Friday, January 1, 2016

Đi Tìm Niềm Vui - Phần 2: Với Cô Bé Con 40 Năm Trước Nhân Sinh Nhật

Niềm vui của tôi sáng nay
Là nụ cười em rạng rỡ
Niềm vui nhân thêm lần nữa
Từ mắt em lúng liếng cười

Bố mẹ em có nhiều con gái, sàn sàn tuổi nhau, nhưng sao tôi vẫn cứ tin rằng cái cô bé mười mấy tháng tuổi đã nhoẻn miệng cười với tôi buổi sáng tháng 5/1975 ấy chính là em.

Sau trận bom xuống xưởng cưa ông Lộc khoảng hơn một tuần sau biến cố 10 tháng Ba Ban Mê Thuột, tôi xin phép ông mụ, rời căn nhà đang ở trọ trên đường Lê Văn Duyệt (nay là Xô Viết Nghệ Tỉnh) lên sống với gia đình anh chị tôi tại nhà công vụ dành cho Hiệu trưởng trong khuôn viên trường Trung học Tổng Hợp Buôn Ma Thuột. Mấy tuần sau, anh chị tôi bị buộc trả lại nhà công vụ. Trong lúc đang bơ vơ chưa thuê được nhà (mà vào thời buổi đó, mấy ai dám mở rộng vòng tay cưu mang một gia đình quan chức chính quyền Sài gòn về tá túc nhà mình cơ chứ!) thì ông nội em, bác Đ. và vợ chồng cô dượng em (anh chị Hay – Dung, cũng là nhân viên cũ của trường) ngỏ lời mời gia đình anh chị tôi về ở tại căn nhà trên đường Hai Bà Trưng. Căn nhà hai gian được bố trí lại cho 3 gia đình cùng ở. Phòng khách rộng ở gian bên phải được dành cho gia đình anh chị tôi và các cháu. Hai phòng ở bên trái là nơi ở của ông nội em và anh chị Hay - Dung. Tôi được bố trí ở chung với hai người chú của em: Khang và Thái ở căn nhà gỗ phía sau. Dạo ấy, cu Tí, con chị tôi cũng mới gần 2 năm tuổi. Sáng sáng khi anh tôi đã theo bác Đ., anh Hay và Thái xuống rẫy cà phê tận Buôn Hồ, chị tôi phải thả cu Tí vào cái cũi gổ để chị bé Ngọc (khoảng 4 tuổi) hoặc hai anh Văn (khoảng 7 tuồi) và Vũ (chừng 6 tuổi) trông để lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm. Những ngày không phải lên trường tập trung làm vệ sinh, dọn dẹp, chuẩn bị mít-tin, tôi lại cùng ngồi chơi đùa với các cháu, đôi khi còn bế cu Tí, dắt bé Ngọc đi vòng vòng quanh nhà, quanh xóm.

Dạo ấy bố mẹ em ở bên “rẫy” trong khu trại Tàu. Bố em trông coi, chăm sóc khu rẫy với đủ loại trái cây, mẹ em vừa phụ bố, vừa thi thoảng “chạy chợ” lo bữa cơm cho gia đình. Cứ cách dăm bữa nửa tháng, bố mẹ em lại ghé thăm ông. Và vào buổi sáng tháng Năm 1975 ấy, mẹ em lại đến gửi con cho các cô, chú để “chạy chợ”. Dạo ấy chị tôi cũng phải cắn răng gạt bỏ tất cả sang một bên, tập “chạy chợ” để kiếm miếng ăn cho gia đình. Thế là chị “gởi cậu trông dùm mấy đứa nhỏ, chị đi với chị Thu một chút nghe!” Khi tôi bế cô bé con từ tay chị Thu, em đã không những không khóc mà còn nhoẻn miệng cười với tôi và cứ thế bắt tôi bế chứ không chịu ngồi vào cũi cùng cu Tí hay chạy chơi với chị Ngọc. Dỗ dành mãi một lúc sau mới chịu ngồi vào cũi nghịch cùng anh cu Tí và chơi với chị Ngọc, nhưng thỉnh thoảng lại đảo mắt tìm tôi và lại nhoẻn cười. Và nụ cười trẻ thơ trong trẻo ấy lâu lâu lại trở về với tôi trong những giấc mơ những khi tôi nhớ anh chị tôi và các cháu.

Bẵng đi mười mấy năm, trong tiết dạy đầu tiên của tôi ở lớp Anh Văn 17 B ở trường Cao đẳng Sư phạm, trong khi các bạn chào “Good morning, teacher!”, thì có một cô sinh viên chỉ nhìn tôi cười. Nụ cười thật thân quen, nhưng thú thật trong những ngày đầu ấy, dù cố nhớ, tôi không thể nhớ mình đã từng gặp cô sinh viên có nụ cười đó lúc nào. Rồi thỉnh thoảng, cuối buổi học, cô sinh viên ấy lại ghé văn phòng Khoa, đứng ở bậc cửa nhìn tôi, định nói gì đó, nhưng rồi lại chỉ cười và chào “Good bye, Thầy!” rồi quay lưng ra về. 




Rồi thật tình cờ trong dịp Hạnh, em gái chị Dung cũng là học trò cũ của tôi đưa chồng từ nước ngoài về thăm quê, chúng tôi xin phép nhà trường mời vợ chồng em lên nói chuyện để sinh viên tôi được nghe đúng giọng “người Anh bản xứ”. Và khi tôi đã ghé lại căn nhà xưa nơi tôi và gia đình anh chị tôi đã được cưu mang trong mấy tháng ngắn ngủi, để trao đổi dự tính của mình và dự bữa cơm mừng em Hạnh về thăm gia đình thì bất ngờ phát hiện cái cô sinh viên hay nhìn tôi như muốn nói gì nhưng rồi chỉ cười ấy lại là một thành viên của gia đình họ Hoàng đông đúc này. Và bỗng nhiên tôi nhớ đến cô bé con 18 tháng tuổi với nụ cười hồn nhiên buổi sáng tháng Năm 1975 xưa ấy. Em chạy ra đón tôi, vẫn với nụ cười tươi tắn. “Thầy không biết con, chứ con biết Thầy lâu rồi. Mấy cô chú con vẫn hay nhắc đến Thầy mà.” Và đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe một học trò của mình xưng “con” với tôi, một danh xưng mà phải đến hơn 10 năm sau tôi mới dám dùng để gọi các cô cậu sinh viên đang trong tuổi 18, 20 của mình.


Rồi em ra trường, rồi đi học hoàn chỉnh đại học ở Quy Nhơn, rồi tham gia giảng dạy ở ngôi trường Bán công đầu tiên mới mở ở Buôn Ma Thuột, nụ cười đó mỗi năm lại đều đặn trở về với tôi những dịp 20 /11 hay những ngày tết nguyên đán khi em thường là người đầu tiên “xông đất” nhà tôi. Lần đầu tiên em đưa các con đến thăm tôi vào dịp 20/11, vừa bước xuống xe, cô bé gái khoảng hơn 4 tuổi đầu đã vòng tay, cúi đầu chào tôi: “Cháu chào Ông Thầy!”. Khi tôi bảo cô bé: “Lần sau cháu chỉ cần ‘chào Ông’ hay ‘chào Thầy’ là được rồi.” thì cháu đáp lại “Không được đâu ông. Cháu gọi bố của mẹ là Ông ngoại, thì phải gọi thầy của mẹ là ‘Ông Thầy’ chứ!”. Lý luận mới nghe qua tưởng ngây ngô của trẻ con, nhưng ngẩm lại mới thấy ẩn chứa cả một nhận thức sâu sắc về tôn sư trọng đạo.



Những lần ghé thăm, em thường ngồi nói chuyện rất lâu với vợ tôi. Nghe hai cô cháu kể cho nhau nghe chuyện của “cậu Hòa” (em vợ tôi), của “chú Quang – cô Phương”(chú-thím của em), chuyện của "thằng" Huy (con của Quang-Phương) rồi chuyện trường, chuyện lớp, chuyện dạy dỗ con cái, học trò, chuyện ốm đau của bố chồng v.v.. tôi có cảm giác như em là “đứa con gái gả chồng xa” đang có được những ngày về thăm mẹ, được nói hết những suy nghĩ phải ẩn dấu suốt những tháng ngày “chiều chiều ra đứng ngỏ sau, ngóng về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Và tôi lại lẩn thẩn mong có một đứa con gái như thế để vợ mình thỉnh thoảng có dịp, có người để trút bầu tâm sự. 



Rồi hai thầy trò lại có nhiều dịp làm việc với nhau trong những lần cùng chấm thi giáo viên giỏi, cùng gặp gỡ nhau trong những lần hội khóa, họp lớp. Cái cô bé con ngày nào đã trở thành cô giáo chững chạc, say mê công việc, đã trở thành vợ, thành mẹ của hai đứa con, thành con dâu thảo vất vả chăm sóc bố chồng. 

Và thi thoảng trong những buổi sớm mai trên cung đường “hành thiền” của mình, tôi tình cờ gặp em đang tất bật chở con đi học, tất bật chạy vào bệnh viện thay ca trông bố chồng để chồng kịp về đi làm, tất bật cho kịp dự giờ tiết một của đồng nghiệp, tất bật chạy về thăm ba, mẹ ruột, tất bật và tất bật… với bao nhiêu việc mà bất kỳ người vợ, người mẹ, người con, người dâu, người thầy/cô giáo đang cố làm tròn chức trách của mình. 

Nhưng cho dù có đang tất bật bao nhiêu, có đang mệt mỏi bao nhiêu, có đang bực dọc bao nhiêu thì khi gặp tôi đâu đó trên đường, em cũng đều chạy xe chậm lại, gật đầu chào, miệng cười chào, mắt cười chào và đằng sau cái gật đầu ấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy tôi đọc được những điều em muốn gởi gắm với tôi: “Thầy ơi, nhớ giữ gìn sức khỏe. Thầy ơi, con chúc Thầy-Cô hạnh phúc. Thầy ơi, con yêu Thầy rất nhiều!”

Và mấy hôm trước khi xin được chia sẻ bài viết của tôi, em đã gọi tôi là “Daddy của con” một danh xưng mà hẳn là cả em và tôi đều đã muốn dùng từ lâu lắm rồi, phải không "con gái"? Hôm nay sinh nhật con, Ba không có quà, không có hoa để tặng con, chỉ có chút “ký ức vụn” ghi lại để chia sẻ cùng con. Và Ba cũng muốn nói với con rằng: “Cám ơn con, cô bé con của 40 năm trước, cô học trò của 25 năm trước, cô giáo-đồng nghiệp hơn 3 năm trước đã không ít lần gieo niềm vui vào cuộc sống thường ngày của Ba. Bé con ơi, học trò ơi, con gái của Ba ơi, Ba cũng yêu con nhiều, rất nhiều như yêu những người thân thương trong gia đình Ba! Chúc con một sinh nhật tràn đầy niềm vui và hạnh phúc!”

 Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải
12/12/2015

1 comment:

  1. Một mẩu chuyện "Ký ức vụn" của thầy Hải thật đầy ắp tình người, tình tôn sư trọng đạo trong nghĩa thầy trò, tình gia đình, tình bạn bè... thế thì không "vụn" đâu thầy Hải ơi! Tất cả nhân sinh quan tốt đẹp đều tiềm ẩn trong bài viết đấy chứ.
    Hạnh phúc của một Người Thầy như thế là một hạnh phúc vô giá phải không thầy Hải? Thấy một người học trò đã thành nhân, thành danh đến vòng tay cúi đầu chào mình là người thầy đó đã thành công trong sự nghiệp gõ đầu trẻ của mình rồi. Đó là một sự nghiệp chứ không còn là một nghề nghiệp của một nhà giáo nữa. Uốn một cây măng thành tre thẳng đứng và hữu dụng cho đời không dễ làm...

    Trò Kh.

    ReplyDelete