Wednesday, December 21, 2016

Perth, Tản Mạn Những Ngày Đầu Trở Lại

Perth, những ngày đầu hạ, khí hậu vẫn còn gây gây lạnh vào buổi sáng. Thành phố vẫn yên tĩnh, sinh hoạt chậm rãi. Đó là nét đặc thù của đời sống kiểu Úc. 

Chợ phiên cuối tuần

Chợ phiên ở vùng ngoại ô Perth như thường lệ vẫn nhóm họp vào mỗi sáng thứ bảy trong khuôn viên một nhà thờ.

Nhà thờ địa phương nơi chợ phiên họp hàng tuần.
Bầu trời trong, xanh ngắt không một gợn mây hiện sau tán phượng tím mơ màng.

Đi chợ phiên để mua rau củ, cây trái tươi ngon … từ các nông trại.

Cửa hàng hoa vẫn là nơi quyến rũ nhất. Hoa cẩm tú cầu đủ màu rực rỡ.

Nhẩn nha hưởng thụ cuộc sống.
Chủ cửa hàng này người Ý, vợ người Thái-Lan, sở hữu một nông trại trồng rau quả và trái cây rất lớn trên một ngọn đồi cách Perth khoảng nửa giờ xe chạy. Họ mời chúng tôi chủ nhật tuần sau ghé trang trại của họ thưởng thức trái cây còn trên cành.

Cà tím: mỗi quả nặng trên một ký lô nhưng giá chỉ hơn $1 Úc kim.
Nhận xét chung của nhiều người đến Úc là trái cây hay rau củ gì ở đây cũng to tổ nái …
An toàn thực phẩm ở đây khắt khe và nghiêm ngặt.

GOOD MORNING! Một ngày mới bình yên

Đầu mùa hè ở đây, mới bốn giờ rưỡi sáng trời đã hừng đông, bầu trời xanh ngắt, thoáng đãng. Không khí se se lạnh. Không gian thật tĩnh lặng. Đi dạo vào thời khắc này thật bình yên.

5:00 a.m. Một vài cư dân đã đi dạo. Ở đây, Người Úc rất thân thiện và vồn vã,
họ luôn nhoẻn miệng cười và chào “Good morning” với người xa lạ.

Một bụi cây ven đường rộ hoa.

Không biết tên cây là gì, nhưng chợt gợi nhớ đến lời nhạc năm xưa: “… Hoa vòng rừng tuyết trắng …”
(Những Bước Chân Âm Thầm _ Y Vân)

Chẳng mấy khi bắt gặp được một giàn nho trên hàng rào trước nhà ai đó như thế này.

Gốc nho đại thụ, cành trái vươn ra vệ đường. Quả đang độ thanh xuân.
Có lẽ khi nho chín thì khách bộ hành có quyền …

Nhà ai bên đường phủ đầy hoa: Mon Amie, la Rose (Françoise Hardy).

Cây với tán bông đỏ rực bên đường.

Hệ thống tưới phun trong công viên trước nhà bắt đầu hoạt động.
Cây cỏ được tiếp sức sống, chuẩn bị cho một ngày nóng hừng hực.
Trạm xe bus bên công viên vắng lặng. Thỉnh thoảng một chiếc xe bus chạy trờ tới rồi đi luôn.
Đôi khi trên xe không có một hành khách nào nhưng xe vẫn chạy theo đúng lịch trình.
Dịch vụ công ở đây thật tốt.
Tôi tò mò dừng chân nhìn hình ai đó in trên thùng rác công cộng bên cạnh trạm xe bus. À, thì ra đây là hình một ứng viên nghị viện của Tây Úc.

Chương trình hành động cụ thể của ông ta được niêm yết như sau:

Peter Abetz,
Ứng viên đảng Tự Do vùng Southern River
Hành động để những việc sau đây được thực hiện cho cộng đồng:
-    Nối đường bộ vào đường cao tốc ở Bùng Binh đường Richolson,
-    Mở thêm làn đường thứ ba cho đường Ranford,
-    Cầu vượt cho đường sắt băng qua đường Richolson,
-    Tái lập hộp thư tại Trung Tâm Mua Sắm Vale,
-    Hỗ trợ các trường địa phương của chúng ta.
(Khẩu hiệu) ĐẶT NHÂN DÂN LÊN HÀNG ĐẦU.

Văn hóa Úc cũng ngộ: hình tên các ứng viên nghị viện được ưu ái đặt ở thùng rác! Chương trình hành động của họ cũng cụ thể, không đao to búa lớn, chém gió gì cả, quanh quẩn chỉ hứa thực hiện mấy việc vặt vãnh trong đời sống! Cứ như thế này mãi thì đến bao giờ mới tiến lên được thiên đường …

Hoa vàng mấy độ, rạng rỡ dưới bầu trời xanh thẳm.

Một đóa hoa trắng tinh khiết vừa nở trong đêm trước cửa nhà.
Hương hoa thơm dìu dịu, thoang thoảng như mùi hoa iris.

Ô kìa, NHẬT-NGUYỆT giao hòa! Nắng đã rực rỡ nhưng bóng nguyệt vẫn chần chừ chưa rời bước.

Dạo quanh Perth.

Từ nhà đến trung tâm Perth khá nhiêu khê, nếu như quyết định “mạo hiểm” bằng xe bus và tàu lửa, nhất là người ngoại quốc đi lần đầu vào trung tâm thành phố.

Dưới ánh nắng chói chang gần 40oC, nếu không đội mũ và uống đủ nước thì người đi bộ dễ bị bỏng nắng và mất nước. Tôi bị rơi vào trường hợp này khi xớn xa xớn xác đi bộ giữa trưa nắng mà không che chắn.

Trên đường đi, tôi ghé vào Cockburn Gateway Shopping City, hòa mình vào không khí nhộn nhịp mùa Giáng Sinh.

Trung tâm mua sắm Cockburn Gateway Shopping City

Trẻ con, đứa nào cũng yêu thích ông già Noël.

Chúng cũng say mê thú vật. Có thêm mấy con sóc trên cây đèn.
Hoa đăng lấp lánh.
Chúng tôi bắt xe lửa để đi vào trung tâm Perth. Được người quen giới thiệu hiện đang có triển lãm về các xác ướp Ai Cập cổ đại cùng nhiều phim hay nên tôi đến khu phức hợp gồm viện bảo tàng, trung tâm triển lãm, rạp chiếu phim 3-D. Nếu tham dự một trong các mục triển lãm hay chiếu phim thì sẽ mất nhiều thì giờ. Trời bên ngoài nắng chói chang nên chúng tôi chỉ nán lại bên ngoài hành lang, dạo quanh rồi về.

Hành lang bên ngoài viện bảo tàng.

Trong khuôn viên viện bảo tàng
Xế trưa, nghe thấy kiến bò bụng, chúng tôi kéo nhau đến khu phố Châu Á để ăn trưa.

Một góc phố Perth trên đường đến khu ăn uống Châu Á


Phở 24

Chúng tôi tìm đến quán ăn Trung Hoa có món thịt vịt nổi tiếng ngon. Khi đến nơi thì thấy bảng niêm yết, báo rằng quán đóng cửa để đón Giáng Sinh từ đầu tháng 12 đến qua năm mới. Thật đúng phong thái của Úc: hưởng thụ, đủng đỉnh cuộc sống.

Cuối đường này có quán ăn Việt Hoa khá ngon.

Thư giãn ở hồ bơi

Ở Úc, người già được hưởng nhiều tiện nghi trong cuộc sống. Một trong những tiện nghi nhiều người già sử dụng là hồ bơi. Họ thường đến đây vào sáng sớm cuối tuần, hoặc đơn lẻ, hoặc đi cả đôi già, hoặc một bà một cháu bé …

Hồ bơi ở đây rộng và sạch sẽ, gồm hai khu riêng biệt: khu cạn dành cho người già, trẻ em hoặc người chưa bơi giỏi, và khu dành để tập luyện thi đấu.

Người già thường dắt nhau đi trong khu cạn để tập thể dục đi dưới nước. Nhiều người rất yếu nhưng cũng cố đi đi lại lại vài vòng.

Từ khoảng 8:00 a.m. trở đi, nhiều cặp vợ chồng trẻ đưa con nhỏ, thậm chí mới vài tháng tuổi, tới đây để tập bơi cho đứa bé.

Đội ngũ huấn luyện viên ở đây chuyên nghiệp. Họ luyện tập cho đủ lớp tuổi.

Biển cảnh báo an toàn được đặt mọi nơi, cảnh báo cha mẹ chú ý đến con cái của mình ở đâu trong hồ bơi.

Hồ bơi trong nhà. Bên ngoài cũng có hồ bơi lộ thiên.

Mặc dù sáng sớm trời se lạnh nhưng nước trong hồ ấm áp.

Thăm viện dưỡng lão

Người già ở Úc, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, tùy hoàn cảnh gia đình mà phải sống quãng đời còn lại trong viện dưỡng lão. Tuổi già mà không được sống với con cháu thật buồn, nhưng khi chúng tôi đến thăm một cụ bà quen biết hiện đang sống trong viện dưỡng lão mới hiểu rằng, cho đến một chừng mực nào đó, điều kiện sống trong viện dưỡng lão của những người cao tuổi ở Úc, so với nhiều nước khác là rất tốt. Đặc biệt khuôn viên của viện dưỡng lão ở đây rất khang trang, tinh tươm, và nổi bật là hoa trồng khắp nơi, nhất là hoa hồng.

Bà cụ chúng tôi đến thăm năm nay 94 tuổi. Do hoàn cảnh neo đơn, ở với người con gái út đang phải làm việc nên không thể chăm sóc bà tốt như trong viện dưỡng lão được.

Bà cụ phải ngồi xe lăn, bị ung thư giai đoạn cuối, chịu nhiều đau đớn, không thể tự săn sóc cho mình được. Tuy nhiên, bà cụ là người rất cứng cỏi và quyết đoán về mặt tinh thần. Qua người thân trong gia đình, chúng tôi biết được rằng bà cụ chịu nhiều bất hạnh trong gia đình nhưng bà có đức tính hy sinh cao, một mình nuôi sáu người con khôn lớn.

Lần này đến thăm bà cụ, bác sỹ nói rằng khả năng sống của bà cụ chỉ đếm từng tuần, không biết có qua khỏi Giáng Sinh năm nay không. Thấy chúng tôi đến thăm, bà vui và rất ân cần.

Người con gái út cho chúng tôi xem một số tranh sơn dầu, tranh thêu do bà vẽ và thêu. Thật cảm phục bàn tay tài hoa của bà. Cảm động nhất là tấm thiệp bà vẽ tặng cho cô con gái út nhân lễ Giáng Sinh năm nay.

Ngày còn trẻ bà còn là người múa ballet.

Thiệp Giáng Sinh 2016 bà vẽ tặng cô con gái út.

Tranh sơn dầu

Tranh sơn dầu

Tranh sơn dầu

Tranh sơn dầu

Tranh sơn dầu

Tranh sơn dầu

Tranh thêu

Tranh sơn dầu

Thăm trang trại trái cây

Theo lời mời của chủ trang trại rau quả và trái cây, chúng tôi khởi hành từ sáng sớm chủ nhật đến trang trại vì biết rằng đi trễ một chút sẽ gặp đủ phiền hà: không có chỗ đậu xe, khách đông sẽ làm cho việc thưởng thức việc hái quả mất đi vẻ … thanh tao … Đặc biệt nghe nói về các đoàn khách người Trung Quốc du lịch mùa hè đi cả một đoàn xe, họ mà tràn vào trang trại thì … Ôi thôi!

Chúng tôi trang bị tối thiểu các thiết bị chống ruồi, cụ thể là chiếc mũ có vải mùng thưa phủ kín mặt, vì vào mùa hè ở đây ruồi rất… bất lịch sự. Chúng quấy rối mặt người ta một cách lì lợm khiến hai tay cứ phải múa tung lên xua đuổi cả chục lần chúng mới chịu miễn cưỡng bay đi. Kính râm, mũ rộng vành, áo tay dài cũng cần được lưu ý.

Chúng tôi là những người đầu tiên tới trang trại. May quá!

Vừa xuống xe đã gặp chủ trang trại người Ý trẻ tuổi. Biết chúng tôi là người Việt Nam, anh ta chào rồi nói “Choi oi!” Thấy mặt chúng tôi nghệt ra, anh ta giải thích rằng khi thất vọng điều gì đó, người Việt thường nói “Choi oi!”. À, thì ra “trời ơi!” … Oh, my God!

Giàn nho ngay trước cổng vào trang trại.

Mùa này nho bắt đầu được thu hoạch. Nho còn xanh như trong hình sẽ còn lâu mới thu hoạch. Mùa thu hoạch nho ở Úc rất dài, từ đầu hè đến tận đầu mùa thu. Khi vụ thu hoạch ở cao điểm, giá một thúng nho chỉ có vài Úc kim, ăn đến ngán!

Từ cổng trang trại vào đến lán trại, công nhân tấp nập kê hàng rào che chắn lối đi. Một bên là khu trồng cà chua bạt ngàn.

Luống cà chua xanh mướt, thẳng tắp

Cà chua của trang trại được bày bán ở chợ phiên, trông thật ngon lành.

Chúng tôi túa ngay vào khu trồng mơ (apricots). Những hàng mơ dài tít tắp vươn cành hai bên, cành hàng này giao với cành hàng kia tạo thành bóng râm mát rượi.


Hàng cây mơ.
Thứ làm chúng tôi mê hoặc không phải là cành lá mà chính là những chùm quả chín vàng. Bớt háo hức đi, hãy bình tĩnh và điềm đạm! Chỉ chọn những quả to, chín vàng sậm. Chỉ cần với tay một chút là quả chín mọng nằm gọn trong tay, vặn nhẹ một chút, quả rời cành.

Quả mơ chín mọng còn lớt phớt lông tơ mịn. Bẻ đôi quả mơ ra ở phía cuống, chiếc hạt xinh xinh tách khỏi lớp thịt dầy cui. Nửa quả cũng đủ làm miệng phồng to rồi! Một làn nước quả mát rượi và thơm ngát chảy dọc theo cổ họng. Ôi chao, lớp vỏ mỏng ram ráp càng làm cho hương vị quả trong miệng tăng thêm, kèm theo cảm giác an tâm rằng quả không bị xịt thuốc.

Công việc sau đó là hái và lủm, hái và lủm! Một lời khuyến cáo nhẹ nhàng rằng mơ có tác dụng khá… nhuận trường! Mặc kệ, làm một hơi sáu-bảy quả là bụng no tròn.

Cành mơ trĩu quả, nằm sát dưới mặt đất. Quả chín chưa kịp thu hoạch rụng đầy mặt đất.
Chúng tôi lạng qua khu trồng xuân đào (nectarines). Màu đỏ rực của quả chín nổi bật giữa tán lá xanh. Quả chín ngả dần qua mầu đỏ sậm. Quả mập và mọng đến nỗi không thấy cuống. Phải kiên nhẫn vặn nhè nhẹ vài lần, nếu không quả cạ vào thân cành làm trầy xước, tươm nước quả, không bảo quản được lâu.

Xuân đào to cỡ bằng quả cà chua lớn, khi chín mọng nước, vị ngọt pha vị chua chua.
Rất khó khi cắn mà không làm nước mọng tràn ra ngoài!
Vì chúng tôi là khách quen đặc biệt nên được mang túi riêng vào trang trại. Khách bình thường được phát một bao ni-lông có kích cỡ định sẵn ở ngay cổng vào.

Thu hoạch đến đây có vẻ đã bão hòa!

Quy định của trang trại rất đơn giản và dễ dãi nhưng xem chừng khó được tuân thủ đối với một số người …: Hái quả chín và ăn thả giàn tại chỗ, hái đến đâu ăn đến đó hay bỏ đầy vào chiếc bao được phát. Không vít gẫy cành vì thang leo được trang bị mọi nơi.

Khi chúng tôi quay ra cổng thì nắng đã lên cao, sạp bán trái cây dựng xong và trái cây được bày ra từ lúc nào rồi.

Khách có thể mua trái cây ngay tại đây mà không cần phải vào trang trại.
Bên cạnh gian hàng trái cây là chiếc xe tải. Tôi tò mò đứng nhìn. Công nhân đang dỡ những thùng đựng dưa hấu.

Mỗi quả dưa thế này nặng đến chục ki-lô. Đặc biệt dưa ở đây không có hạt và ngọt như đường.
Mỗi hộp cherries này một kg. Giá cherries đắt và việc hái cũng… mẫn cảm nên khách không được đến khu vực trồng loại trái cây này.

Chúng tôi lấy một hộp cherries rồi đến quầy tính tiền. Anh chàng người Ý tươi cười và liến thoắng, không chịu lấy tiền. Chúng tôi nài nỉ mãi anh ta mới lấy tượng trưng $40 Úc kim: ba giỏ trái cây (khoảng chục ký) kể cả hộp cherries.

Cherries, nếu mua, sẽ tính tiền riêng.

Khách bình thường, sau khi ăn tại chỗ no say với túi trái cây theo kích cỡ phát sẵn, mỗi người phải trả hơn chục đô la Úc.

Bên cạnh cổng vào, trẻ con có chỗ vui chơi.

Video-clip: Hái trái cây trong trang trại.




Một ngày vui cuối tuần!

Hồng A
Perth, 20-12-2016\

No comments:

Post a Comment