Tuesday, February 5, 2013

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui - Hồi 3: Thung lũng hoa vàng San Jose

                   Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung,
                   Có ai đàn lẻ để tơ chùng!...
                                                Huy Cận

Chuyến bay từ Chicago đáp xuống phi trường quốc tế San Jose sớm hơn nửa giờ. Tôi bâng khuâng nhìn nắng vàng đầu năm 2013 San Jose với một nỗi xúc cảm nhè nhẹ. Bao lần ghé qua San Jose rồi... mà nay sao lòng mình vẫn có một chút rung động xao xuyến khó nói nên lời: Bởi vì lần này, tôi chắc chắn rồi đây, sẽ gặp lại vài người học trò cũ thân thương sau hơn nhiều thập niên xa cách như Trần Dung, Cam và vợ chồng Đặng Thanh (67-74) - Nam Quang (63-70)...

Được con gái một người bạn đón tại Terminal A và cháu đã vui vẻ có nhã ý đưa thẳng tôi về nhà anh chị Hai Nguyễn Đình Dũng. Cái lạnh đầu năm của San Jose êm ái, dịu dàng trong nắng chiều, mượt như một tấm lụa vàng tha thướt...

Anh Hai, vị giáo sư khét tiếng dạy môn Toán của biết bao học trò thi tú tài 1 & 2 Ban Mê Thuột, cao lớn và hào hoa như một ông Tây ngày nào, lửng thửng chống gậy xuống đón tôi và đưa tôi lên căn apartment 2 phòng ngủ ở lầu 2, thật mới, thật gọn gàng, xinh xắn của anh chị. Chuyến bay dài gần 4 tiếng đồng hồ không làm tôi mệt mỏi gì lắm và những câu chuyện giữa  hai anh em chúng tôi thân thiết, sôi nổi... cứ nổ ra như bắp rang. Tôi càng mừng vui hơn nữa khi biết được sức khỏe của anh Hai vẫn tốt đẹp sau gần 2 năm thay thận... và hai trái thận của người vô danh nhân đạo xa lạ ấy... hầu như đã hoàn toàn trở thành những cơ phận quen thuộc, thân thiết, gắn bó với đời anh từ lâu nay...

Buổi chiều, người tôi gặp đầu tiên là vợ chồng Trần Thị Dung... sau gần 4 thập niên xa cách, kể từ 1974, là năm Dung tốt nghiệp, rồi đầu năm sau lên đường du học tại Pháp... Buổi chiều, sau công việc bề bộn ở sở làm, Dung với phu quân đến ngay nhà thầy cô Nguyễn Đình Dũng; vậy mà ngay từ xế trưa, Dung đã kịp thời loan báo với cả làng blog 67-74 nội ngoại rằng: người thầy cũ vừa tạm dừng gót lãng du, và vừa từ Chicago đáp xuống phi trưòng San Jose!... Thầy trò gặp nhau trong mừng vui, cảm động, nghẹn ngào! Trần Dung theo tôi, vẫn không có gì thay đổi nhiều: vẫn trẻ trung, giỏi giang như thuở còn đi học, khi còn là một cô học trò ưu tú, xuất sắc và rất mực nết na, hiền hòa, đằm thắm của mái trường Th Bmt xa xưa... Có điều, Dung của 2013 hôm nay, tỏ ra nhanh nhẹn, ăn nói tự nhiên hơn, chứ không còn e lệ, thẹn thùng, lặng lẽ, hơi hơi xa cách... như thuở còn là một cô nữ sinh tà áo nhạt màu trời! Tôi cũng gặp gỡ và nói chuyện thân mật, cởi mở  với Trân, phu quân của Dung, cũng là dân du học tại Pháp như Dung... Trân hiền lành, bặt thiệp, lịch sự... xứng đáng là một trong những chàng rể quý của nhà Trường chúng ta! Tôi thấy Dung lể mể nhiều lần lên xuống... bưng những khay thức ăn vào bếp. Số là, vài em CHS ThBmt San Jose có nhã ý tổ chức một buổi họp mặt thầy trò nho nhỏ... tại nhà anh chị Nguyễn Đình Dũng... để tẩy trần cho người thầy phiêu lãng  phương xa...




Rồi vợ chồng Nam Quang - Đặng Thị Thanh đến, mang theo niềm vui bùng vỡ trong chân tình thầy xưa trò cũ... Đặng Thanh hồng hào, trẻ trung, tươi mát... làm tôi chợt liên tưởng tới một nàng Thúy dễ thương đâu đó trong Truyn Kiều:

                         Vân xem trang trọng khác vời,
                   Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang...

Riêng Nam Quang thì dĩ nhiên, vẻ thư sinh ngày xưa đã biến mất, thay vào đó, một Nam Quang rắn rỏi, phong trần hơn, mà, theo lời Nam Quang tâm s: những ngày tháng đi cày triền miên trên đất Mỹ, đã biến đổi chàng thư sinh áo trắng ngày xưa thành một đấng trượng phu đúng nghĩa, một cây cột trụ vững chắc của mái ấm gia đình mình!  Nam Quang còn cẩn thận đem theo đàn nữa các bạn ơi! Nhưng trong không khí sôi nổi, vui tươi, rộn ràng của buổi họp mặt, mọi người đua nhau nhỏ to tâm sự, kể chuyện muôn xưa rồi đưa đẩy đến những chuyện thời sự “thường ngày ở huyện” khắp nơi trên thế giới... không ai còn bụng dạ nào cất lên tiếng hát, lời ca... Vả lại, riêng tôi, tôi cũng miên man đắm mình trong trăm nghìn câu chuyện lòng thòng bất tuyệt, lý thú đó, đến nỗi khan cả tiếng nói lúc nào không hay!



Rồi cô Phạm Thị Nguyệt Nga cùng phu quân là một cựu sĩ quan Hải Quân, cùng tới họp mặt... Cô giáo sử địa của trường mình ngày xưa vẫn còn ấm áp tia nhìn hiền hòa đó - rất chi là nắng mưa thơ mộng Đà Lạt - Cũng với nụ cười dịu dàng, cởi mở, thân thiết đó... Hình như thời gian chỉ có thể nhuộm màu  sương tuyết trên mái tóc của cô, chứ không hề biến đổi cái phong thái dung dị, đôn hậu, dễ mến... của cô ngày nào!


Chỉ tiếc là thầy cô Nguyễn Ngọc Lâm vì con gái Quỳnh Hoa bận họp trễ, không thể đưa anh chị đến được. Riêng Phạm Thị Hiền (65-72) thì ở quá xa (4 giờ lái xe), chị em Tư Thu (66-73), Thu Hà (71-78), Ngọc Lan (69-76), Bùi Viết Tường (63-70)... dù tôi đã có mail gọi mời từ trước, nhưng rất tiếc, các em đó đều bận việc riêng hoặc làm ca đêm nên không thể đến họp mặt chung vui được! Chỉ tội cho Nguyễn Thị Cam, giọng hát vô địch Karaokê nk 67-74 của San Jose, sau bao ngày háo hức, mong đợi gặp lại người thầy cũ... thì đột nhiên bà mẹ bị stroke, phải vào bệnh viện cấp cứu và như thế Cam phải túc trực 24/24 bên giường bệnh để săn sóc bà cụ! Thế là thầy - trò đành phải “say hello” đầy nghẹn ngào, tiếc nuối... qua phone mà thôi! Cam nói: Cam thích nghe lại hương xưa bài Ngọc Lan của thầy, nếu thầy cho nghe lại thì Cam sẵn sàng hát mấy bài qua phone! Hoan hô và cám ơn Cam! Nhưng đành ngậm ngùi sorry Cam thôi: chỉ là vì sau hơn một tuần bị ho và cảm ở Chicago, cái giọng hát “thất thập cổ lai hi” của tôi đã đi lạc đâu đó rất xa, rất xa... chưa chịu “Come back to Sorrento”... với mình! Thôi thì hẹn với Cam một dịp khác nhé! Chắc chắn rồi đây thầy trò chúng ta còn ghe phen gặp gỡ, còn ghe phen ca hát tưng bừng... Trước mắt là “Cái Hẹn 40 Năm của nk 67-74  Giáng Sinh 2014” đang âm thầm mà sôi nổi biết mấy đợi chờ, phải không Cam? Và, mới đây, hình ảnh Cam say sưa ca hát “Xuân này con về mẹ ở đâu” bằng cả một tấm lòng tha thiết đối với mẹ hiền của riêng mình, cũng như đối với những bà mẹ hiền VN muôn nơi & muôn thuở... đã làm cho thầy trò chúng ta, cả làng blog 74 khắp nơi, xôn xao, cảm động vô vàn, các bạn còn nhớ không?

Cứ thế, chỉ vỏn vẹn có mười thầy, cô, trò... (10 là kể cả Tuấn, trưởng nam của anh chị Hai) mà không khí buổi họp mặt quá đỗi vui nhộn, biết mấy tưng bừng, rộn rã... không thua kém buổi họp mặt nào trước đây của tôi với bằng hữu cũ, với học trò xưa trên đất nước Hoa Kỳ...

Chị Hai, Trần Dung và Thanh trổ tài làm bếp: những món ăn quốc hồn quốc túy ngon miệng, đẹp mắt lần lượt dọn lên trình làng: Nào là nồi bún mọc ngon ngọt, thơm tho của chị Hai... làm mình chợt nhớ tới những Cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, ngồi xuýt xoa, vừa húp bún vừa kêu cay, nơi quán chợ Ban mê của một thời ẩm thực vàng son! Dung & Thanh trình làng độc chiêu Gỏi bò đu đủ - món này không may đã đụng hàng với tuyệt chiêu cùng tên gọi của chị Hai - nhưng không biết giữa 2 khay Gỏi bò đu đủ - một làm, một đặt - khay nào đúng là phiên bản 99% của Gỏi bò đu đủ Mạc Đỉnh Chi đây?  

Dung và Thanh còn tăng cường thêm những 3 món nữa: đó là Gỏi cuốn, nem nướng  và bánh bèo... Chao ơi! Cái món bánh dân dã Huế rặt này, mới hấp dẫn thực khách làm sao! Tuy bụng chúng tôi đã lưng lửng rồi mà vẫn cứ mềm môi chén mãi, không đành ngồi ngó!


Cô Nguyệt Nga tặng buổi họp mặt cả một ổ bánh kem Flanc thật to, thật hấp dẫn, thật ngon miệng! Sau khi đã phiêu lưu dọc theo “Con đưòng cái quan” từ Bắc (bún mọc) - qua Huế (bánh bèo) - vô Nam (gỏi bò đu đủ, gỏi cuốn... ), thưa các bạn, thầy trò chúng tôi bèn đánh một lèo qua Tây tráng miệng, món tráng miệng quả thực: sang như Tây, trông ngon mắt như “người em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ” trong thơ Cung Trầm Tưởng, ngọt ngào và thơm ngậy mùi sữa, mùi kem, mùi vanille, mùi Parisien... chánh hiệu con nai vàng!


Những giọng cười, những tiếng nói vui vẻ, chen chúc, xôn xao, triền miên, không dứt... như bạt ngàn thảm vàng rực rỡ đua nở trên đồi núi San Jose mỗi độ xuân về. 

Chợt giọng cười, tiếng nói bỗng đột nhiên ngưng bặt trong một khoảng khắc, trong một phút giây... Thật bất ngờ, từ phía bên kia quầy bếp, hai cô học trò ThBmt xấp xỉ lục tuần, Dung và Thanh, nhẹ nhàng bưng ra một ổ bánh kem sinh nhật tròn trịa, trên bánh có ghi một hàng chữ màu đỏ sậm: “Mừng Thọ Thầy Nguyễn Giõng 70 tuổi”... Mọi người hân hoan vỗ tay, cười nói xôn xao. Tôi ngồi lặng im. Tôi thấy lòng mình đang dâng lên một niềm xúc cảm rào rạt; trong tôi chất ngất như có từng đợt sóng miên man xô dạt... Tôi thấy, tôi còn nợ các em, các học trò... những món nợ ân tình sâu đậm không bút nào tả xiết, mà cũng chẳng bao giờ trả hết được! 





Mọi người lại vỗ tay, reo hò hớn hở khi thấy mấy thầy trò cùng thổi nến, khi thấy mấy thầy trò cùng đưa tay dè dặt cắt ổ bánh, chia sẻ niềm vui sướng ngọt ngào, thơm tho này tới biết bao người hiện diện thân thương... 

Nhưng các bạn ơi, kìa những con số! - lại là con số nữa đó Bích Sơn ơi! - Ta cùng nhớ lại: hai con số 07 & 70 ở cuộc vui Dallas là do chính bàn tay “phù thủy siêu quậy Bích Sơn” cố tình xếp đặt; còn hai con số 10 & 70 trong buổi họp mặt San Jose là do Dung Trần “oan ơi ông địa” mà ra! Mọi người xôn xao thắc mắc: “Sao cái con số 7 lại giống như con số 1 quá vậy? Dung có lấy số nhầm không? Hay Dung cố tình cầu chúc người thầy trẻ thêm ra mươi tuổi nữa? Ngay cả Cái Oanh ở Úc Châu cũng hô hoán ầm ĩ lên: “Số 10 đứt đuôi rồi chớ còn gì nữa? Như vậy, thầy chúng ta sẽ thọ thêm những 60 năm nữa! Ha! Ha! Ha!...” Ta hãy nghe Dung vội vã phân trần: Dung đã thấy điều đó ngay từ khi họ đưa ra con số 7! Dung đòi họ đưa con số 1 trong tiệm bánh để so sánh. Và, Dung thấy số 1 có nét ngang trên đầu ngắn cũn cn chứ không dài như con số 7 này đâu!... Các bạn làm chứng nhé, rành rành Dung thật tình bị  “oan ơi ông địa”, chứ đâu như Bích Sơn khét tiếng siêu quậy từ đời... Gia Long - Minh Mạng, cố tinh phù phép “Úm ba la: ông thầy 70 thành ra James Bond (0)07”!




Con số 1 "oan ơi ông địa"
của Trần Dung


Chỉ có điều, Dung ơi! Đáng lẽ ta nên cắm lệch chiều thẳng đứng con số 7, thì số 7 sẽ muôn đời là con số 7, để bất cứ ai nhin vào, cũng phải tâm phục khẩu phục, không còn nghi ngờ gì nữa, không còn  cầm nhầm con số này là con số kia! Nhưng, nếu xét theo khía cạnh tích cực, thì, sự nhập nhì nhập nhằng giữa mấy con số, khởi đi từ Dallas, kéo dài tới San Jose, trong biết bao ngày, phải chăng, nhờ đó, các buổi họp mặt của chúng ta, về lâu về dài... sau này chắc hẳn càng thêm phần vui vẻ, thêm phần sôi nổi, thêm phần hào hứng, đậm đà?

Ngày hôm sau, thứ tư, 16/01, Trần Dung lấy một ngày nghỉ để đưa Thầy, cô Dũng và tôi đi ngoạn cảnh San Jose. Dung mua vé đưa chúng tôi đi du lãm một lâu đài nhỏ có lối kiến trúc vô cùng quái dị... nổi tiếng từ cuối thế kỷ 19 cho đến thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Đó là ngôi nhà ma quái “Winchester Mystery House”... Ngôi nhà bí ẩn có cả hơn trăm phòng, có hàng ngàn cửa sổ mở ra bốn phương tám hướng... Bên trong, đường lúc thì chợt đi lên, lúc thì chợt đi xuống, lúc thì chợt r trái, lúc thì chợt r phải; quanh co, tối ám, lạnh lẽo, âm u... như mê cung đồ trận, như mê lộ đoạn trường. Và, đâu đó, sau một khúc quanh, sau vài cánh cửa, khi thì thật, khi thì giả; sau lối vào, lối ra... dẫn tới vô số ngõ cụt... là những sững sờ cạm bẫy... điếng người! Nghe nói chủ nhân ngôi nhà ma quái này là một bà Mỹ giàu có, vì để đánh lừa một hồn ma bóng quế đối thủ làm ăn, luôn bám theo ám ảnh, ám quẻ, làm hại bà... thầy phong thủy đương thời đã đề nghị bà phải xây lui, xây tới ngôi nhà ma quái này mãi mãi, không bao giờ được hoàn tất! Và như thế, ngôi nhà này được xây cất, trải qua gần bốn thập niên mà vẫn chưa xong! 

Thầy Giõng trong khi chờ đợi người hướng dẫn
để tham quan Winchester Mystery House


Thầy Giõng đứng ở sân trong của Winchester Mystery House


Thầy Giõng và Cô Dũng trước khi đi tham quan
Winchester Mystery House


Thầy Dũng và Thầy Giõng ở mặt tiền của
Winchester Mystery House


Thầy GIõng, Cô Dũng và Thầy Dũng


Thầy Giõng trước mặt Winchester Mystery House


Thầy GIõng, Cô Dũng và Thầy Dũng
Thầy Dũng oai vệ bên Cô


Bản đồ Winchester Mystery House

Buổi chiều sau khi du lãm Winchester Mystery House, anh chị em, thầy trò chúng tôi tạm biệt nhau trong nuối tiếc, bâng khuâng, trong than thở bùi ngùi: Ôi! Ngày vui sao mà quá ngắn! Và, để kéo dài thêm phút giây hội ngộ, tối hôm sau, 17/01, anh chị Hai lại mời thầy trò chúng tôi đi ăn tối: Bún chả Hà Nội, Chả cá Lã Vọng, cùng là uống trà nóng Thái Nguyên (?)... Ngồi đánh chén tì tì với anh chị Hai, với Trần Dung... mà cứ tưởng như mình đang phiêu bạt nơi chốn quê nhà, như đang thưởng thức mấy món đặc sản miền Bắc, kèm theo đâu đó, phảng phất một chút trăng nước, một chút nắng mưa, một chút sương gió Hồ Tây, giữa không gian bát ngát, chúng tôi nghe và cảm và thấy biết bao mùi vị thơm tho, hấp dẫn đầy phong cách Thạch Lam của Hà Nội 36 phố phường! 

Bữa tiệc đời nào rồi cũng phải tàn, niềm vui sum họp hôm nay, rồi một mai sẽ lắng lòng chia xa - cách biệt! Trời đã khá muộn, Dung lái xe đưa anh chị Hai về, rồi đưa tôi tới nhà một người bạn... Khi chia tay với Trần Dung, tôi thầm nghĩ: chắc cũng phải hơn 11 giờ đêm Dung mới về tới nhà. Ngày mai thầy cô chúng tôi đã già, đã retired, thì thầy cô chúng tôi... có quyền đẩy một giấc tới trưa... Chỉ tội cho Dung, chắc hôm sau lại phải dậy thật sớm, lò dò tới sở làm, bề bộn với trăm công ngàn việc điện tử đang chờ, đang đợi bàn tay cần mẫn của Dung! Ôi! Có thế mới tỏ tường được tấm lòng học trò Ban mê đối với thầy, cô cũ... thật đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng biết bao!

Và cũng đáng được ghi nhớ, cũng đáng được trân trọng là Ngọc Lan (69-76). Mấy hôm trước, Ngọc Lan đã ân cần cáo lỗi không thể tới dự đêm họp mặt, thì ngay vài hôm sau, thứ sáu, 18/01, Ngọc Lan cũng lấy nguyên một ngày nghỉ chở tôi đi du lãm loanh quanh San Jose, thăm thú vài cái Mall , trung tâm thương mãi người Việt mới xây cất, nơi người bán, người đi coi có lẽ nhiều hơn người mua sắm... đi ăn trưa, rồi tình nguyện lái xe đưa thầy ra phi trường để bay v Nam Cali... Ngọc Lan chở tôi đến một cái Park nên thơ, đầy cây xanh, bóng mát, với mây trời phơi phới, với hồ nước long lanh, với từng đàn chim nước, từng đàn vịt trời, từng đàn thiên nga đen... tung tăng bơi lội... Rong chơi nơi đó, lòng mình chợt thấy thanh thản, nhẹ tênh, như vừa gột bớt đi chút trần ai tục lụy, để được đắm chìm trong thiên nhiên, với mây nước thênh thang, với nắng gió sực nức hương xuân, đong đưa ngàn cây nội cỏ hữu tình...

Thầy Giõng ở San Jose Japanese Friendship Garden

Cảnh hồ ở San Jose Japanese Friendship Garden




Ngọc Lan

Thầy Giõng và Ngọc Lan


Thầy Giõng trước Century Mall,
một trung tâm thương mại của người Việt ở San Jose


Thầy Giõng và Ngọc Lan trước Century Mall

Thày Giõng ở một cửa tiệm trong Century Mall

Khi chiếc máy bay Southwest chênh chếch cất cánh trên phi đạo, đưa tôi dần dà rời xa San Jose, vùng đất có tên gọi vừa nên thơ, vừa tươi thắm, phảng phất đâu đó, một chút ý vị quý phái, lộng lẫy, kiêu sa: “Thung lũng Hoa Vàng”.
 
Này các cô cậu học trò thân thương ơi!

Các em có biết: tin Xuân vừa mới tới bên đời! Và, mùa này, đất trời San Jose có còn lộng gió bốn phương? Và, mùa này, núi đồi San Jose có âm thầm khoác áo lụa vàng rực rỡ? Mà, sao bỗng dưng mắt tôi thấy nhè nhẹ cay cay... tôi thấy tôi tựa hồ như đang ngoái nhìn lại trời mây, sông nước, núi đồi, cây cỏ, phố thị... San Jose qua một màn sương khói mênh mang... Và, trong cái màu nắng cuối ngày vàng khô, lãng đãng, nghe mơ hồ đâu đó, lòng tôi đang réo gọi những hình ảnh cũ, những thân tình xưa... mà từng giây, từng phút qua đi, tôi biết, rồi đây sẽ gợi nhớ trong tôi đến tê tái, đến se thắt, đến ngậm ngùi:

                   Ô! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!
                Có ai đàn lẻ để tơ chùng?
                Có ai tiễn biệt nơi xa ấy
                Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...

                                                             Huy Cận



Nguyễn Thủy Nam, S.A. Feb 03 - 2013

No comments:

Post a Comment