Saturday, October 24, 2015

Ngồi buồn kể chuyện vẩn vơ

Thứ năm tuần vừa rồi, trước khi lên đường đến sở như thường lệ, Dung nhận được hai lá thư (Emails). Dung đọc xong hai lá thư này mà lòng buồn rười rượi. Lá thư thứ nhất của Thu Bình, cô bạn thân mà Dung quen từ ngày đầu khi vừa bước chân đến Pháp. Lá thư thứ hai của Thầy Giõng báo tin chị Vân Khương, giám đốc đài phát thanh Tiếng Nước Tôi, vừa ra đi vĩnh viễn.

Đôi bạn

Ngày đầu tiên đến Pháp, Dung được con bác Kỳ Lợi đưa đến ở Trung Tâm Pháp-Việt (Centre Franco-Vietnamien). Đây là một ký túc xá dành cho phái nữ với đa số là những sinh viên Việt Nam không có người thân ở Pháp. Trung tâm được trợ cấp của Tòa Đại Sứ VNCH nên tiền mướn tương đối hạ, vừa túi tiền cho sinh viên. Trong số đó, có những người đã qua từ vài năm trước, cũng có những người chân ướt chân ráo vừa đến như Dung. Ngay từ tuần lễ đầu tiên, Dung đã được giới thiệu với 7 cô bạn cùng lứa tuổi. Tụi Dung 8 đứa, thuộc cấp lớp nhỏ nhất trong giới du học sinh qua trước tháng 4/75 nên được các anh chị lớn ưu ái đặt cho cái tên "Bát Tiên" hay "Bát Tí" (theo chuyện xì-trum mà cũng để nói là nhỏ nhất trong đám sinh viên ở trung tâm). Từ đó, mỗi cô có thêm một cái biệt hiệu như Tí đầu bếp, Tí điệu, Tí đô, v.v... còn Dung thì mang thêm cái biệt danh Tí võ sĩ từ đó.

Sau khi vận nước đổi thay, trung tâm không còn nhận được trợ cấp nên tăng giá tiền nhà. Tất cả nhóm sinh viên người Việt ở đây đều phải kiếm chỗ ở rẻ hơn để dọn ra. Nhóm Bát Tí tụi Dung dọn về 1 căn gác lẹp xẹp bên cạnh một cái nhà máy cũ kỹ. Những năm đầu ở Pháp, cả đám nghèo rớt mồng tơi. Tháng nào cũng chỉ mong có đủ tiền nhà, tiền ăn và tiền đi metro (xe điện ngầm), còn tất cả những thứ khác đều là xa xỉ phẩm. 

Có lẽ vì hiền như nhau và hợp tính nên Dung và Thu Bình thân nhau hơn những cô bạn khác. Tình bạn giúp tụi Dung vượt qua những ngày khó khăn và bơ vơ trên đất Pháp. Cũng như những đôi bạn khác, tụi Dung kể cho nhau những chuyện vui, chuyện buồn. Thỉnh thoảng, nhất là sau kỳ thi lục cá nguyệt, hai đứa tự thưởng cho mình bằng một buổi xi nê, lần nào cũng chọn phim tình cảm của Ý, ướt át không thua gì chuyện Quỳnh Dao. Tan rạp, hai đứa mắt đỏ hoe nhưng không quên mục kế tiếp là khao nhau một cây cà rem. Vào mùa đông rét mướt, cả đám co ro trong căn gác nhỏ. Tụi Dung không dám mở sưởi nhiều để đỡ phải trả tiền điện, lúc mở sưới căn nhà cũng chẳng ấm hơn được bao nhiêu vì nhà đã cũ, cửa nẻo bị hở nhiều chỗ nên không ngăn được hơi lạnh từ bên ngoài đưa vào. Mỗi đứa ngồi một góc, vừa mặc áo lạnh dày cộm, vừa trùm mềm ngồi học. Những lúc nhớ nhà, nhớ gia đình, Dung và Thu Bình im lặng ngồi bên nhau, để tâm tư chìm đắm trong nỗi nhớ. Thỉnh thoảng hai cặp mắt ướt long lanh nhìn nhau như thầm mong được nắm lại bàn tay của cha mẹ, được nâng niu khuôn mặt các em của mình (Dung và Thu Bình đều là chị cả trong nhà).

Ngã rẽ của cuộc đời đưa Dung và Thu Bình đến hai phương trời khác nhau. Thu Bình và gia đình di chuyển đi một vài nơi theo công việc của anh Kiệt (ông xã của Thu Bình) rồi sau đó cả nhà về lại Toulouse, còn Dung sang Mỹ từ lúc học xong. Sau vài năm, tụi Dung mất liên lạc cho đến năm ngoái. Lúc trở lại Pháp năm vừa rồi, Dung mong gặp lại Thu Bình nhưng không ngờ đó cũng là thời gian Thu Bình qua Canada thăm ba mẹ. Thế là hai đứa lại hụt nhau mãi đến tháng trước, lúc Thu Bình qua San Francisco trong dịp họp mặt hàng năm với ba mẹ và các em. Gặp lại nhau, thật là mừng, hai cô bạn già nắm tay nhau đi trên đường phố San Francisco mà không ngại người ta nhìn ngó (San Francisco nổi tiếng là thành phố của giới đồng tính luyến ái!), vừa đi vừa kể chuyện ngày xưa.

Lúc ngồi ăn trưa, Thu Bình nhắc lại chuyện buổi hẹn đầu tiên của Thu Bình với anh Kiệt, Thu Bình bắt Dung đi theo làm "kỳ đà cản mũi" cho anh Kiệt, rồi đến ngày đám cưới của hai người, Dung được giao vai trò phụ dâu. Lúc vào tòa thị sảnh làm lễ cưới, Dung ngồi hàng đầu với cô dâu chú rể, oai thật là oai! Bây giờ thì Thu Bình và anh Kiệt đã về hưu, lên chức ông bà ngoại. Khi nào nhớ cháu, hai vợ chồng lại lái xe lên Paris thăm con và cháu.

Bây giờ trên chiếc tủ nhỏ của Dung có thêm một chai nước hoa mới đứng bên cạnh một chai nước hoa đã cũ. Hai lọ nước hoa đứng cạnh nhau nhưng thật ra cách nhau rất xa, đến hơn 34 năm. Chai cũ Thu Bình tặng cho Dung lúc Dung rời Pháp và Dung vẫn giữ cho đến bây giờ. Chai nước hoa mới là quà Thu Bình mang sang vài tuần trước. Nước hoa trong lọ cũ đã cạn chỉ còn lại một chút với màu vàng đậm hơn như tình bạn của Dung và Thu Bình cô đọng theo thời gian. 

Lá thư của Thu Bình mang đến cho Dung những êm ả, dịu dàng của thời hai đứa còn đi học mặc dù cuộc sống mang rất nhiều vất vả, lo âu. Nghĩ lại Dung không tránh khỏi buồn lòng vì thời gian qua quá mau, Dung và Thu Bình đã lạc mất nhau hơn 30 năm. Hai đứa cách nhau một bờ đại dương, tuy xa mà gần, tuy gần mà xa, Dung mong sẽ có nhiều dịp gặp lại Thu Bình và sẽ không để lạc mất nhau nữa.

Dung và Thu Bình trên đường phố San Francisco


Tiếng thơ


Trong những năm Dung học bên Pháp, sinh viên Việt Nam ở Âu Châu sinh hoạt mạnh mẽ. Một sinh hoạt mà sinh viên tụi Dung bận bịu chuẩn bị nhiều tháng là màn văn nghệ Tết. Vì lo chuẩn bị văn nghệ, phe ta thường bị điểm thấp trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, đến chừng xong Tết mới cắm đầu cắm cổ học hết ga để gỡ lại điểm trong kỳ thi cuối năm.

Một trong những cái khó khăn của màn văn nghệ là số bạn có khiếu văn nghệ thì ít mà dân "dzỏm" như Dung thì nhiều, nhưng dở cách mấy cũng bị giao vai trò gì đó. Nhân vật nào có giọng không tốt thì được đứng xa micro và được nhắc đi nhắc lại "nhớ đừng nói nên lời" (tức là chỉ nhép nhép cái miệng)! Người dạy múa mới khổ, khi nói bước chân phải trước, thế nào cũng có vài cái chân trái bước lên, mãi mấy tháng sau, vài ngày trước khi ra sân khấu mới đâu vào đó.

Trong hậu trường cũng có những chuyện khó quên như có anh bạn tên Tuấn, lần đầu tiên bị lên sân khấu, lúc tập tuồng, lúc nào cũng ấp a ấp úng mặc dù vai của anh ta chỉ cần nói vài câu. Không ngờ đến hôm diễn thật thì anh đóng vai của mình xuất sắc quá đỗi làm ai cũng thắc mắc. Sau đó, anh mới thú thật là anh thủ sẵn một chai rượu cointreau nhỏ. Trước khi bước ra sân khấu, anh uống cạn chai rượu để lấy can đảm. Thế là từ đó chàng Tuấn nhà ta dính liền với cái tên "Tuấn Cointreau"!

Ở Paris có hai hội sinh viên: nhóm thứ nhất là Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris gọi tắt là Tổng Hội, nhóm thứ nhì là Hội Ái Hữu Sinh Viên Orsay gọi tắt là Orsay. Dung sinh hoạt với nhóm Orsay, còn chị Vân Khương sinh hoạt ở Tổng Hội. Chị Vân Khương là một trong những nhân vật được ái mộ nhất của Tổng Hội qua tiếng ngâm thơ truyền cảm của chị. Anh chị và cháu Vân Đài qua Mỹ lúc ứng cử viên Francois Mitterand của đảng xã hội đắc cử tổng thống Pháp năm 1981. Tụi Dung gặp lại anh chị trên đất Mỹ, rồi dọn về ở chung với anh chị cho đến năm 1985 khi gia đình Dung được qua Mỹ theo chương trình đoàn tụ gia đình. Sau đó anh chị đi định cư tại Úc và Dung mất liên lạc với anh chị.

Một hôm khi nói chuyện với Thầy Giõng, Thầy kể về Đêm Thơ của Thầy, Thầy nhắc đến chị Vân Khương và cho biết lúc trước chị cũng ở Pháp. Từ đó, Dung mới biết tin của anh chị và cháu Vân Đài qua Thầy Giõng. Nhưng buồn thay, khi biết tin chị thì cũng là lúc chị biết mình đang mang căn bịnh ung thư phổi ở giai đoạn khá muộn. Dung xin Thầy Giõng số điện thoại của chị nhưng phải lâu lắm mới lấy hết can đảm gọi cho chị vì không biết phải nói với chị thế nào trước căn bịnh của chị.

Khi vừa trở lại Úc, Thầy Giõng cho Dung biết là Thầy buồn vì chị Vân Khương lần này có vẻ yếu đi nhiều. Dung xin Thầy cho Dung một tấm hình của anh chị. Không ngờ đêm thơ mà Thầy nhắc đến là đêm thơ cuối cùng chị gởi đến thính giả đài Tiếng Nước Tôi, hơn một tuần trước khi chị ra đi mãi mãi. Và những tấm hình của chị ở trang blog dưới đây mà Thầy Giõng gửi cho Dung cũng là những tấm hình cuối của chị:


Xin gởi đến chị một nén nhang...
Thầy Giõng và chị Vân Khương

Ước gì Dung có nhiều thì giờ hơn để gặp lại những người bạn thân thương đã lâu không gặp.

Trần Dung
21/10/2015

***

Thư của Cô Minh Hưng

Dzung viết bằng cả tấm lòng nên đọc rất cảm xúc theo nỗi buồn của Dzung!
   Cám ơn Cô Sv Trần Dzung đã chia sẻ nỗi lòng!
Thương mến,

Cô MH.
*** 

Thư của Kim Hương

Dzung ơi,

Phải nói là Kh. đã xúc động khi đọc lời Tâm Tình này của Dzung. Ai bảo Dzung như "tượng đá" là hỏng đúng rồi... Mong Dzung sẽ vơi đi niềm thương nhớ bạn rất thương vì Dzung và các bạn ấy đã "từng có nhau" với một tình cảm thật gắn bó, gần gũi và chia xẻ hạt muối, cục đường! Tình bạn ấy vĩnh viễn dẫu đôi ngả cách biệt.

À... mà trò Kh. phải nói thêm điều này nữa thầy cô và các bạn ơi: Dzung viết văn hay đáo để phải không ạ? Văn là người. Mình đã biết người trước khi biết văn người ấy viết rồi nhỉ?

*
Một nếp gấp hạnh phúc trong cuộc đời học trò của Dzung thật thú vị. Mong rằng Dzung sẽ giữ điều hạnh phúc ấm áp ấy mãi nha...

Nhỏ giữ lọ nước hoa....một tình bạn thật dễ thương nha, Dzung tình cảm quá, mềm lòng nữa... Tình yêu không vĩnh cửu đâu, phải không cả làng...(Kh. mần thơ tình tính tang như vậy chứ hỏng tin ở tình yêu 100% đâu!)
*
Dĩ nhiên là bài viết này phải đăng vô Blog của Nhóm rồi Cái Oanh và Dzung ơi... và trình bày cho thật dễ thương nha Dzung...Rồi post hết tất cả cảm nghĩ của thầy bạn nữa nha Dzung
Mi viết văn hay quá...Chụt thưởng mi nè...

Hương trà đá nóng

***

Thư của Kim Oanh

Kim Hương à,

Cái Oanh đã khen "Dung Tượng Đá" viết văn ra "nước" (ướt át) từ phia rồi mà còn khen dài giòng!
(Nên còn có biệt hiệu "Mít Ướt".
...Bài này lại còn ra "nước mắt"!!!
Email này phải đăng vào blog phải không Hương?

Dung à,

Những khúc quanh của cuộc đời là bài học cho cuộc sống và kỷ niệm quí giá nhất ha Dung.

Oanh thích nhất "Nước hoa trong lọ cũ đã cạn chỉ còn lại một chút với màu vàng đậm hơn như tình bạn của Dung và Thu Bình cô đọng theo thời gian."

Mến,
Cái Oanh

***

Thư của Mùi

Dzung ơi càng đọc  lá thư  Dzung viết nước mắt mình chảy dài... Thông cảm mọi gian nan của cô bạn hiền đi du học Paris, thắm thía lắm... cũng như những khó khăn của những kẻ đi vượt biên thời gian đầu ở trong trại tỵ nạn, không thân nhân, không gia đình, không nhà cửa... xa quê hương mà tìm gặp được 1 người cùng quê hương giống như là tìm được cục vàng... thế rồi mỗi con sông mỗi chuyến đò... hoàn cảnh đưa đẩy con đò trôi theo chiều sóng... quay đi 1 cái vèo...Sinh, Lão, Bệnh , Tử.
Kẻ ra đi người ở lại...bài học kinh nghiệm ở đời bây giờ là thương yêu, gắn bó.. Mùi chúc Dzung sẽ tìm lại những giây phút quý báu còn lại để thắc chặc tình bạn với Thu Bình, lần này 34 năm , đừng để vuột  thêm lần nữa  chắc là 2 lọ nước hoa cũng đi chầu diêm vương...
Chúc  Dzung mọi sự An Lành & May mắn
Love, Mùi

***

Thư của Võ Thị Chung

Ôi! Tình bạn thật trân quí. Kỷ niệm xưa và nỗi lòng hôm nay. Cám ơn Dung đã chia sẻ, với kỹ thuật hiện tại email, facebook, message.... Dung sẽ có sự liên lạc chặc chẽ với Thu Bình dể không mất nhau như nhóm 74 chúng hiện tại.

VTCHUNG

***

Thư của Thầy Khánh

Rất tiếc là thầy không còn giữ những bức thư của Dung từ bên Pháp gởi cho thầy mà chỉ còn thư của Aisa thôi.

Không biết Aisa bây giờ đang ở đâu và cuộc sống như thế nào ? Thầy mong rằng những "trẻ lạc" 74 trong và ngòai nước chưa tìm được luôn luôn bình an và hạnh phúc.

Thầy Khánh
***
Thư của Hồng A
Rất cảm động khi được biết thời gian vất vả của bạn trong những ngày khó khăn và rét mướt ở Pháp, nhất là sau những ngày vận nước nổi trôi. Người trong nước cũng vất vả không kém nhưng ít ra còn may mắn hơn là có người thân bên cạnh.

Thời gian vẫn là phép thử tốt nhất dành cho tình cảm, trong đó có tình bạn.

Cuộc sống mang đầy vẻ huyền diệu. Cuối cùng rồi ta lại gặp nhau dù bao trắc trở, xa cách, trong đó có nhóm 74 của chúng mình.


Hồng A
***
Thư của Đỗ Thế Hùng


"Sống cho đến cuối cuộc đời đâu có chỉ là một trò chơi trẻ dại", mà đời người ai cũng đầy ắp đam mê, trĩu đầy nhớ thương, nặng vai kỷ niệm,... Ôi bao la! Đời ta. 

Chia sẻ với Dzung nhé; mọi điều!
Đỗ Thế Hùng

1 comment:

  1. Trần Dzung ơi ! Trần Dzung, thân gái dặm trường, người bạn của tôi.

    ReplyDelete