Tuesday, January 19, 2016

Lặt Lá Mai

Ngày chúng tôi mới làm xong căn nhà nhỏ cách đây 30 năm, thấy đất còn trống nhiều bố vợ tôi mang vào cho một lô cây cảnh để trồng. Không hiểu sao những loài cây ăn trái ông chỉ trồng một cây: một cây mận, một cây bơ, một cây sầu riêng, một cây mảng cầu…, nhưng các loài cây hoa thì ông lại trồng một đôi: hai cây ngọc anh, hai cây mai tứ quý… Bây giờ thì các cây ăn trái đã không còn nữa, nhưng hai đôi ngọc anh và mai tứ quý vẫn còn.

Cây ngọc anh kép trồng sát bờ rào, có nắng, thoáng nên phát triển tốt tươi. Cây ngọc anh đơn trồng góc nhà, thiếu ánh sáng nên còi cọt. Mấy lần sửa nhà bị bứng lên bứng xuống, dời qua chuyển lại trông càng “xí cà que”. Thấy tội nghiệp, tôi bứng bỏ vào chậu, cây trở thành cây kiểng, thỉnh thoảng mới nở được một cánh hoa mỏng manh. 

Hai cây mai trồng dọc bờ rào ngăn với nhà hàng xóm lúc đầu cũng còi cọt, lại bị dẫm đạp qua mấy lần làm tường, làm sân, lại bị mấy cây mảng cầu, đu đủ che mất ánh sáng, tưởng không sống nỗi vậy mà sau này lại phát triển tốt tươi, thành hai “bụi”, mỗi bụi 3 nhánh thẳng đứng từ dưới đất chui lên. Ngày bố vợ tôi còn sống, những ngày lập đông, khi những lá mai rừng ở nhà ông bắt đầu vàng úa rồi rụng bay lả tả chuẩn bị cho một đợt lộc non, rồi vài tuần sau hoa nở vàng báo xuân về, ông thường nhắc tôi dành thời gian để lặt lá mai. Tôi chỉ ậm ừ, vâng dạ, nhưng lòng tự nghĩ: mai tứ quý nở hoa bốn mùa, vào tháng bảy, không lặt lá, hoa cũng nở vàng cây, đâu chỉ đến mùa xuân mới nở hoa như những cây mai rừng mà phải lặt lá cho mất công. Mà những ngày ấy còn đi dạy, hai sáu hai bảy tết tôi mới được nghỉ, các con lại bận phụ mẹ bán hàng đến trưa 30 tết mới đóng cửa về nhà lo nấu nướng cúng kiến, chỉ mình tôi túc tắc dọn dẹp nhà cửa, có thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện lặt lá mai. Đến Tết, cây vẫn ra hoa, nhưng không nhiều và vàng rực như độ mai tháng tư hay tháng bảy.

Mấy năm nay, nghỉ hưu, thong thả thời gian. Vợ tôi lại phát bệnh nên “cua kéo” tôi cũng bỏ hết, không vướng bận gì. Những ngày trung tuần tháng chạp lại trúng vào thời gian vợ phải về Sài gòn tái khám; “rảnh rỗi sinh nông nỗi”, tôi lại bày chuyện lặt lá mai. Mà quả thật có lặt lá đi thì cây mai những ngày Tết rực rỡ hơn với muôn cánh hoa vàng và duyên dáng hơn với những chồi lộc biếc. Năm nay cũng thế, xem lịch thấy 26 Tết là lập xuân, lại thấy trời ấm dần lên nên tôi quyết định để hết tiết tiểu hàn sẽ bắt đầu lặt lá mai. Chiều thứ bảy vừa qua, còn đúng 3 tuần là lập xuân, tôi bắt đầu thực hiện dự tính của mình. Vì mai chưa ra nụ lại bắt đầu lặt từ cành trong cùng, khuất nắng và những cành thấp bên dưới nên tôi chỉ cần giữ chặt phía đầu thân và tuốt xuôi cho đến đầu ngọn là có thể bứt hết lá. Việc lặt lá vì thế diễn tiến khá thuận lợi. Tôi tính chỉ cần hai ngày là xong. Nhưng người tính không bằng trời tính. Tối thứ bảy trời mưa một trận lớn. Sáng chủ nhật ăn sáng muộn, rồi chở vợ về phi trường, gần trưa quay lên phố dự đám cưới con trai một đồng nghiệp, gặp lại bạn bè cũ, vui chuyện, uống hơi nhiều về đến nhà đánh một giấc đến lúc “nắng chia nửa bãi” mới thức dậy nên tạm gác chuyện lặt lá mai sang hôm sau. Sáng thứ hai khi bắt đầu công việc mới phát hiện ra, sau trận mưa tối thứ bảy, cây no nước, những nụ hoa đã bắt đầu nhú lên. Đa số nụ hoa đều nhú ra giữa hai nách lá con đầu cành, nhưng cũng có những nụ nhú ra từ những nách lá ở ngay giữa cành, vì thế tôi đã phải hết sức cẩn trọng với những nụ hoa này, phải nhẹ nhàng trẩy ngược những chiếc lá sát nụ để nụ hoa nhỏ bé mong manh đó không bị bứt theo lá. Vậy mà cũng có khi củi hơi mạnh tay, nụ hoa bị bứt ra, rơi xuống làm tôi tiếc hùi hụi. Lại có một vài chùm nụ lại “nghênh ngang” nứt ngay giữa thân chẳng thèm theo qui luật sinh trưởng của tự nhiên. Với con người, những dị biến ấy có thể gây ung thư, nhưng với cây mai, những biến dị ấy lại làm nên những nụ vàng lạ mắt. Và tôi đã bỏ suốt hai ngày qua việc lặt lá mai mới hòm hòm. Chỉ còn những cành cao không với tới được vì sợ té. Trong lúc làm việc một mình ấy, tôi lại nhớ lời cô bé con trong mục quảng cáo trên truyền hình: “Thế mình còn được mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa hả ba?” và tôi cũng tự hỏi mình: “Thế mình còn được lặt lá mai bao nhiêu lần nữa hả ông bạn?”. Câu hỏi lúc nào cũng thế “... còn được… bao nhiêu…” nhưng câu trả lời thì không ai khẳng định được. Chỉ còn biết tâm niệm tuân theo quy luật của vô thường.








Chẳng hiểu sao khi đang ngồi chơ vơ trên chiếc ghế cao, hay đang đứng chênh vênh trên bức tường ngăn với nhà hàng xóm, lúc tuốt những cánh lá mai mỏng manh ấy, tôi lại nhớ đến những ngày đưa học trò mình đi hái cà phê cho các nông trường quốc doanh dọc quốc lộ 21 những năm sau 1975. Những cành cà phê đầy trái nửa xanh, nửa đỏ ấy đã bị bứt ào ào từ cuối đến ngọn chẳng cần biết còn non hay đã chín, chỉ để đạt được chỉ tiêu được giao là mỗi đầu học sinh 50 ký/ ngày (có mùa còn cao hơn). Thậm chí là để đạt thành tích và vượt chỉ tiêu ấy, nhiều em học sinh nam còn bẻ cả cành ném xuống tấm bạt cho các em học sinh nữ ngồi lặt cho nhanh. Cứ thế học trò tôi trong vô thức đã “tàn phá” những vườn cà phê ấy trong khi người lớn chúng tôi, những người thầy, chỉ dửng dưng gật gù thây kệ “nước sông công học trò mà!!!”, và những cán bộ quản lý của nông trường cũng bàng quan chép miệng mặc xác “cha chung không ai khóc”. Không biết trong số học trò của tôi thuở ấy, có em nào sau này ra đời, trong cố gắng để “đạt thành tích và vượt chỉ tiêu” đã phải đứng trước vành móng ngựa vì tội “làm ăn gian dối”, “phá hoại tài sản tài sản xã hội chủ nghĩa” và khi đứng sau song sắt nhà tù, các em có nghĩ lại, nhớ đến những ngày đi hái cà phê ấy và oán trách chúng tôi về “bài học lẽ ra không nên được dạy” trong những đợt lao động gây quỹ đó chăng. 

Tôi có mẫn cảm quá không? Hay là tôi đang bắt đầu già lẫn rồi?

Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải

No comments:

Post a Comment