Friday, August 19, 2016

Mandalay, Vương Quốc Vàng Và Ngọc Bích - Phần 1

Sáng nay, Wai Zin có mặt đúng hẹn để đưa chúng tôi ra bến xe lúc 5 giờ. Anh chàng cười vui vì đã đúng giờ, không ngủ quên như sáng hôm trước.

Đón chúng tôi là một chiếc minibus, chỗ ngồi rộng rãi. Tài xế và tài phụ luôn vui vẻ, nói chuyện rổn rảng. Hãng xe này có thương hiệu khá… gợi cảm và dễ thương: OK!

Giống như ở Thái Lan, đa phần trên xe ở Miến Điện đều có vài xâu hoa, thường là hoa lài, treo ở cabine,
khiến cả xe thơm nồng.

Đường không êm như ở Thái Lan, nhưng cũng không có ổ gà, ổ voi, không hành hạ, xóc lắc hành khách quá đáng.

Khu vực này có vẻ không phì nhiêu lắm, hai bên đường cây cối thưa thớt, đa phần là thốt nốt, nhưng càng đến gần Mandalay thì thốt nốt càng thưa dần.


Cảnh bên đường Bagan-Mandalay.

Khoảng 7 giờ, xe dừng ở một quán ăn rộng rãi bên đường. Ăn xong, chúng tôi vẩn vơ mua sắm đặc sản. Hai món được ưa thích là chà là và kẹo me. Chà là ngon một cách “mộc mạc”, giá chỉ bằng… một phần mười giá chà là trong siêu thị ở Việt Nam. Kẹo me là thứ… không tìm đâu thấy loại đặc sản như vậy: làm thủ công từ me + đường thốt nốt + gừng, thơm mùi me đặc thù, mềm và tan chảy mau chóng trong lưỡi.

Chà là Miến Điện, đặc sản địa phương 100%.
Cho đến lúc ăn vẫn hy vọng rằng không có phụ gia bảo quản hay độc tố gì trong đó!

Me chính hiệu Miến Điện. Me thấy ở khắp nơi, thường là me “đại thụ”.
Nếu người ta nói “gừng càng già càng cay” thì “me càng lão càng … say!”

Kẹo me này ngon một cách “chân thật”.
Thử qua một lần, rồi nhiều lần mới tin đến … “sái cổ” lời George Bernard Shaw:
“There’s no sincere love than the love of food”
(Không có tình yêu chân thật nào hơn tình yêu thực phẩm)!

Từ Bagan đến Mandalay, xe chạy khoảng 5 tiếng đồng hồ là tới nơi.

Xe đã vào thành phố. Đường ở đây khá sạch và rất xanh.
Loại cây lá dầy, thon dài và nhọn đầu này được thấy trồng trên mọi nẻo đường Miến Điện.
Có lẽ giống thực vật này bền và cho gỗ tốt.

Đường phố Mandalay nhộn nhịp. “Nồi cơm điện” xuất hiện khắp nơi.
Thỉnh thoảng cũng thấy nhiều người “tẩy chay” thiết bị an toàn này
nhưng cảnh sát giao thông dường như chẳng quan tâm.

Điều dễ thương duy nhất là phụ nữ thường ngồi một bên, trông dịu dàng và lịch sự như … Sài-Gòn xưa!

Nếu để ý sẽ thấy các tu sỹ ung dung tự tại leo lên mui xe ngồi: một phần có lẽ ở vị trí này rất… mát; phần nữa, cần hiểu rằng ở Miến Điện, mặc áo cà sa không có nghĩa là đoạn tuyệt với cuộc sống trần thế mà chỉ là vào chùa tu tập một thời gian nào đó. Vì vậy, thói quen hàng ngày không vì thế phải điều chỉnh lại một cách quá khắt khe!

Bác tài xe đò vui vẻ tận tình đưa chúng tôi đến nơi cần đến: Sahara Hotel. Khách sạn nằm ở trung tâm thành phố, ngay tại một ngã tư, đối diện với hai mặt một địa danh nổi tiếng: Hoàng cung Mandalay.

Phòng tiếp tân của khách sạn.
Chiếc bàn bằng gỗ teak thô nhưng trông đẹp mắt.

Nhân viên khách sạn ở đây rất nhã nhặn và nhiệt tình. Họ đưa tất cả hành lý lỉnh kỉnh của chúng tôi lên tận phòng.

Phòng khá tiện nghi và rộng rãi, khang trang hơn tất cả những phòng khách sạn mà chúng tôi từng ngụ từ ngày đặt chân đến Miến Điện.

Trên tủ quần áo trong phòng, cái “bình” này hấp dẫn tôi.
Không biết công dụng của nó là gì, chỉ biết rằng mình thích nó!

Hoàng cung Mandalay, nhìn từ phòng khách sạn.
Xa xa là Đồi Mandalay (Mandalay Hill), một địa danh nổi tiếng khác.

Sau một lúc nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng, chúng tôi xuống phòng tiếp tân. Bác tài “mới”, trẻ, đầu chải tém, hiền hậu đợi ở đó từ bao giờ. Thấy chúng tôi, bác tài cười. À, thì ra bác tài ăn trầu!

Rời khách sạn đi thăm thiền viện của vị hòa thượng (Sayadaw) mà tôi được diện kiến từ lần trước đây đến Miến Điện.

Đưa tên thiền viện cho bác tài, bác tài nhìn một đỗi, cau mày, mấp máy miệng tên thiền viện như cố khơi gợi ra một địa danh nào đó rồi, như thể vừa trấn an chúng tôi, vừa như phát hiện ra điều mình đang cố nhớ, bác tài gật đầu lia lịa và nói tên một địa danh nào đó mà … chúng tôi chẳng hiểu gì cả!
Chí nguy! Thôi thì cứ nhắm mắt đưa chân, phó mặc cho bác tài vậy.

Bác tài chở chúng tôi chạy lòng vòng một lúc. Chiếc minibus Anphard Toyota của bác tài mới cáo, êm ru. Được biết đây là chiếc xe đời mới, giá cũng phải … vài tỷ đồng Việt Nam!

Cuối cùng, bác tài băng qua chiếc cầu để vào hoàng cung!

Cầu chính bắc qua kênh đào vào hoàng cung: bên trái là hoàng cung, trước mặt là Mandalay Hill.

Chúng tôi lắc đầu. Tội nghiệp! bác tài kiên nhẫn de xe ra. Chúng tôi cố giải thích: “ … the foot of Mandalay Hill …” (chân đồi Mandalay). Lần nữa, bác tài lại lẩm bẩm: “ … foot, … hill …” Rồi lại “Eureka!” (A, đây rồi!), lòng vòng một hồi rồi rẽ tọt vào Golden Palace (Cung điện Vàng)!

Golden Palace.

“Oh no, … Mandalay Hill foot? … You know … Man-da-lay-Hill-foot …” chúng tôi kêu lên …
Bác tài hoảng thực sự. Thế là bác ta đành “nhắm mắt theo xe”. Xe chạy lòng vòng thêm lần nữa rồi quẹo vào một thiền viện … ngay trung tâm thành phố!

Chúng tôi lại lắc đầu. Nản quá!

Lần này thì mặt bác tài chảy dài ra thực sự. Thật tội nghiệp! Bỗng dưng, chính chúng tôi lại “Eureka!” như lần trước. Tại sao không gọi cho William nhỉ? 

Trao điện thoại cho bác tài nói chuyện với William, bác ấy bỗng lưu loát như chưa từng …!

William là thị giả của Sayadaw, anh theo chân và hầu hạ ngài trong những chuyến viếng thăm Việt Nam và Thái Lan mấy năm trước đây.

Xe rẽ ngoắt vào thiền viện.  

Sayadaw đứng đợi chúng tôi từ bao giờ.

Thì ra William điện thoại cho ngài trước, khiến ngài rất ngạc nhiên khi chúng tôi đang có mặt ở Mandalay. Chúng tôi quỳ lạy ngài trong sân. Ngài đưa chúng tôi vào phòng khách.

Phong thái đĩnh đạc, ngài giảng cho chúng tôi rằng Phật không ngụ trong chùa, cho dù chùa lớn hay nhỏ, đơn sơ hay lộng lẫy. Phật ở trong tâm mỗi người, vì mỗi người đều có Phật tính. Giữ được phật tính thì thân tâm an lạc, rất an lạc.

Ngài giới thiệu với chúng tôi một Sayadaw đang ghé thăm thiền viện, rằng khi nào chúng tôi muốn học thiền thì đến thiền viện này, hay thiền viện của Sayadaw đồng đạo. Được biết rằng thiền viện này nằm trong một khu mỏ ruby nổi tiếng của Mandalay không ai được phép vào, trừ phi được Sayadaw giới thiệu hay bảo lãnh.

Chánh điện chính của thiền viện, được xây dựng toàn bằng gỗ teak từ cuối thế kỷ XIX

Cột tòa chánh điện cũng làm bằng gỗ teak. Bên tay trái là một gốc me lâu đời, có lẽ cũng ngang với tuổi thọ của chánh điện.

Phật tử đến thiền viện thăm Sayadaw.
Dưới gốc me đại thụ là một chiếc mõ để gọi các thiền viên đến giờ thiền định hay kinh kệ.
Tiếng mõ vọng rất xa.

Thỉnh thoảng phật tử cũng đưa con cháu vào ngày sinh nhật
đến cúng dường cho thiền viện, đơn giản chỉ là một bữa cơm.
Sayadaw nhận cơm cúng dường và trì chú cho đứa bé.
Một góc thiền viện, vốn khang trang hơn nhiều so với năm tôi đến đây lần đầu, 2009

Lần thứ hai chúng tôi gặp lại hoa Di-Lăng, tên do thầy Chi nhắc nhớ.
Hoa có mùi thơm rất khó lầm lẫn và khó quên.

Đến giờ tụng kinh chiều. Hôm nay là ngày đầu mùa an cư kiết hạ.

Chiếc xe này do một phật tử bên Nam Hàn tặng cho thiền viện.
Đệ tử của Sayadaw ở khắp thế giới. Nghe ngài đi đến đâu là họ xin đến diện kiến.
Anh chàng này đang thổ lộ với Sayadaw cách nào để giữ Phật tính trong tâm!

Sayadaw cho biết, vào mỗi buổi chiều, khi ánh đèn trên tháp chùa của đồi Mandalay sáng lên, đứng tại chỗ này chiêm ngưỡng sẽ thấy tâm bình yên vô cùng!

Thiền viện nằm dưới chân đồi Mandalay, rất rộng nên không thể đi thăm hết được. Rất nhiều cốc được xây để thiền viên đến đây tĩnh tâm thiền định.

Chúng tôi trình với Sayadaw rằng sẽ ở lại Mandalay hai ngày nữa để thăm danh lam thắng cảnh ở đây. Ngài cười hiền hòa, dặn chúng tôi khi nào đến Mandalay thì cứ đến thiền viện ở, vì ở đây rất rộng.

Chúng tôi bái lạy chào Sayadaw, hẹn sẽ quay lại thăm ngài trước khi rời Mandalay.

***

Trời vừa mờ sáng hôm sau, tôi thức dậy, băng qua ngã tư đường, đi dọc theo bờ kênh ngắm bình minh và hoàng cung Mandalay.

Mặc dù Naypyidaw vừa được xây dựng và là thủ đô mới của Miến Điện nhưng Mandalay vẫn còn là trung tâm giáo dục, thương mại và y tế của vùng Thượng Miến Điện (Upper Burma). Dân số ở đây chỉ hơn 1.2 triệu dân.

Đại học Mandalay.

Đây là hoàng cung cuối cùng của triều đại Konbaung, được xây dựng năm 1857. Hoàng cung được bao quanh bởi bốn bức tường, mỗi bức dài hơn 2 km. Bên ngoài là một hào nước rộng 64 m, sâu 4.6 m bao bọc tứ phía. Về độ lớn, hoàng cung này chắc không thua gì Tử Cấm Thành! 

Hoàng cung Mandalay dưới nắng mai.

Bên tay trái là hoàng cung, bên tay phải là đường phố Mandalay.

Năm 1945, khi Nhật chiếm Miến Điện từ tay Anh, hoàng cung bị oanh tạc dữ dội.
Bên trong, cung điện bị tàn phá hoàn toàn, chỉ còn lại bức tường xung quanh là nguyên vẹn.

Dưới nắng hồng. Buổi sáng ở đây thật êm đềm!

Tôi quay về khách sạn, chuẩn bị cho một ngày … bụi!

Xuống phòng tiếp tân, chúng tôi đi thẳng ra xe. Nhân viên tiếp tân hốt hoảng chạy theo nói rằng Sayadaw đợi chúng tôi ở đó. Ngài đợi chúng tôi từ khi nào không biết, vì không để nhân viên khách sạn gọi chúng tôi.

Chúng tôi cũng hốt hoảng quay lại và chào lạy ngài.

Sayadaw ngoắc thị giả của ngài trao cho chúng tôi một gà-mèn điểm tâm to đùng cùng một giỏ bánh trái hoa quả để mang theo. Chúng tôi lạy tạ.

Ngài giới thiệu một cô hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi, vì biết rằng bác tài không giỏi tiếng Anh sẽ khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc đi lại. Ồ, thì ra Manaw, cô bé xinh xắn, nói tiếng Anh tuyệt vời, cũng quen biết trước đây với con gái chúng tôi rồi. Thật là vui vì mọi việc sẽ thuận lợi.
Sayadaw dặn dò Manaw chu đáo với chúng tôi rồi ra xe. Chúng tôi lạy tạ.

Ngài thật từ tâm!

***

Xe chạy ra ngoại ô, cảnh hai bên đường xanh tươi, mát rượi.

Đường nhựa hẹp, một làn, nhưng hai bên đường cây xanh rợp bóng.

Chúng tôi thăm tu viện nổi tiếng Mahagandaryone Monastery, nằm ở thị trấn Amarapura thuộc Mandalay, bên bờ phía đông dòng sông Irrawaddy. Tu viện này được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, do năm tu sỹ khởi xướng.

Ngôi chùa chính trong tu viện. Hình chụp từ xe.

Chỉ cần nhìn vào hàng cổ thụ dọc theo hai bên những con đường trong tu viện là có thể thấy được “tuổi” của tu viện này.

Những gốc me “bành tổ” này là nơi trú ngụ của đủ họ hàng nhà chim, che bóng mát cho những con đường trong tu viện.
Còn hàng tạ quả của nó có lẽ để chim chóc ăn hay để rụng tự do, không ai đủ sức mà hái cho được!
Bên đường là hai hàng bia ghi tên những người có công đức cúng dường cho tu viện.
Rất nhiều người từ các nước tây phương đến đây đóng góp.

Đây là nơi rất nhiều du khách tây phương túc trực từ sáng sớm để chứng kiến cảnh gần hai nghìn tu sỹ xếp hàng và thực hiện nghi thức nhận lễ cúng dường bữa ngọ. Họ mang theo máy hình, máy quay, và nhiều thiết bị ghi hình khác để chuẩn bị chụp hình. Có thể thấy nét háo hức của các du khách này như thế nào ngay sau khi những tu sỹ trẻ măng xuất hiện và xếp hàng trên con lộ chính trong tu viện.

Những tu sỹ đầu tiên xuất hiện, đa phần đều rất trẻ.
Mỗi vị mặc cà sa choàng kín thân, khoác trên tay một chiếc khăn sọc ô dùng để lót khi ngồi hay hành lễ.
Tu sỹ chức sắc cao hơn để trần một bên vai, khoác một khăn tiệp màu với áo cà sa.
Chỉ khi nào hành lễ mới khoác kín hai vai.

Các chú cẩu, hình như cũng cảm nhận được cảnh thanh bình, tự do tung tăng … tham dự nghi thức cúng dường và dùng bữa ngọ!

Đoàn tu sỹ khất thực, xuất phát từ những tòa nhà ở đầu đường trong khuôn viên tu viện,
nối tiếp nhau càng lúc càng dài.

Khách tây phương tấp nập bấm máy!

Đa phần tu sỹ ở đây, theo nhận xét của tôi so với năm 2009, đều rất trẻ.
Phải chăng đó là khuynh hướng mới của giới trẻ Miến Điện?

Nữ tu sỹ, rất trẻ, mặc áo cà sa trắng, cũng là một thành phần tham dự lễ cúng dường.

Tiếng kẻng vang lên, báo hiệu nghi thức cúng dường bắt đầu.
 Những người cúng dường đứng xếp hàng trong khuôn viên trước nhà ăn, chuẩn bị sẵn phần cơm cúng dường để dâng cho từng tu sỹ đi qua.

Các tu sỹ lần lượt bước vào khuôn viên nhà ăn. Du khách không được vào khu vực này,
và nhất là không vào tòa nhà nơi các tu sỹ dùng bữa ngọ.

Mỗi vị lần lượt nhận phần cúng dường trước khi vào nhà ăn.

Cũng cần nhắc lại rằng bữa ngọ là bữa ăn chính duy nhất trong ngày. Sau 12 giờ trưa cho đến sáng ngày hôm sau các tu sỹ không dùng thêm gì nữa ngoài giải khát. 

Manaw giải thích rằng hàng ngày đều có khách thập phương cúng dường bữa ngọ đầy đủ cho số lượng tu sỹ ở đây, vốn vào thời điểm này là khoảng 2000 vị. Trường hợp số lượng cúng dường không đủ, phần quỹ tiền mặt dự trữ của tu viện sẽ được trích để bù vào khoảng thiếu. Nếu vẫn không đủ, phải trích tiền lãi gửi từ ngân hàng, thậm chí trích cả gốc tài khoản của quỹ tu viện. Trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì các tu sỹ sẽ ra ngoài khất thực! 

Manaw đưa chúng tôi đi thăm tòa nhà xây dựng từ ngày thành lập tu viện, lúc đó chỉ gồm có 5 vị tu sỹ.

Lần đầu tiên tôi thấy loại cây có trái lạ như thế này.
Manaw giải thích rằng loại cây này rất hiếm, có quả tên là “ … apples” gì đó,
cứng nhưng có thể ăn được.

Tòa nhà của tu viện trưởng, một trong năm vị sáng lập tu viện. Ngài viên tịch tại đây.

Tu viện trưởng, ngày đầu còn trẻ.

Hoạt động của tu viện trước đây.

Một trạm uống nước công cộng trong tu viện.

Vị sư hướng dẫn viên của tu viện đang giải thích cho khách ngoại quốc bếp ăn của tu viện.
Vị này nói tiếng Anh lưu loát như tiếng … Miến Điện, với accent đặc thù … Miến Điện!

Cơm ở đây được nấu bằng hơi nước.

Thức ăn được chuẩn bị ngay từ bây giờ cho ngày hôm sau.
Đây là chả cá. Phật giáo Tiểu thừa Miến Điện không quan niệm quá khắt khe
với từ ngữ “chay” như Phật giáo Đại thừa.

Manaw giải thích thêm rằng mặc dù số tu sỹ trong tu viện là rất lớn nhưng thường chỉ có 7 nhân viên phục vụ trong nhà bếp.

Bức hình này tôi chụp tại tu viện năm 2009, nơi mà tôi kỳ vọng sẽ quay lại!

Rời tu viện, chúng tôi đi bộ thăm cầu U Bein, chiếc cầu gỗ làm bằng gỗ teak dài nhất thế giới. Cầu U Bein xây dựng sau tu viện vài năm.

Theo lời giải thích của Manaw, trước khi chiếc cầu này được xây dựng, việc đi lại giữa hai bờ hồ rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là khi có bão.

Du khách tây phương rất thích thăm và đi trên chiếc cầu này.

Cầu không thẳng mà lượn vòng cung. Cầu dài và xa tít tắp.

Du khách tây phương thơ thẩn trên cầu.

Dưới gầm cầu. Sàn cầu được sửa chữa và thay ván mới.
Cột chân cầu gần như vẫn nguyên vẹn.

Sàn cầu được thay bằng ván mới.

Một cảnh ven hồ nhìn từ cầu gỗ.

Hồ nước trông thật ngoạn mục.

Ở những quốc gia mà chính phủ có tầm nhìn sẽ biết làm cách nào để bảo tồn di sản lịch sử của quốc gia mình. Quốc gia láng giềng của Miến Điện là Thái Lan chẳng hạn, nếu chiếc cầu này hay nhiều di sản đồ sộ khác mà nằm dưới sự bảo tồn của họ thì việc trùng tu sẽ khác đi, gỗ teak mới sẽ không được đưa vào và chiếc cầu này sẽ được gia cố theo cách nào đó để vẫn còn được giữ nguyên trạng, du khách vẫn ung dung đi dạo trên đó để ngắm bình minh hay hoàng hôn trên dòng Irrawaddy, một cảm xúc khó tả!

Chính phủ và nhân dân Miến Điện không tàn phá di sản quốc gia của họ, không lấy về làm của riêng cho mình, nhưng họ cũng khá “vụng về” với ý tưởng “hư đâu sửa đó, mẻ đâu đắp đó”. Thật đáng tiếc!
***

Chúng tôi lại lên đường đi thăm chùa 49 tượng Phật.

Xe băng qua một cây cầu dài bắc qua sông Irrawaddy, do chính phủ Miến Điện mới xây nhằm giảm tải cho cây cầu, nhỏ hơn, xây từ thời thực dân Anh có tuổi thọ đã hơn 100 năm, nằm bên tay trái.


Đứng ở đầu cầu này mà chụp hình ngọn đồi bên kia sông hay dòng Irrawaddy đều tuyệt đẹp.

Xe lại vượt đèo để lên chùa nằm trên đỉnh ngọn đồi.

Manaw tươi cười với người bán hoa ở tam cấp lên chùa.

Chánh điện chùa xây theo hình vòng cung, bên trong có 49 tượng Phật Thích ca.
Con số 49 tượng trưng cho 49 năm Đức Phật đi thuyết pháp.

Sân chùa.

Tháp chùa.

Từ đây nhìn toàn cảnh dưới đồi thật ngoạn mục.

Chùa trắng nổi bật giữa rừng cây xanh. Dòng sông Irrawaddy sáng bạc.
Lưng chừng đồi, hàng phượng vỹ phơi màu lưu luyến!

Hoa phượng vỹ Miến Điện cánh to, dầy và thẫm hơn phượng vỹ Thái Lan.

Manaw mô tả rằng vào mùa hè, cả đồi Mandalay đỏ rực hoa phượng. Người Miến Điện gọi hoa này là The Flame of the Forest _ Ngọn Lửa Rừng. Trẻ con Miến Điện hay lấy nhụy hoa móc vào nhau rồi giật. Móc của người nào bị gẫy trước là thua. 

Anh Cửu nói với Manaw rằng trẻ con Việt Nam ngày xưa cũng chơi như vậy. Tên trò chơi này là “đá gà”. Người Pháp và Anh đều gọi hoa này là “flamboyant” (hoa rực lửa), đâu đó có gốc từ là flamboyer/flamme, tiếng Pháp, và flame, tiếng Anh.

Ở Việt Nam hoa này còn tượng trưng cho sự biệt ly … vì hoa nở vào mùa hè, khi học sinh chia tay nhau ở sân trường, có khi sau đó không còn gặp nhau nữa! Manaw rất thú vị với chi tiết này.

Nhìn những cánh phượng hồng này làm tôi nhớ đến những mối tình học trò thơ dại, của một chàng trai nhớ trộm thương thầm tà áo xanh (THBMT) nào đó.

Miền đất đỏ với hai mùa mưa nắng
Màu phượng hồng buồn nức nở tiếng ve
Ngày tựu trường, mưa dầm dề phố nhỏ
Nhớ thương ai, ta ướt lạnh đường về.

… Và những lá thư học trò vụng dại, ép vào trang vở vẫn ngập ngừng không dám gửi.

Màu phượng thắm tàn phai bao mùa hạ
Tình thơ ngây đan nối giấc mơ dài
Những lá thư viết mãi mãi về ai
Em không biết _ thư ngập ngừng không gửi.

Xe xuống đồi. Dọc theo sườn đồi, dưới kia phượng gần tàn nhưng vẫn thắm vẫn rực rỡ.

***

Trên đường về, chúng tôi ghé qua Tu viện Hoàng cung Vàng (Golden Palace Monastery).

Hoàng cung do vua Mindon xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Nhà vua ở và mất tại đây. Thái tử nối ngôi sau đó cúng dường hoàng cung này để làm tu viện.

Hoàng cung Vàng rất nổi tiếng vì là hoàng cung duy nhất ở thế kỷ XIX làm bằng gỗ, chạm trỗ công phu, và cũng là công trình kiến trúc còn sót lại tại Mandalay sau khi hoàng cung chính bị phá hủy hoàn toàn năm 1945, năm kết thúc thế chiến II.


Hoàng cung do vua Mindon, một vị vua nổi tiếng của Miến Điện thế kỷ XIX, xây dựng.

Một góc Hoàng cung Vàng

Các họa tiết được chạm trổ tinh vi và khéo léo. Vết tích tàn phá do thời gian thật rõ ràng.
Mọi sinh vật và tác phẩm của họ đều không thoát khỏi quy luật thành-trụ-hoại-không.

Quả chuông đặt tại sân trước của Hoàng cung.

Một trong hàng chục cửa vào chánh điện Hoàng Cung

Hành lang Hoàng cung.

Sở dĩ hoàng cung có tên là Hoàng cung Vàng (Golden Palace) vì trước đây toàn thể công trình gỗ này được dát toàn vàng. Ngày nay thực tế không còn phản ảnh công trình này nhưng vết tích xưa vẫn còn lồ lộ.

Một họa tiết nguyên thủy còn lưu lại vết dát vàng bên mang tai.

Vách tường với họa tiết bị vỡ và được thay bằng họa tiết bằng gỗ mới có thể nhận ra ngay.
Đó là do vì sao nhiều di sản có giá trị và độ dày lịch sử của Miến Điện
không được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Một họa tiết “bền gan cùng tuế nguyệt”.

Hành lang bên trong chánh điện. “Nét vàng chưa phai” trên cửa.

Chánh điện, cột và trần cung điện vẫn lấp lánh ánh vàng.

Tượng Phật trong chánh điện. Phụ nữ được yêu cầu không bước vào khu vực này.
Khá nhiều nơi tôn nghiêm khác cũng yêu cầu nghiêm ngặt như vậy! Tại sao nhỉ?

Ông Tây này, quê ở thành phố Lyon, Pháp quốc, vừa độc hành đến Mandalay.
Ông ta nói rằng mình rất mê kiến trúc di tích của Miến Điện.
Ông cũng thêm rằng ngày mai sẽ đi thăm cầu U Bein gỗ teak. Rất háo hức!

Cho đến lúc này vẫn chưa thấy gì xứng với danh “Mandalay, vương quốc vàng và ngọc bích”. Để xem!

Hồng A
Sài-Gòn 14/8/2016

No comments:

Post a Comment