Xe chạy suốt đêm, từ Yangon đến Bagan. Quá mệt mỏi, tôi mất hết ý thức về thời gian và không gian. Thỉnh thoảng tỉnh giấc, tôi biết được xe đang lên đèo, với tiếng máy xe dội vào vách núi ì ầm. Mở mắt nhìn, ngoài trời tối đen. Ánh đèn pha của xe thỉnh thoảng quét hai bên đường cho thấy đường đèo núi thâm u, cây cối dày đặc.
Còn đang mơ màng thì đèn trong xe bật sáng, tiếng người lơ xe nói một tràng gì đó. Tôi lại hé mắt nhìn qua cửa kính. Trời hừng sáng rồi! Hình như xe đang vào thị trấn. Chỉ thấy thỉnh thoảng vài nóc nhà tềnh toàng. Kệ! Cứ ngủ nướng thêm chút nào hay chút nấy.
Cuối cùng thì xe cũng dừng hẳn. Tiếng người xôn xao bên ngoài. Xe đã vào và đậu ở bến rồi. Dậy thôi!
Bến xe Bagan. Ở đây cánh xe thồ hoạt động rất náo nhiệt, nhưng tuyệt
nhiên không có cảnh lôi kéo, giành giật du khách. Tây ba-lô tấp nập. |
Wai Zin, bác tài trẻ lái chiếc mini-bus, đứng ở đó đợi chúng tôi từ bao giờ với tờ A4 ghi tên con gái tôi.
Wai Zin yêu cầu xem chương trình du lịch của chúng tôi để sắp xếp lại. Vì là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, tiếng Anh rất tốt, Wai Zin đề nghị sắp xếp lại chương trình cho hợp lý.
Thấy trời đã sáng, Wai Zin đưa chúng tôi đi thăm ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất Bagan: Shwezigon Pagoda.
Người Miến Điện tin rằng nếu trong cuộc đời một người mà có thể hành hương đến 7 nơi linh thiêng nhất ở Miến Điện thì coi như không có gì phải nuối tiếc trong cuộc đời này nữa, mọi sự viên thành. Bảy nơi đó là: Shwedagon Pagoda ở Yangon, Kyaiktiyo Pagoda ở Mon State, Shwezigon Pagoda ở Bagan, Sutaungpyei Pagoda ở Mandalay, Mahamuni Pagoda ở Mandalay, Hpaung Daw U Pagoda ở Inle Lake và The Pindaya Caves ở Shan State.
Trước cổng chùa. Như hầu hết chùa chiền ở Miến Điện, một cặp lân rất lớn
“trấn” ngay cổng chùa. Linh vật này là biểu tượng được in trên tiền giấy của Miến Điện như đã thấy. |
Sân chùa, đối diện với bốn cổng đông-tây-nam-bắc. Khách vào cổng nào nhớ ra đúng cổng đó, rất dễ bị lạc! |
Chùa đang trùng tu. Tháp được bao quanh bởi giàn giáo bằng tre, bên
ngoài lại được bọc che bằng bạt. Toàn mặt tháp được dát lại bằng vàng. |
Đây là tháp chùa khi chưa được dát lại vàng. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Họa tiết chung quanh tháp chùa. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Chùa được bao quanh bởi tường dày cổ kính, lác đác những gốc me đại thụ hàng trăm năm. Một tượng bạch tượng được dựng lên theo lịch sử của ngôi chùa.
Tại đây, lóng ngóng thế nào, tôi làm rơi máy ảnh xuống một vũng nước. Cuống cuồng nhặt lên rồi vảy nước lia lịa. Khởi động lại máy: màn hình đen thui! Nguy to, cả nghìn tấm hình chụp từ khi đặt chân đến Myanmar đến giờ không biết có cứu vãn được không. Rầu quá!
Chúng tôi rời chùa đi ăn sáng. Khu dân cư ở đây mang nét ngoại ô, sinh hoạt lặng lẽ, thanh bình.
Đường sá tiêu biểu ở khu New Bagan. |
Quán ăn rất bình dân, nền đất, vách quán xập xệ. Thực khách là những người lao động đúng nghĩa.Thực đơn được nấu nướng ngay trước cửa hàng. Một trong những món tôi quan sát thấy nhiều thực khách gọi, đó là món được làm từ bánh bột nhão. Bột được nghiền từ một loại đậu đặc sản Miến Điện, rất ngon. Bánh bột được đầu bếp ép cho dẹt bằng tay trên chảo nóng, mặt bằng phẳng như nồi nấu bánh cuốn, nhưng bóng nhẫy dầu mỡ. Hai tay cầm lấy mép tấm bột, bằng một động tác điệu nghệ như xoay tấm lưới rồi tung ra. Tung vài lần như thế, tấm bột mỏng dần. Tấm bột được đặt lại lên chảo phẳng. Vài quả trứng gà đập ra rồi đổ lên tấm bột. Bằng một chiếc đũa dẹt, hai bên mép tấm bột được cuốn và phủ lên mặt trứng đã dần chín. Món ăn được đặt lên đĩa rồi dọn cho thực khách, sau khi đầu bếp cắt chéo làm bốn phần.
Tiếc quá! Máy ảnh vừa hỏng nên không chụp được công thức nấu nướng này.
Bagan, quần thể đền đài cổ
Wai Zin giải thích rằng khu này gọi New Bagan, để phân biệt với Old Bagan, không có người ở, là nơi chúng tôi sẽ đi thăm suốt hai ngày ở đây. Trước đây, người dân ở khắp nơi trong Old Bagan, sau đó chính quyền quân đội yêu cầu người dân dọn nhà hết ra ngoài khuôn viên đền đài để bảo vệ di tích. Tuy vậy, ở khu New Bagan, nhà dân làm sát với một số chùa tháp lác đác, nhưng không vì thế mà chùa tháp bị xâm hại. Có khi ngay cổng nhà dân, một tháp chùa cổ kính nằm sát lối đi.
Đế chế Pagan (Pagan là tên một vương quốc xưa ở Miến Điện, để phân biệt với Bagan là thành phố cổ, cố đô của Pagan, và ngày nay thường được hiểu là quần thể đền đài cổ) được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13. Hơn mười nghìn ngôi đền lớn nhỏ được xây dựng trong thời gian này, trên một đồng bằng có diện tích hơn 100 km2. Ngày nay, chỉ còn khoảng 2200 ngôi đền còn lại. Chúng tôi được giải thích rằng những ngôi đền “rỗng”, có nghĩa là bên trong có lối đi và bệ thờ thì gọi là “đền” (temple), còn “tháp” (chedi) thường “đặc ruột”, nghĩa là không có lối vào và không thờ phượng gì trong đó. Nếu tháp được xây để cất giữ xá lợi thì được gọi là stupa.
Thatbyinnyu Phaya ở quần thể đền đài Bagan là một ngôi đền, vì có cửa vào đền, bên trong có tượng thờ. |
Đây là những tháp cổ, tàn lụi nhưng vẫn được giữ nguyên trạng. Hình chụp trước Chùa Hang ở Chiang Đao, Thái Lan, tháng 2/2013. |
Sau khi biết máy ảnh của tôi có sự cố, Wai Zin chở chúng tôi về nhà anh trước khi đến khách sạn.
Nhà Wai Zin nghèo, vách phên hở, nhưng anh vẫn hồn nhiên giới thiệu với chúng tôi vợ và cô con gái xinh xắn học lớp năm tiểu học. Sau đó, anh kiên nhẫn lấy máy sấy tóc hong máy ảnh cho tôi. Độ 15 phút sau thì màn hình trắng dần dần. Hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp.
Chúng tôi đến khách sạn nhận phòng đã đặt trước.
Khách sạn chúng tôi ở. Khách sạn ở đây có kiến trúc đại để như thế:
trệt, thường một lầu, rộng rãi, làm bằng gỗ, không gian thoáng mát. |
Sân sau khách sạn, cũng là nơi dùng điểm tâm. Hai bên là phòng trọ. |
Nhận phòng, sắp xếp hành lý, nghỉ ngơi dăm phút, chúng tôi xuống sân sau uống cà-phê rồi khởi hành thăm cảnh vật ở Bagan.
Tại quầy tiếp tân, chúng tôi hỏi nhân viên chìa khóa phòng vì từ lúc nhận phòng chưa thấy họ giao chìa khóa. Cô nhân viên ngớ ra, cố giải thích rằng … phòng không có chìa khóa! Chúng tôi cũng ngớ ra. Sau cùng cô cam đoan rằng … đừng lo! Sẽ không có sự cố gì xảy ra đâu.
Chúng tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Lo đi chơi cái đã.
Wai Zin đưa chúng tôi ra bờ sông.
Đây là một trong số hàng chục nghìn ngôi đền trong Old Bagan, nằm bên dòng Irrawaddy, con sông huyết mạch của Myanmar. |
Dòng sông Irrawaddy, nhìn từ ngôi đền. |
Tường thành xưa bên dòng thời gian. |
Trước khi dùng bữa trưa, chúng tôi còn đủ thời gian thăm chùa Ananda Phraya, Một trong những ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở Bagan.
Ananda Phraya thờ Bồ Tát Ananda nổi tiếng ở Bagan. Cổng vào chính. |
Tượng Ananda, thị giả của Phật Thích Ca, đẹp lộng lẫy. |
Một góc chùa Ananda. |
Toàn cảnh chùa Ananda cổ kính. |
Xế trưa, chúng tôi vào một quán ăn sát bên chùa. Có lẽ cũng cần nói rõ rằng, đối với tu sỹ Miến Điện, những người theo Phật giáo Tiểu thừa (Theravada Buddhism), không kiêng khem hay chấp nê trong ẩm thực, nghĩa là không có khái niệm “chay”. Mỗi ngày chỉ dùng bữa hai lần, sáng và trước chính ngọ. Sau buổi trưa sẽ không ăn gì nữa, ngay cả khi lỡ bữa trưa, và chỉ uống nước đến sáng ngày hôm sau.
Chúng tôi cũng không phải kiêng khem gì sất. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thích món rau củ, vốn tươi và có vị ngọt đặc biệt.
Lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra món xoài xay ở đây. Ly sinh tố này có vị thơm tự nhiên, hơi “hoang dã” của loại trái cây Miến Điện này.
Uống ly cối này mới đã thèm làm sao! |
Ơ hay! Bọn chim này không biết sợ hay sao mà lại làm tổ ngay trên đầu và trong tầm với của thực khách? |
Sau bữa trưa, chúng tôi dành cả buổi chiều để thăm khu đền đài cổ Bagan và ngắm cảnh hoàng hôn ở đây.
Như đã đề cập, khu đền đài này rộng bao la, trên 100 km2, nên không thể nào đi hết được trong vài ngày. Bác tài chỉ đưa chúng tôi đến những đền đài tiêu biểu mà anh cho là đẹp nhất.
Trên mọi nẻo đường đất lẫn ngõ ngách dẫn đến các đền đài lớn nhỏ, thỉnh thoảng chúng tôi gặp các cô cậu tây ba-lô ngược xuôi trên những chiếc xe đạp hay honda gò lưng xông xáo. Vẫn khiêm nhường tự nhận là dân “bán phượt”, sức khỏe yếu nên tôi không dám “ra gió”!
Xe ngựa là phương tiện đi lại trong quần thể đền đài. Có vẻ dân phượt
khoái phương tiện di chuyển này. Vó ngựa khua lóc cóc trên đường vắng thật vui tai. |
Ngôi đền tiêu biểu trong quần thể đền đài Bagan. Không đủ sức tìm hiểu
tên tuổi của nó, mặc dù trước đền luôn có chiếc bảng ghi rõ lịch sử. |
Vết tích cổ luôn được tìm thấy ở những ngôi đền khác. Hàng nghìn ngôi đền mang kiến trúc khác nhau. |
Đền đài cũng là nơi cư dân địa phương đến chiêm bái, trẻ con hay thanh thiếu niên tìm sân chơi dưới bóng mát. Thật thanh bình! |
Khách thập phương đến chiêm bái một ngôi đền khác. Giày dép bỏ mặc bên ngoài. Một cụm cây lá phất phơ trên vách tường cao. |
Thật may thay, có những ngôi đền rất lớn và cao nên du khách có thể leo lên tận đỉnh trên cùng để ngắm toàn cảnh của quần thể đền đài cổ này.
Ngôi đền này là nơi tập trung nhiều du khách nhất vì vừa cao, vừa có sân
thượng ở nhiều tầng tháp, đủ chỗ cho mọi người ngắm cảnh, nhất là Bagan trong cảnh chiều chạng vạng. |
Muốn lên sân thượng, du khách chịu khó leo lên những bậc thang vừa hẹp,
vừa cao, vừa hun hút. Khó tưởng tượng hai người có thể tránh nhau khi cùng lên xuống. |
Ở một số đền tháp cao khác, hành lang trên cao rất hẹp và phải đi qua bốn “cổng” hẹp đến nỗi một người chiều ngang khiêm tốn như tôi cũng rất khó chui qua lọt. Có lẽ người xưa ở đây làm việc đồng áng chân tay nên không biết bệnh béo phì là gì. Ấy vậy mà tôi đã chứng kiến một bà “bé bự” tây phương cố lách qua cổng hẹp này. Qua được rồi bà ta mừng rỡ hét lên!
Từ chỗ này và đi vòng quanh, tôi có thể ngắm toàn cảnh tứ phía. |
Dưới kia, những đền đài màu nâu đất lô nhô, rải rác, ẩn hiện giữa những rừng cây xanh.
Tôi cảm nhận rằng mình thật hạnh phúc khi đến chốn này, trong buổi chiều tà nhạt nắng, ngắm nhìn cảnh tượng đẹp vô song mà cuộc sống ở đây dường như cách biệt với thế giới bên ngoài, nghe mầu thời gian chậm rãi, trôi trên những ngôi đền hoang phế, tịch liêu. Những hồn xưa dường như đang hiu hắt vọng về.
Một ngôi đền gần đó. |
Từ một góc hoang phế. |
… Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, … Thăng Long thành hoài cổ _ Bà Huyện Thanh Quan. |
… Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, … Bà Huyện Thanh Quan |
Chiều nhạt nắng. Xa xa, thấp thoáng dòng sông Irrawaddy sáng bạc. Mặt trời sẽ khuất bóng bên kia rặng núi thẫm. |
Hồn xưa lẩn khuất đâu đây. |
Thế giới nơi đây tách biệt với cuộc sống ngoài kia. |
Trên đỉnh tháp bên kia, lố nhố du khách đang chiêm ngưỡng cảnh chiều tà. |
Từng cuộn mây xám bay về đâu? |
Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều! … Nương chiều _Phạm Duy |
Chúng tôi đi Miến Điện vào tháng bảy, mưa nhiều, gió to, nên không thả khinh khí cầu, sợ nguy hiểm.
Tháng hai hàng năm, trời nắng trong, ít gió, là thời gian lý tưởng để du khách thưởng thức cái đẹp của Bagan nhìn từ khinh khí cầu. Khinh khí cầu thường khởi hành từ sáng sớm, vào lúc Bagan đẹp rực rỡ nhất. Được biết, hành khách phải trả từ $250-$350 trong một giờ bay trên khinh khí cầu. Vé thường phải được book trước.
Du khách phải chầu chực ở đây từ sáng sớm, khi trời còn mờ sương, để đón
bình minh cùng với khinh khí cầu. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Trời vẫn còn mờ sương. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Hừng đông. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Những tia nắng đầu tiên trong ngày. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Mặt trời đã lên, nhưng cảnh vật vẫn mờ ảo. Hình gia đình chụp, tháng 2/2016. |
Trên đường về, trời đã xẫm tối. Đường đất quanh co không một ánh đèn. Thỉnh thoảng một ánh đèn nhà dân leo lét từ xa len lỏi qua rừng cây. Một cảm giác bất an từ cái vắng vẻ rợn người tăng lên ở mỗi khúc quanh.
Xa xa, một ngôi đền rực sáng. Wai Zin giải thích rằng đây là ngôi đền dát vàng duy nhất có người ở trong quần thể này. Tôi thắc mắc rằng một ngôi đền dát nhiều vàng như thế mà canh gác không đầy đủ thì có sợ trộm cắp không? Wai Zin cười, bảo rằng những vụ trộm vàng từ chùa ở Miến Điện không hề xảy ra. Người Miến Điện chỉ dát vàng vào chùa chứ không lấy vàng đi từ đó. Tôi tư lự … vàng lộ thiên mà lòng người vẫn không động!
Tôi đã từng thăm những đền đài cùng di tích cổ xưa của Thái Lan như Ayutthaya, quần thể Phi Mai ở Khonrat … So sánh về mức đồ sộ cùng nét đẹp kiến trúc thì di tích của Thái Lan chỉ là cậu bé con so với người khổng lồ quần thể đền đài Bagan này!
Rất đáng tiếc, chỉ vì một vài ngôi đền bị hư hao, sau đó lại tu sửa mới nên cả quần thể đền đài Bagan không được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới!!!
Trên dòng Irrawaddy
Chúng tôi đợi Wai từ sáng sớm nhưng gần nửa tiếng sau anh chàng mắt nhắm mắt mở mới lái xe đến. Ngủ quên, rồi xin lỗi rối rít, cuối cùng Wai cũng đưa chúng tôi ra bờ sông Irrawaddy.
Hôm nay không có khách nào ngắm dòng sông lúc bình minh nên trên bờ vắng tanh.
Gió thổi từ sông mát rượi và trong lành. Trời mờ sáng, cảnh vật hai bên bờ sông còn đang mơ màng trong giấc ngủ.
Lòng sông rất rộng, dập dềnh những con sóng màu mỡ phù sa.
Trời mờ sáng. Ghe thuyền neo ở bến đợi khách. Vắng tanh! |
Con thuyền … có bến! |
Thư giãn, nhâm nhi cà-phê. |
Đền đài cô quạnh bên sông. |
Hừng đông. |
Lác đác bên sông … mấy nóc nhà. |
Hàng cổ thụ ven sông. |
Bên kia sông, một con thuyền bé xuôi dòng. Bên tay phải bức hình này là
quần thể Bagan, hướng đông; bên tay trái, dãy núi ở hướng tây. |
Sông nước mênh mông, sóng bạc đầu. Dòng sông màu mỡ phù sa mà tôi có thể cảm nhận được điều này! |
Mặt trời vén mây, ló dạng. |
… Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, Mấy cung trìu mến, như nước reo mạn thuyền. Thiên Thai _ Văn Cao |
Sông nước hữu tình, nên lãng mạn chút xíu à nha! |
Chủ thuyền đãi bữa sáng hấp dẫn trước khi chia tay. |
Núi Popa linh thiêng
Trên đường đi, xe ngựa thường được thấy. Đây là phương tiện chuyên chở phổ biến ở đây. Hành khách đeo bám quanh xe khách hay thượng chễm chệ trên mui là hình ảnh rất quen thuộc. |
Xe dừng để vào một khu chế biến đường và rượu thốt nốt.
Đây là xứ thốt nốt. Nhiều cánh rừng thốt nốt san sát dọc hai bên đường. |
Nhà ở đây từ mái đến cột và vách đều làm từ cây thốt nốt. |
Thân thốt nốt được xẻ ra như ván. Độ bền và chịu được mưa gió phong sương không tồi! |
Quả thốt nốt được bổ ra lấy cùi và nước, đun và thắng keo lại làm đường.
Chỉ có cây thốt nốt cái mới cho quả, còn thốt nốt đực thì cứ … đực mặt ra, vô dụng! |
Đường thốt nốt được làm thủ công. Bảo đảm không thêm phụ gia, không hóa
chất hay chất tẩy trắng. Đường này nấu chè, ngọt dịu và mát rượi. |
Rượu thốt nốt thơm và say đằm. Không tin cứ nhắm thử! |
Nhậu hết một can này mới đã! Wai Zin, bác tài, không biết uống rượu! |
Xe vượt đèo một đoạn dài trước khi đến chân chùa
Popa là ngọn núi cao 1520 mét, vốn là miệng một ngọn núi lửa đã tắt cách đây 2500 năm.Trên đỉnh núi là ngôi chùa linh thiêng Taung Kalat. Từ chân núi lên đến đỉnh chùa, chúng tôi phải vượt hơn 770 bậc thang.
Ngay tại cổng chùa, rất nhiều khỉ ngồi dưới đường, trên bậc đi, hay chạy loạn xị. Suốt mấy trăm bậc thang lên chùa, nơi đâu cũng thấy khỉ, rất nhiều.
Khỉ ở đây rất dữ và … hỗn! Lơ mơ là chúng giật máy hình. Có món gì cầm ở tay là chúng nhìn lom lom, cặp mắt rất … gian!
Trời mưa lâm râm. Các bậc thang ướt nhớp nháp, đi chân trần thấy … nhờn nhợn. Kinh nhất là mùi phân khỉ, rải rác khắp nơi và suốt dọc cầu thang. Hình như chúng không ý thức về việc giữ vệ sinh tối thiểu.
Trời mưa lất phất. Dưới kia trời mù sương, cảnh vật đẹp huyền ảo. |
Cây cối vẫn vươn mình bên vách núi cheo leo. |
Gần đến đỉnh núi rồi. Tháp chùa lồ lộ. |
Vách đá cheo leo. Bái phục nỗ lực của con người, vận chuyển vật liệu để xây chùa trên đây. |
Tượng Phật trong chùa trên đỉnh núi. |
Đang thơ thẩn ngắm cảnh trên đỉnh núi, bất chợt anh Cửu đến gần thỏ thẻ bên tai: “Anh bỏ quên ví tiền và passport ở khách sạn rồi …”
Tôi hoảng vía: “Mất tiền không sao, nhưng mất passport thì ông… cứ ở lại Miến Điện một mình, hai mẹ con tôi về Thái Lan trước.”
Đương sự mặt xám ngoét: “ … Đừng bỏ anh một mình …! (hộ chiếu mất, tiền bạc mất … Sao đành bỏ anh một mình?”)
Tôi an ủi, mặc dầu trong bụng vẫn đánh lô-tô: “Không sao đâu! Quên đi! Đi chơi cho vui cái đã!”
Lên đến đỉnh núi, đi loanh quanh thăm chùa và tượng dưới cơn mưa.
Từ đây nhìn xuống cảnh quan bên dưới, đẹp quá!
Núi rừng thâm u qua làn nước. |
Xuống chân chùa, rã rời cả chân, bước đi cà nhắc!
Bây giờ mới chợt nhớ ra rằng chúng tôi chưa chụp được toàn cảnh núi Popa. Wai Zin đưa chúng tôi đến một ngôi chùa nằm bên đồi, từ đây có thể chụp Popa Mountain thoải mái. Đây là điểm ngắm Popa số 1.
Popa, ốc đảo trồi lên qua rừng cây dày đặc. |
Vị lãnh tụ đáng kính của Miến Điện, Aung San Suu Kyi, cũng đã từng đứng
tại đây một lần. (Hình không rõ nguồn, có lẽ từ en.wikipedia.org.) |
Popa đẹp với rừng cây bao quanh bên dưới và tàn cây chơ vơ lưng chừng. |
Popa đẹp một cách mê hoặc. |
Có lúc Popa khuất sau làn mây mù. |
“Zoom” một tí để thấy rõ nhan sắc của Popa trước khi rời đi. |
Chúng tôi xuống núi, chạy mới được vài km thì bất ngờ Wai Zin quay đầu xe chạy ngược lên. Anh chàng giải thích rằng sẽ đưa chúng tôi đến một điểm ngắm Popa khác.
Quả đúng như vậy. Bấm hình đến rã tay!. |
Hình như Popa quyến rũ hơn khi nhìn từ xa hơn! |
Popa có vẻ đẹp khác nhau tùy theo ánh sáng bầu trời. |
Nếu có tiền rủng rỉnh thì ngụ tại khu resort này một thời gian cho đã đời du côn! |
Bữa trưa dưới chân đèo Popa. Vẫn ly xoài xay hấp dẫn. |
Về đến khách sạn, anh Cửu phóng lên cầu thang rồi vào phòng. Chiếc ví đặt dưới gối vẫn nguyên vẹn!
Chúng tôi không nghỉ xấu cho ai cả, nhưng một tình cảm yêu mến đất nước và người dân Miến Điện trào dâng trong lòng!
Xế chiều, Wai Zin lại đưa chúng tôi đi thăm và leo lên nhiều đền thờ khác trong quần thể đền đài Bagan. Có ít nhất 15 ngôi đền cao để ngắm hoàng hôn mà ít người biết đến.
Tôi vẫn thích “đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài mà lòng mình thấy u hoài …” (Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn _ Văn Phụng).
Chiều nay, lang thang qua những đền đài hoang sơ, cô quạnh, lẩn khuất trong rừng cây xanh, lòng tôi dường như vẫn còn lưu luyến chốn này.
Hồng A
Sài-Gòn 3/8/2016
Hồng A, Cửu và cháu gái chịu khó và đôi khi còn chịu cực để đi thăm viếng nhiều nơi thật. Sao cứ "kêU yếu" là sao vậy? Đã thế còn chụp rất nhiều hình và thu thập rất nhiều thông tin thật bổ ích với ngững phụ đề vừa cặn kẽ vừa thú vị cho những ai thích du lịch. Riêng với tôi thì còn rất có ích vì tôi rất mong sớm được thăm miền đất Phật với phong cảnh tuyệt đẹp cũng như người dân hiền hòa của Myanmar. Hồng A và Cửu và cháu gái có biết tại sao Angkor Wat ở Kampuchia theo tôi được biết qua truyền thông đại chúng lại được coi là một trong 7 (?) Kỳ Quan của thế giới mà quần thể Chùa ở Myanmar qua không biết bao nhiêu hình ảnh rất độc đáo kèm trong bài trên lại không/chưa được công nhận cũng là một Kỳ Quan của thế giói không?
ReplyDeleteBDChi.
THBMT 63-74.
Kính thưa thầy Chi,
ReplyDeleteCảm ơn thầy đã khích lệ bài viết của em.
Thật ra chúng em không “yếu” nhưng quả thật đi suốt ngày như vậy để cho xứng “đồng tiền bát gạo” thì mệt vô cùng. Có nhiều bữa cả nhà chúng em chỉ muốn nằm lỳ ở khách sạn vì rất mệt nhưng cuối cùng “ma lực” lại hút chúng em bật dậy!
Theo em biết, Angkor Wat của Cambodia được giữ gìn cẩn thận dưới thời Pháp thuộc. Sau khi Cambodia độc lập, họ vẫn mời các chuyên viên của UNESCO đến trùng tu theo yêu cầu tiêu chí kỹ thuật của tổ chức này. Yếu tố tàn phá bởi chiến tranh không phải là nguyên nhân để UNESCO từ chối công nhận di sản văn hóa thế giới.
Trường hợp quần thể đền đài Bagan lại khác. Thực tế vẫn còn quá nhiều đền đài nguyên vẹn, nhưng để yêu cầu được công nhận là di sản cho từng đền đài một là điều bất khả. Tuy nhiên, để được thừa nhận là di sản cho cả quần thể Bagan thì quần thể này lại không hội đủ điều kiện: ngay cả khu vực New Bagan, vẫn còn rất nhiều đền đài “ở chung” với dân. Còn ở Old Bagan, thỉnh thoảng chúng em thấy vài chỗ trong ngôi đền lớn bị trét xi-măng trắng bệch một cách vụng về.
Điều này cũng nói lên rằng chính quyền quân đội lẫn người dân Miến Điện, trong một thời gian quá dài, tâm trí họ để cả vào chỗ lo cái ăn cái mặc hoặc tham nhũng vơ vét hơn là “ba cái di sản vớ vẩn …”
Về khoản này thì người Thái Lan khéo léo hơn người Miến Điện nhiều, mặc dù để so sánh gia sản văn hóa và di tích lịch sử của hai nước thì … để du khách mắt thấy tai nghe sẽ có sự đánh giá chính xác và công bằng hơn!
Thầy cố gắng thu xếp đưa cô đi chơi. Cuộc du lịch này sẽ đầy ấn tượng.
Học trò Hồng A