Friday, January 8, 2016

Bánh Mì và Tôi

Mấy ngày tôi đi Huế, bà xã không có tài xế phải đi xe thồ. Chú xe thồ quen nói với bà xã: "Sáng nào cũng thấy Thầy đi lơn tơn cầm theo bao bánh mì!" Nghe bà xã kể lại tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Chả là sáng nào tôi cũng đi bộ non một tiếng. Trên đường về, ghé tiệm bánh mì mua mấy ổ bánh mì nóng về phết bơ lên cho vào lò vi sóng hoặc làm cái trứng ốp-la để ăn sáng. Chắc khi "hành thiền" tôi lơ ngơ láo ngáo lắm nên mới gây sự chú ý của chú xe thồ. Nhưng hai từ "Bánh Mì" làm gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm thời thơ ấu.
Ngày tôi còn bé, gian nhà và chái bên phải (của căn nhà 5 gian 2 chái của bà nội) được cho Bác Huỳnh thuê để làm lò bánh mì. Bánh mì thường được làm vào nửa đêm để sáng sớm tinh mơ đã giao cho các xe bánh mì hay cho các chú bé mang đi bán sớm. Vì vậy, khoảng 2-3 giờ sáng là nhà tôi sực nức mùi bánh mì mới ra lò, thơm không chịu được phải thức dậy chạy sang mua một ổ vừa thổi vừa ăn. Nhưng thường là được bác Huỳnh cho không lấy tiền. Có lẽ vì vậy mà bữa ăn sáng của anh em tôi thường là một ổ bánh mì chấm với một ly sữa "ông thọ" hay sữa "con chim" (Nestlé). Thỉnh thoảng thay bằng tô cháo gạo đỏ với cá bống thệ kho rim hay gói xôi đậu xanh, xôi bắp với muối mè trộn đường cát trắng. Nhưng chúng tôi vẫn ghiền món bánh mì chấm sữa. Thói quen ăn bánh mì nóng nửa đêm còn theo tôi đến tận những năm đầu đại học. Những tối đi trực "nhân dân tự vệ", hay những đêm thức học thi, thế nào chúng tôi cũng phải có món bánh mì nóng để dằn cơn đói và để tỉnh ngủ. Những ổ bánh mì không bán hết thì ngày hôm sau lại được thái thành lát, phết chút bơ, rải tí đường lên. đút trở lại vào lò rồi phơi khô thành món bánh mì khô. Buổi chiều đi học về lại được chị H. - con gái bác Huỳnh - gọi vào cho một gói đem về nhà gặm thay cho bữa lỡ.

Khi bác Huỳnh trả nhà, cái lò nướng bánh bằng gạch chiếm cả một gian nhà phải đắp chiếu mấy năm cho đến khi anh Tuấn trúng thầu cung cấp bánh mì cho chương trình "Bữa ăn sáng học đường" lò bánh mì mới hoạt động trở lại và lúc này chúng tôi được trực tiếp ngắm thỏa thích các công đoạn làm bánh mì và làm quen dần với tiếng o o của chảo quay nhồi bột, tiếng đập bình bịch thỏi bột xuống bàn gỗ trong quá trình làm nổi bột, tiếng xình xịch của chiếc máy nổ và tiếng khò khò của vòi lửa khi khè hơi đốt nóng lò (thời bác Huỳnh, lò được đốt bằng những thanh củi to chở từ trên rú về, sau này làm nóng lò bằng dầu ma zút). Những vắt bột đúng cân lượng được chú thợ ngắt ra từ cục bột đã được nhồi, vo tròn, xếp vào mâm kim loại theo hàng, sau đó tạo dáng, rồi dùng con dao gỗ rạch một đường, quét một lớp nước đường thắng và dầu thực vật rồi đút từng mâm vào lò và chỉ mười lăm, hai mươi phút sau mùi thơm đã bốc dậy lên "điếc" cả mũi. Thỉnh thoảng, số lượng bánh giao cho các trường đột xuất tăng, anh em chúng tôi lại được huy động sang đếm bánh bỏ vào bao tải để xe kịp chuyển đến các trường trước giờ vào lớp. Mùa hè đỏ lửa 1972, anh Tuấn bị bắt, nhốt tù Côn đảo mấy tháng, sau đó chuyển vào Đà Nẵng. Lò bánh mì cũng "dẹp tiệm" nhưng lò đốt bánh cũng nằm sừng sững giũa gian nhà đến cả năm sau mới bị phá đi

Ngay cả khi còn chập chững, anh em tôi đã được thưởng thức bánh mì. Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng sớm hôm ấy, em gái tôi Thanh Nhàn, lúc ấy mới biết đứng chựng, được Ba cho miếng bánh mì nhăm nhăm chơi. Đang đứng nhún nhảy trên giường, em bỗng vứt miếng bánh mì xuống. Ba tôi la lên: "Con Nhàn vất miếng bánh mì nơi tề!". Thế là em tôi buột miệng: "Con Nhàn!". Hai từ đầu tiên trong đời trẻ con thường nói là "Pa-pa" hay "Bà bà". Còn với em tôi hai từ đầu tiên trong đời lại chính tên của mình. Không biết những câu nói đầu đời có vận gì vào mệnh số sau này không, nhưng em tôi thì phải sống xa gia đình từ khi vào tuổi thiếu nữ và tôi có cảm giác là em trải qua nhiều năm tháng thui thủi với chính mình

"Bánh mì" còn gợi lại mùa Xuân Mậu Thân đau thương và những ngày gian khó ở khu tạm cư trường Bán Công khi hai anh em - tôi và Cường - phải thức dậy lúc 1 giờ sáng, leo qua nhịp gãy của chiếc cầu Trường Tiền để xuống tận Bao Vinh lấy bánh mì về bán, vừa run rẩy đi dọc đường Hàng Bè, giữa cái lạnh bất thường của Huế những ngày sau Tết Mậu Thân, vừa thay nhau cất tiếng rao "Ai ... bánh mì nóng đâ ... â ... y ... y!!!" vừa nuốt ngược nỗi cay cực vào trong trong lòng mình.

Biết đâu vài năm nữa, chú xe thồ sẽ không còn thấy tôi với bao bánh mì trên tay trên đường tập thể dục trở về nhà mỗi sáng mà thấy một người khoác y vàng, cầm bình bát đi khất thực mỗi sáng mồng một hay rằm. Và chú xe thồ sẽ để vào bình bát của người đó một ổ bánh mì nóng với một lốc sữa nhỏ để tôi lại được trở về với ổ bánh mì nóng dòn và ly sữa mẹ tôi pha cho trong những ngày thơ ấu ở quê nhà.

Thầy Đặng Ngọc Thanh Hai
17/10/2014

No comments:

Post a Comment