Saturday, August 20, 2016

Mandalay, Vương Quốc Vàng và Ngọc Bích - Phần 2

Kuthodaw là ngôi chùa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên mà chúng tôi biết đến từ khi đến Miến Điện. 

Như đã đề cập, Miến Điện là xứ sở của di tích lịch sử đồ sộ nhưng để bảo tồn các di tích này nguyên vẹn theo đúng tiêu chí để được Tổ chức Giáo Dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản thế giới thì thật đáng tiếc, lại chỉ đếm trên đầu ngón tay so với Thái Lan.

Chùa có tên là Maha Lawkamarazein hay Kuthodaw Inscription Shrines, tạm dịch là Chùa “Lưu Giữ Kinh Phật”, nằm dưới chân Đồi Mandalay.

Đây là công trình vỹ đại nhất của vua Mindon Min với ước nguyện ghi chép lại và lưu giữ toàn bộ bộ đại kinh tiếng Phạn (Pali Canon) của Phật Giáo Tiểu thừa (Theravada Buddhism) bằng cách khắc lên cả hai mặt những tấm bia bằng đá cẩm thạch, mỗi tấm bia được đặt trong một động (kyauksa gu) hình tháp. Có tất cả 729 tháp màu trắng xây theo cùng kiến trúc và kích thước trong khuôn viên chùa, được sắp xếp thẳng tắp theo từng bộ kinh (Pitaka).


Kuthodaw Pagoda nhìn từ ngoài cổng.

Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Chùa thường được du khách gọi là “The Biggest Book of The World” cho gọn!

Một trong rất nhiều “bộ kinh” được sắp xếp như thế này.

Một góc ranh giới giữa các “bộ kinh”.

Dưới cội cây già, tâm hồn thanh tịnh.

Một động (kyauksa gu) tiêu biểu. Bên trong là một “bia kinh” được rào kín.

“Bia kinh” được khắc lên cả hai mặt, có thể được đọc từ hai cánh cửa đối diện được rào bằng song sắt kiên cố.
Mặc dù Miến Điện là xứ sở của ngọc bích (jadeite) nhưng có lẽ do loại đá quý này quá cứng,
khó khắc nên phải chọn cẩm thạch làm bia cho thuận tiện hơn.

Mô hình thu nhỏ của chùa. Một bảng ghi chú chi tiết vị trí các bộ kinh (Pitaka) được dựng bên cạnh để dễ theo dõi.

Cây Hoa sao (Star Flower tree) này có tuổi thọ trên 120 năm!

Cổng vào chánh điện chùa.

Chánh điện chùa.

Tượng Phật bằng vàng trong chánh điện.

Một góc chùa.

Tháp chùa, cao 57 mét, được dát vàng và mô phỏng theo kiến trúc của chùa Shwezigon nổi tiếng ở Nyaung-U, Bagan,
đã đề cập ở bài viết trước.

Cánh cửa khổng lồ bằng gỗ teak với hoa văn còn nguyên vẹn.

Chuông dưới tháp chùa.

Rời chùa Kuthodaw, xe vượt đèo để lên đồi Mandalay, một địa danh của thành phố. 
***

Đồi có độ cao 240 mét, nổi tiếng vì có nhiều chùa và tu viện tọa lạc ở đây. Phật tử Miến Điện đã xem đây là nơi hành hương trong suốt hai thế kỷ.

Khi tôi đến đây lần đầu 2009, muốn lên đồi phải đi bộ, rất xa và mệt. Ngày đó cảnh vật ở đây đẹp lắm, và hoang vu nữa. Bây giờ xe chạy cái vèo là đến, nhưng tôi có cảm nhận là nét hoang vu đã mất đi ít nhiều.

Cổng vào chùa Sutaungpyai, có nghĩa là Chùa “Hoàn Thành Ước Nguyện”,
ngôi chùa chính nằm trên đỉnh đồi.
Trước đây tôi phải leo lên hàng trăm bậc tam cấp đế đến chùa. Nay đi thang cuốn thật thoải mái.

Tượng Phật trong chánh điện, pho tượng đẹp nhất mà tôi từng chiêm bái.

Pho tượng này bằng vàng. Không gian ở đây thơm ngát hương hoa.

Tháp chùa, rực sáng về đêm.
Chiêm ngưỡng tháp từ chân đồi qua rặng cây để thấy được vẻ huyền ảo khó tả.

Một góc tháp chùa. Bên trên là tượng Bồ Tát Ananda.

Hành lang trong chánh điện.

Một góc khác của hành lang.

Phật tử tấp nập đến đây thành kính dâng hoa.

Trước đây, khi phải đi bộ rồi leo thang lên đỉnh đồi,
du khách nước ngoài vẫn nói là không bõ công để nhìn ngắm toàn cảnh Mandalay như thế này.

Xa xa thấp thoáng hoàng cung, rộng hơn 4 cây số vuông, được bao quanh bằng kênh đào nước.

Từ chỗ này, đi thang máy để xuống chân chùa,
có thể ngắm toàn cảnh trời-rừng-mây-nước bao la.

Mua xoài dưới chân chùa để mang về khách sạn thưởng thức
là một ý tưởng không tồi!

Xe xuống chân đồi, dừng tại đây để chờ Sayadaw đưa đến một nơi thật bất ngờ mà chúng tôi còn giữ mãi ấn tượng của chuyến đi: Hoàng cung.

***

Hoàng cung Mandalay không xa lạ với du khách. Họ chỉ cần mua vé khoảng chục đô để vào cổng chính là đi thăm cả ngày ở đây cũng chưa hết. Nội cung đã bị tàn phá gần hết trong thế chiến thứ II, chỉ còn tường thành là nguyên vẹn.

Cổng sau để vào khu quân sự, do quân đội canh gác. Xe chúng tôi phải đợi khá lâu. Bác tài của Sayadaw xuống xe vào tháp canh trình bày gì đó, hồi lâu sau một quân nhân trẻ tiến về phía xe chúng tôi, nhìn vào xe quan sát người trên xe và toàn xe rất cẩn thận, sau đó ra trình báo với “xếp” ở tháp canh rồi mới ra hiệu cho hai xe vào!!!

Cổng vào được canh gác nghiêm ngặt. Hình chụp từ xe.

 Thì ra Sayadaw đưa chúng tôi đến một khu vực do quân đội kiểm soát, dân thường không được phép vào đây.

Khu vực này vắng vẻ, nhưng cảnh vật thật đẹp!

Xe chạy lòng vòng qua các doanh trại, cuối cùng dừng trước một cổng chùa. Chúng tôi xuống xe đi bộ vào.

Từ đây, camera không được phép sử dụng.

Đón Sayadaw là một vị tướng quân đội, Manaw nói với chúng tôi như vậy.

Vị tướng, khuôn mặt phúc hậu, chào lạy Sayadaw. Hai người trao đổi với nhau một lát thì Sayadaw khoát tay ra hiệu cho chúng tôi theo ngài. Vị tướng cung kính tháp tùng ngài.

Chúng tôi theo ngài đến một ngôi chùa nhỏ rồi vào đó. Một luồng hương thơm ngát tỏa ra từ những bông hoa trong điện đến tận cửa vào.

Tôi chóa mắt vì bất ngờ diện kiến một tượng Phật bằng vàng thật lớn và đẹp vô cùng.

Sayadaw quỳ lạy và niệm kinh. Chúng tôi quỳ lạy theo.

Trên chiếc y bào bằng vàng của pho tượng, tôi quan sát thấy rất nhiều viên kim cương lớn lấp lánh được đính vào.

Không thấy máy điều hòa, và mặc dù trời nắng, không khí ở đây mát lạnh.

Pho tượng là một tác phẩm hoàn hảo. Dường như tham-sân-si tan biến nơi đây!
Vị tướng lại tháp tùng theo Sayadaw đến một ngôi chùa lớn bên cạnh một quần thể tháp chùa vàng.
Vừa bước vào cửa, một lần nữa tôi lại chóa mắt. Chánh điện lớn được ngăn đôi bằng một bức tường dầy bằng kính có cửa cũng bằng kính dầy. Bên ngoài là chỗ quỳ lạy, bên kia bức tường kính rực rỡ hàng trăm tượng Phật đủ kích thước bằng vàng đặt trên các bệ thờ.

Sayadaw thực hiện nghi thức hành lễ, chúng tôi quỳ lạy theo. Vị tướng chắp tay, đứng phía sau.

Sau khi hành lễ xong, Sayadaw khoát tay ra hiệu cho vị tướng mở cửa phòng kính, rồi lại khoát tay cho anh Cửu theo sau. Phụ nữ chúng tôi không được phép vào!

Diện kiến từng tuyệt tác tôn giáo qua lịch sử của Miến Điện là giây phút ngắn ngủi
nhưng đầy thiện duyên của một đời người!
Vị tướng giới thiệu với chúng tôi lịch sử một số tượng Phật lớn đặt trong cùng, áp với bức tường, Manaw phiên dịch lại cẩn thận. Mỗi pho tượng được tạc theo thế đứng hoặc ngồi khác nhau, mỗi pho mang một vẻ uy nghiêm thanh tịnh.

Tháp vua A Dục (Ashoka _ 304-232 trước công nguyên), cũng dát vàng, tọa lạc ngay bên cạnh.

Chào cảm ơn vị tướng, chúng tôi rời khu vực quân sự với nhiều suy nghĩ lẫn lộn.

Lạy tạ Sayadaw chúng tôi ra về.

Sau bữa ăn tối hẹn trước với người chị họ của William, chúng tôi chia tay nhau. Ngày mai Manaw có một tour du lịch để hướng dẫn, thay cô sẽ là Snow, nickname của người cháu gái của William, người vừa qua một thời gian vào chùa tu tập. Rất chu đáo, Sayadaw cử Snow đến để hướng dẫn chúng tôi

***

Giới quân đội Miến Điện, mặc dù toàn quyền bảo vệ bảo quốc nhưng dường như họ, vốn là những Phật tử thuần thành, đã không chiếm đoạt tài sản quốc gia để chia chác nhau. Chừng mực nào đó họ chưa bị kết án là vô đạo và “hoàng kim hắc thế tâm” (vàng làm đen tối lòng người)!

***

Hôm sau, ngày cuối của chúng tôi ở Mandalay, Sayadaw lại đưa chúng tôi đi thăm một trong những công ty ngọc lớn ở Mandalay. Chủ của công ty là phật tử của ngài.

Cổng của công ty ruby và ngọc cửa đóng then cài lúc xe đến.
Cũng từ chỗ này trở đi, camera không được phép sử dụng, trừ sự cho phép đặc biệt của giám đốc công ty.

Một trong những phòng kho tiêu biểu của công ty. Ngọc thô được ra phôi để chuẩn bị chế tác.

Ngọc có phẩm chất cao được lưu kho ở đây.

Những phôi ngọc này có phẩm chất cao nhất, được giữ ở tầng 1, sát với cửa hàng trưng bày.

Một số phôi tuyệt đẹp khác.

Theo giám đốc công ty, phôi nằm bên tay trái hình,
có màu oải hương (lavender), tím nhạt, là khá hiếm.

Anh Cửu hôm nay galant và hào phóng “đột xuất”, mua tặng ngay cho tôi vòng lavender này!

Tượng Phật được chế tác tại công ty.

Một thợ nữ khéo tay, đan chiếc “khăn lót” bằng chuỗi hạt này.
Sờ thảm ngọc này mới thấy độ mát rượi của nó.
Ngồi lên trên còn mát đến “thành tiên” luôn!

Nhìn kỹ sẽ thấy màu “thật” và độ bóng “thật” của các chuỗi ngọc này.
Trên thương trường biết bao nhiêu chuỗi ngọc vừa có màu sắc lộng lẫy,
vừa trong và sáng ngời hơn nhưng hoặc là ngọc “dzổm”,
hoặc là ngọc phẩm chất xấu được can thiệp bằng hóa chất tinh vi để “mà mắt” khách hàng.


Đây là chuỗi ngọc tràng hạt Sayadaw tặng cho anh Cửu.

Mặt đeo (pendant) trông thật bắt mắt.

Nhìn vào các ký hiệu chẳng hiểu gì cả, nhưng các mặt đeo này làm mắt khách hàng cứ … chớp chớp!






Chú voi con ở Bản Đôn …

Ông giám đốc cho thấy, dưới ánh sáng của chiếc đèn này,
màu sắc thật của ngọc sẽ hiện rõ mà mắt thường không thấy được.

Màu xanh rực rỡ của ngọc hiện rõ dưới ánh đèn. Tuyệt đẹp!

Một góc xưởng chế tác: khoan hạt.
Kỹ thuật khoan của thợ Miến Điện không sắc sảo bằng Canada: lỗ khoan ở đây to hơn.

Thợ chế tác tượng Phật.
Theo tôi, nghệ thuật tạc tượng bằng ngọc bích ở Thái Lan là tinh xảo nhất.
Lạy tạ Sayadaw, chúng tôi đi thăm ngôi chùa ngọc lớn nhất thế giới, cũng tọa lạc ở Mandalay.


***

Bên đây đường, Weirawsana Pagoda hiện rõ phía bên kia một hồ nước lớn. Chúng tôi phải chạy vòng một hồi lâu mới đến nơi.

Trước khi đến cổng chùa, xe chạy qua một khu vực đang xây dựng rộng lớn. Khu vực này tương lai sẽ là nơi kinh doanh ngọc và thương mại sầm uất.

Ý tưởng và thực hiện chùa ngọc là do một doanh nhân kinh doanh ngọc giàu có, cho rằng, vào thời điểm xây dựng chùa, dù Miến Điện là xứ sở ngọc bích nổi tiếng thế giới nhưng với tốc độ khai thác như hiện tại thì mười năm sau đất nước này sẽ không còn ngọc nữa. Chùa ngọc là biểu tượng của tài nguyên đặc thù của đất nước này.

Cổng chùa chụp từ bên trong. Ngọc được dát kín mọi nơi. Bên ngoài là khu thương mại đang xây dựng.
Ghé vào văn phòng mua vé thăm chùa, tại đây, chúng tôi được tặng một chuỗi đeo tay bằng ngọc bích tuyệt đẹp: hào phóng quá!

Toàn cảnh chùa. Đường vào chùa được lát bằng ngọc bích màu trắng, gạch xậm màu ở giữa là gạch bông.
Chú ý rằng khách thập phương chỉ bước trên gạch ngọc giữa trưa nắng: chân vẫn mát lạnh.
Ai vô tình bước lên gạch bông là … nhảy dựng lên.

Hôm nay bầu trời khá đẹp tuy vẫn còn mây xám. Chùa ngọc nổi bật trên nền trời.

Ôi, … ngọc và bàn tay con người!

Đại tác phẩm!

Một góc chùa, cận cảnh. Đặc điểm của ngọc Miến Điện là jadeite, rất cứng, tỷ trọng cao và đa sắc.

Một họa tiết đặc sắc: cây bồ đề.

Một họa tiết khác: tỷ mỷ và tinh xảo.

Tường ở hành lang vào chánh điện.

Bốn góc chánh điện, mỗi góc tọa thiền một tượng Phật ngọc.
 Thế tọa thiền này khá hiếm ở Miến Điện: tay bắt ấn “Niêm hoa vi tiếu”. Bức tường sau pho tượng được dát ngọc có phẩm chất cao, màu rực rỡ. Xanh sậm là một trong những màu đặc thù của ngọc Miến Điện: màu sẽ rực rỡ hơn khi được chế tác, đặc biệt là vòng đeo tay (bangle) và chuỗi hạt (beads).


Thế tọa thiền này là phổ biến nhất ở Miến Điện và Thái Lan: “Xúc địa ấn”,
khi Đức Phật thành đạo. Tượng thường được tạc bằng ngọc có màu sáng.
Bên trên bức tường là tượng Phật bé màu xanh.
Bên tay phải là chùm ngọc lavender tuyệt đẹp.

Một góc chùa. Giữa trưa mà đứng phơi chân trên nền ngọc thật thú vị: mát rượi!

Trú nắng dưới hành lang làm bằng gỗ teak.

Khách hành hương, ai cũng thoải mái như nhau!
Rời chùa nhưng vẫn ngoái lại không chán mắt, chúng tôi ghé vào một quầy bán tanaka bên ngoài khuôn viên chùa.

Như đã giới thiệu, tanaka là một thân thảo dược đặc thù ở Miến Điện, nhúng nước rồi mài trên một “thớt” đá độ một phút, cho ra một chất bột màu trắng ngà sền sệt, nhúng tay vào đó rồi phết lên hai má. Ngay lập tức người được bôi sẽ cảm nhận một luồng mát lạnh lan tỏa khắp khuôn mặt. Tanaka có tác dụng chống nắng và làm mịn da. Hầu hết nam-phụ-lão-ấu, đặc biệt ở thành phố nhỏ và vùng thôn quê Miến Điện đều bôi tanaka.

Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp các cô tây ba-lô trẻ ở Bagan bôi tanaka, đậm hơn và điệu nghệ hơn với hình chiếc lá cây lộ rõ từng đường gân của lá: nghệ thuật từ mọi góc cạnh!

Phụ nữ Thái Lan nổi tiếng với làn da đẹp, một phần nhờ mỹ phẩm chiết xuất từ thảo dược, cũng phải thừa nhận rằng làn da phụ nữ Miến Điện mịn màng và sậm màu hơn.

Tanaka đang được Snow mài. Chúng tôi được thưởng thức luồng mát lạnh trên má ngay sau đó!

Tanaka được cắt từng đoạn, đóng dấu hẳn hoi. Chắc chắn không hề có tanaka “dzổm”.

Cô/cậu bé này được “trang điểm điệu đàng” ngay ở độ tuổi
chưa ý thức được rằng “nhan sắc” là cái gì!

Quầy bán ngọc ngay trước cổng chùa.

Thượng vàng hạ cám, vàng thau lẫn lộn.
Người dân bản địa thật thà, chất phác, chế tác ngọc có phẩm chất kém, “nhặt mót” từ các mỏ ngọc nhưng vẫn là ngọc thật. Còn dưới bàn tay “phù thủy” của người láng giềng to xác thì … bột đá pha màu sẽ biến thành ngọc “thật”, “ngọc lành ai nỡ bán rao” được xếp trá hình, lẫn lộn với “mọi thứ lấp lánh đều là ngọc“ với giá trên trời! Thôi, kính nhi viễn chi vậy! Khách du lịch mê ngọc thì … hên xui vậy.

Trên đường về, chúng tôi ghé vào một nhà hàng Thái Lan gần đó dùng trưa, một bữa trưa ngon lành!
Cảnh vật gần đó, bên kia đường, đẹp một cách … thanh bình!

Long lanh đáy nước in trời …

Mặt hồ qua tàn lá phượng vỹ.

Chiều nay lại đi thăm một địa danh nổi tiếng khác của vương quốc vàng, Mahamuni Pagoda trước khi rời Madalay.

***

Ngôi chùa nằm hướng tây-nam Mandalay, được xem là nơi hành hương rất tôn nghiêm, đặc biệt đối với người miền bắc và trung Miến Điện. Tượng Phật trong chùa được xem như biểu tượng của Phật sống, được tin rằng giống hệt như Đức Phật khi còn tại thế.

Dẫn vào chánh điện là một hành lang dài, hai bên là vô số cửa hàng tạc tượng Phật. Đa số tượng Phật ở đây đều đúc bằng đồng, sắc diện tuyệt đẹp.

Ở đây, kỹ thuật dát vàng vào tượng Phật được xem là tinh xảo và độc đáo.
Một người thợ nữ đang dát vàng vào tượng Phật có kích thước nhỏ.

Tượng Phật trong thế tọa thiền “Niêm hoa vi tiếu” tuyệt đẹp.

Gian hàng này bán gỗ trầm hương,
dùng cân tiểu ly để cân gỗ chứng tỏ giá trị của trầm hương này rất cao.
Gỗ để tạc tượng, hoặc làm tràng hạt, đeo vào tỏa hương trầm thơm ngát.

Pho tượng này tạc bằng gỗ trầm hương.

Một góc tháp chùa dát vàng.

Từ bên ngoài đã thấy thấp thoáng ánh vàng lấp lánh trên vòm cửa.

Hành lang vào chánh điện. Bên phải là văn phòng bán vé vào thăm chùa.

Vàng dát khắp nơi: trần, vòm cửa, cột …

Nghi thức dát vàng tượng Phật đang tiến hành.
Pho tượng ban đầu có kích thước nhỏ, nhưng qua hơn hai thế kỷ, vàng dát lên ngày một dầy,
pho tượng có kích thước lớn dần và vượt bậc, như trong hình.

Ánh đạo vàng rực rỡ, xua tan màn u minh.

Vàng dát đến đây rồi … ngưng: yến làm tổ kín cả trần chùa.
Yến cũng là những chúng sinh mà sự sống cần được tôn trọng.

Rực rỡ quá!

Gạch bông của chân cột tường này rồi sẽ được thay bằng ngọc bích như chân cột bên trong.

Vòm hành làng vàng rực, nổi bật trên nền trời xanh, mây trắng

Snow giải thích rằng, khi vàng cúng dường vào chùa để dát tượng quá nhiều thì
số vàng dôi ra sẽ được đúc thành những vật thể này để lưu giữ.
Chiếc bình vàng này, cùng nhiều vật thể khác, được đặt trong tủ kính có khóa cẩn thận.

Một chiếc bình khác.

Vật thể này trông giống như cái rìu,
lưỡi rìu trông lại giống như một cái khiên.

Cặp voi này, cùng nhiều tượng đồng đỏ khác không còn nguyên vẹn,
được chú thích rằng có nguồn gốc từ Cambodia nhiều thế kỷ trước.
Tượng có nhiều chỗ sáng đỏ lên vì nhiều người đến đây xoa tay lên đó,
tin rằng tật bệnh sẽ tiêu trừ.
Rời ngôi chùa linh thiêng này, chúng tôi quay về thành phố để thăm chợ trung tâm: Zegyo Market. Đây là khu chợ lớn nhất Mandalay, bán đủ mặt hàng, giá cả khá rẻ.

Một góc của bloc chợ, với tháp chuông còn lại từ thời thuộc địa Anh.

Quang cảnh, kiến trúc, cách bày biện và… con người nhìn thoáng qua cứ tưởng như đang ở chợ… Kim Biên, Sài-Gòn!

Còn bãi đỗ xe gắn máy này nữa! Nhất định mình đang ở … Sài-Gòn,
nếu như không có mấy bảng hiệu chữ Miến Điện, và dân buôn bán và khách hàng không … mặc longgyi!

Còn người đàn ông với chiếc khay hàng hóa trước ngực sao mà giống dân bán hàng xén ở Sài-Gòn quá xá!

Ôi hàng hóa! Choán hết lối đi rồi mấy nàng ơi!

Cô bé bôi tanaka này bày hàng trái cây cũng khéo tay ghê!
Trời nóng thế này khó mà hững hờ với mâm trái cây tươi mát này.

Rất tiếc rằng chúng tôi không còn đủ thời gian để đi thăm chợ ngọc thô, điểm họp mặt của những người khai thác và chế tác ngọc nhỏ lẻ, chợ với nhiều cửa tiệm nhưng cũng lắm gian hàng thô sơ chỉ trải tấm bạt xuống đất rồi bày ngọc thô ra bán buôn sôi nổi, tấp nập.
Chúng tôi quay về khách sạn nghỉ ngơi và chuẩn bị hành lý rời Mandalay tối nay.

Nhân viên khách sạn giúp chúng tôi đem hành lý xuống sảnh. Tại đây, bất ngờ lại thấy Sayadaw ngồi đợi chúng tôi từ bao giờ.

Chúng tôi quỳ lạy tạ. Ngài trì chú, cầu an cho chúng tôi. Ngài tinh ý nhận xét rằng chuyến đi này tất cả chúng tôi, nhất là tôi, tỏ sắc diện vui và an lạc.

Ngài nhắc chúng tôi nếu có dịp quay lại Mandalay cứ đến tu viện của ngài ở, vì chùa rộng, đủ chỗ cho mọi người.

Ngài dặn dò bác tài “trầu” đưa chúng tôi ra bến xe cẩn thận.

Chúng tôi lại lạy tạ ngài. Chúc ngài giữ gìn sức khỏe.

Ở bến xe, chúng tôi còn nửa tiếng thảnh thơi đợi xe lăn bánh.

Hãng xe JJ (Joyous Journey) này rất nổi tiếng ở Miến Điện.
Vé thường phải đặt sớm mới có chỗ. Xe rộng rãi, chỗ ngồi êm và thoải mái.
Mỗi ghế có một màn hình nhỏ để xem phim hay chơi games.
Xe đò ở Miến Điện không có ghế “súp” (chèn thêm hành khách bắt ở dọc đường rồi nhồi nhét chung với khách hàng đã mua vé để tăng thu nhập).

Xe lăn bánh rồi mà tôi vẫn còn nghĩ đến ba ngày qua ở Mandalay, về những điều mắt thấy tai nghe.

Người dân Miến Điện là những phật tử thuần thành, vì triết lý Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống của họ. Vàng lấp lánh, lồ lộ mọi nơi ở các đền chùa nhưng không gợi lòng tham của con người, vốn không tìm cách trộm cướp để làm của riêng. Khi lòng tham của con người đã nguội lạnh thì họ thật thiện lương và đạo hạnh.

Một điểm thú vị và háo hức trong chương trình chuyến đi này nhưng lại không thực hiện được. Chúng tôi tự nhủ sẽ thực hiện trong một chuyến đi khác: thăm vài mỏ ngọc bích ở đây.

Thật là choáng ngợp với khối lượng, phẩm chất hảo hạng và vẻ đẹp vừa phong phú vừa quyến rũ của ngọc bích ở đây. Ấy vậy mà đa phần người dân Miến Điện còn nghèo, dù họ là chủ nhân của một đất nước đầy tài nguyên quý hiếm này.

Nhưng qua trao đổi với những người Miến Điện mà tôi tiếp xúc, tôi không thấy họ hằn học với những người bóc lột và tước đoạt  tài nguyên của họ: Thực dân Anh trước đây cùng giai cấp thiểu số ở đỉnh tháp ăn trên ngồi chốc gồm người Ấn và Trung Hoa…, sau này là giới cầm quyền quân đội đã đua nhau vơ vét tài nguyên. Ngược lại, tôi cảm nhận được lòng bao dung của Phật giáo trong lời nói và hành động của họ.

Một điều nhận xét thêm ở đây, tôi thấy được ánh mắt hy vọng của họ với những thay đổi gần đây của xã hội Miến Điện.

Hồng A
Sài-Gòn 19/8/2016

3 comments:

  1. CHS Hồng A thân mến,
    Cũng như những kỳ trước, tôi phải đọc qua phóng sự này 2 lần: lần đầu để có một khái niệm tổng quan: rất công phu với những hình ảnh và phụ đề "hấp dẫn" và có dẫn chứng. Sau đó là đọc và chú tâm vào các nhận định và hình ảnh tôi thấy rất bổ ích cho dự tính thăm Miến Điện trong tương lai của tôi và thói quen "lan man giây cà ra giây muống" của tôi. Càng được xem và đọc mấy phóng sự về Miến Điện của CHS Hồng A, tôi càng cố gắng giữ sức khoẻ để đi thăm xứ sở "Độc Đáo" này >> đám quân phiệt cai trị rất khắc nghiệt NHƯNG họ đã tỉnh ra và đang dần dần chịu bỏ "quyền thế, lợi lộc" không chính danh để đất nước họ được những đại diện do nhân dân thực sự bầu ra lo việc nước. Theo tôi "Độc Đáo" còn ở chỗ ở chỗ mấy ÔNG Tướng chấp nhận để một BÀ được đại đa số người dân chọn làm người lãnh đạo đứng ra đại diện cho Miến Điện ở trong nước cũng như trên thế giới. "Độc Đáo" nữa là ở chỗ Miến Điện là một nước mà đa số dân theo Phật Giáo Theravada {hình như nhiều người muốn dùng từ "Nguyên Thủy" thay vì "Tiểu Thừa"?} vẫn còn "kỳ thị" phái nữ {theo phụ đề của CHS Hồng A dưới hình chùa có [pho tượng Phật toàn bằng vàng + đặc biệt khu có hàng trăm pho tượng bằng vàng mà phụ nữ không được phép vào] hình trên hình [Tháp vua A Dục Asoka..].
    Một lần nữa, nhận định của tôi về phóng sự trên là "Hình và phụ đề rất phong phú."
    Bùi Dương Chi. Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-74.

    ReplyDelete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Em cảm ơn thầy đã đọc và nhận định bài bút ký của em. Nhận định chính xác của thầy về đất nước em vừa đi thăm là một khích lệ lớn đối với “người đi (bán) phượt để mở rộng thêm kiến thức”.

    Kiến thức về Phật giáo của em còn hạn hẹp, nhưng qua chuyến đi cũng “vỡ lẽ” rằng Phật giáo Miến Điện là Phật giáo “nguyên thủy” vì rằng giáo lý Phật giáo truyền qua Miến Điện đầu tiên trước khi đến các nước khác ở phương đông.

    Trong rất nhiều chùa, em gặp phải những bảng biểu đại để như “Ladies are prohibited” được đặt ở một vị trí, một “lằn ranh”, gần nơi tôn nghiêm nhất trong chùa. Phụ nữ vẫn quỳ lạy sát với “lằn ranh” này.

    Rất mong thầy và cô giữ gìn sức khỏe để du lịch đó đây.

    Học trò Hồng A

    ReplyDelete
    Replies
    1. CHS Hồng A thân mến,
      Tôi chỉ biết rất lờ mờ về Phật giáo.
      Một Phật tử Theravada cho tôi biết một số đồng đạo của ông ấy không chịu cái tên "Tiểu Thừa" [= cỗ xe nhỏ] so với Đại Thừa [= cỗ xe lớn]. Ông ấy giải thích "Nguyên Thủy" có nghĩa là "theo đúng như lời Phật giảng (kinh Phật) chứ không thêm kinh kệ như bên Đại Thừa". Tôi chỉ lập lại lời giải thích đại để như vậy thôi chứ không biết có chuẩn xác hay không.
      BDChi.


      Delete