nói tía lia, can cũng không được. Các bạn hãy thử đi, Thanh Hương khô khan lạnh lùng mà còn làm thơ được thì ai cũng làm thơ được hết.
Mọi người chắc bất ngờ khi thấy Hương cũng dám làm thơ.Có lẽ trong mắt mọi người, Thanh Hương "nghịch với học thôi, chả biết gì". Thật ra Hương còn ngạc nhiên hơn mấy bạn. Hương cũng thích đọc thơ nhưng đâu có tâm hồn văn chương lãng mạn để làm thơ như Hồng A, Kim Hương hay viết văn như bạn Can. Năm học Đệ Ngũ 4, thầy Khánh dạy thơ Đường luật rồi yêu cầu mỗi người tập làm một bài. Vốn chăm học Hương có làm một bài nộp cho thầy nhưng chỉ nghĩ đó là một bài tập như những bài tập Toán, Lý, Hoá ... thôi. Làm xong cũng quên luôn. Không thể ngờ thầy Khánh vẫn còn giữ bài thơ ấy qua bao biến cố. Năm ngoái thầy scan rồi mail cho Hương, nhìn lại nét chữ tròn trĩnh ngày xưa trên mấy trang giầy học trò đã ngả màu vàng, Hương đã lặng người đi vì xúc động trước tấm lòng của thầy. Thật là một kỷ niệm vô giá của tuổi học trò và Hương may mắn biết bao khi có được một người THẦY như thầy Khánh.
Các bạn ơi, Hương nghĩ rằng trong mỗi chúng ta đều có một nàng thơ nhưng có thể ta chưa nhận biết. Hãy mời nàng ra, ban đầu nàng còn thẹn thùng ít nói nhưng khi đã quen quen rồi nàng sẽ nói tía lia, can cũng không được. Các bạn hãy thử đi, Thanh Hương khô khan lạnh lùng mà còn làm thơ được thì ai cũng làm thơ được hết.
No comments:
Post a Comment