Xe của hãng JJ mới cáo, rộng rãi, ghế ngồi thoải mái nên xe vừa rời bến một lúc là tôi “nhắm mắt để đó” cho đến khi xe dừng lại ở một trạm dừng chân, đèn trên xe bật sáng, tôi mới biết rằng mọi hành khách phải xuống xe.
Vì biển số xe toàn tiếng Miến Điện, xe JJ lại nhiều nên tôi phải chú ý đến số xe và vị trí xe đỗ để khỏi lộn xe.
Không khí bên ngoài mát rượi. Đêm nay trời không mưa.
Bên cạnh trạm dừng chân có một vườn hoa nhỏ. Tôi vẩn vơ đến đó. Một mùi hoa lạ thơm ngát khiến tôi tò mò tìm kiếm. Bỗng một giọng nói Miến Điện cất lên sau tôi, tôi quay lại. Một người đàn ông Miến Điện trung niên nói với tôi điều gì đó mà tôi không hiểu. Đoán rằng tôi không phải là người Miến Điện, ông ta nói tiếng Anh với tôi, vừa nói vừa chỉ: “… flowers … good, good!”
À thì ra vậy! Ông ta cũng hiểu rằng tôi đang đi theo mùi hoa lạ.
Hoa này có mùi thơm quyến rũ, thoảng xa, làm tôi nghĩ đến dạ lai hương. |
Yên vị trên xe chờ xe lăn bánh. Người đàn ông ban nãy lên xe rồi đưa cho tôi hai bông hoa nhỏ với màu khác nhau: “… Good, good! …” Tôi nhận hai bông hoa nhỏ: “… Thank you!” Bây giờ tôi mới nhận ra ông ta là bác tài phụ.
Chụp ảnh lại bông hoa này. Chúng mảnh mai quá. |
Ngủ thẳng một giấc đến sáng. Xe dừng ở công ty xe của họ chứ không ở bến xe.
Trời lất phất mưa. Bầu trời u ám.
Chúng tôi đã đến Naung Shwe thuộc bang Shan, một thị trấn nằm bên bờ hồ Inle, hồ lớn nhất và đẹp nổi tiếng của Miến Điện. Bang Shan là một bang lớn, nằm phía đông Miến Điện giáp với Thái Lan, Lào và Trung Hoa. Thủ phủ của Shan là Taunggyi, cách Naung Shwe độ hơn một giờ đi xe.
Một chiếc xe tải nhỏ đưa chúng tôi về khách sạn. Tưởng đâu xa, chưa đầy ba phút là chúng tôi xuống xe.
Trời chưa sáng hẳn. Phòng tiếp tân khách sạn im ắng. Hai thanh niên đang còn say nồng giấc điệp. Chúng tôi gọi năm lần bảy lượt, hai chàng mới đủng đỉnh ngồi dậy. Rồi cũng đủng đỉnh lề mề gần 15 phút sau chúng tôi mới nhận được phòng.
Giống như những khách sạn khác, chúng tôi phải đặt trước qua website.
Phòng là một gian nhà gỗ rộng mênh mông, sàn cũng bằng gỗ, có vẻ ít được … lau chùi. Giường rộng, cũng không được sạch sẽ cho lắm. Buồng tắm rộng bằng cả một gian phòng. Miến Điện đất rộng người thưa có khác! Dân bán phượt có chỗ trú ngụ thế này là quý hóa rồi. Ăn mày không đòi xôi gấc …!
Không gian thoáng đãng. Khách sạn có đầy đủ xe gắn máy và xe đạp cho du khách thuê. |
Chùm lan rừng này trồng trong vỏ một quả dừa, đơn sơ và dễ thương. |
Tấm bản đồ chi tiết hồ Inle đặt ngay trước phòng tiếp tân khách sạn. Nhìn bản đồ cũng chưa thể mường tượng độ lớn của hồ. |
Ăn sáng qua loa thì thấy tài công đã đợi chúng tôi ở đó từ bao giờ.
Tài công là một thanh niên cao lêu khêu, da sạm nắng, dáng khắc khổ. Anh ta ít nói, nhưng khi chúng tôi trao đổi bằng tiếng Anh thì anh ta hiểu cả.
Theo chân tài công ra bến đò mất khoảng gần nửa tiếng, rã cả chân.
Lại xuống ghe. Chiếc ghe này hẹp và ngắn chứ không rộng rãi chắc chắn như chiếc đò chúng tôi đi trên dòng Irrawaddy ở Bagan, vì vậy mới bước chân xuống đã chòng chành, chỉ chực lật. Yên vị rồi, việc đầu tiên phải làm là khoác áo phao vào và nai nịt cho yên tâm. Không ai muốn đi gặp Hà bá cả.
Ghe nổ máy phành phạch và đạt “siêu tốc” liền ngay sau đó. Nước sau chân vịt tung trắng xóa.
Hai bên bờ kênh có kè đá tươm tất, cây cối xanh tươi.
Con kênh sẽ hữu tình hơn nếu như nước trong hơn. Thỉnh thoảng một cổng bến đò trổ ra từ kè đá, có mái che trông cũng nên thơ. |
Bắt đầu háo hức rồi đó. |
Ghe “mót củi”. Cảnh sống ở đây nghèo nàn, nhưng chưa biết anh hạnh phúc hơn ai. |
Ô kìa, thuyền ra đến hồ rồi. Trời nước mênh mông một màu xám vì trời hôm
nay không nắng. Bù lại gió lồng lộng, mùi gió hòa quyện với mùi nước. |
Cảnh sông nước phẳng lặng. Công việc của những người vớt rong cũng lặng lẽ. |
Chàng ngư phủ này vừa thả lưới xong, nghe ngóng chờ thu hoạch. |
Có lẽ phụ nữ này cũng ngồi đợi cất lưới. Xa xa là một khu resort ngay trên mặt hồ. |
Cặp Tây bên kia đang say hương với sóng nước. Ghe “cao tốc” tung tăng khắp nơi trên mặt hồ. |
Trời đất mênh mông, mây treo đỉnh núi. |
Ngày nào một giấc mơ … (Trở Về Bến Mơ _ Ngọc Bích) |
Không gian tĩnh lặng quá, chỉ còn nghe gió lướt vi vu, tiếng vỗ cánh của từng bầy cò trắng muốt bay là đà trên mặt nước rình đớp mồi, tiếng cá quẫy nước, tiếng ghe máy xình xịch, sóng vỗ vào mạn thuyền, những âm thanh đó làm tôi chìm vào giấc ngủ.
Một lúc sau, ghe lướt sóng nhanh, chòng chành làm tôi tỉnh giấc, dụi mắt cho tỉnh táo rồi lại nhanh nhẩu bấm máy tiếp.
Nước lặng dòng sầu, mây trời lãng đãng. |
Thuyền gió trôi chầm chậm
Xa xa bờ chân mây
Núi biếc vời thăm thẳm
Nắng vàng phai bóng cây
In hình trong gương nước
Thuyền trôi trên bóng mây
Chim trời tung cánh lướt
Ta _ một cõi riêng tây
Ngày sau và sau nữa
Đời vốn dĩ vô thường
Nhịp đời trôi, trôi mãi
Chút tơ tình còn vương.
Xa xa bờ chân mây
Núi biếc vời thăm thẳm
Nắng vàng phai bóng cây
In hình trong gương nước
Thuyền trôi trên bóng mây
Chim trời tung cánh lướt
Ta _ một cõi riêng tây
Ngày sau và sau nữa
Đời vốn dĩ vô thường
Nhịp đời trôi, trôi mãi
Chút tơ tình còn vương.
Ghe chúng tôi đi vào khu nông thôn Inle: vườn nổi.
Nông thôn trên hồ nước. Cảnh sống thanh bình. |
Bên đồi thơ mộng, mây mù xuống thấp, bếp nhà ai đang tỏa khói. |
Còn ta thì ngây ngất với trời nước. Mọi khoảnh khắc đều muốn tóm bắt hết. |
Bóng mây in mặt hồ. Mới nhìn cứ ngỡ là những vết cọ. Xa xa là một khu resort nữa. Có tiền vào đây ở một thời gian cho … tịnh. |
Cuộc sống ở đây lặng như mặt hồ không gợn sóng. |
Không gian ở đây tĩnh lặng quá, tách biệt với đời sống … bên kia. |
Bóng dừa in đáy nước. Trên kia, … áng mây thành thơ nhẹ gió đưa. |
Tạm biệt nhé! |
Khu trồng trọt trên mặt hồ. |
Ghe len lỏi vào các “ngõ hẻm” làm lay động những cánh chuồn chuồn đủ màu
bay rào lên, ếch nhái ễnh ương oàm oạp. Kệ bây! Lo chụp hình cái đã! |
AKia kìa! Chỗ kia mới đẹp kìa! |
… Ai bảo … nông dân là khổ. Nông dân sướng lắm chứ ư! Cái này mới đúng là “Hàn nho phong vị phú” (Nguyễn Công Trứ). |
Kìa thôn quê! |
Tĩnh lặng. Thỉnh thoảng … Cá đâu đớp động dưới chân bèo. (Nguyễn Khuyến) |
Hồ thu lạnh lẽo, nước trong veo … |
Kỹ thuật trồng rau độc
đáo trên hồ: vườn nổi. Rong rêu được vớt lên từ hồ, đắp thành luống trên
mặt nước. Đủ loại nông sản được canh tác nhưng cà chua là nông sản đặc thù ở đây. |
Cuộc sống mộc mạc, dòng đời lặng lẽ. |
Biết bao thế hệ đã trải qua đây, đã sống với nhu cầu tối thiểu như thế này. |
Liệu người dân gắn liền với sông nước có can đảm bỏ môi trường sống này để chạy theo ánh sáng đô thị không? |
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. |
Muốn sang thì bắc cầu Kiều … |
Bên trong một tu viện bên hồ. |
Quả này được trồng ngay trước tu viện. Thấy ngồ ngộ. |
Quần áo này không cần đến bột giặt Comfort cũng … thơm. |
Đây là garage của mỗi nhà. |
Chàng trai đủng đỉnh chèo thuyền bằng một chân. |
Đây là nhà một “đại gia” trên hồ: citerne nước sạch, chảo vệ tinh inh ỏi. |
Tạm biệt khu dân cư. |
Ghe lướt sóng đến thăm chùa. |
Chúng tôi viếng chùa Phaung Daw Oo Pagoda, một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và là một trong 7 nơi đáng hành hương đối với phật tử Miến Điện, đặc biệt là cư dân bang Shan. Chùa tọa lạc tại làng Ywama, nằm gần cuối hồ Inle.
Ngôi chùa nổi tiếng Phaung Daw Oo này được xây trên bờ hồ là một kỳ quan, thể hiện công sức rất lớn của người dân địa phương. |
Khách hành hương thăm chùa. |
Cảnh buôn bán bằng ghe di động gần chùa. |
Cảnh trước chùa. |
Chánh điện của chùa thờ năm tượng Phật trông giống như những tảng đá dát
vàng. Vô số lá vàng được dát vào mỗi tảng đến độ không thể hình dung được tảng đá nguyên thủy như thế nào. |
Trước bệ thờ là một bàn làm bằng bạc,
nơi để các bữa ăn cúng dường trong ngày. Chim chóc trên trần chùa ung
dung sà xuống thưởng thức.
Du khách được yêu cầu ăn mặc chỉnh tề khi bước vào chánh điện của chùa.
Hàng
năm, vào tháng chín hoặc tháng mười, là lễ hội chùa Phaung Daw Oo. Bốn
trong số năm tượng Phật được rước lên thuyền rồng lướt đi khắp hồ.
Nhà để thuyền rồng. |
Thuyền rồng nghinh rước trong lễ hội tháng chín hoặc tháng mười. |
Cảnh đẹp trên đường về |
Tạm biệt nhé, Hồ Inle. Lưu luyến chụp … cú chót. |
Khi ghe cập bến, hỏi giá cả sau chuyến đi ba tiếng đồng hồ trên hồ, anh chàng tài công lêu khêu lấy 20 000 kyats. Thật là rẻ quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Tôi “boa” thêm cho anh ấy 5 000 kyats, thoáng thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khắc khổ khi anh vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.
Những sọt cà chua được thu hoạch ở vườn nổi Inle rồi tập trung ở đây chờ phân phối. |
Về đến khách sạn thì thấy một gia đình du khách tây phương gồm hai vợ chồng trẻ và hai đứa con vừa xuống xe vào nhận phòng. Chúng tôi cũng vào nhận lại chìa khóa phòng. Anh Cửu bắt chuyện với người chồng.
Họ đến từ Hoa Kỳ và rất háo hức đi chơi trên hồ Inle. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, anh chồng bảo rằng Việt Nam rất nhân bản!!! nhưng rồi anh ta nói ngay rằng giao thông ở đây thật hãi hùng!
Thấy đưa con gái của anh du khách này cầm máy hình nhút nhát, anh Cửu dẫn cháu đi chụp hình hoa lan rừng và buồng chuối này trong khách sạn. Cháu rất thích.
Buồng chuối trước cửa phòng khách sạn. Có lẽ trông lạ mắt đối với trẻ em Tây phương. |
Chiều nay chúng tôi quyết định ở lại khách sạn vì mệt lắm rồi. Chẳng dè mưa lại đổ tầm tã suốt buổi chiều. Hóa ra nằm trong nhà nghe mưa rơi là một mục thưởng thức không tồi.
Da mặt mọi người thấy rát. Trời không nắng nhưng gió trên hồ như muốn lột da mặt.
***
Nhịp sống của người dân chài ở đây chậm rãi trôi trên sông hồ, thể hiện qua cách họ khoèo chân chèo ghe trôi từ từ vậy.
Riêng tôi nghĩ, khi về già, sao mình lại dành cả cuộc đời để bôn ba danh lợi tiền tài mà mọi thứ trong cuộc sống vốn thành-trụ-hoại-không. Còn chút thời gian cuối đời, sao ta lại không để nhịp đời trôi đi một cách chậm rãi nhỉ?
Và tôi ước: Đời như chiếc thuyền con bồng bềnh, theo sóng nước lênh đênh.
Hồng A
Sài-Gòn 24/8/2016
Sài-Gòn 24/8/2016
Cựu học sinh Hồng A và anh chàng có công theo hầu thân mến,
ReplyDeleteMột nét rất đặc sắc của bài phóng sự "Hồ Inle, Trời-Mây-Nước" là bài thơ vô đề thuộc loại "hứng cảnh sinh tình" của tác giả. Đọc thơ không tôi đã thấy hay mà còn thêm khung cảnh nước non, mây trời, con người, hoa quả, vườn tược... thì quả là một phóng sự du khảo xuất sắc. Không ngờ CHS Hồng A và bầu đoàn phu tử lại có mắt tinh đời khám phá nhiều di tích, phong cảnh và những cuộc sống đời thường ở Myanmar trong một khoảng thời gian hạn hẹp như vậy.
Một bạn vong niên vừa vẽ tranh, vừa viết truyện, vừa làm thơ, được coi là nổi tiếng vừa vừa ở Hoa Kỳ,lúc sinh thời đã chỉ bảo tôi rằng một tác phẩm đặc sắc thuộc bất cứ lãnh vực nào ngoài giá trị văn hoá nghệ thuật còn phải làm người đọc từ đó mà "thả hồn" theo những trải nghiệm cá biệt rồi tuyệt hơn nữa là làm ra được một cái gì đó có tính cách sáng tạo, bình thường thôi chứ không nhất thiết phải là một công trính "để đời". Cho nên đến nay, tôi vẫn trân trọng lời chỉ bảo này. Và vì chỉ được trải nghiệm phong cảnh của mấy hồ thuộc loại lớn ở Việt Nam nên tôi sẽ gửi hình qua mạng thbmt74 (tôi không biết cách kèm hình vào mạng này) để khi có dịp thì CHS THBMT nào có khả năng viết và ghi hình cũng sẽ làm một phóng sự như CHS Hồng A đã chia sẻ với bạn học và thầy cô cảnh đẹp cá biệt của hồ Inle.
Bùi Dương Chi. Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-74.
Kính thưa thầy Chi,
ReplyDeleteCảm ơn thầy đã có lời nhận định và khen bài viết “Hồ Inle, trời-mây-nước” của em.
Em nghĩ rằng trong cảnh trời nước mênh mông và tĩnh lặng như vậy thì bất cứ ai cũng “hứng cảnh sinh tình” thầy ạ. Có khi cảm nhận của người im lặng còn mãnh liệt hơn cả người “bật” ra thành thơ con cóc như em. Khi lòng còn rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên cũng là dấu hiệu báo rằng “hội chứng già” chưa đến sớm.
Em xin chia sẻ giá trị “thả hồn” trước một tác phẩm. Một tác phẩm nghệ thuật hay thiên nhiên chỉ có giá trị, đối với từng cá nhân độc giả, chỉ khi nào họ bị “hớp hồn”.
Cảnh hồ Ba Bể thầy lưu lại trong các bài du ký trước đây cũng đẹp, đẹp lắm! Rất tiếc em có quá ít cơ hội du lịch trong nước để thấy rằng nước ta không thiếu cảnh đẹp gấm vóc và không hề kém xứ người.
Em chỉ biết một vài hồ ở Dalat trong đôi lần du lịch ở đây nhưng thật lòng không bị “hớp hồn”. “Anh chàng có công theo hầu” của em nói rằng trước năm 1975 Dalat đẹp lắm. Ngay Hồ Xuân Hương, mặc dù ở ngay trung tâm thành phố cũng rất là “hứng cảnh sinh tình” chứ chưa nói đến Đa Thiện, Than Thở hay Vallée d’Amour vốn còn khá hoang sơ. Như vậy, cái đẹp chỉ bền khi được giữ gìn và trân trọng.
Ý định của thầy gửi hình các hồ nước thuộc loại lớn ở Việt Nam lên diễn đàn 74 để các cựu học sinh ngắm và nhận định là một ý kiến hay và phong phú thầy ạ, vì ai cũng “hứng cảnh sinh tình” theo cách của mình và có thể thể hiện bằng ngòi bút của riêng mình.
Học trò Hồng A.