Monday, January 11, 2016

Hồi Ký - Du Lịch Miền Bắc Thailand Đầu Xuân Quý Tỵ 2013

Hoa vàng đầu năm trên đất Thái-lan

Đặt chân lên đất nước Chùa Tháp

Phi cơ cất cánh lúc chín giờ rưỡi đêm từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok. Tôi cố nhoài người về phía cửa sổ để nhìn xuống ánh đèn thành phố Sài-Gòn bên dưới. Tôi có một nhận định rằng, để đánh giá tính hiện đại của một thành phố, nhất là thành phố tương đối “trẻ”, có thể quan sát từ trên cao, ban ngày lẫn ban đêm. Nhìn từ trên cao, Sài-Gòn ban ngày trông như một mớ xà bần hỗn độn, lổm ngổm. So sánh này được chia sẻ nhân một chuyến bay cách đây mười năm, khi phi cơ chuẩn bị hạ cao độ trên không phận Sài-Gòn, một cụ bà người Bắc ngồi gần cửa sổ cạnh tôi chợt thốt lên, làm nhiều hành khách tủm tỉm cười: “Gớm, gạch đá ở đâu mà lắm thế!” Ngoài khu trung tâm, quận một và quận ba, ban đêm nhìn xuống ánh đèn làm lộ rõ dáng dấp của một bàn cờ, còn lại thì thành phố trông như một giải ngân hà, càng ra ngoại ô thì mức độ “sao” càng lộn xộn, mặc dù đây là những khu đô thị được mở rộng trong những năm gần đây.

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Don Mueang đúng mười một giờ đêm. Hành lang dẫn từ cửa phi cơ đến cổng thuế quan xa thăm thẳm. Phi trường này có mật độ hoạt động đứng hàng thứ 18 trên thế giới. Don Mueang đóng cửa năm 2006 để nâng cấp trong một năm rồi hoạt động trở lại. Mọi thứ ở đây trông khang trang hơn lần đầu tôi đến Thái-lan năm 2008.

Theo đánh giá của một tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới của một nước, họ so sánh phi trường Tân Sơn Nhất có quy mô chỉ tầm tầm bằng một phi trường thành phố nhỏ của họ. Sở dĩ họ so sánh một cách mỉa mai như vậy vì chính cái tên Tan Son Nhat International Airport cùng quy mô vận hành và phục vụ của nó! Tân Sơn Nhất và vành đai của nó bị thu hẹp rất nhiều so với trước 1975. Kế hoạch mở rộng tầm hoạt động của phi trường này là bất khả thi khi mà, suốt hai thập niên 80 và 90, một phần lớn đất đai đã bị xà xẻo nát bấy để làm sân gôn và xây khách sạn cao tầng rồi!

Thủ tục nhập cảnh mất độ hai phút cho mỗi người. Ở mỗi quầy làm thủ tục, một camera tròn đen bé bằng quả anh đào đặt ngang tầm với mặt hành khách. Nhân viên hải quan quan sát và so sánh khuôn mặt hành khách hiện ra trên màn ảnh đặt kín đáo dưới quầy với hình của họ trong passport mà không cần ngẩng mặt lên quan sát hành khách.

Lấy hành lý rồi ra cổng arrival, vợ chồng con gái chúng tôi tươi cười đón ở đấy từ chiều!

Tại Bangkok, phương tiện giao thông gồm thuyền bè, xe cộ, xe điện ngầm và xe điện trên không. Tất cả đều nằm trong điều kiện sử dụng rất tốt. Ấy vậy mà luôn có nạn kẹt xe kinh khủng trong thành phố này. Lý do: mật độ xe hơi quá cao. Tuy nhiên, người Thái-lan rất trầm tĩnh và kiên nhẫn, vì họ có Phật tâm nên không bao giờ giành giật, chen lấn. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng còi xe ở đây, vì tiếng còi xe, đối với người Thái, đồng nghĩa với lời chửi rủa!

Xe điện ngầm ở Bangkok. Hình đức Vua hiện diện khắp nơi

Đường sá ở Bangkok

Vừa ra khỏi phi trường, xe đã đạt vận tốc đều 100-120 km/giờ. Từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima (gọi tắt là Khonrat) nằm ở vị trí đông bắc mất khoảng hai tiếng rưỡi. Con chúng tôi ở huyện Sikiew thuộc tỉnh này.

Đường sá ở Thái-lan tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ngay từ lúc xe chuyển bánh, tôi đã quan sát mọi thứ xung quanh và so sánh với mọi thứ ấy ở quê nhà. Tôi sẽ so sánh Việt Nam và Thái-lan ở nhiều khía cạnh khác bởi vì tôi còn nhớ rằng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Việt Nam Cộng Hòa và Thái-lan là hai quốc gia được đánh giá là đồng đẳng về mức độ phát triển ở Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là các nước khác như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines… còn ở phía sau họ. Còn ở phía Bắc Á thì Nam Hàn và ngay cả Đài Loan cũng chưa là gì so với VNCH. Đã hơn năm mươi năm trôi qua rồi, thời gian quá đủ để đánh giá xem một quốc gia tiến bộ hay tụt hậu thế nào.

Xe chạy được nửa đường, lúc này khoảng 1:30 sáng, chúng tôi ghé vào một quán ăn bên đường lót dạ để lấy sức đi tiếp.

Trời tuy đã khuya nhưng quán sá vẫn sáng trưng, thực khách vẫn ăn uống. Quán chúng tôi vào đã ngồi sẵn một nhóm thanh niên Thái vừa ăn, vừa xem bóng đá trên màn hình rộng. Chợt nhớ rằng lúc này là cao điểm của Sea Games nên tôi kín đáo theo dõi: họ chỉ ăn mì hay cháo, không hề uống bia hay rượu. Sau một “pha” bóng gay cấn, chỉ thấy họ “ồ” lên một tiếng rồi quay qua bàn tán với nhau.

Chúng tôi chỉ có thể nói với nhau rằng thanh niên Thái thật điềm đạm. Ở Thái-lan, thanh niên-đàn ông thường vào chùa xuống tóc tu tập trong một thời gian tùy tâm ít nhất một lần trong đời. Có lẽ vì thế mà tâm họ lành, cung cách điềm đạm, chừng mực. Phật giáo là quốc giáo. Phải chăng tôn giáo này ảnh hưởng rất nhiều lên thể chế chính trị của họ.


Quýt chua

Sáng hôm sau, mặc dù mệt nhoài vì chỉ được thiếp đi độ vài tiếng, chúng tôi chuẩn bị qua thăm bà sui gia ở gần ngay đấy. Chúng tôi chắp tay “xá” nhau (Phụ nữ chào: /sa-war-đi-kha/, đàn ông nam giới chào: /sa-war-đi-krap/), và bà sui lại cười sảng khoái, hiền hòa. Bà có mười bốn người con (!!!), tất cả đều lành lặn và đa số ở quây quần quanh đó. Con rể chúng tôi là con trai cả của bà. Từ lâu, tôi đã nghe nhiều người đi du lịch Thái-Lan nói rằng người Thái hiền hòa và hay cười, và đặc biệt thật thà trong buôn bán. Điều này tôi sẽ kiểm chứng suốt chuyến đi này, xem thực hư thế nào với danh xưng của họ: the Country of Smile (Xứ Sở của Nụ Cười).

Tạm biệt nhau, ngày đầu tiên chúng tôi đi thăm National Park of Khao Yai (Vườn Quốc Gia Khao Yai). Khao Yai là một huyện của tỉnh Khonrat. Qua cổng kiểm soát, xe chạy lên đèo.

Vườn quốc gia là một dãy núi rừng nguyên sinh. Nhiều cây cổ thụ nằm dọc hai bên đường, thỉnh thoảng được quấn bằng một băng vải màu, có thể là biểu thị lòng tôn kính như các bậc cao niên. Tại một vài góc rừng, một miếu thờ nằm khuất kín với nhiều lễ vật bày xung quanh. Tôi được giải thích rằng đó là miếu thổ công. Người Thái tin rằng mỗi nơi, đặc biệt là rừng núi đều có thổ địa trấn giữ. Người ta giới hạn tuyệt đối lấy một thứ gì đó dù nhỏ nhặt ra khỏi rừng mà không khấn vái. Dấu vết nguyên sinh được thấy ở mọi nơi, sự can thiệp bởi bàn tay con người rất hiếm hoi. Tôi nhận thấy có nhiều cây teak, thân thẳng, lá to bằng cái rổ. Sở dĩ tôi nhận ra ngay loại cây này vì ở Trung tâm Thực nghiệm Ban Mê Thuột có mấy hectares được trồng thử nghiệm bên cạnh các loại cây khác như cây sao từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi được biết rằng teak là sản phẩm nổi tiếng của Miến Điện, dùng làm báng súng và đóng tàu.

Thác nước ở Khao Yai

Khung cảnh ở đây tuyệt đẹp, không khí mát lạnh. Đường ngoằn ngoèo với tàn cây rợp mát. Đường đèo rộng và rất tốt, được bảo quản cẩn thận, an toàn, xe lên xuống với vận tốc cao.

Khỉ trong rừng xông ra, ngồi bên vệ đường nghe ngóng.
Xe dừng ở lưng chừng núi, bên kia núi rừng trùng điệp. Chúng tôi xuống xe, thoải mái vươn vai tận hưởng không khí trong lành. Bất ngờ một đàn khỉ mấy mươi con từ ven rừng xông ra, đủng đỉnh đến ngồi sát bên xe quan sát du khách rất … ma mãnh. Một đàn khác nhảy tót lên thùng sau một xe bán tải, lục tung hành lý, chí chóe giành nhau mấy bao snack. Một con ôm được một bao, bị mấy con khác rượt, cuống cuồng băng qua đường rồi nhảy tót lên cành cây chỗ chúng tôi đang đứng, xé bao rồi thò tay vào nhón từng lát thưởng thức, mấy con khác ngồi chầu rìa dưới gốc chờ của rơi để hưởng sái. Một cặp vợ chồng người ngoại quốc bấm máy ảnh lia lịa. Cô vợ, ngạc nhiên tột độ trước cảnh tượng, cười khanh khách.

Khỉ tót lên cây, nhấp nháp chiến lợi phẩm!
-    Mấy con khỉ này thật lém lỉnh. Tuy nhiên, chúng có thể sống chung hòa bình với chúng ta, nếu chúng ta thân thiện với môi trường _ con gái tôi nói.
-    Chính thế _ Ông chồng nhìn cháu rồi cười.
-    Cô là người Nhật phải không? _ Cô vợ hỏi.
-    Không, tôi là người Việt Nam.

Hai vợ chồng ngập ngừng một lát, rồi người chồng nói:
-    Chúng tôi đã đến Việt Nam và ở Hà nội. Mỗi lần dắt vợ tôi qua đường là một tai họa. Giao thông thật kinh khủng.

Chúng tôi im lặng. Vẩn vơ một lát rồi con gái tôi chúc họ du lịch vui vẻ, e rằng nếu nán lại sẽ còn nghe họ than phiền nhiều thứ khác về Việt Nam nữa.

Giao thông ở Việt Nam là hình ảnh gây sốc nhất đối với du khách, nhất là những ai đến đây lần đầu. Chẳng những cảnh xe cộ bát nháo gây kinh hoàng cho người ngoại quốc, đặc biệt là người Tây phương mà ngược lại, chính người Tây phương đôi khi cũng xé rào, tham gia vào dòng giao thông hỗn loạn này khi ở và làm việc ở đây lâu năm. Tôi đã chứng kiến cảnh nhiều chàng mắt xanh mũi lõ, mặc quần sọt áo thun, phóng honda bạt mạng, có khi tỉnh bơ vượt cả đèn đỏ và lạng lách chẳng kém ai. Hình như giống quít nào đem trồng hay mọc ở đất này đều hóa chua cả!

Một góc nhỏ về trường học Thái-lan

Chúng tôi lại lên đường đi sâu vào rừng. Đường càng lúc càng vắng, rừng càng lúc càng thâm u. Lâu lắm mới có một chiếc honda hay xe hơi chạy ngược chiều. Mới ba giờ chiều mà trời như sắp tối. Cảnh vật xung quanh âm u, rờn rợn. Con gái chúng tôi nói tài xế quay đầu xe trở ra.

Rừng núi Khao Yai
Trên đường về nhà, chúng tôi ghé qua trường học đón hai cô cháu ngoại. Theo hiến pháp Thái-lan, giáo dục hệ 12 năm là hoàn toàn miễn phí đối với trẻ em, 9 năm là cưỡng bách, nghĩa là học sinh buộc phải đến trường học hết cấp hai. Từ năm 2009, bộ giáo dục mở rộng giáo dục miễn phí đến 15 năm! Một số trường học tôi đi qua, ở Sikhew chẳng hạn, học sinh được ngân sách địa phương tài trợ thêm bữa trưa miễn phí. Học sinh ở đây cũng được uống sữa miễn phí luôn. Các trại nuôi bò ở địa phương cung cấp lượng sữa dồi dào cho học sinh uống đầy đủ sau khi rút gần hết chất béo để không gây béo phì.

Một trường học ở Nakhon
Chúng tôi đến thăm một công ty nuôi bò lấy sữa, chuyên cung cấp sữa cho trường học và dân chúng địa phương. Sản phẩm ở đây gồm sữa, yaourt, bơ, phô-mát… Chúng tôi được phép thử tự do. Thật thú vị!
 
Một ngày không vui

Hôm sau chúng tôi lại đi Bangkok, đến đại sứ quán Việt Nam. Con gái chúng tôi phải đổi passport vì visa đã đóng dấu kín mít. Trước đó cháu được hẹn hai tháng sau quay trở lại vì… máy làm passport bị hỏng! Khách đến xin visa chỉ độ mươi người. Phòng làm việc nhỏ, chỉ có hai ghi-sê. Một thanh niên da trắng đeo ba-lô trình bày gì đó một hồi rồi bỏ ra ngoài, miệng lầu bầu… Nhìn vào tôi thấy một nhân viên nữ đứng tuổi người miền Bắc (có nét đặc trưng rất dễ nhận ra) đang “xử lý” công việc. “Căng” rồi đấy! Đến lượt con gái tôi, cháu trình bày gì đó nhưng nhân viên này yêu cầu ngồi đợi, giải quyết sau. Trông mặt cháu không vui… Ghi-sê bên kia không có ai làm việc. Một tấm bảng treo bên trên:

BUSINES AND TOURIST VISA
Check before leaving

Tôi định giơ máy lên bấm tấm bảng này nhưng cháu nhà tôi khều tay nháy mắt ngăn lại. Tôi kịp thấy một camera gắn trên trần nhà.

Hình như cần thêm một chữ S nữa vào BUSINES cho đúng chính tả, và liệu có nên thêm Please vào hàng dưới cho… mềm mại ngôn ngữ ở cơ sở ngoại giao không?

Một người đàn ông đứng tuổi, tóc ngắn và bạc, mặt tròn như trái bưởi, hồng hào, hai mắt ti hí, vác cái càng ba chân và máy hình bước ra từ phòng bên. Gắn máy hình lên chạc, rồi không nói lời nào, chỉ tay vào chiếc ghế đẩu kê sẵn sát tường, phía sau có phông vải trắng, ra hiệu cho một chàng da trắng mũi lõ đã đứng gần đó từ bao giờ. Chàng này  ngoan ngoãn ngồi vào. Bác phó dòm hơi nghiêng đầu qua bên trái, chàng ngoan ngoãn làm theo. Bác phó nghểnh cổ ngước mặt, chàng bắt chước đúng kịch bản. Bác phó sửa lại cổ áo của mình, chàng hoàn thành y chang sứ mệnh. Click! Không còn pha kịch câm nào hoàn hảo hơn! Bác phó vẫn không nói lời nào, cất máy vào phòng rồi sau đó đi ra, đóng sầm cửa, mặt nghếch lên như lúc nãy theo kiểu cách “dưới mắt ta chẳng còn ai cả” (hạ mục vô nhân)!

Còn con gái chúng tôi lúc này cúi sát đầu xuống ghi-sê, trong tư thế năn nỉ. Cháu cố nấn ná nhưng rồi cũng phải quay lại chỗ ghế chúng tôi ngồi đợi, vẻ thiểu não. Trên đường về cháu nói:

-  Con “quỷ cái” đó ác lắm! Nó bảo máy làm passport vẫn còn hỏng. Thấy mình khổ sở mặt nó vui hẳn lên!
-  Sao con không hứa hẹn cho nó phong bì?
-  Việc đó là hàng đầu, mẹ không phải dặn. Nhưng làm sao con biết nó muốn gì? Nội cái điện thoại nó đang dùng giá cũng cả chục triệu rồi. Nó đâu có cần tiền. Con năn nỉ nó hết nước miếng, nó chỉ phán một câu: “Không nói nhiều. Có muốn lấy lại hồ sơ không thì bảo?” Thế là hai vé con đã book đi Miến Điện xem như mất toi …
-  Sao mẹ không thấy nhân viên sứ quán nói tiếng Anh với hành khách?
- Con chưa bao giờ nghe họ nói tiếng Anh với ai cả. Hồ sơ xin visa nào không hợp lệ thì đùn qua ghi-sê trả lại cho người xin, kèm theo chữ “NO” lạnh lùng.

Hôm nay là một ngày không vui!

Ngày của mẹ

Thật trùng hợp khi ngày hôm sau lại là Ngày của mẹ ở Thái-lan. Chúng tôi qua chúc thọ và dự tiệc cùng gia đình. Tôi chúc bà thêm tuổi thọ, vui cùng con cháu. Qua lời thông dịch của con gái tôi, bà cảm ơn rồi cười khanh khách, hiền hòa. Cả nhà ngồi xuống chiếu vì đông quá, lớp con lớp cháu nhặng xị cả lên. Tôi được mời món xôi do chính tay bà nấu đựng trong một cái chõ bằng tre. Xôi ăn với đậu vừng (mè). Chưa bao giờ tôi được món xôi ngon như thế. Có lẽ xôi ngon một phần là nhờ mè rang với đậu phụng.

Nhập tiệc được một lát thì có hai người trung niên bước vào. Tôi được giới thiệu người mặc áo hoa màu xanh là em trai kế con rể tôi, là công chức cao cấp trong ngành giáo dục tỉnh Khonrat, còn người kia, nhỏ con và đen, nói tía lia, là đồng nghiệp. Người em kế, nghe gọi tên là A Sợt (nghĩa là chú Sợt) đến nâng mẹ đứng lên, dìu đến một chiếc ghế rồi đặt mẹ ngồi vào đó. Sợt quỳ xuống trước mặt mẹ, anh chàng đồng nghiệp quỳ kế bên. Chàng đồng nghiệp xướng lên những câu trầm bổng, A Sợt lập lại. Cứ thế kẻ xướng, người lập lại hồi lâu. Sau đó A Sợt lấy cái thau nhỏ để bên cạnh, đặt chân mẹ vào rồi đổ mấy chai nước vào đó, vừa kỳ cọ chân cho mẹ, vừa tiếp tục lập lại lời được xướng. Rồi A Sợt vộc nước lên lau mặt cho mẹ bằng tay, vuốt hai bên má mẹ nhiều lần, nói những lời âu yếm rồi vừa rúc đầu vào bụng mẹ vừa nói nũng nịu. A Sợt lấy một chiếc xà-rông mới tinh trong bao ra quàng vào cho mẹ, ôm lấy mẹ vừa nũng nịu, vừa trêu mẹ _ tôi thấy mọi người cười phá lên nên đoán như vậy thôi! Bà mẹ cười khanh khách, tiếng cười thật hiền hòa. A Sợt bưng thau nước ra nhà sau, một lúc sau bước lên, tay gài lưng quần, ở trần, đầu ướt như vừa tắm xong. A Sợt vừa mặc áo vừa ngồi xuống chiếu nhập tiệc, cạnh anh chàng tía lia.

Từ đầu chí cuối tôi chẳng hiểu họ nói mô tê ất giáp gì cả. Về nhà rồi con gái chúng tôi mới giải thích rằng A Sợt nói những lời tạ ơn mẹ đã cho các con sự sống, sau đó lấy nước rửa chân cho mẹ để dội lên đầu và tắm, không tráng lại bằng nước khác.

Kiếu từ ra về, tôi cảm ơn bà món xôi và đậu mè, bà lại cười khanh khách. Tiệc ngày của Mẹ đơn sơ nhưng thật cảm động. Trong ngày này con cái tỏ lòng hiếu thảo với mẹ.


Văn hóa Phật giáo

Sáng nay tài xế chở chúng tôi thăm ngôi chùa đầu tiên gần nhà ở huyện Sikiew. Chùa nằm trên một khu đất rộng mênh mông với nhiều vườn hoa và hồ nhân tạo. Chùa rộng và cao theo kiến trúc mái nhọn đặc thù của Thái-lan và Miến Điện. Ngay chính điện là tượng một vị sư ngồi thiền cao đến mươi mét, toàn thân dát vàng, có lẽ vị sư có công đức rất lớn với địa phương. Phật tử đến chùa làm công đức rất đông: lau rửa hồ cá, cắt cỏ, dọn dẹp, trồng hoa, vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Khung cảnh thật thanh bình!

Ngôi chùa lớn ở Khonrat

Tượng vị La Hán trong chùa, toàn thân dát vàng.

Tôi được biết thêm rằng ngôi chùa này do một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Thái-lan cúng dường xây dựng. Theo tục lệ ở Thái-lan, không ai phát nguyện cúng dường toàn bộ tiền xây dựng một ngôi chùa mà chỉ cúng dường một phần lớn hay nhỏ nào đó tùy tâm, phần còn lại dành cho bá tánh tùy hỷ, có khi chỉ vài chục baht. Theo ý nghĩa này thì công đức chia đều cho mọi người, ai cũng đều có cơ hội đóng góp.

Ở Thái-lan tôi không thấy ăn mày. Do ảnh hưởng của Phật giáo, người Thái quan niệm rằng người ăn mày mang nghiệp nặng vì kiếp trước tham tàn, ăn cướp của thiên hạ nên kiếp này phải trả nghiệp báo. Nếu bố thí (cho tiền) cho họ chẳng khác nào làm cho nghiệp của họ nặng thêm. Vì vậy, những người vô gia cư hay ăn mày thường vào chùa làm công quả, ăn ở tại chùa như hình thức chuộc nghiệp chướng họ đã gây ra trong tiền kiếp.

Một lần, khi đi chợ phiên ở huyện Sikhew, tôi gặp một người đàn ông ăn mặc rách rưới đi lang thang ngoài đường, không hiểu là ăn mày hay tâm thần. Mấy người đàn ông hai bên đường xông ra quát tháo, dọa nạt làm người này riu ríu bỏ chạy. Tôi được giải thích rằng cư dân ở đây bảo người đó phải vào chùa sống và làm công quả, không được đi lang thang như thế.
 
No sex!

Chúng tôi chơi ở chùa đến xế trưa, ăn trưa tại một nhà hàng rồi đi thăm một ngôi chùa khác.

Đây là một ngôi chùa đặc biệt. Gọi là chùa nhưng chỉ là một gian nhà bình thường và vài túp nhà nhỏ (cốc) nằm rải rác trong rừng sâu, rất vắng vẻ. Mặc dù ở chốn thâm sơn cùng cốc nhưng đường dẫn vào chùa vẫn được tráng nhựa tốt. Chúng tôi là những người duy nhất thăm chùa vào thời khắc này. Vượt qua dãy nhà đầu tiên vẫn không thấy ai cả. Đi theo một con đường tráng nhựa nhỏ vào sâu bên trong, tứ bề vẫn là rừng âm u.

Đường dẫn vào chùa

Tới một ngã rẽ tôi chợt nghe tiếng kinh vọng đến từ rặng cây xa, một vị sư áo vàng đang quét đường với một cây chổi có cán và tán chổi rất dài. Một bảng ghi chú đặt nghiêng trên phiến đá, viết bằng tiếng Thái và tiếng Anh, cho biết nơi đây mang dấu tích con người sống cách bốn nghìn năm trước. Hình màu đỏ trên vách đá vẫn còn rõ nét gồm một phụ nữ, một đứa trẻ, ba mươi mấy người đàn ông và mấy con chó. Mấy khối đá khổng lồ tựa vào nhau tạo thành một cái hang, mỗi khối to bằng mấy căn nhà.

Khối đá ghi vết tích con người đã ở đây 4000 năm trước

Trong hang đặt nhiều tượng, Phật có, long thần hộ pháp có. Đối diện là những khối đá to hơn nữa, chồng lên nhau và mang hình hài kỳ dị, phủ đầy rêu, rễ cây si và bồ đề to bằng bắp chân bám phủ mặt đá.

Bên dưới khối đá to là một cái bàn, trên đó có mấy con búp bê, đồ chơi xe hơi …, một số rơi xuống đất. Tôi tò mò đến gần xem và chợt nổi da gà: lẫn trong đám đồ chơi là một lồng kính hình trụ bằng thủy tinh, đáy tròn bằng chiếc đĩa chứa đầy một dung dịch màu vàng nhạt, bên trong là một thai nhi đã hình thành đầy đủ tứ chi, ngồi theo tư thế còn trong bụng mẹ. Tôi rùng mình lùi ra xa. Khung cảnh xung quanh âm u, chim muông lảnh lót. Muỗi mòng cứ bám vào tai, xua mấy cũng không đi. Dưới bàn căng một tấm vải ghi mấy hàng chữ Thái, con gái tôi dịch: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm!” Tội nghiệp và thương cảm quá! Chợt nhớ lúc nãy khi đi qua cổng chùa bằng gỗ xiêu vẹo, tôi thấy một tấm biển gỗ ghi bằng chữ Thái và vỏn vẹn “No sex” bên dưới. Ngạc nhiên khi thấy cảnh báo thuộc loại dung tục này ở chùa, bây giờ thì tôi chợt đoán ra: có lẽ ai đó hối hận vì trót mang thai nên đem đến đây bỏ, mong nhờ cửa Phật cho siêu thoát.

Thai nhi nương nhờ cửa Phật. Dưới mép bàn phía trước có ghi hàng chữ biểu thị lòng thương mẹ!

Ở Thái-lan mỗi ngôi chùa đều có lò hỏa thiêu. Người chết được hỏa táng tại đây, tro cốt được cho vào bình rồi đặt trong chùa. Người Thái tin rằng sau 49 ngày được nghe kinh kệ liên tục, hương linh người chết đã siêu thoát qua một kiếp khác nên thân nhân người chết không lập bàn thờ và cũng không cúng giỗ. Trong suốt cuộc hành trình dài, tôi không thấy nghĩa trang.

Trong trường hợp thương cảm ở trên, chùa lập trai đàn rồi giữ nguyên trạng thai nhi như vậy để cảnh báo những ai viếng chùa, chớ có phạm tội ác cấm kỵ như thế ở Thái-lan. Ra khỏi khu di tích, bên ngoài như sáng hẳn ra. Vị sư quét lá đã đi được một đoạn cả trăm mét, đường nhựa phía sau vị sư sạch tưng. Vẫn đủng đỉnh đi giữa đường, một nhát quét, lá giạt sang cả hai bên lề như thể quét hồng trần ra khỏi lòng.

Xe ra khỏi chùa rồi mà lòng tôi vẫn còn nặng trĩu. Mong sao thanh thiếu niên Việt Nam được giáo dục giới tính cẩn thận, biết tự bảo vệ mình trong một xã hội thực dụng, duy vật, đạo đức suy đồi để Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao!
 
Tiện nghi trên đường hành trình

Sáng hôm sau chúng tôi lên đường, bắt đầu chuyến thăm miền Bắc đất nước này. Bà sui chu đáo cho chúng tôi xôi, cơm nắm, và đậu mè. Bác tài chọn đường tắt đi Chiang Mai. Đường hai chiều, nhỏ hơn đường hàng tỉnh nhưng tốc độ trung bình vẫn trên 100 km/giờ. Hai bên đường rừng bạt ngàn. Diện tích của Thái-lan là 513 nghìn km2 với 66 triệu dân, Việt Nam ta chỉ có 331 km2 _ bằng khoảng hai phần ba diện tích của Thái-lan – nhưng dân số lại gấp rưỡi Thái-lan.

Trên đường đi, con gái tôi chỉ một bệnh viện địa phương mới xây xong, cho biết bệnh nhân được chữa bệnh miễn phí, được chăm sóc chu đáo, ân cần, thuốc men cấp đầy đủ. Bệnh nhân nào đi khám ở bệnh viện không thuộc địa bàn của mình, có khi người không có quốc tịch Thái-lan, vẫn được khám theo tiêu chí chung, chỉ phải đóng thêm 20 baht (khoảng 14,000 VND), xem như chưa đến một dollar Mỹ!

Trong hầu hết các bệnh viện ở Thái-lan, bác sỹ và y tá đều có tâm Phật, đúng với câu lương y như từ mẫu. Bệnh viện rộng rãi, sạch sẽ, trang thiết bị y tế hiện đại. Những tiện nghi tốt nhất đều có thể được tìm thấy ở đây. Một số bệnh viện lớn ở Bangkok, trình độ chuyên môn của bác sỹ và công nghệ y tế ngang tầm với các nước trên thế giới. Các bác sỹ đi tu nghiệp chuyên môn hàng năm. Hầu hết các bệnh viện lớn đều bào chế được thuốc đặc trị, phát huy cao các tính năng của nhiều loại thảo dược, đồng thời hạn chế sử dụng tây dược và sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh.

Xe chạy suốt, thỉnh thoảng ghé vào cây xăng để tiếp nhiên liệu, đi vệ sinh hay ăn uống, phục vụ đầy đủ như bất kỳ một cây xăng nào ở Tây phương. Xe ở đây chạy bằng hai nguồn nhiên liệu: xăng và ga, giá rẻ hơn giá xăng ở Việt Nam nhiều. Khi chạy đường trường, tài xế sử dụng ga; chỉ khi nào leo dốc hay lên đèo mới chạy bằng xăng. Xe vào bất cứ cây xăng nào tiếp nhiên liệu cũng được tặng một bloc nước khoáng lớn, từ 4 đến 6 chai, miễn phí.

Hai đứa cháu ngoại chúng tôi chạy tót ngay vào 7 Eleven – một kiểu mini supermarket mà cây xăng nào cũng có – chọn thức ăn cho chúng, đem ra quầy để mẹ chúng đến… tính tiền!

7 Eleven có mặt ở bất kỳ cây xăng nào, hoạt động 24/24 giờ.
Nhà vệ sinh ở đây rất sạch sẽ. Các cây xăng lại được đặt cách nhau một quãng nhất định nên khách đi xe không lo bụng dạ trái nắng trở trời!


Cảnh đẹp miền bắc Thái-lan: Chiang Mai

Xe đến Chiang Mai lúc xế chiều. Đây là thành phố lớn thứ hai của Thái-lan và được xem như thủ phủ của miền Bắc. Chúng tôi được giới thiệu ý nghĩa của tên thành phố: Chiang, tiếng Thái có nghĩa là thành phố, Mai (phát âm là /mày/) nghĩa là mới. Thành phố thu hút nhiều du khách vì khí hậu ôn hòa, trong lành, cảnh đẹp, giá sinh hoạt rẻ, đời sống yên bình nên nhiều người nước ngoài, đặc biệt là người về hưu thuê đất làm nhà nghỉ dưỡng.

Chiang Mai, nhìn từ Chùa Wat Phrathat Doi Suthep qua sương mù

Cả nhà ngụ tại một nhà khách quen, tiện nghi, yên tĩnh. Sau một ngày đi đường mệt nhọc chúng tôi tận hưởng giây phút thư giãn. Bất ngờ nghe thấy tiếng đì đùng, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy pháo bông nở rộ. Một lát sau nghe một tràng pháo nổ, chợt nhớ rằng còn vài giờ nữa là giao thừa. Ở Chiang Mai, thủ phủ miền bắc Thái-lan, có nhiều người Trung Hoa ở hơn. Tuy nhiên, người Thái không ăn tết theo kiểu người Việt hay Hoa nên không hề thấy không khí tết gì ở đây.

Sáng sớm hôm sau, cả nhà đi thăm một điểm du lịch nổi tiếng là Doi Inthanon National Park, đỉnh núi cao nhất Thái-lan (2,565 m) nằm ở huyện Mae Chaem, tỉnh Chiang Mai.

Cổng vào Doi Inthanon National Park
Xe đã lên đèo, rất ngoằn ngoèo và rất dốc. Cũng rất đông khách du lịch vì xe nối đuôi nhau lên xuống liên tục. Hai bên đường đào rừng nở rộ, lên cao thấy thông bắt đầu xuất hiện và thỉnh thoảng thấy có vài cây bách (fir tree/sapin).

Đào rừng nở rộ

Tai tôi bắt đầu lùng bùng khi xe lên cao. Một lúc sau, hai đứa cháu ngoại mặt nhợt nhạt, buồn nôn. Xe phải dừng một lát, mở cửa cho thông thoáng rồi tiếp tục đi. Đến đỉnh đồi, xuống xe, tôi thấy một khu rào kín, bên trong có một kiến trúc lớn hình cầu. Đây là đài khí tượng của Không lực Hoàng gia Thái-lan (Royal Thai Air Force Weather Radar). Theo một bậc thang, chúng tôi lên đến đỉnh điểm của ngọn núi. Không khí ở đây mát lạnh, dù tôi đã cẩn thận mặc thêm chiếc áo len. Nhiều giống hoa rừng nở trắng xóa hay đỏ rực cả một cây to, nổi bật trên nền xanh của rừng. Nhiều giống thảo mộc ở đây được giới thiệu là duy nhất trên thế giới. 

Tôi mê mẩn ngắm những chùm lan rừng nở trắng trên các cây cổ thụ phủ rong rêu. Chưa có bàn tay con người chạm vào đây, không có tay mê lan nào dám có ý nghĩ chôm vài nhánh và mang được xuống núi. Còn lan rừng Việt Nam, cùng với nhịp độ phá rừng, đã dần dần tiệt chủng. Ở Ban Mê Thuột tôi chứng kiến hàng bao tải lan rừng bị người Kinh lẫn Thượng chở đến bán cho các vựa thu mua lan, với giá rẻ như bèo, để rồi chúng được phân phối đi các tỉnh với giá cao gấp chục lần. Nghinh Xuân, Đuôi Chồn, Hoàng Lan là những thứ bị khai thác nhiều nhất, bây giờ đã cạn kiệt.

Một cụm lan rừng trên đỉnh Doi Inthanon

Rời đỉnh núi quay trở xuống một đoạn ngắn, chúng tôi rẽ vào thăm hai ngôi chùa tháp (chedis) được xây để mừng sinh nhật thứ 60 của vua – King Bhumibol Adulyadej, xây năm 1987 – và hoàng hậu – Queen Sirikit, xây năm 1992. Con gái tôi vào tháp lễ Phật. Tôi vẩn vơ bên ngoài chụp hình, ngắm cảnh. Hai ngôi chùa tháp nằm trên hai đỉnh đồi, nhìn xuống thấy núi non trùng điệp. Nếu đi thăm vào tháng 11 hay 12 sẽ thấy mây trắng trôi dưới chân đèo, khắp nơi phủ sương mù. Xung quanh tháp phủ đầy vườn hoa, được chăm sóc chu đáo. Du khách Âu Mỹ đến đây rất đông, mỗi người một máy ảnh, chụp đủ góc cạnh, dáng trầm ngâm.


Tháp Hoàng hậu

Tháp Đức Vua

Rừng núi trùng điệp nhìn từ tháp Đức vua

Giây phút dừng chân của gia đình trước khi hạ san!


Trái cây miền sơn cước Thái-lan

Trên đường về, chúng tôi dừng chân ở giữa đồi. Cả gia đình tôi xuống xe rồi tràn vào các gian hàng trái cây. Trước hết trái cây ở đây một số được trồng ngay trên núi, nhất là dâu tây. Chúng tôi tha hồ thử cả mấy chục loại sản phẩm, thứ nào cũng hấp dẫn, riết rồi không biết mua thứ nào, và cuối cùng thứ nào cũng… muốn mua. Tôi thích nhất dâu tây, quả to vừa chín tới, trông sạch sẽ và mát mắt, ngọt ngào, một kilo chỉ khoảng 70 baht (tại thời điểm viết bài này 1 baht = 700 VND). Tôi cũng mê quả hồng ép khô, cắn vào thấy dẻo và vẫn có mùi thơm đặc thù của nó.

Gian hàng trái cây của người Thái sơn cước

Dâu tây

Giống hồng khô của Nhật

Nhãn khô cũng là thứ tôi không thể bỏ qua. Tuy gọi là khô nhưng nhai vẫn dẻo và thơm sực nức: lấy hai túi hai ký nhé! Chợt nhớ đến một người bạn kể chuyện đi Thái-lan trước đây, xe chạy, còn bạn tôi thì ngắm vườn nhãn hai bên đường. Lát sau ngủ thiếp đi, giật mình thức dậy vẫn thấy nhãn hai bên đường, rồi lại thiếp đi và tỉnh dậy, vẫn nhãn là nhãn. Nho khô cũng ngon tuyệt, giá lại rẻ lắm. Tôi cũng làm hai ký.

Công nghệ nông sản sấy khô của Thái-lan rất khéo, giữ được hương vị nguyên chất. Khi gặt hái bội thu, những nông sản còn lại sau khi bán tươi đều được sấy khô, tránh tình trạng bán đổ bán tháo vì sợ hư thối.

Trái cây đủ loại được sấy khô

Tôi cứ xuýt xoa mãi làn da của bà bán hàng, phỏng độ ít nhất cũng trên 60 tuổi mà vẫn hây hây như da con gái. Khí hậu và môi trường trên núi thật tuyệt vời.

Đa số du khách nhận xét rằng người Thái nổi tiếng thật thà và hiếu khách, không nói thách trong kinh doanh, đàng hoàng và rất tôn trọng đồng nghiệp. Khách vào cửa hàng nào thì chủ quán đó tiếp, họ không bao giờ chào mời, tranh giành khách của nhau. Cả nhà tôi ngẫu nhiên đổ xô vào chọn mua ở một gian hàng. Tôi kín đáo quan sát xem người chủ gian hàng bên cạnh có xoi mói hoạt động mua bán, giá cả của cửa hàng cạnh mình không. Tuyệt nhiên không! Bà ta điềm nhiên làm việc, nét mặt bình thản.

Đây là một nét văn hóa khiến du khách luôn muốn quay lại đất nước này sau chuyến du lịch.

Chúng tôi về đến thành phố Chiang Mai lúc ba giờ chiều, dự định khoảng bảy giờ tối sẽ vào Chiang Mai Night Safari ngắm thú dữ ban đêm trên xe nhưng thấy ai cũng uể oải nên quyết định ở nhà nghỉ ngơi. Bây giờ là tối mùng một tết âm lịch Việt Nam.

Mối tương kính giữa người và vật

Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường thăm trại nuôi voi (Maesa Elephant Camp).

Hàng chục con voi, còn ngà đầy đủ, và một con voi con, mỗi con được một quản tượng chăn dắt, đứng xếp hàng trong một gian nhà lá dài không vách, có hàng rào bao quanh nhưng chỉ cao độ nửa mét để voi không bước ra ngoài. Đối diện là một gian hàng bán mía và chuối, mía được cột thành bó gồm ba khúc, còn chuối chín được bán từng nải. Du khách mua mía và chuối để tặng voi.

Đàn voi gục gặc đầu, cong vòi chào du khách cho chúng ăn. Chúng rất “tế nhị” khi dùng đầu vòi nhẹ nhàng lấy thức ăn, không bao giờ để đầu vòi chạm vào tay du khách. Du khách Tây thương rất khoái màn chụp ảnh với cảnh một con voi quấn vòi quanh ngực, một con khác quấn vòi quanh cổ, rồi con quấn vòi quanh cổ cong vòi lên, nhấc chiếc mũ của người quản tượng của nó đang đội, đặt vào đầu du khách một lát để họ chụp hình rồi nhấc mũ lên trả lại cho chủ nó. Các phụ nữ nhăn mặt vì sợ nhưng cũng đủ can đảm để hoàn thành một tấm hình kỷ niệm. Thỉnh thoảng một con lại rống lên hàm ý thích thú, làm du khách giật mình.

Voi quấn vòi quanh người du khách và đội mũ cho du khách để chụp hình

Du khách cho voi ăn trái cây

Sau đó, đàn voi đủng đỉnh đi xuống con suối bên kia đường, sau gian hàng bán mía và chuối. Đây là thời gian chúng bài tiết. Theo lệnh các quản tượng, từng con lần lượt nằm kềnh xuống dòng nước. Quản tượng xối nước tắm cho chúng bằng một cái bàn chải to đùng. Vài con còn được yêu cầu há to miệng để quản tượng đánh răng cho. Cuối một đoạn của dòng suối, một phụ nữ vớt phân bằng một cái sọt to. Một lát sau, đàn voi đủng đỉnh lên bãi trình diễn. Du khách đã ngồi sẵn trên các dãy ghế quanh bãi. Hai con đầu đàn đi song song, vòi nâng tấm biển “Welcome to the Elephant Nature Park”. Các con khác duyệt binh theo sau, vừa đi vừa lắc vòng bằng vòi.

Tắm cho voi

Voi vừa duyệt binh vừa lắc vòng chào du khách

Sau đó là màn đá bóng vào cầu môn. Một con làm thủ môn, ba con làm cầu thủ. Quả bóng to và nặng gấp ba quả bình thường, tất nhiên! Một quản tượng đặt bóng vào vị trí, chàng cầu thủ vung vòi lên như cướp tinh thần đối phương, cũng lấy đà và… a-lê hấp, quả bóng bay bổng lên trời! Khán giả vỗ tay inh ỏi, chàng cầu thủ càng vung vòi tợn. Thỉnh thoảng một quả bay thẳng vào lưới. Đây là dịp để chàng cầu thủ ngoáy mông loạn xạ, vung chân sau liên hồi, tung vòi lên trời rồi rống lên thích thú.

Có lẽ màn hấp dẫn nhất là voi vẽ tranh. Mỗi con đứng trước một giá vẽ, kể cả con voi con. Quản tượng pha màu rồi nhúng cọ vào sơn. Thân cọ làm thành hình chữ thập để voi nắm bằng lỗ vòi cho vững. Voi cong vòi khi nâng cọ lên sát khung vải, ngừng lại một chút như định vị và định thần rồi mới phết cọ lên khung, sau đó quản tượng lại thay cọ. Mỗi bức tranh được hoàn thành độ nửa tiếng, quản tượng cầm từng bức đi quanh sân cho khán giả xem trong tiếng vỗ tay như sấm. Tranh được kê trên giá, và bán theo giá cả khác nhau. Giá thấp nhất là 2,000 baht. Du khách tràn xuống, chen chúc nhau xem và chụp ảnh các bức tranh. Tôi thật không ngờ trình độ của các họa sỹ voi lại “thượng thừa” đến như vậy.

Họa sỹ voi

Một tác phẩm rất … hiện thực của một họa sỹ voi. Giá khoảng 1 400 000 VND và 2 100 000 VND

Tác phẩm này của họa sỹ voi còn độc đáo hơn: vẽ con rồng màu vàng nằm trên nền đỏ.

Còn nhiều màn trình diễn nữa, nhưng chúng tôi phải rời đi một địa điểm khác cho kịp chương trình. Trên đường đi chúng tôi nói chuyện về đàn voi. Voi được xem là linh vật ở Thái-lan, được bảo vệ nghiêm ngặt trong các trại nuôi hoặc sống tự do trong các vườn quốc gia. Rõ ràng có mối tương kính giữa người và vật ở đây.

Ngày xưa tôi cũng thấy mối tương quan tương tự khi còn học trường nữ tiểu học Nguyễn Công Trứ (học buổi chiều), khi tham dự lễ người Thượng tặng bạch tượng cho tổng thống Ngô Đình Diệm tại sân vận động Ban Mê Thuột, cùng với hàng chục con voi đi duyệt binh, sau đó là màn đua voi đầy hào hứng từ Cột Đèn Ba Ngọn đến Cổng Số Một, là những địa danh quen thuộc của cư dân xứ này. Vào ngày lễ Hai Bà Trưng, dân chúng tràn ra đường xem màn diễn hành, voi được mặc trang phục lộng lẫy, trên lưng là những chiếc lọng tuyệt đẹp với hai nữ sinh mỹ miều đóng vai Hai Bà Trưng.

Sau 1975, hình ảnh này biến mất nhanh chóng. Những gì thỉnh thoảng tôi còn nghe nói về giống vật đáng thương này là những con voi ốm nhom, bị khai thác sức lao động triệt để bởi các công ty du lịch Bản Đôn, bị buôn bán ngà voi trong những thương vụ mờ ám, bị hành hạ cả tuần lễ cho đến chết. Thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng trường hợp từng đàn voi ở rừng Bình Thuận, Phan Thiết, ban đêm kéo xuống rẫy trồng, phá nát hoa màu, chòi canh, nhà cửa, có khi quật chết cả người để trả thù. Ôi, con người sao tàn nhẫn như thế, đến động vật hoang dã cũng không tha!


Chùa nổi tiếng ở Chiang Mai: Wat Phrathat Doi Suthep

Đường lên chùa Wat Phrathat Doi Suthep, hay Chùa Bạch tượng

Đường lên Wat Phrathat Doi Suthep bằng thang máy nghiêng kéo bằng dây cáp

Xe lại lên đèo đến Wat Phrathat Doi Suthep, cao 1,676 m, cách Chiang Mai 15 km. Wat, tiếng Thái có nghĩa là chùa, Doi có nghĩa là đồi, hay núi. Wat Phrathat Doi Suthep là ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh Chiang Mai. Lên chùa bằng bậc tam cấp cao với hai con rồng phục hai bên; hoặc lên bằng thang máy nghiêng kéo bằng cáp (funiculaire). Chùa đẹp lộng lẫy, muôn màu, xây dựng vào thế kỷ 14 với truyền thuyết bạch tượng lên núi và dừng tại nơi này, báo hiệu xá lợi Phật được lưu giữ tại đây. Tượng bạch tượng đặt trước chùa, một dãy gồm mấy chục chiếc chuông lớn nhỏ đặt theo hình vòng cung bên hông chùa. Trong chùa là tượng Phật Thích Ca lớn bằng đồng, cùng nhiều tượng Phật khác. Từ đây có thể thấy toàn cảnh thành phố Chiang Mai mờ mờ dưới chân núi. Tiếng kinh và tiếng chuông ngân làm cho lòng tôi chùng xuống!

Chùa Wat Phrathat Doi Suthep

Dãy chuông lớn nhỏ nổi tiếng bên hông chùa

Khói lam chiều bên đèo, gợi nhớ đến quê nhà


Chiều về, chúng tôi còn đủ thì giờ đi thăm Chiang Mai Zoo. Vườn bách thú rộng mênh mông nên du khách được phép lái xe vào. Hệ thống tàu điện trên không hay xe bus phục vụ đưa du khách đi khắp vườn. Đi cả ngày nên mọi người mệt rũ, chỉ ngồi một chỗ ngắm lạc đà, hươu cao cổ, đà điểu ở xung quanh. Chỉ có bác tài và tôi dẫn hai đứa cháu đi thăm hồ cá. Hồ cá là một đường hầm bằng kính quanh co, thiết kế theo cách du khách có thể thấy đủ loại cá biển bơi lội hai bên và trên đầu mình. Bác tài cho thợ chụp ảnh chụp hai đứa nhỏ trong tư thế vừa ngồi vừa nằm, sau đó ghép vào hàm một con cá mập … Hai đứa cháu tôi thích lắm!

Vườn Bách thú, Chiang Mai Zoo

Dừng chân qua đêm

Chúng tôi qua đêm tại một khu resort ở rất xa thành phố. Nhà ở đây làm toàn bằng gỗ, gồm những thớt gỗ rất dầy và to, lên nước bóng, đẹp vô cùng. Khoảng chục căn nhà gỗ như vậy, mỗi căn ba gian cách biệt, rộng rãi và tiện nghi, nằm rải rác bên bờ một hồ nước quanh co. Nhà ăn là một thủy tạ với những chiếc bàn bằng các súc gỗ màu đỏ sẫm dài đến mười mét lên nước bóng và có vân tuyệt đẹp. Giá trị của chúng chắc là phải cao lắm. Tối hôm nay trời trở lạnh, một phần vì khu resort nằm bên bìa rừng. Tắm nước lạnh, lạnh run nhưng tắm xong ở trong căn nhà gỗ như vậy lại thấy ấm áp lạ thường. Một ngày du lịch mệt mỏi, vừa đặt lưng xuống là đã… thấy sáng.

Theo tôi biết, giá một phòng ngủ như vậy thuê một ngày đêm chỉ độ 200,000 VND, khoảng 300 baht!

Khu resort được làm hoàn toàn bằng gỗ

Nhà hàng ăn trên hồ

Ghế này mà ngồi xuống mới thấy “phê” làm sao!

Dù ăn cơm với rau trên bàn ăn này cũng thấy ngon!

Phòng ngủ và mọi vật dụng làm toàn bằng gỗ

Thoát tục

Sáng nay đi Chiang Dao Caves, một ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi, ăn thông vào một hang động.

Dãy chùa xây kéo dài lên núi là đường dẫn vào hang núi

Trước cổng, ngoài khuôn viên chùa còn sót lại di tích khá nguyên vẹn một ngôi chùa tháp rất cổ, được xây dựng từ năm 191 A.D. Cạnh đó có một cây bồ đề lớn được trồng từ năm 1959, mang giống từ Ấn độ về.

Di tích chùa tháp rất cổ

Trong chùa, trước khi vào hang có một cái ao, bên dưới một đàn cá trê vàng và đen lượn lờ. Cho chúng ăn để nhìn rõ chúng lớn đến chừng nào, ước lượng có con nặng đến 10 kg. Không thể tưởng tượng lại có giống cá trê lớn đến như vậy. Cá nuôi để làm cảnh chứ không ai được phép bắt ăn.

Đàn cá trê khổng lồ nuôi trong chùa

Tượng Phật được tạc vào vách núi.

Chính các bức tượng Phật được tạc vào vách núi mang một vẻ thâm nghiêm, thoát tục cùng với màn khói lam mỏng manh trong bóng chiều tà là nguồn cảm hứng cho bài thơ.

Chùa Vàng thâm nghiêm
Ngàn xưa Phật Tổ uy nghiêm
Ngàn voi đủng đỉnh khắp miền rừng sâu
Lâm tuyền róc rách ven cầu
Đèo cao vực thẳm mờ sâu sương chiều
Thâm sơn cùng cốc tịch liêu
Chùa vàng mái nhọn bóng chiều thướt tha
Áo vàng nghiêng rặng núi xa
Nhà sư thong thả bước qua hồng trần
Dâng hoa thanh khiết vô ngần
Hướng tâm vô niệm trầm luân thoát vòng
Sân chùa quét lá thong dong
Giũ tâm thanh tịnh giữa dòng thế gian
Lời kinh trầm bổng tơ đàn
Gieo cung thoát tục lời vàng phiêu diêu

* * *

Vời trông làn khói lam chiều
Quê nhà xa thẳm hồn nhiều nhớ thương.


Dọc đường biên giới

Chúng tôi lại khởi hành đi Royal Agricultural Station Angkhang. Đường đi có vẻ hiểm trở, lên đèo, xuống núi, băng rừng. Dừng lại một lúc trên đồi cao, nhìn qua biên giới Miến Điện núi rừng trùng điệp

Dừng chân bên đường biên giới

Suốt đường đi, dưới thung lũng hay bên sườn đồi núi, đâu đâu cũng thấy cây ăn trái. Đến Doi Angkhang buổi trưa, chúng tôi đi quanh ngắm cảnh và hoa. Tôi phát hiện có giống hoa Tử đằng (fuji) màu tím nhạt trồng trên giàn nổi tiếng của Nhật Bản. Tôi định xin vài quả khô, giống như quả đậu về làm giống nhưng được cho biết là trồng ở vùng nóng như Sikiew không thích hợp. Tiếc quá!

Ăn trưa xong chúng tôi thăm nhà trồng lan. Ngoài những loài thông thường như dendrobium, phaleanopsis (hồ điệp), paphiodelium (hài), còn nhiều loài lan đất tuyệt đẹp. Còn biết bao giống lan khác nữa, mỗi giống một vẻ đẹp, không sao mà chụp hình cho xuể.

Hoa Mộc lan nở rộ

Một giống Dendrobium tuyệt đẹp

Một cụm lan đất rực rỡ

Một cụm Lan Hài đẹp dịu dàng như gót sen con gái!

Chúng tôi lại bị các gian hàng trái cây khô mê hoặc. Mọi người lại khệ nệ khiêng hàng ra xe. Trên đường về, chúng tôi ghé thăm đồn biên phòng trên núi. Nhìn xuống thấy đường đèo ngoằn ngoèo. Chiều rồi, về thôi!

Lại trái cây!


Tam Giác Vàng, một thời hùng cứ và sôi động

Chúng tôi quyết định đi luôn đến Mea Sai, thành phố cực bắc của Thái-lan thuộc tỉnh Chiang Rai khoảng 200 km nữa. Trời còn sáng, trên đường đi bạt ngàn là nhãn.

Đến Mea Sai khoảng gần tám giờ tối. Thấy sạp bán sầu riêng, tôi mua một quả. Ngon! Nhưng hẳn là không bằng sầu riêng ở Bangkok. Đi ngủ sớm, sáng mai dậy sớm đi tiếp!

Trục đường chính dẫn đến hải quan biên giới Thái-lan và Miến Điện

Tôi thức dậy sớm, xuống phố tản bộ đến cổng biên giới giữa Thái lan-Miến Điện, cách khách sạn khoảng một trăm mét. Hai nhà sư khất thực đang dừng lại để đọc kinh hồi hướng công đức cho ba người đàn ông cúng dường quỳ mọp xuống đường, chắp tay lạy. Người Thái-lan xem việc cúng dường là một nghĩa vụ cao cả. Cần mở thêm dấu ngoặc ở đây là thực phẩm cúng dường cho các nhà sư khất thực không nhất thiết là món chay. Với quan niệm Phật tại tâm nên các sư ở Thái-lan không chấp nhất phải dùng thực phẩm chay.

Bên kia đường là một ngôi chùa Tàu. Trong suốt chuyến đi, đây là ngôi chùa Tàu đầu tiên tôi gặp. Hóa ra văn hóa Trung Hoa khó có đất sống trên đất Thái-lan!

Trạm kiểm soát biên giới phía bên Thái-lan

Tôi đến gần trạm biên giới. Bên kia, phía Miến Điện, người dân qua Thái-lan tấp nập. Nghe nói thị thực nhập cảnh vào Miến Điện cũng dễ, nhưng visa chỉ cấp có… một ngày! Nghĩa là bạn sẽ bị giữ passport ở đây, cấp một giấy phép rồi … tha hồ muốn đi đâu thì đi trên đất Miến Điện, đi bao xa cũng được, nhưng nhớ quay lại trong ngày để nhận lại passport. Nếu không thì … ráng chịu! Thời gian này việc ra vào Miến Điện bị kiểm soát chặt chẽ.

Ăn sáng qua loa, chúng tôi đi Tam Giác Vàng, cách độ nửa giờ xe chạy. Hai bên đường là ruộng lúa bao la. Đến Tam Giác Vàng, các cháu ùa vào sắm đồ kỷ niệm và quần áo. Tôi ra bờ sông ngồi ngắm địa danh nổi tiếng thế giới này.

Tam Giác Vàng, điểm cực bắc Thái-lan. Cuộc hành trình dài cả nghìn cây số làm mọi người mệt mỏi và bơ phờ.

Ghe máy đi lại tấp nập trên sông. Bên tay phải là Lào với hai kiến trúc mái vòm màu vàng là casino mới xây. Bờ sông phía Lào xây kè cẩn thận. Bên trái là Miến Điện. Xa xa, nổi bật trên rừng cây xanh là mấy ngôi nhà lợp ngói đỏ, cũng là casino nốt. Nghe đâu chủ các casino đó đều là người Thái. Sát với bờ sông bên biên giới Thái là một ngôi chùa với tượng Phật Thích Ca rất lớn sơn thếp vàng ngồi trên bệ lộ thiên.

Ngay trước mặt là Lào, chếch bên tay trái, xa xa có hai tòa nhà mái đỏ là Miến Điện

Phía Lào xây dựng khang trang, nhộn nhịp hoạt động cờ bạc!

Tượng Phật ngay bờ sông bên phía Thái-lan

Bên kia đường là viện bảo tàng nha phiến, trưng bày vết tích hoạt động cùng sự tàn phá một thời của thuốc phiện đối với đất nước Thái-lan và vùng này nói riêng. Chính phủ đã có chính sách quyết liệt diệt trừ nạn buôn lậu và sử dụng ma túy.

Thập niên 1960, xã hội Thái-lan bị tàn phá nặng nề bởi thuốc phiện. Tôi còn nhớ được nghe kể về cuốn phim có tên Hoa tình muôn màu chiếu cảnh thanh niên Vọng Các _ tên gọi Bangkok vào thời đó _ trong những khu nhà ổ chuột bập bềnh ven sông, chịu những cơn hành hạ vì đói thuốc phiện. Thuốc phiện gần như được buôn bán tự do, chuyển từ vùng Tam Giác Vàng đi khắp mọi nơi trên thế giới. Khun Sa, Ông hoàng thuốc phiện (Opium King), có quân đội riêng, một thời được xem là bất khả xâm phạm trong vương quốc Tam Giác Vàng của mình. Nhiều năm trời vào thập niên 1980, biệt kích Thái, cảnh sát biên phòng Thái kết hợp với quân đội Hoàng gia Thái-lan vất vả lắm mới đẩy được Khun Sa qua bên kia biên giới Miến Điện.

Cơn ác mộng thuốc phiện được chính phủ Thái-lan triệt tận gốc, kiểm soát ngặt nghèo. Những tuyến đường xuôi về nam từ miền bắc Thái-lan đều được “chiếu cố” kỹ lưỡng. Tội buôn bán ma túy đến một khối lượng nào đó cũng phải đối diện với án tử hình. Chúng tôi được người thân nhắc nhở rằng không bao giờ giúp đỡ người lạ bằng cách xách hộ hành lý cho họ, và giữ cẩn thận hành lý của mình để không ai nhét thứ gì lạ vào …

Ở đây phải nói đến đóng góp vô cùng lớn lao của Hoàng gia Thái-lan đối với nông dân đất nước này trong kế hoạch bình định và phát triển bền vững nông nghiệp. Các giống cây trồng ưu việt nhất được cung cấp cho nông dân. Những người trước đây sống nhờ vào nghề trồng cây thuốc phiện nay được chính phủ hỗ trợ chuyển đổi trồng gạo, trái cây hay cây công nghiệp, sản phẩm được chính phủ mua với giá ưu đãi. Nông dân thoát được cảnh nghèo, tránh được sự tàn phá sức khỏe do thuốc phiện, đồng thời cũng thoát được áp lực và dụ dỗ của giới buôn lậu ma túy. Dường như nông dân nào cũng sắm được ít nhất một chiếc xe hơi, vì người sắm chiếc xe hơi đầu tiên được chính phủ trợ giá 10% giá trị chiếc xe.

Ngày nay, Tam Giác Vàng là một địa điểm an ninh, kinh tế phát triển: giá đất ở đây tăng gấp mười lần trong những năm gần đây. Người dân Thái rất kính trọng và yêu quý hoàng gia. Vua, hoàng hậu, các hoàng từ và công chúa đều là những người nhân hậu, luôn nghĩ đến sự an lạc của thần dân. Hoàng gia không bao giờ tự đề cao mình bằng cách nhắc nhở thần dân của họ đời đời nhớ ơn họ. Bao giờ thì người nông dân Việt Nam được chăm lo như nông dân Thái-lan?

Hoàng gia thiết lập một hệ thống nghiên cứu sinh-thực vật học nên Thái-lan nổi tiếng về dược phẩm, gạo và cây ăn trái khó có quốc gia nào cạnh tranh được. Cùng là nước nông nghiệp như Việt Nam nhưng các mặt hàng Thái như gạo và trái cây… chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trên khắp đường phố Sài-Gòn, các xe bán trái cây trưng bày hàng Thái như me ngọt, boòng boong, xoài … và nhất là mít được thực khách Việt Nam ưa chuộng vì nông sản Thái-lan ít bơm thuốc trừ sâu.

Trên đỉnh đồi ngay bờ sông ngự trị một ngôi chùa rất cổ, còn lại phế tích các tháp chùa sụp đổ. Có ít dấu hiệu được săn sóc, mặc dù chánh điện vẫn sạch sẽ để khách dâng hương. Ít du khách đến đây. Chùa có một tam cấp dài, hai bên phủ phục tượng hai con rắn hổ mang khổng lồ, gọi là Naga còn nguyên vẹn. Đa số du khách dừng chân ở cuối bậc tam cấp. Tại đây có mấy gian hàng bán đồ lưu niệm. Một tấm biển và một bản đồ lớn chỉ rõ vị trí của Tam Giác Vàng. Từ chỗ tấm biển có thể quan sát ngã ba biên giới một cách rõ ràng và đẹp nhất. Tại đây tôi quan sát thấy hướng dẫn viên du lịch Thái-lan được đào tạo bài bản. Họ nói thông thạo nhiều ngôn ngữ quốc tế: Anh, Pháp, Nga, Ý, Đức ... Về mặt này họ hơn hẳn các đồng nghiệp Việt Nam.

Chùa rắn Naga, bề ngoài rất cổ kính và mang nét hoang phế dù vẫn được chăm sóc.
Xế trưa chúng tôi lên đường đi thăm Doi Tung (tiếng Thái: Doi nghĩa là đồi, Tung nghĩa là cờ; Doi Tung: Đồi rợp cờ). Đây là một ngọn núi đơn độc, không cao lắm (khoảng 1300 m) nhưng rất dốc, nằm trong vùng Tam Giác Vàng, sát biên giới Thái lan-Miến Điện.
Dãy nhà hàng ăn rợp cờ quốc tế

Doi Tung Royal Villa là nơi Hoàng thái hậu ở trước khi viên tịch. Bà là người rất nhân hậu, có công lớn trong việc hỗ trợ trồng rừng, ngăn chận nạn buôn lậu thuốc phiện và giúp các dân tộc thiểu số ở đây bỏ nghề trồng cây thẩu làm thuốc phiện để quay về làm nông dân thuần túy.

Doi Tung Royal Villa (Biệt thự Hoàng gia Doi Tung) được bao bọc bởi hoa.
Ở đây có những vườn hoa mênh mông, được tạo dáng và chăm sóc tỉ mỉ. Chúng tôi ăn trưa tại một dãy nhà hàng thiết kế thanh lịch, thực đơn ngon. Sau bữa trưa chúng tôi đi thăm vườn hoa, vốn quá rộng để đi cho hết nên chúng tôi quay lại sau nửa giờ ngắm nghía.
Hoa Pensées phối màu rực rỡ

Lan Hài, gót sen vàng

Lan Hồng Hài, mũm mĩm và bầu bĩnh!

Một giống Géranium lạ, màu sắc kỳ diệu!
 Xế chiều, chúng tôi quyết định quay về. Xe chạy suốt đêm đưa chúng tôi quay về nhà sau một chuyến du lịch vui và mệt lử.

Lễ hội cổ thành Lopburi

Trước hôm quay lại Việt Nam, chúng tôi đến tỉnh Lopburi để xem ngày lễ hội y phục cổ truyền của địa phương. Lễ hội này phục chế lịch sử đất nước Thái-lan từ thời lập quốc đến ngày nay.

Tỉnh Lopburi nằm cách Bangkok 150 km về hướng bắc, nghĩa là trên đường đi từ Khonrat đến Bangkok, chúng tôi rẽ ở khoảng giữa đường để đi Lopburi.

Thật ngạc nhiên khi ngay tại trung tâm thành phố, cả đàn khỉ lớn bé đến mấy trăm con thơ thẩn bên vỉa hè, trên dây điện, … khắp nơi. Chúng không hề sợ con người, sẵn sàng lao vào ăn cướp thực phẩm của cư dân. Tôi ngạc nhiên lẫn thú vị đứng lại chụp hình nhưng được khuyến cáo ngay lập tức: máy hình, nón hay bất cứ thứ gì mang theo người đều có thể bị khỉ giật bất cứ lúc nào. Một dãy phố phải đóng cửa bỏ hoang, không buôn bán gì được vì bị khỉ phá phách, quấy nhiễu.

Khỉ chiếm lĩnh các dãy phố để sống, ăn cướp thực phẩm của cư dân, giật máy hình … của du khách!

Ba ngôi tháp cổ: sào huyệt của khỉ. Cấm vào!

Lễ hội y phục cổ truyền ở Lopburi. Một bộ y phục tiêu biểu

Xe hoa

Đến chiều tối, trong cổ thành Lopburi sáng rực ánh đèn. Các hoạt động văn nghệ, ca hát tưng bừng thu hút người xem. Các gian hàng ăn uống là nhộn nhịp nhất, thực khách chen chúc nhau vào các sạp để thưởng thức, họ vừa ăn vừa ngắm các đàn voi trang phục lộng lẫy đi qua.

Voi diễu hành trong cổ thành Lopburi

Lễ hội Lopburi ban đêm trong cổ thành

Tôi thích màn biểu diễn trang phục cổ truyền. Các thiếu nữ Thái duyên dáng, da trắng ngần, càng đẹp hơn trong trang phục cổ truyền đủ kiểu và đủ màu sắc.

Hai cháu ngoại chụp hình “ké” với các ngài mặc y phục cổ truyền

Các bé gái Thái-lan mới xinh làm sao! Cho ông chụp “ké” với!


Lời kết

Chuyến đi thật vui cùng với con cháu, vui với cảnh quan và con người của một đất nước láng giềng có nhiều điểm và hoàn cảnh tương đồng với đất nước mình. Nhưng trông người lại ngẫm đến ta, điều này làm tôi thật sự buồn. Không hề tự tôn dân tộc, tôi cảm nhận chỉ số IQ trung bình của người Việt có thể hơn người Thái, nhưng Thái-lan thành công hơn người Việt do thành phần lãnh đạo của họ thuộc giới khoa bảng, tốt nghiệp từ các đại học tốt ở Anh và Tây phương, có tầm nhìn chính xác về cục diện thế giới và chính sách ngoại giao của họ mềm dẻo, khôn khéo, gọi là “ngoại giao xoay chiều” (everchanging diplomacy), không hung hăng sắt máu. Nhờ vậy họ hóa giải được nhiều áp lực, và giữ được độc lập dân tộc trong khi nhiều quốc gia xung quanh bị đô hộ trong quá khứ hay bây giờ lại mất chủ quyền.

Kinh tế của họ phát triển và ổn định: GDP 387.38 tỷ USD, per capita: 5,778.98 USD vào năm 2013. Mặc dù những năm gần đây đất nước này có nhiều xáo trộn nội bộ nhưng tôi cho rằng đó là cái giá phải trả cho một tiến trình dân chủ đang hoàn thiện.

Ở Chiang Mai, quê hương của cựu thủ tướng Thaksin Chinawatra, tôi vẫn thấy chân dung của ông ta được treo nơi công cộng dù ông ta bị đảo chánh, hạ bệ cách đây bảy năm. Cho dù bị cáo buộc hà lạm hay trốn thuế, ông ta vẫn được nhiều người ủng hộ, nhất là nông dân. Em gái ông, bà Yingluck Chinawatra duyên dáng và khoa bảng, đắc cử thủ tướng và điều hành quốc gia ổn định, cho dù phe đối lập cáo buộc bà chịu ảnh hưởng của anh trai mình. Mọi nơi tôi đi qua đều thấy panneau lớn có hình bà thủ tướng tươi cười.

Ngày xưa, trước năm 1975 ở Miền Nam Việt Nam, chúng tôi được dạy dỗ để biết dừng lại bỏ mũ xuống khi đang đi ngoài đường mà nghe quốc ca, ngả mũ chào khi gặp đám tang đi qua, giúp người già cả qua đường... Đó là cách hành xử nhân bản, đạo đức tối thiểu của một công dân nơi công cộng. Một cộng đồng, xã hội, hay quốc gia sẽ chỉ phát triển thịnh vượng khi mỗi thành viên trong xã hội đó lành mạnh và đạo đức.

Theo tôi nghĩ, một quốc gia tụt hậu về kinh tế chỉ đưa dân chúng của họ đến đói nghèo, nhưng tụt hậu về nhân cách thì quốc gia đó phải mất hàng trăm năm may ra mới phục hồi và chấn hưng được nguyên khí của quốc gia mình.

Hồng A




















4 comments:

  1. Sau khi đọc 2 bài du ký "Vườn Bách Thảo Singapore" và "Vịnh Marina Singapore" tôi không thể không đọc ngay bài du ký "Du lịch miền Bắc Thái Lan 2013" một phần vì tôi tin chắc nội dung sẽ hấp dẫn, văn viết trôi chẩy, có đầu có đuôi với những hình ảnh vừa rất chuyên nghiệp vừa rất ăn nhập với từng phân đoạn [và cũng như 2 du ký trước, tôi phải xếp hạng OUTSTANDING], một phần vì từ Học Kỳ Thu 09/1992 tới Xuân 02/1995 các sinh viên Mỹ và tôi phải ghé chờ ở Bangkok để lấy Visa vào VN nên tôi muốn biết những thay đổi về cảnh quang và dân tình ở Thái Lan.
    Ngoài Bangkok và những vùng phụ cận,đầu tháng 06/1995 sau khi đưa các sinh viên ra phi trường về Mỹ, tôi thảnh thơi đi thăm TháiLan bằng nhiều phương tiện đường bộ,kể cả xe ôm để xem làng quê là chính. Tôi đọc lại nhật ký thì ở vùng sâu và xa cũng nghèo và đường xá cũng bùn lấy mấp mô như ở VN nhưng sạch sẽ hơn và "dân cư ăn nói ôn tồn, không nghe thấy họ to tiếng dù ở bến xe đò". Ngoài các vùng quê, tôi cũng ghé các nơi như Chiang Mai, Chiang Rai, Mae Sai, Mae Khong, Udon Thani, Nong Khai (có nhiều người gốc Việt)và xuống cả miền Nam Hat Yai nhưng được đọc bài du ký trên thì tôi mới thấy tại sao ngày nay số du khách tới tham quan Thái Lan (kể cả du khách VN)lại không những đông hơn rất nhiều so với số du khách đến VN và NHẤT LÀ một số lớn còn quay lại Thái Lan chứ không phải như trường hợp VN, rất ít du khách trở lại. Tôi rất đồng ý với câu kết của bài du ký trên.
    Bùi Dương Chi. Thầy giáo tiếng Anh. THBMT 1963-74.

    ReplyDelete
  2. Kính thưa thầy Chi,

    Em rất cảm động và vui khi mau mắn nhận được bài nhận định của thầy về hồi ký “Du Lịch Miền Bắc Thái-lan Đầu Xuân Quý Tỵ 2013” của em.

    Cảm ơn thầy đã chia sẻ nhận định về đất nước Thái-lan khi thầy du lịch đến đất nước này trước em cả 20 năm, khi mà thủ tục đi lại ngày đó còn hạn chế và khó khăn. Trải nghiệm của thầy đã cho em thêm một nhận định so sánh về phát triển kinh tế và hạ tầng của Thái-lan sau 20 năm, nhưng cũng khẳng định rằng dân tộc tính của họ vẫn không đổi theo thay đổi của xã hội.

    Du lịch là dịp để không những “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mà còn là lúc để lòng du khách lắng xuống như một mặt nước gương soi, có thể ngắm nhìn lại chính mình đang ở đâu theo dòng lịch sử của dân tộc và thế giới.

    Nhân cách của một dân tộc thường biến dịch theo dòng lịch sử, có lúc thăng lúc trầm, nhưng một dân tộc như Việt Nam chúng ta sẽ biết cách phục hưng và chấn hưng dân tộc tính của mình. Em tin chắc chắn như thế!

    Kính thư

    Học trò Hồng A

    ReplyDelete
  3. Cuối đời thanh xuân mà được đi du lịch quả là thú vị đó Hồng A ơi!
    Có lẽ đó là ước mơ của nhiều bạn ta lắm, nhưng ước mơ ấy có thể mãi mãi là mơ ước... khổng lồ!
    Mừng cho Hồng cuối đời thong dong với gia đình, con cháu...

    Kh.

    ReplyDelete
  4. Kim Hương ơi,

    Cảm ơn lời chúc mừng của Hương nhiều nhé!

    Hồng may mắn ở vào độ tuổi "dậy thì muộn" này (lời thầy Chi), vẫn còn được quậy phá cùng các bạn.

    Được đi du lịch, trước là vui cùng con cháu, sau là :

    Đi cho biết đó biết đây,
    Ở nhà với "ổng" biết ngày nào khôn!

    Hồng A

    ReplyDelete