Friday, November 17, 2017

Chuyện dài Mongolia - Người Kazakh

Như đã nhắc trong phần trước khoảng 90% người Kazakh sống ở tỉnh Bayan-Ulgii. Tất cả 6 người trong nhóm hướng dẫn cho chúng tôi đều là người Kazakh với người trưởng nhóm tên Tilek. Anh là người duy nhất nói tiếng Anh trong nhóm nên khi cần điều gì chúng tôi đều nói với anh. Nếu anh không có ở đó thì chúng tôi đành dùng dấu tay nói chuyện với những người kia. Tilek người nhỏ con, tính tình hiền hòa, điềm đạm. Trên môi anh lúc nào cũng nở nụ cười, vậy mà trên mặt lại mang một cái thẹo dài. Hỏi ra mới biết, một ngày đẹp trời anh cùng người nhà đang ngồi trong một quán ăn bỗng xảy ra một cuộc tranh chấp. Hai người vừa đứng lên định tránh ra chỗ khác thì anh bị nguyên một chai rượu phang vào mặt với miếng mảnh chai cắt sâu vào một bên má và từ đó mang theo vết thẹo dài.

Tilek có bằng cử nhân Anh Văn và làm cho những công ty cần giao dịch bằng tiếng Anh từ lúc ra trường đến nay đã gần 20 năm nên anh nói tiếng Anh thật lưu loát. Điểm đáng phục ở Tilek là ngoài giờ làm việc, anh bỏ công trong nhiều năm soạn cuốn tự điển Kazakh-English. Đây không phải là một chuyện mà ai cũng có thể làm được. Mặc dù phần soạn thảo đã xong từ lâu nhưng anh không có tiền để in thành sách. Sau khi biết được hoài vọng của Tilek, một người bạn của ông Oliver tham dự khóa nhiếp ảnh này vào năm ngoái đã ủng hộ một nửa số tiền in. Không những vậy khi về lại Mỹ, ông vận động quyên góp thêm cho đủ số tiền để Tilek có thể in được phần đầu của quyển tự điển với 17 ngàn chữ và số ấn hành là 300 quyển. Lần này khi chúng tôi đến, Tilek đem ra khoe cho ông Oliver ngay và nhờ ông chụp hình để đem về cho những người bạn của ông Oliver đã ủng hộ để cho cuốn tự điển này được thành hình. Sau khi nghe chuyện, tôi cũng mua một quyển tự điển nhưng nhờ Tilek chọn tặng cho một ngôi trường ở Ulgii.

Tilek

Cuốn tự điển Kazakh-English

Nằm giữa hai nước Nga Sô và Trung Quốc nhưng Mông Cổ lại chịu ảnh hưởng của nước Nga nhiều hơn, từ chữ viết cho đến rượu vodka, xe hơi, v.v... Họ dùng tất cả những mẫu tự của tiếng Nga và thêm vào một vài mẫu tự nữa để có thể diễn tả đầy đủ những phát âm cần thiết trong tiếng nói của họ.

Nếu đọc những trang nói về việc đi du lịch ở Mông Cổ, gần như nơi nào cũng nhắc đến chiếc xe minivan của Nga (Russian minivan). Loại xe này rất phổ thông ở Mông Cổ mặc dù ngồi không êm tí nào cả. Lý do rất giản dị, xe rẻ, bền mà lại dễ sửa vì mọi người đã quen bệnh của nó. Nếu bị nằm đường, chỉ cần khoảng nửa tiếng là họ có thể làm cho xe chạy lại ngay.

Russian minican

Ở Mông Cổ mọi người lái xe bên tay phải. Trên nguyên tắc, nếu lái xe bên tay phải thì tay lái nằm phía bên trái và ngược lại để có thể nhìn xe đi từ chiều bên kia. Điều không ngờ là ở Mông Cổ không có tiêu chuẩn gì về bánh lái cả. Xe tay lái bên nào cũng được cả. Chiếc xe minivan trong hình có tay lái bên trái nhưng hai chiếc xe SUV lại có tay lái bên phải. Khi được hỏi thì họ cho biết những chiếc xe với tay lái bên phải là những chiếc xe cũ nhập cảng từ Nhật và có giá rẻ hơn xe có tay lái bên trái.

Trước khi đến Mông Cổ, tôi có tìm đọc trước về nơi này và tìm thấy một số điểm tương đồng với những quốc gia đang phát triển ở Á Châu như hạ tầng cơ sớ thấp, tham nhũng, ô nhiễm, v.v... Tôi cũng đinh ninh sẽ thấy nhiều xe gắn máy và xe đạp như ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Đặt chân đến đây mới thấy mình lầm to vì thấy phần lớn là xe hơi, còn xe gắn máy chỉ lưa thưa vài chiếc.

Nhớ hai hôm trước lúc ở Ulaanbaatar, xe chúng tôi đi trên con đường hai chiều đằng sau một chiếc xe vận tải chạy cà rịch cà tang. Chiếc xe này có bánh lái bên tay phải và đường thì hẹp, mỗi bên chỉ có đủ chỗ cho một chiếc xe. Chú tài xế  muốn qua mặt nhưng không làm được vì không thể nào thấy được xe chạy ngược chiều phía trước. Chú phải nhờ người ngồi bên cạnh xem chừng và cho chú biết khi nào có thể lách ra để phóng qua mặt chiếc xe vận tải phía trước!

Đến một đoạn sông, mọi người đang dáo dác phóng mắt nhìn xem có cây cầu nào không, chưa kịp thấy đâu thì chú tài xế đã phóng xe lao xuống nước cái ào không cần biết nông hay sâu. Vài phút sau, chú đã qua đến bờ phía bên kia. Và dĩ nhiên chiếc minivan cũng lội sông ngon lành. Không những chỉ một khúc nước đó mà còn thêm vài khúc khác nữa. Thêm một điều  khó khăn nữa là chỗ lên và chỗ xuống không có bảng hướng dẫn gì cả nên có đi quen mới biết khúc nào có thể lái qua được.




Những người Kazakh chăn nuôi súc vật thường sống theo lối du mục (tạm dịch từ chữ nomad). Họ sống trong những căn lều tròn. Những căn lều này có thể gỡ ra trong vòng 1 tiếng và di chuyển đến nơi khác để dựng lên trong cùng một ngày. Mỗi căn lều đều có một cái lò nhỏ vừa được dùng làm sưởi, vừa để nấu nướng.

Vì ở xa thành phố nên những nơi này không có điện hay nước, họ hay dựng lều hay làm nhà cạnh những dòng nước nhỏ để có thể dễ dàng lấy nước dùng hàng ngày. Và cũng vì những giới  hạn này, ông Oliver mướn một chiếc máy phát điện nhỏ để mỗi căn lều của chúng tôi đều có đèn sáng vào buổi tối cũng như có thể xạc pin cho máy hình và máy laptop hàng ngày.


Để chống cái lạnh giá buốt của mùa đông, họ phải dùng than để sưởi ấm nên những thành phố lớn với đông dân cư như Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng nề trong suốt mùa đông.


Hàng năm, họ di chuyển chỗ ở it nhất hai lần. Mùa hè, họ lên núi vừa cho mát vừa để tránh ruồi muỗi từ nước đọng trên đồng sau những cơn mưa của mùa hè. Qua mùa mưa, họ trở lại vùng thung lũng đất bằng.

Khi trời quá lạnh, họ chuyển cả gia đình vào những căn nhà gạch nhỏ, sơ sài, tường trét vội, để tránh cái giá lạnh của mùa đông, Trần nhà của họ chỉ cao khoảng 7 ft đến 8ft, cửa vào khá thấp nên đa số những người đàn ông trong nhóm khi bước vào đều phải cúi xuống một chút để khỏi bị đụng đầu. Bên trong chia làm 4 hay 6 phòng nhỏ, chưng biện sơ sài. Bên cạnh nhà là một cái chuồng nhỏ để chăm nuôi súc vật mới sinh hoặc bị đau ốm. Gần như nhà những người du mục nào cũng có  một chiếc xe hơi và một chiếc xe gắn máy. Mỗi loại xe này đều có sự tiện dụng riêng của nó.



Có một vài căn nhà đã bắt đầu dùng năng lượng mặt trời đưa vào những bình điện nhỏ trong ngày để thắp đèn trong nhà hay trong lều vào buổi tối.


Nhà vệ sinh ở những nơi này thật giới hạn. Lúc cần thì chạy ra ngoài đồng và ở đây chuyện này thật đúng nghĩa với việc ra ngoài đồng. Thường đó chỉ là một chỗ đào sơ sài cách nhà vài trăm thước và được che bằng miếng ny lông thấp chung quanh để tạm giữ sự kín đáo. Ban ngày thì không nói làm gì nhưng ban đêm ở đây tối như mực, những lúc trời mưa, lạnh hay có tuyết rơi mà phải chạy ra đồng thì thật là khổ!

Chạy lẹ ra đồng...

Lúc đi ngang một căn nhà, chúng tôi thấy một cô bé ngồi chơi một mình bên cạnh nhà. Đồ chơi của cháu thật giản dị, chỉ có vài cái lon và đất cát. Lát sau cậu anh ra  ngồi chơi với em gái. Ở đây nhà nào cách nhà đấy khá xa nên khó có chuyện đi qua hàng xóm chơi chút xíu rồi về. Nhìn hai anh em chơi với nhau thấy thương hết sức! Một vài miếng kẹo làm quà có lẽ cũng mang lại một chút niềm vui cho hai cháu.



Trước khi rời phi trường Ulgii, ông Oliver đã cho cả nhóm  biết là chỗ sắp đến không xa lắm, chỉ vài chục cây số nhưng sẽ mất khoảng ba tiếng với nhiều lý do khác nhau. Lý do đầu tiên là đường đất, đến lúc vào vùng thung lũng nơi người ta chăn nuôi thì mặt đất gồ ghề. Xe hơi chỉ có thể nhích từng bước một qua mỗi ụ đất. Những chỗ như thế này chắc chắn xe gắn máy và đi ngựa sẽ nhanh hơn nhiều.


Lúc gần đến nhà của người eagle hunter thì không còn đường đi rõ ràng nữa. Mấy chú tài xế chỉ biết nhắm hướng mà đi. Ông Oliver cười cười bảo cả đoàn "Giờ giấc ở Mông Cổ rất uyển chuyển. Mọi người chờ xem nhé, mấy chú này lái một đoạn rồi dừng lại, lấy điện thoại ra gọi lia lịa. Họ lên xe lái thêm một khúc nữa rồi dừng lại gọi tiếp. Sau vài ba lần như vậy, sẽ có người chạy xe gắn máy đến dẫn đường cho cả đoàn về đến nơi". Và quả đúng như vậy!

Cuối cùng cả đoàn cũng đã đến nơi sau 2g chiều với 4 căn lều chờ sẵn. Trong khi mọi người đem hành lý vào lều thì bà đầu bếp bắt tay ngay vào việc. Chỉ nửa tiếng sau, bà đã cho mọi người thưởng thức những món ăn nóng hổi, thật ngon miệng để xoa dịu cơn đói của những người lữ hành!



Trần Dzung
11/2017

Câu chuyện kế tiếp: "Chuyện dài Mongolia - Đời sống du mục"
https://nhom-thbmt74.blogspot.com/2017/11/chuyen-dai-mongolia-oi-song-du-muc.html

3 comments:

  1. Bây giờ mới biết "thực tài" của Dzung là viết hồi ký vạn dặm! Xưa nay chỉ biết Dzung giỏi về computer mà thôi.
    Không gì thú vị bằng chuyến đi này giống như là "thi lên đai" của tay nghề nhiếp ảnh hả Dzung?

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Tập 2 này có một điều đặc biệt là cuốn Tự điển: Thật là một công trình đồ sộ và tấm lòng tác giả Tilek thật kiên trì. Quá giỏi! Đáng khâm phục!
    Viết hay sắp xếp một cách hệ thống hết chừng đó chữ thì phải là người yêu chữ nghĩa vô hạn mới làm được.
    Hoan hô Dzung đã mua cuốn sách ấy và tặng cho thư viện.
    Tấm lòng của những người bảo trợ tiền in sách cũng thật đáng quý xiết bao!

    ReplyDelete
  3. Sau khi tìm hiểu đại cương về nước Mongolia và nhóm người thiểu số Kazakh qua [Search Google] và https://en.wikipedia.org , tôi háo hức đọc/xem tiếp bài kèm hình minh họa "Chuyện dài Mongolia - Người Kazakh" phần vì CHS Dzung Tran đã đi du lịch tham khảo ở một địa phương mà tôi chưa hề đọc và nghe nói tới, một phần vì trong và cuối thế kỷ thứ 13, quân Nguyên Mông dưới quyền tổng chỉ huy của Đại Đế Kublai Khan -cháu Thành Cát Tư Hãn- đã chinh phục xong toàn cõi Trung Hoa và nhiều vương quốc khác nhưng lại thảm bại khi 3 lần điều thủy và bộ binh xuống thôn tính Đại Việt.
    Đọc/xem kỹ chặng 2 này, tôi nhận thấy qua phần thuật sự mạch lạc và lôi cuốn, qua phần hình ảnh minh họa chuyên nghiệp, Dzung Tran đã thành công trong mục đích giới thiệu một số sinh hoạt và phong cảnh đặc thù trên vùng đất bao la vừa hoang sơ, vừa hùng vỹ của nước Mông Cổ đa đảng và có bầu cử dân chủ kể từ năm 1991 khi Liên Bang Nga Sô-Viết giải thể.
    Tôi xin góp ý thêm với nhận định của CHS Huong Pham về cuốn Tự điển (hình #2). Nhìn hàng chữ viết tiếng Mông Cổ dùng mẫu tự Nga (Cyrillic script) trên hàng chữ KAZAKH ENGLISH DICTIONARY, tôi hiểu tại sao dù nay đã độc lập nhưng Mông Cổ (khác với Nội Mông là một khu tự trị thuộc Trung Quốc) vẫn còn chịu ảnh hưởng của nước Nga trong các lãnh vực như văn hoá, kinh tế,.... (en.wikipedia).
    (Hình #12):Dzung Tran viết ở đây nhà nhà đều có xe hơi, xe gắn máy. Tôi suy diễn có lẽ như ta trước kia, người Kazakh cũng thích "Nhất quận công, nhì ỉa đồng" chăng (:-)?
    (Hình #13 & #14): Tôi thấy tôi và các bạn cùng lứa tuổi tiểu học qua 2 hình này. Hồi đó, ống bơ (Bắc) & lon (Nam) là phụ tùng khó kiếm được để chúng tôi đục lỗ rồi xỏ giây gai làm tê-lê-phôn. Tôi mừng cho hai cháu Kazakh biết tự sáng chế đồ chơi. Ở Mỹ, ngày nay con trẻ vì được cho nhiều đồ chơi quá nên vừa thiếu sáng kiến về khoản này, vừa chóng chán, vừa hay đòi thêm. Tôi sợ lớn lên một số sẽ không hiểu biết thế nào là "đủ".
    BDChi

    ReplyDelete