Wednesday, January 20, 2016

Theo Chân Thiện Nguyện

Niên khóa 1956-57 khi tôi đang học lớp Đệ Nhị thì chị dâu tôi mãn hạn hai năm tình nguyện  giúp các trạm y tế nông thôn ở miệt Hậu Giang. Lên Sài Gòn sinh sống, tuy làm y tá nhưng là người Mỹ, chị được Hội Việt Mỹ mướn dậy Anh Văn. Cuối tuần, chưa vướng bận con cái, chị thường đến các cô nhi viện giúp chăm nom săn sóc trẻ em và hay rủ tôi đi theo thông ngôn nhưng thực tình là để khuyến khích tôi theo chân thiện nguyện.

Thoạt đầu tôi rụt rè vì quanh tôi toàn là trẻ mồ côi hay bị bỏ rơi, nhiều bé còn ẵm ngửa, và các người giúp việc đều là phái nữ. Dần dà thấy chị dâu dù bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn sốt sắng phụ giúp chẩn bệnh phát thuốc rồi lại bồng bế, ôm ấp trẻ sơ sinh hay vui đùa với các thiếu nhi nên tôi dạn dĩ hơn. Chị bảo tôi trẻ nhỏ được vuốt ve, âu yếm sẽ mau phát triển tâm thần và thể chất, ít đau ốm, không có thứ thuốc bổ nào thay thế được.

Cuối năm Đệ Nhất, Tổ Chức International Voluntary Services (IVS) có trụ sở chính ở Mỹ mướn tôi làm thông ngôn và phiên dịch cho phân ban tình nguyện viên nông lâm súc ở Ban Mê Thuột từ ngày 20/04/1958. Mừng như được đi du học, tôi làm đơn Xin Nghỉ Hè sớm. Thầy hiệu trưởng trường Chu Văn An bác đơn và cảnh cáo sẽ không cấp phiếu báo danh cho tôi thi Tú Tài Toàn Phần. Tôi kể lể gia cảnh khó khăn lâm li đến độ rốt cuộc thầy không nỡ gạch tên.

Ở Ban Mê Thuột, đoàn tình nguyện viên IVS phần lớn là tráng niên đồng quê Mỹ đã tốt nghiệp các Đại Học Canh Nông. Họ không muốn đi lính nên tình nguyện sang Việt Nam giúp đỡ dân làng. Tùy lúc, phân đoàn này có hơn kém mươi người làm việc đồng áng và điều động nhân công khai quang đất rừng để cùng với ty canh nông Ban Mê Thuột thành lập Trung Tâm Thực Nghiệm Ea-Kmat, đến nay 2015 vẫn còn mở cửa. Phần việc chính của tôi là dịch sách chỉ dẫn xử dụng và bảo trì nông cơ. Vài tình nguyện viên khi rảnh rỗi còn rủ tôi đi theo xem họ đào giếng bơm tay ở Buôn Kôsier, Buôn Ea Tul, Hà Lan A, Hà Lan B,... hoặc giúp một vài gia đình nuôi heo nái nhưng khi heo đẻ phải chia bớt heo con cho các nhà khác, hoặc sinh hoạt với nhóm thiếu nông 4T (*) mới ra đời khi đó nhưng đã bị xoá sổ sau 1975.

Năm 1963 tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tôi lên dậy tiếng Anh ở trường Trung Học Ban Mê Thuột (THBMT) tới 1974. Đã bén hơi thiện nguyện nên tôi đôi khi đi theo sinh hoạt với mấy thầy giáo kiêm huynh trưởng hướng đạo và các hướng đạo sinh, đôi khi tự dẫn một số học sinh đi làm việc công ích. [Một phần nào cũng nhờ đó mới có chuyện “Dân Biểu Hụt” đăng Đặc San 60 năm THBMT 1955-2015]. 

Từ 1992 tới 1995 và từ 1999 tới 2000, tôi phụ trách chương trình Học Kỳ Hải Ngoại (College Semester Abroad) ở Việt Nam của School for International Training. Thành phố Brattleboro, Bang Vermont. Từ đó đến nay tôi còn nhiều dịp theo chân mấy nhóm thiện nguyện.

NHÓM CÂY BÀNG  (1998 đến 2000) 

Tôi thường ăn uống ở quán Giác Ngộ. Một đĩa cơm phần với 2 món chiên, xào và một chén canh thêm nước trà hay nước đun sôi để nguội gía khoảng 30 xu Mỹ nên tôi hay đãi các cháu bán báo, vé số và “ăn mày ” ăn trưa. Một hôm có mấy thanh niên nam nữ đến ngồi cùng bàn hỏi tôi có thể trợ giúp một số trẻ “đường phố”  ăn học trên lề đường ngoài quán được không? Tôi trả lời vài cháu thì được nhưng nhiều hơn thì phải đợi tôi kêu gọi đóng góp. Vì thỉnh thoảng họ tình nguyện giúp nhóm Thảo Đàn (khu Thảo Cầm Viên và vườn Tao Đàn)  nên họ phỏng đoán sẽ có nhiều em. Ít lâu sau, được lời bảo trợ của thân hữu trong và ngoài nước, nhóm Cây Bàng khởi sự vào đầu Hè 1998 với bàn ghế nhựa do mấy người hảo tâm tặng và quán Giác Ngộ cho gửi đồ đạc qua đêm. Ngoài việc dậy và lo cho các em ăn trưa miễn phí, nhóm còn cho mấy phụ nữ bán hàng rong vay vốn không lời mua hàng giá “sỉ” để khi bán “lẻ” họ sẽ được lời hơn. [Theo tôi, thời điểm này Đảng và Nhà Nước còn rúng động sau biến cố Liên Xô và các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu xụp đổ nên những ai có lòng thì cứ tùy nghi làm việc thiện nguyện miễn là không lập “Hội”]. 

Quán hàng ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Lê Quý Đôn, Sài Gòn

Đa số trẻ em bán báo vé số... ở Thanh Hóa, Nghệ An...
Mỗi tháng để dành được 5 đô Mỹ cho gia đình


Bé Đào, 8 tuổi, nếu không ăn xin được tiền, sẽ bị bà đánh. Mai, 15 tuổi, bán báo, chăm sóc.
Trẻ nữ, có khi 10 em mướn 1 phòng, 6 đô 1 tháng,
vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ nhau khi tắt lửa tối đèn ở khu ổ chuột


Vừa bán báo, vé số, đánh giày... vừa trông em

Lề đường Nguyễn Đình Chiểu, bờ tường quán Giác Ngộ

Cô Ly vừa dạy thủ công vừa phụ trách cho vay vốn trả góp không lời

Cô Hương dậy 4 phép tính cộng, trừ, nhân, chia

Cô giáo Thiết xưa dạy ở Kontum. Sau 1975, "mất dậy" vì lý lịch xấu
Xuống Sài Gòn đi làm mướn. Nay lớn tuổi vẫn thích dạy trẻ


Cô Trang dậy em Trang, 13t, hai tay bị tật, tập viết bằng chân
Em Trang di chuyển rất nhanh, đá rất mạnh, nên không bị cướp giật tiền bán vé số

Biết viết gì đây

Lớp lề đường đông quá, cản trở bộ hành và giao thông nên Sơ Bề Trên dòng Nữ Vương Hoàn Cầu (Đức Mẹ Maria)
cho phép dùng trụ sở ở gần đó. Từ nay các cô, các thầy khỏi lo tai nạn, mưa nắng

Cô Nương dậy vệ sinh

Vừa trông con, vừa giúp trẻ sinh hoạt giải trí trong giờ ra chơi

Thầy Hải, 14t, đã học hết lớp 6, dậy trò Hoa, 31t, đánh vần.
Trò Hoa bán dầu hôi nuôi mẹ già bịnh tật ở Thủ Thiêm.
Phần vì lớn tuổi, phần vì hơi ngọng, nên trò Hoa được học riêng

Thầy Trung dạy luận văn

"Cửa lớp rộng mở" cho mọi thành phần dù khuyết tật, không có "hộ khẩu" (sổ gia đình), lý lịch xấu, ...

Anh Tường, phụ trách điều động nhóm Cây Bàng, và cô Ly đang hướng dẫn các phụ nữ bán hàng rong
về thể lệ vay vốn trả góp không lời

Cô Ly trao tiền vay vốn cho chị Tư bán hột vịt lộn và trứng cút

Chị Lụa chạy xe ba-gác chở hàng mướn vay vốn.
Chị thường giúp đi lấy thực phẩm các nhà hảo tâm cho nhóm Cây Bàng

Chị Nữ bán nhang và đèn cầy

Hội Ngộ THBMT 10-2015. Quán Giác Ngộ đổi chủ và địa điểm. Nay là Quán Ngộ.
Hàng đầu từ trái sang phải: Cô-CHS Thưởng, Cô-CHS Phượng, CHS Ngọc
Hàng kế: Thầy Chi, CHS Vĩnh Anh, Thảo-rể Ban Mê Thuột, CHS Chính, Kính-rể Ban Mê Thuột



QUỸ TƯƠNG TRỢ VN  (1996- ngày nay)

Chị Lý Thu Linh, trú quán California, về Việt Nam làm việc thiện nguyện được ngót 20 năm. Thoạt đầu chị bỏ tiền túi làm từ thiện và công ích nên sau đó được nhiều người ở Mỹ, Việt Nam, Canada, Nhật, Pháp, v..v.. hỗ trợ.  Trong nước, chị và thân hữu đi đến đâu thì ở đó cũng có bà con phụ giúp. Căn nhà của chị ở Sài Gòn lúc nào cũng chật ních những vật dụng và thực phẩm cứu trợ  mà chị và các bạn đồng tâm phân chia và gói, cột (buộc) nhiều khi đến dớm máu tay. Trước kia, khi nằm phản gỗ được các Chùa dành cho khách thập phương ngủ qua đêm mà không bị rêm mình, tôi đã đi theo chị và thân hữu vài lần về các vùng quê nghèo. Gần đây xương cốt lão hóa và ham đi du lịch nệm êm gối mềm nên tôi chỉ còn giữ liên lạc với chị qua internet và điện thoại.

Mới đó mà đã gần 20 năm. Đọc những báo cáo chi thu bao gồm cả chục hạng mục chị gửi cho các ân nhân mỗi 3 tháng kèm theo hình ảnh, tôi phỏng chừng ngoài công quả từ thiện, chị đã giúp xây dựng ít nhất là mấy mươi phòng học có bàn ghế và thường có nhà vệ sinh, hoàn thành cả chục cây cầu bê tông thay cho cầu khỉ, trợ giúp hàng ngàn thanh thiếu niên học chữ, học nghề, và cho hàng trăm phụ nữ vay vốn trả góp không lời để buôn bán làm ăn.   

Tôi xin trân trọng giới thiệu hai địa chỉ: quytuongtrovn@aol.com,  dieulien@me.com để các cô, các thầy và các CHS THBMT ở trong và ngoài nước có thể liên lạc với chị Lý Thu Linh để lấy thông tin thiện nguyện cập nhật cũng như để góp một tay khi có hoàn cảnh trợ giúp.

Hình phần này tôi lựa ra từ các báo cáo định kỳ của chị Thu Linh. Tôi chỉ chụp mấy hình cứu trợ bão lụt năm 2001.


1997. Mấy cháu học sinh may mắn và chị Lý Thu Linh, cách đây 19 năm

Các phụ nữ nghèo nhận xe ba gác. Phía sau là các phòng học do Quỹ Tương Trợ tài trợ

Không gì vui bằng mẹ cha ông bà đỡ phải oằn lưng gồng gánh

Dù phải thức khuya, đôi khi dớm máu tay đóng gói và cột hàng cứu trợ nhưng vẫn tươi cười

Từ tờ mờ sáng chung sức góp tay kiểm điểm quà tặng

Đường xa bụi bậm bùn lầy, tôi đi chân đất giữ giầy lâu hư

Nhọc nhằn từ ngày về nhà chồng, diết rồi chỉ còn biết đăm chiêu lo lắng

Thua xa Lee Sandwich và Bánh Mì Ba Lẹ nhưng nóng hổi tình người

Đói và thèm nhưng nhất định không chen lấn, tranh dành

Có Thực mới vực được Đạo

Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay

Thảo luận “điều lệ vay vốn, trả góp, miễn trả lời”. Tổng cộng hàng trăm người được cấp vốn.  Chương trình đã mang lại phúc lợi cho rất nhiều gia đình nhưng không phải là không gặp trở ngại dù người vay đã được Chi Hội Phụ Nữ xác nhận là nghèo, gia đình hoà thuận hoặc buôn bán làm ăn nghiêm túc. Chẳng hạn như có lần tôi đang kiểm kê danh sách thì chị Thu Linh bắt gặp một người vừa được vay vốn đã vào tiệm kim hoàn mua nữ trang! Có những trường hợp làm ăn thua lỗ hoặc phải trả viện phí, thuốc men nên không còn khả năng trả vốn! Có vài trường hợp bị chồng nhậu nhẹt, cờ bạc đánh đập nếu không chịu đưa tiền!…

Cầu vừa hoàn tất, thay thế cầu khỉ. Chị Thu Linh cách đây 1 năm

Từ nay mẹ con khỏi sợ bị té như khi đi qua cầu khỉ

Đại diện gia đình ân nhân

Dân làng vẫn ghi ân dù gia đình ân nhân không đòi hỏi

Thêm một cầu bê tông là bớt một cây cầu khỉ

Một trong hàng chục trường và phòng học do người trong nước và kiều bào ngoài nước bảo trợ

Một trong hàng trăm phòng học do người ngoại quốc tài trợ

Nhờ có rất nhiều cá nhân, nhóm và tổ chức kiều bào ở các nước ngoài tài trợ hàng chục ngàn dự án từ thiện và công ích ở trong nước nên Đảng và Nhà Nước không thể tiếp tục bôi xấu họ như trong nhiều năm sau 1975 rằng những người bỏ nước ra đi là “bọn đĩ điếm, phản quốc, đi theo tư bản để ăn bơ thừa, uống sữa cặn”. Bây giờ kiều bào trở thành “khúc ruột ngàn năm”.  

Con trẻ ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp nhận phao cứu sinh

Từ nay hết sợ. Phải nhìn những mạn xuống mấp mé mực nước mới thấy được nét mặt sợ hãi của các cháu
ngồi kín trên xuồng và nỗi lo lắng hàng ngày của cha mẹ ông bà.
Xã Tân Thành, huyện Tân Hồng. Chúng cháu cảm ơn ân nhân
Dân làng khẩn khoản yêu cầu gắn bảng đồng ghi ơn ân nhân đã tặng xuồng chứ chẳng như
"cán bộ chỉ nói cái mồm và thu đủ thứ phí mà chẳng giúp gì cho dân khi lũ lụt"

TỪ THIỆN PHẬT GIÁO HÒA HẢO  (Từ trước 1975 đến ngày nay)

Tháng 11/2014. Ông chi hội trưởng chi hội Bảo Hoà ở 220 đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Q.1, bảo tôi nhiều tín đồ Hoà Hảo đã làm từ thiện như vầy từ trước năm 1975. Hiện nay bà con Hòa Hảo ở miền Tây vẫn thay phiên nhau đến các chi hội để làm từ thiện. Riêng chi hội này bây giờ mỗi ngày cung cấp trên dưới 500 phần ăn chay đầy đủ chất bổ dưỡng và vệ sinh cho bịnh nhân nghèo ở các bịnh viện, nhất là ở Viện Ung Biếu, Quận Bình Thạnh. Chi hội nhận được nhiều nguồn tài trợ của nhiều người ở trong và ngoài nước. Ngày nào cũng có người qua lại cho rau củ, nước tương, gạo và  đôi khi cả tiền mặt. Món ăn thì có nhóm các bà các chị biết cách nấu chay đảm trách. Lặt rau, xắt củ, rửa sạch có nhóm khác phụ trách nhưng cũng có rất nhiều người ngoài thường xuyên đến tiếp tay. Có cả du khách ngoại quốc. Thường thường 4 giờ sáng là khởi sự. Công đoạn này phải hoàn tất chậm nhất là 7 giờ sáng thì mới kịp nấu ăn. Sau đó lại có nhóm lo việc phân phối và trao tặng bịnh nhân. Bà con cô bác ai muốn làm việc thiện nguyện thì cứ tùy tâm gia nhập, công đoạn nào cũng được, ngày nào cũng được, một tiếng đồng hồ cũng được. Khỏi cần giấy tờ hay đăng ký. Cơm ăn, nước uống xin tự lo.

Một trong những cơ sở từ thiện do những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo điều hành.

Chuyến Du Lịch Trải Nghiệm nhớ hoài không quên

Lâu lâu không ghé đến đây lại nhớ bầu không khí gần gũi và thân tình giữa những người
thuộc nhiều thành phần không quen biết nhau

TRẺ MỒ CÔI VÂN KIỀU & XÊ-ĐĂNG Ở BMT
Đầu tháng 6/2015, một CHS THBMT gửi cho tôi thông tin và hình ảnh mấy trẻ mồ côi dân tộc thiểu số Vân Kiều và Xê-Đăng do Sơ Tươi và Sơ Tuyết trông nom. Nhìn hình, tôi lại nhớ tới chị dâu tôi hay giúp đỡ trẻ mồ côi cách đây đã 60 năm.

Tuy chưa biết ý hai Sơ và mấy cháu nhưng tôi tin rằng ngoài việc đến nơi thăm hỏi và tặng sách vở, quần áo, v..v.. cách hỗ trợ tốt lành nhất là giúp tìm cha mẹ nuôi. Tôi tin như vậy vì tôi đã có nhiều cơ hội quan sát và tiếp cận những cặp vợ chồng -đa số là Pháp- khi họ và tôi cùng ở Nhà Khách Viện Pasteur, đường Pasteur và Nhà Khách Đại Kết, đường Tú Xương, Saigon, từ năm 1993 đến năm 2000. Hơn nữa vì đã giúp 4 cặp vợ chồng Mỹ đạt ý nguyện và đã gặp lại họ và các cháu vui chơi ở VN và Mỹ sau này nên tôi thấy cách giúp hợp khả năng nhiều người là giới thiệu các cháu và hai Sơ với các Hội Cha Mẹ Nuôi qua mạng thông tin của các Hội. Đối với mấy cháu ở Ban Mê Thuột, trở ngại đầu tiên là phần lớn các cặp vợ chồng đều tìm trẻ sơ sinh. Trở ngại thứ hai là thủ tục hành chánh ở VN. Ở Mỹ, thủ tục hành chánh cũng phức tạp nhưng rất rõ ràng và đã có các Hội Cha Mẹ Nuôi chỉ dẫn. Tôi chưa từng đọc tin tiêu cực nào về cha mẹ nuôi và con nuôi ở Mỹ. Rất có thể vì theo luật con nuôi và nhập cư của Mỹ, cặp cha mẹ nào muốn xin con nuôi và mang vào Mỹ thì trước nhất phải được nhân viên Sở Xã Hội phỏng vấn và quan sát tại gia xem có đạt yêu cầu về sự hoà thuận giữa vợ chồng, về công việc và về tài chánh, v..v.. Sau đó, họ còn phải học và “tốt nghiệp” một lớp chăm sóc con trẻ sinh ra trong một môi trường sinh sống khác biệt do Hội Cha Mẹ Nuôi hợp pháp bảo trợ đặt dưới quyền kiểm tra của Sở Xã Hội.

MóViên, 11t. Vân Kiều

MóVơi, 10t. Vân Kiều

MóThẩm, 12t. Vân Kiều

MóHoà, 7t. Vân Kiều

MóVân, 12t. Vân Kiều

Din, 7t. Xê Đăng

MóĐua, 8t. VK và Quế, 8t. Xê Đăng

Quế; Dương, 6t. XĐ; Din; MóHoà
Sơ Tươi, CHS Trần Can

Quý thầy cô và các CHS muốn ghé thăm nhóm trẻ mồ côi Vân Kiều và Xê-Đăng, Sơ Tươi, Sơ Tuyết, xin liên lạc với CHS Trần Văn Can,  ĐT0905377981  hay  trancancamera @gmail.com

Bùi Dương Chi
Thầy giáo tiếng Anh. THBMT (63-74).
    

Chú thích:
(*) 4T là : “Mở mang TRÍ tuệ; từ TÂM hướng thiện; quý việc TAY chân; giữ THÂN khỏe mạnh”.  (Ở Mỹ, Hiệp Hội 4H là Head, Heart, Hand, Health).

6 comments:

  1. Kính thưa thầy Chi,

    Hồi ký của thầy thật cảm động!

    Một bức hình bằng vạn lời nói, huống hồ bài thầy viết lại đầy ắp hình ảnh đời thường, đời thường được hiểu là dưới đáy xã hội.

    Thầy đã thực hiện ý thức tha nhân khi thầy còn là học trò, còn học trò của thầy có người lúc đó chưa đặt chân đến ngưỡng cửa mẫu giáo. Không có hẹn cho việc thực hiện ý thức tha nhân ở một độ tuổi nào đó, càng không nên nghĩ rằng đợi tuổi xế chiều mới làm công đức.

    Ý thức tha nhân thật khó đạt vì, trước hết, phải vượt qua được ngưỡng của thói vô cảm. Bức tường vô cảm của xã hội Việt nam bây giờ quá dầy và nhám nhúa do con người bị tha hóa tệ hại bởi chế độ chính trị.

    Công việc thiện nguyện của thầy cùng những người nhìn cùng về một hướng với thầy như một giọt nước mắt làm vơi đi một chút lầm than, đặc biệt của trẻ thơ trong xã hội duy vật này.

    Em xin mượn đôi dòng cuối bài thơ, Les Larmes _ Những Giọt Nước Mắt _ để thăng hoa giọt nước mắt đó.

    … Bởi người ta chỉ xấu xa, tàn độc
    Trước cái nhìn ráo hoảnh của phường ích kỷ
    Nên giọt nước mắt là một lăng kính
    Làm biến hình vũ trụ.

    (… Car l’homme n’est laid, ni pervers
    Qu’au regard sec de l’égoïsme,
    Et l’eau d’une larme est un prisme
    Qui transfigure l’univers.)
    François Coppée

    Kính thư

    Học trò Phùng Ngọc Cửu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thân gửi CHS Cửu,
      Tôi nghĩ tôi rất may mắn được nhiều người có thiện tâm chỉ đường dẫn lối vào một sinh hoạt đã mang lại cho tôi toàn là những ngày vui trong ngót 60 năm qua, hiện nay và sắp tới.
      Tôi rất thích đọc các bài viết và nhận định của anh vì tôi luôn luôn cảm nhận được ý hướng nhân bản thấm đậm trong nội dung. Last but not least, tôi cũng rất thích đọc những bài thơ tiếng Pháp và những bài dịch của anh. Hồi tôi học ở trường Sư Huynh Institution Puginier ở Hà Nội và sau này học Đệ Lục ở một trường tư ở Saigon, tôi may mắn được các Frères và một thầy giáp Pháp Văn "bắt học thuộc lòng" nhiều bài thơ Pháp. Khi đó, tôi học để "trả bài". Nay nghĩ lại mới Cảm Ơn các thầy.

      Delete
  2. Kính thầy Chi,

    Xưa nay thầy cô vẫn dạy chúng em những điều nhân, điều thiện, điều hay trong kiến thức lẫn cách hành xử- dẫu khi chúng em còn ở ngưỡng cửa học đường hay đã ra đời.
    Thầy cô Tùng, Thầy cô Lâm, cô Minh Hưng, thầy Bính, thầy Giõng luôn luôn gởi cho chúng em những lời hay ý đẹp, những bài học làm người thật quý báu.
    Lần này chúng em được thầy Chi dẫn chúng em đi làm thiện nguyện. Trẻ thơ VN thiếu thốn rất nhiều khi so sánh với trẻ thơ nước ngoài,đó là chưa kể những bất hạnh đã đến với cuộc đời chúng vì hoàn cảnh chiến tranh, xã hội dài đăng đẳng thế hệ này nối tiếp thế hệ kia.
    Em kính chúc thầy và cô Diana luôn mạnh khỏe để dẫn chúng em vào đời bằng những bài học rất thực tiễn và ấm áp tình người.

    Trò Kh.

    ReplyDelete
  3. Thân gửi CHS Hương,
    Từ khi tham gia Mạng THBMT 74, tôi đã được đọc nhiều "Trao Đổi" rất có ý nghĩa và vui nhộn giữa các CHS và các Cô các Thầy, đặc biệt với rất nhiều đóng góp bổ ích của Hương trong rất nhiều lãnh vực. Hương hãy coi phần đầu của "Trả Lời Nhận Định" tôi gửi cho CHS Phùng Ngọc Cửu cũng là "Trả Lời" cho "Comments" của Hương về bài "Theo Chân Thiện Nguyện". Nhân đây tôi cảm ơn Hươgnđã bỏ rất nhiều thì giờ chỉ dẫn cho tôi cách post Comments và Reply vào đây
    BDChi

    ReplyDelete
  4. Kính thưa thầy Chi,

    Hàng ngày, em đã thấy bao cảnh lầm than xung quanh mình, nhưng qua bài viết “Theo Chân Thiện Nguyện” của thầy, em hiểu rõ hơn những cảnh khổ ở mọi nơi trong nước. Em được biết thêm những địa chỉ làm thiện nguyện với việc làm nhân đạo đi vào thực tế đã giúp vơi đi nỗi thống khổ của người nghèo như:

    _ Nhóm Cây Bàng với lớp học lề đường giúp cho các em bé bán báo, bán vé số, đánh giầy…được học chữ, được bữa cơm trưa miễn phí… Thật cảm động với hình ảnh hiếu học của em bé bị tật phải viết bằng chân.

    _ Quỹ tương trợ với chị Thu Linh nhân hậu và nhiều nhà hảo tâm trong nước và kiều bào nước ngoài đã giúp xây dựng nhiều phòng học, nhiều cầu bê tông thay cầu khỉ… Em thấy hình ảnh các em bé xếp hàng nhận phần cơm thật đáng yêu khi “Đói và thèm nhưng nhất định không chen lấn, tranh giành”.

    Còn nữa, hình ảnh cảm ơn ân nhân thật cảm động của các em bé tỉnh Đồng Tháp khi nhận được phao cứu sinh, từ nay không còn sợ hãi khi bơi qua sông để đến trường.

    _ Hội từ thiện Phật giáo Hòa Hảo với 500 phần ăn chay đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện … Cách cho quý hơn của cho, nghĩa cử này xoa dịu đi chút ít nỗi đau thể xác của bệnh nhân và cảm nhận một chút ấm áp trong tình nhân loại.

    _ Điều mà thầy đã giúp đỡ các em bé mồ côi người thiểu số Vân Kiều và Xê Đăng ở BMT rất thiết thực khi cho thông tin tìm cha mẹ nuôi các em, giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn.

    Em rất trân trọng những người làm thiện nguyện với từ tâm, nhẫn nại, lòng thương cảm biến thành hành động thiết thực giúp đỡ người nghèo cùng trẻ em nghèo trong nước, điều này nhà nước XHCN Việt Nam nên đặt ưu tiên hàng đầu.

    Em thấy vui vì được là học trò của thầy, một người thầy với tấm lòng nhân ái, với tôn chỉ làm việc thiện nguyện nhân đạo.

    Học trò: Hồng A

    ReplyDelete
    Replies
    1. CHS Hồng A thân mến,
      Cảm ơn Hồng A đã đưa lên đây những nhận định tích cực về một số công việc thiện nguyện mà nhiều người ở trong và ngoài nước thực hiện. Tôi rất tiếc đã không ghi chép vào sổ nhật ký tên của hàng trăm người ở nhiều nơi trong nước đã góp tay và hàng trăm gia đình ngoại quốcđã tài trợ các công quả từ thiện và các công trình công ích từ sau 1975 đến nay.
      Tôi tin chắc những nhận định chân tình của Hồng A sẽ góp phần quảng bá lý tưởng thiện nguyện mà rất nhiều người trên thế giới hằng ấp ủ trong lòng nhưng chưa có hoàn cảnh hpặc cơ hội thực hiện để mang lại niềm vui cho cả người thụ hưởng lẫn người chung sức góp tay. Bùi Dương Chi. THBMT 1963-1974

      Delete