Tuesday, February 9, 2016

Du lịch Bangkok

Việt Nam, những ngày cuối năm ở phi trường Tân Sơn Nhất

Theo thường lệ, hàng năm gần đến tết Nguyên đán, cổng chuyến đến (arrival) ở phi trường Tân Sơn Nhất đông hơn cổng chuyến đi (departure). Năm nay, thời tiết trên toàn thế giới đảo lộn, nhiều nơi tuyết và lạnh bất thường nên rất đông Việt kiều khắp nơi trước là về quê nhà ăn tết với gia đình, sau là đóng vai những “con chim trốn tuyết”!

Sáng 23 tháng chạp, tôi bay từ Sài Gòn qua Bangkok ăn tết với gia đình con gái cả của mình, dù ở Thái lan không ăn tết Nguyên đán như Việt Nam. Cổng đi ít người, không có nhân viên an ninh đứng gác như mọi khi. Sáng sớm, quầy check in cũng vắng hành khách nên không phải rồng rắn xếp hàng.
Sau khi làm thủ tục và cân hành lý xong, nhân viên ở đây dặn chúng tôi đợi ở phòng kiểm tra hành lý ký gửi nằm ngay bên cạnh xem hành lý của mình có hợp lệ không. Đây là điểm đặc trưng chỉ có ở phi trường Việt Nam.

Hành lý theo băng chuyền chạy qua một gian phòng kín mít nhưng cửa lại để hé. Tại đây tôi thấy hai nhân viên, một nam một nữ, ngồi trước máy rọi hành lý. Thùng hành lý của chúng tôi bị dừng lại một lát rồi bị một cần gạt đẩy ra ngoài băng chuyền. Không ổn rồi! Người đàn ông đứng dậy, kéo thùng hàng đến một bàn sắt, ngoắc tôi vào và hỏi, giọng rặt miền Bắc: 

- “Có phải thùng  này của chị không?”. Tôi xác nhận là đúng.
- Trong thùng đựng gì mà lắm thế?
- Vài gói cà-phê Việt Nam tặng người nhà và một ít xà-phòng và dầu gội đầu, sữa tắm.
- Nhưng sao lại lắm thế?

Tôi đồng ý để cho y mở thùng hàng để kiểm tra nhưng y thoái thác, sau đó yêu cầu kiểm tra passport và vé máy bay của tôi một cách chiếu lệ. Y liếc thấy hai thùng khác cũng bị cần gạt qua một bên nên vội vã khoác tay rồi nói:

- Thôi, chúng tôi bận rộn lắm. Đi! Đi!… Cho ít tiền uống cà-phê cuối năm.

Tôi ngần ngừ, đưa một trăm nghìn đồng. Y liếc tay tôi rồi cười nhăn nhở nói:

- Chúng tôi hai người cơ mà! Thôi! Đưa thêm trăm nữa đi!

Tôi đưa thêm một tờ giấy bạc xanh lơ nữa, như thể trút đi nỗi khinh bỉ đến tận cùng rồi bỏ ra ngoài.

Ngay ngoài cửa, một nạn nhân khác đứng thập thò chực sẵn. Chắc chắn sẽ còn nhiều nạn nhân khác như tôi. Hai nhân viên kiểm soát này sẽ nặng túi vào dịp tết!

XIN ĐỂU, đặc ngữ của dân miền Bắc thời xã nghĩa, chính xác đến từng mi-li-mét từ hiện tượng đến cách phát âm!

Thủ tục làm tiền này chỉ xảy ra ở Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mà thôi!

***

Khi đến cổng kiểm tra an ninh thì mới phát hiện ở đây rất nhiều hành khách đã đứng xếp hàng rồi. Tôi phải đợi ít nhất 15 phút mới được kiểm tra hành lý xách tay. Tại đây hành khách đàn ông được yêu cầu cởi bỏ dây nịt lưng quần trước khi qua cổng. Một nam hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn hành khách Việt Nam đi du lịch Thái lan lớn tiếng dặn dò các thành viên đoàn của mình:

-  Các anh cởi dây nịt ra rồi bỏ vào khay. Nhớ giữ lưng quần lại! Coi chừng tuột!

Mọi người cười ồ lên. Đất nước này thật lắm chuyện hài hước!

Tại cổng kiểm tra passport, lại xếp hàng rồng rắn. Một dãy dài quầy kiểm tra nhưng chỉ có vài quầy có nhân viên làm việc. Thủ tục kiểm tra vẫn lề mề cố hữu với những khuôn mặt nhân viên vắng bóng nụ cười, nét mặt lạnh lùng. Tại một quầy không có hành khách nào xếp hàng làm thủ tục, ngước mắt nhìn tôi thấy một tấm bảng: QUẦY DÀNH RIÊNG CHO KHÁCH VIP, NHÂN VIÊN NGOẠI GIAO VÀ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG. Từ trước đến nay tôi cứ ngỡ rằng chỉ có nước Mỹ mới phân biệt chủng tộc thôi chứ!

Cuối cùng rồi tôi cũng đứng trước vạch chờ tại một quầy làm thủ tục xuất cảnh. Đầu óc còn đang bận suy nghĩ mông lung thì một nhân viên kiểm tra thủ tục xuất cảnh vừa đi vừa vung tay lên, trên mỗi tay cầm passport và vé máy bay, vừa la to, lẽo đẽo theo sau là một nữ hành khách:

- Tôi không cần căn cứ vào ngày tháng trên vé máy bay. Chị coi nè, hiệu lực visa đã hết trước đây hai ngày. Chị theo tôi! 

Ai cũng thấy vẻ hí hửng của nhân viên này. Còn nữ hành khách chỉ biết thất thểu đi theo sau và nói, giọng miền Nam:

-    Tôi đâu có biết đâu … 

Lại hành … là chính!

“Thoát” qua được quầy hải quan, tôi thở phào nhẹ nhõm. Không biết mình có “công” gì mà được “ưu ái” như vậy?

Chúc quý khách ăn tết vui vẻ! Chuẩn bị phong bao lì xì nhé!
Hình chụp ngay sau cổng hải quan Tân Sơn Nhất kiểm tra xuất cảnh.

Còn hơn hai tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ cất cánh, chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Kinh nghiệm cho những ai sử dụng đường hàng không tại Sài Gòn là “khôn hồn” khởi hành từ nhà ít nhất ba tiếng đồng hồ để đến Tân Sơn Nhất, có thể hơn nữa nếu trúng giờ cao điểm, để tránh bị kẹt xe. Thôi, ngồi ngủ ở phòng chờ vẫn là biện pháp tốt và đáng an ủi nhất. 

Hành khách mỗi lúc một đông, ai đến sau thì chỉ còn nước đứng chờ. Quái! Gần đến giờ khởi hành rồi mà nhân viên làm việc tại cổng đợi vẫn cứ nhẩn nha, chưa làm thủ tục cho ra phi cơ. Cuối cùng thì … sorry … sorry! Hành khách vui lòng chuyển qua cổng khác! Thế là lại lục đục, lạch bạch như vịt với nhau chuyển sang cổng mới.

Mười chuyến đi ở phi trường Tân Sơn Nhất là hết … cả chín chuyến bị đổi cổng bay vào phút cuối.
Ôi, Vietnam Sorry!

Giao thông tại Bangkok

Ai đã ở Bangkok đều ngán ngẩm cảnh kẹt xe ở đây. Mặc dù hệ thống giao thông ở đây được xem là rất tốt so với Sài Gòn và Hà Nội nhưng vì phương tiện di chuyển chính ở Thái lan là xe hơi nên đường sá ở Bangkok cứ như là… nứt ra trước lượng xe hơi khổng lồ ở đây.

Tôi đã từng chịu đựng cảnh từ chỗ kẹt xe đến điểm hẹn chỉ cách nhau 500 mét nhưng phải mất một tiếng đồng hồ mới đến nơi được. Có điều mọi tài xế đều điềm đạm, tôn trọng luật giao thông nên tình hình vẫn chỉ theo cách tự vận hành một cách quen thuộc. Thỉnh thoảng tôi chỉ nghe bác tài thở dài. Ai cũng có quyền như thế chứ! Mỗi khi được nhường đường thì bác tài thường vái chào cảm ơn! Đây là nét văn hóa đáng mến!

Đường phố ở đây khá rộng, mỗi chiều thường gồm 3 lanes trở lên. Giao thông ở Thái lan giữ đường bên tay trái.

Đường phố ở Bangkok cũng có Honda, tuy không nhiều lắm nhưng đa phần là xe phân khối lớn. Người lái xe luồn lách ghê lắm, nhất là khi kẹt xe. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy tài xế Honda để đầu trần len lỏi giữa hàng xe hơi đông đúc nên không biết việc đội mũ bảo hiểm là bắt buộc hay nhiệm ý theo luật giao thông ở đây. Người ngồi sau có khi ngồi một bên, có khi ngồi hai bên, nhưng thường thì không thấy đội mũ. Tôi cảm nhận rằng việc di chuyển bằng xe gắn máy ở Bangkok “cơ động” hơn xe hơi nhiều!

Một góc phố lúc bị kẹt xe. Chú ý, luôn luôn có xe gắn máy len lỏi giữa dòng xe hơi.

Một góc phố vào lúc không bị kẹt xe, bên trên là xe lửa trên không.

Người đi bộ thường tập trung ở trung tâm thành phố. Vỉa hè ở đây thông thoáng, không bị lấn chiếm đến độ người đi bộ phải lội xuống lòng đường, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có người bán hàng rong hay nghệ sỹ chơi âm nhạc. 

Giữa trưa nắng tôi được thưởng thức một chai nước cam vắt nguyên chất ướp lạnh, giá chỉ 20 baht, tương đương với 13,000 đồng. Đường chính và an toàn nhất dành cho người đi bộ ở Bangkok hoặc trên đường cao tốc là cầu vượt trên không (skywalk), thường có mái che, đôi khi được bọc kính. Cầu trên không dầy đặc ở khu mua sắm trung tâm Bangkok, cứ như là mê hồn trận, đi qua đi lại nhiều lần mà vẫn không nhớ được. Từ đây, ta có thể quan sát được nhiều cảnh đẹp đường phố.

Người bán nước cam vắt nguyên chất ở vỉa hè trung tâm Bangkok.

Người bán hàng rong ở vỉa hè trung tâm Bangkok.

Một nghệ sỹ chơi saxophone bên vệ đường

Một lối đi bộ trên không nối các trung tâm mua sắm được bọc kính và điều hòa không khí

Xe thồ hay xe ôm góp phần không nhỏ trong dòng giao thông ở Bangkok. “Tập đoàn” xe thồ được tổ chức bài bản, có môn bài hành nghề hẳn hoi, có bến bãi và “văn phòng” đàng hoàng. Tài xế mặc áo mầu cam, biển tên và đánh số ở lưng. Nếu bác tài nào không muốn hành nghề nữa thì có thể sang tên cho người khác, kể cả chiếc áo có giá đến mấy nghìn baht!

Khách du lịch tây phương khoái chọn kiểu đi lại này vì vừa nhanh gọn, giá cả phải chăng, vừa được hưởng cảm giác mạnh vì giới tài xế xe ôm ở Bangkok nổi tiếng chạy “tẹc ga”, bạt mạng. Tính mạng của du khách thì xin giao phó cho thượng đế, “hên xui”. Du khách muốn ra phi trường trong trường hợp kẹt xe thì chỉ có bác tài xe ôm mới giải quyết được.

Một trạm xe ôm ở trung tâm Bangkok

Nếu Sài Gòn trước 1975 có xe lam thì ở Bangkok có hình thái tương tự: xe tuk-tuk. Xe tuk-tuk nhỏ hơn xe lam nhưng cơ động hơn, có nghĩa là chạy nhanh hơn và len lỏi tài hơn. Xe tuk-tuk trang hoàng diêm dúa, có cờ phướn và có cả một chiếc ăng-ten cong cong hướng ra phía sau. Tôi không biết công dụng của chiếc ăng-ten này là gì. 

Một xe tuk-tuk đang đợi khách

Một xe tuk-tuk được chụp từ đường đi bộ trên không

Xe tuk-tuk tập trung nhiều hơn ở các bến sông Chao Phraya, nhưng ở trung tâm thành phố cũng không thiếu. Mỗi xe có thể chở ba bốn khách. Khách du lịch muốn đi chơi quanh Bangkok thì chọn phương tiện này là tiện nhất. Như vậy, xe tuk-tuk đóng luôn cả vai trò chở khách dạo chơi như xích-lô ở Sài Gòn.

Trong hệ thống xe bus ở Bangkok được vận hành như phương tiện giao thông công cộng giá rẻ, một loại xe bus miễn phí là điểm hết sức đặc biệt. Xe bus miễn phí sơn màu đỏ là loại mà du khách nước ngoài mê mẩn, vì được chở đi mọi nơi thăm thú chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào. Mấy ông tây bà đầm vọt lên xe này nhanh như tép!

Xe bus miễn phí

Xe lửa trên không (skytrain) cũng là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi và ưa thích ở Bangkok. Để thực hiện dự án giao thông này, một hệ thống hạ tầng cơ sở gồm đường ray trên không và hệ thống điện được lắp đặt để cung cấp năng lượng cho phương tiện này vận hành đòi hỏi một ngân sách lớn và kỹ thuật lẫn độ an toàn cao. Biết bao giờ người dân Việt Nam mới được hưởng tiện ích này khi dự án này chưa hoàn thành ở Hà Nội mà đã nẩy sinh biết bao tệ nạn lình sình. 

Xe lửa trên không

Đường ray dành cho xe lửa trên không

Xe điện ngầm ở Bangkok chưa hiện đại bằng nước lân cận như Singapore. Nhưng đã là một phương tiện giao thông công cộng mà những thành phố lớn cần phải có để giải tỏa áp lực đi lại của người dân ngày một cao hơn. Chi phí sử dụng xe điện ngầm tùy thuộc vào độ dài đoạn đường (khoảng cách giữa hai trạm). Đoạn ngắn nhất có chi phí 15 baht, tương đương 10 nghìn đồng Việt Nam.

Cổng vào trạm xe điện ngầm.

Một phương tiện giao thông khác trong nội thành Bangkok là tàu bè nhỏ di chuyển và chuyên chở dọc theo những con kênh chảy băng qua trung tâm thành phố.

Thuyển bè trên kênh

Cũng giống như bao nhiêu thành phố khác trên thế giới, taxi là phương tiện giao thông phổ biến. Đặc biệt ở đây taxi mầu đậm, lòe loẹt: hồng, xanh đậm, cam, đỏ, vàng, hai ba mầu...

Cảnh sát giao thông thấy vắng bóng ở đây, có nghĩa là xe cộ tự vận hành theo luật giao thông và chắc chắn không có cảnh làm luật, bắt chẹt ăn tiền người lái xe ở đây. Biết bao giờ _ chưa chắc đến hết thế kỷ này!_  người lái xe ở Việt Nam được cảm thấy an toàn tính mạng lẫn túi tiền của mình khi ra đường!

Đôi dòng về lịch sử Bangkok và con sông chính Chao Phraya chảy qua thành phố này

Nói đến Bangkok mà bỏ qua con sông Chao Phraya là một thiếu sót vô cùng lớn. Lịch sử hình thành thủ đô Bangkok bắt đầu từ năm 1782. Ngược dòng thời gian, sau khi cố đô Ayutthaya sụp đổ, vua Taksin dời đô về Thonbury nằm ở phía tây sông Chao Phraya, do vị trí chiến lược quan trọng của con sông này. Các đời vua kế tiếp lại tiếp tục mở mang về bờ phía đông để trở thành thủ đô Bangkok hiện đại ngày nay. Sông Chao Phraya đổ vào vịnh Thái Lan.

Không thể nói sâu về Bangkok trong một vài ngày du lịch, vì vậy tôi chỉ đề cập đôi điều nghe được và hình ảnh chụp được khi ngồi trên xe chạy nhanh qua một số đường phố. Chất lượng hình ảnh vì vậy rất giới hạn.

Bangkok có hệ thống cột điện chằng chịt như ở Sài Gòn và Hà Nội. Đường sá trong nội thành nhiều chỗ cũng có rác rưởi và hôi hám. Bên cạnh những nhà cao tầng khang trang, vẫn còn những khu lụp xụp, nhất là những chỗ ở cạnh cầu vượt, nhà ở đây thường bị bỏ hoang vì chủ nhà bỏ đi, không làm ăn buôn bán được.

Bangkok chia thành những khu tài chính, thương mại, mua sắm, hành chính, cung điện hoàng gia … nằm trên những trục lộ lớn.

Trên những trục lộ chính, hình đức vua và hoàng gia hiện diện khắp nơi.

Quảng trường Dân chủ nổi tiếng

Cổng vào cung điện vua, bên trong tọa lạc hàng nghìn viện nghiên cứu nông nghiệp và kỹ nghệ

Một viện nghiên cứu tiêu biểu trong cung điện.

Tượng vua Chulalongkorn, Rama V. Phía sau là dinh thự.

Hai vị vua được thần dân Thái lan yêu mến là Chulalongkorn (King Rama V) và vua hiện nay, Bhumibol Adulyadej (King Rama IX).

Vua Chulalongkorn _ trị vì từ 1868-1910 _ được thụ hưởng nền giáo dục tây phương, du lịch tu nghiệp tại Singapore, Java, Ấn độ, … chịu ảnh hưởng nền hành chính của Anh nên hiện đại hóa đất nước Thái lan đi được một nước dài. Ông có bốn hoàng hậu và hàng trăm cung phi cung tần nên có đến 33 hoàng tử và 44 công chúa!

Trục lộ chính của khu hành chính tọa lạc trụ sở đại diện Liên hiệp quốc và các bộ chính phủ. 

Liên Hiệp Quốc, trụ sở Ủy ban Kinh tế-Xã hội Châu Á-Thái bình dương
(Economical and Social Commission for Asia and Pacific)

Tại đây, tôi tình cờ bắt gặp một chú sóc đen, nhẩn nha leo trên một cây me. Đây là hình ảnh hiếm hoi nhưng minh chứng rằng, tuy giữa thành phố sầm uất, môi trường thân thiện vẫn hiện hữu.

Chú sóc trèo trên cây me

Xe tôi cũng chạy qua ngôi đền thờ trong khách sạn Erawan gần khu Central World. Tháng 8-2015 đền thờ này bị đặt bom làm 20 người thiệt mạng và 125 người bị thương.

Đền thờ Erawan bị đặt bom

Bangkok có những ngôi chùa nổi tiếng như Chùa  Bình Minh, Chùa Phật Ngọc, Chùa Bồ Đề … đã được đề cập đến trong bài du lịch Thái Lan 2015.

Xe cũng chạy ngang qua sở thú, sân vận động đua ngựa, cá cược thường tổ chức vào ngày chủ nhật nhưng tôi không có thời gian vào xem.

Tại trung tâm thành phố có rất nhiều trung tâm mua sắm không thể nhớ hết được: MBK Shopping Mall, Tokyu, Siam Paragon (Siam được phát âm là /sà-zảm/), Siam Center, Siam Discovery, Central World, Plantinum, City Complex, Krung Thong, Pratu Nam, Boyoke, Pantip, Bobe, Sam Peng, China Town, … Đa số trung tâm mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.

Những trung tâm mua sắm này được liên kết với nhau bằng những cầu đi bộ trên không, băng qua những đại lộ xe cộ vùn vụt như mắc cửi bên dưới. Do khách hàng chỉ dùng cầu vượt để đi từ trung tâm này qua trung tâm khác nên rất dễ bị lạc đường.

Ngõ ra một cầu đi bộ trên không từ trung tâm này qua trung tâm khác

Tất cả những mặt hàng từ nổi tiếng trên thế giới đến hàng hóa bình dân, giá rẻ đều có mặt ở đây. Không khí mua sắm nhộn nhịp, huyên náo, nhất là tại những khu ẩm thực.

Trong một trung tâm mua sắm

Trung tâm Tokyu

Trung tâm MBK, phía sau là một khách sạn cao tầng.

Giá thuê phòng tại một khách sạn trung bình ở Bangkok là 1,200 baht (≈ 770,000 đồng) một ngày.

Bên trong Siam Center

Biển cảnh báo được đặt khắp nơi để hổ trợ khách hàng.

Một bảng cảnh báo:
Nếu một người lạ đến gần bạn và mời bạn thăm một gian hàng nữ trang, hãy nói KHÔNG …
Nếu một người lạ tặng bạn thực phẩm hay đồ giải khát, hãy nói KHÔNG …
Nếu bạn không chắc chắn về một tình huống đang gặp phải, hãy gọi số 1155
Trung bình, mỗi trung tâm mua sắm đều có bãi đậu xe nhiều tầng, rộng mênh mông.

Một tầng đậu xe trong trung tâm mua sắm.

Tại một cầu đi bộ trên không ở trung tâm Platinum, tôi thấy một tấm bảng lớn trưng hình độ hai chục người bị truy nã (WANTED), đa phần là người Thái và người nước ngoài. May quá, không có người Việt nam nào! Được biết trước đây mấy tháng, ba bảng lớn như vậy dầy đặc tên người Việt Nam. Tôi được cho biết toán người Việt móc túi, bấm dây chuyền, rạch giỏ xách tay, ăn cắp hàng trong các trung tâm thấy bị động nên chuyển địa bàn hoạt động lên miền Bắc Thái lan, đặc biệt là Chiang Mai và Chiang Rai. Hai tháng trước đây, hai người Việt bị tóm cổ khi phá két một trạm rút tiền ATM ở Pattaya. Người Thái than phiền nhiều về người Việt qua Thái lan lao động chui, lại còn trộm cắp, móc túi và nhất là chuyên bấm dây chuyền vàng làm xáo trộn đời sống ở đây. Thật xấu hổ! 

Chúng tôi chạy qua một chiếc cầu dạng treo mới xây bắc qua sông Chao Phraya. Từ trên cầu có thể nhìn rõ hơn con sông nổi tiếng này, nhưng rất tiếc xe không được dừng ở cầu nên hình ảnh ghi được khi xe chạy không rõ ràng. 

Một chiếc cầu bắc qua sông Chao Phraya


Sông nằm bên tay trái của hình chụp

Chúng tôi đến chợ nổi vào buổi sáng. Du khách có thể thuê một chiếc xuồng ghép vào canot máy kéo có bác tài lái với giá khoảng 600 baht một giờ; còn nếu thuê ghe chèo tay giá chỉ 200 baht một giờ nhưng không đi xa được. Chợ nổi này có tên Dammoen Saduak có nghĩa là “Mọi việc xuôi chèo mát mái”.

Chợ nổi là một nét văn hóa đặc thù, duy trì hình tượng cuộc sống trong quá khứ của người Thái. Nếu nói chợ nổi có thể thay cho siêu thị và trung tâm mua sắm vẫn không ngoa vì ít ra nó cũng thể hiện được tính phong phú của hàng hóa và sản phẩm Thái lan.

Hai bên bờ kênh là những cửa hàng bán hàng lưu niệm thủ công và quần áo, bánh kẹo đặc sản của người Thái. Khách du lịch có thể chứng kiến các loại bánh kẹo được làm tại chỗ.

Trên kênh có vô số ghe xuồng đủ kích cỡ chạy qua lại như mắc cửi, trên đó có đủ loại mặt hàng và các món ăn uống.

Chợ nổi này làm tôi nhớ đến chợ nổi ở thành phố Cần Thơ, Việt Nam, nhưng ở đây chợ nổi có quy mô lớn hơn và sầm uất hơn.

Chợ nổi Bangkok, hết sức sầm uất (hình google)

Chợ nổi Bangkok, hết sức sầm uất (hình google)

Chèo ghe trên kênh thật thú vị! 

Sau khi thăm thú, ăn uống “đã đời du côn” (tôi mượn ngôn ngữ độc chiêu của cố thi sỹ Bùi Giáng trong hai câu thơ: “Sài Gòn, Chợ Lớn ăn chơi. Đi lên đi xuống đã đời du côn.”), chúng tôi mới lục tục về nhà.

Vừa ra khỏi Bangkok, tôi tình cờ thấy hình ảnh đoàn xe Hoàng gia Thái lan đi công cán. Cảnh sát mặc đồng phục đen dọn đường: xe dân chúng đang chạy trên đường cao tốc được yêu cầu giạt vào lanes bên trong. Năm chiếc xe cảnh sát dẫn đường, theo sau là một chiếc xe xanh dương đậm của Hoàng gia, sáu chiếc xe màu trắng sữa giống hệt nhau của Hoàng gia chạy kế tiếp. Hai bên đoàn xe có xe y tế. Cuối cùng là bốn chiếc xe cảnh sát hộ tống. Diễn tiến này xảy ra quá nhanh nên tôi không kịp chụp hình. Dân chúng trên đường không lấy làm khó chịu khi phải nhường đường cho đoàn xe Hoàng gia đi qua. Tôi được cho biết như vậy vì dân chúng Thái lan rất yêu mến Hoàng gia của họ. 

Nhìn đồng hồ đã năm giờ chiều rồi, chúng tôi ghé vào chợ trời nổi tiếng của tỉnh Khonrat để ăn uống và mua sắm vì hôm nay là 29 tết âm lịch rồi! 

Chợ trời này trước đây là một siêu thị có chủ là một người Hoa bị phá sản vào cuối thập niên 1990. Một vài người dân địa phương ngỏ ý thuê một diện tích nhỏ ở đây để buôn bán theo hình thức trưng bày đồ cũ mua đi bán lại vì kinh tế đang xuống dốc. Mô hình này phát triển dần dần và ngày một sầm uất. Giá thuê mỗi gian hàng là 100 baht một ngày. Đến nay thì có cả nghìn gian hàng, chủ siêu thị cũ tha hồ hốt bạc, còn khẩm hơn là doanh thu chính cống của một siêu thị. Nhiều ngân hàng trong chợ trời mọc lên như nấm, phục vụ cho người mua bán đến tận khuya. Chợ có tên mới là Safeone Market (Chợ An toàn số một/Siêu tiết kiệm).

Từ bãi xe rộng mênh mông, xe bus đặc chủng chở khách hàng miễn phí vào chợ. Chợ rộng mênh mông, tôi không thể định được phương hướng vì quá rộng, hơn nữa trời lại bắt đầu tối nên càng hoa cả mắt trước ánh đèn sáng choang mọi nơi.

Xe bus chở khách từ bãi đỗ xe vào chợ

Chúng tôi vào một trong những khu ăn uống. Đây chính là nền của siêu thị đang xây dở dang với thiết bị đang lắp đặt dở dang trên trần. Món ăn không thiếu thứ gì. Thực khách đông nghìn nghịt. Tôi thử một tô bánh canh được giới thiệu nấu theo kiểu Việt Nam do chủ quán là một người gốc Việt có tổ tiên định cư ở Thái lan lâu đời đến độ bà này không nói được một câu tiếng Việt nào! Tô bánh canh đặc biệt giá 50 baht (khoảng 32 nghìn đồng) nhưng rất “chất lượng”, ăn no nê.

Khu ăn uống. Thiết bị của siêu thị cũ còn để lại trên trần. Người Thái rất có tâm hồn ăn uống.

Tô bánh canh đặc biệt, to tú hụ

Gian hàng bán hoa tươi

Đồ cũ được trải dưới đất, tha hồ mua bán

Hàng hóa được chở trên xe đến rồi bày bán

Thời khắc này là tối cuối năm âm lịch nên gần hai phần ba các gian hàng của người Hoa đóng cửa để chuẩn bị đón giao thừa, chợ không đông như mọi ngày. 

Không khí ở đây rất lạnh so với mọi năm. Trước khi tôi đến đây vài ngày, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 10 độ, được xem như lạnh kỷ lục từ trước đến nay.

Tôi cảm thấy bồi hồi nhớ tết ở quê nhà khi thấy không khí đón tết Bính thân trong một siêu thị gần nhà.

Bên trong siêu thị cuối năm

Thái lan, ngày 8-2-2016 nhằm ngày mồng một tết âm lịch
Hồng A



2 comments:

  1. Đúng mấy ngày Tết bị kẹt ở nhà, độc thân gánh vác công việc nội trợ vì bà đầm bắt đầu suốt ngày chỉ tay mười ngón ở văn phòng tư doanh khai thuế thu nhập 2015 + phải sẵn sàng phục vụ đưa đón hai cháu nội, một mới lên tiểu học, một đang ở nhà trẻ nếu có yêu cầu mà được đọc bài "Du lịch Bangkok" kèm hình ảnh rất hấp dẫn thì quên cả ăn trưa và tối nay phải ăn mỳ gói cho có đủ thì giờ hoàn tất nhiệm vụ mà --"nửa tốt đẹp hơn" của tôi đã giao phó--cho xứng với câu ghi tâm khắc cốt "Vợ tôi tốt số ai bằng, khéo tay nuôi được một thằng vú em.".
    Bài viết có các đặc điểm sau:
    -Văn viết gẫy gọn, chuyển đoạn khéo léo làm tôi đã khởi sự đọc là phải đọc luôn một hơi từ đầu đến đưôi.
    -Tất cả hình ảnh đều có phông cảnh rất sống động và phù hợp để bổ túc cho mỗi đoạn tả cảnh. Theo tôi, tuyệt diệu nhất là tấm "chú sóc trèo cây me" vì hình này thấm đậm ý nghĩa nhân bản trong khung cảnh văn minh cơ giới của một thành phố du lịch nổi tiếng hoàn cầu.
    -Là một bài du ký nhưng người compose {vừa viết vừa sắp xếp hình ảnh như thể là trường phái "hoạ bầy biện"(?) hay các đại nhạc sĩ sáng tạo (composer) các bài trường ca bất hủ} vẫn không quên thêm phần lịch sử của địa danh.
    Hơn thế nữa, bài "Du lịch Bangkok" còn có đặc điểm là chỉ dẫn cho những người đọc thích đi du lịch khám phá và trải nghiệm biết trước những "khúc mắc" ở những nơi "hành dân là chính" mà biết cách ứng xử, đối phó.
    Khen hay nhưng tôi trân trọng đóng góp mấy "bổ túc" sau đây:
    -Ở Mỹ, dù là chuyến đi nội địa hay quốc tế, khách bắt buộc phải qua kiểm tra an ninh rất KỸ: cới áo khoác, bỏ mũ nón, tháo giây lưng, cởi giầy rồi phải đi qua "phòng" chiếu điện để nhân viên kiểm soát nhìn xuyên qua quần áo xem có dấu võ khí nhất là võ khí làm bằng nhựa hay thuốc nổ {hình ảnh xuyên qua quần áo giống như phim X-Quang nhưng nhà chế tạo máy bảo đảm không gây di hại phóng xạ như máy X-quang}. Chì được miễn nếu khách mang máy trợ tim, trong trường hợp này thì bị khám xét bằng gậy tìm kim loại rất mất thì giờ. Khách trên 75 tuổi như tôi thì được miễn cởi giầy, tháo giây lưng và không phải đi qua phòng chiếu điện. Nước nào mà không khám hành khách kỹ (trừ phòng chiếu điện vì rất mắc tiền và điều hành) thì Mỹ không cho máy bay nườc đó vào nước Mỹ.
    -Kiểm tra hành lý: khách ký gửi hành lý ở Mỹ mà KHOÁ hành lý thì đưọc phép khám hành lý trước và đứng chờ đến khi nhân viên an ninh OK. Nếu thấy cần thì họ yêu cầu mở khoá để họ khám thêm. Không làm vậy thì họ có quyền bẻ KHOÁ. Nếu muốn không bị bẻ khoá thì phải mua Khoá của họ (rẻ và rất tốt) để họ có thể mở được hành lý. Khám xong họ để biên bản có tên người và ngày khám trong hành lý với giải thích vì an ninh cho mọi người.
    Vụ "xin đểu" ở VN thì khỏi nói nhưng nếu mình nhất định không cho (phải có gan chịu nhỡ chuyến máy bay) thì họ cũng chịu. Khó lắm. Có thì giờ rảnh, tôi sẽ viết về trải nghiệm 2 lần bị "xin đểu" ở TSN.
    Hồng A và gia đình đã đi river taxi trên sông Chao Phray chưa? Thú vị lắm. Đã trèo mấy chục nấc thang gần như thẳng đứng lên đỉnh chùa Bình Minh chưa? Cảnh mặt trời mọc thì tuyệt diệu nhưng khi đi xuống (không có tay vịn) tôi đều sợ thót bụng, phải ngồi lê xuống từng bực.
    Bùi Dương Chi. THBMT 63-74

    ReplyDelete
  2. Trả lời của học trò Nguyễn thị Hồng A về nhận định của thầy Chi

    Kính thưa thầy Chi, quý thầy cô và các bạn,

    Em cảm ơn lời khen và phần “bổ túc” của thầy, giúp em hiểu rõ hơn về việc kiểm tra an ninh kỹ lưỡng trong những chuyến bay nội địa hay quốc tế của nước Mỹ. Điều này sẽ giúp ích cho em nếu trong tương lai em may mắn có chuyến du lịch đến nước Mỹ.

    Về chi tiết kiểm tra an ninh như tháo dây thắt lưng … tại phi trường Tân Sơn Nhất, em chỉ viết tếu, cười cho vui thôi ạ!

    Em và gia đình chưa có dịp đi river taxi trên sông Chao Phraya, có lẽ hẹn vào một dịp khác để thưởng thức phương tiện giao thông này.

    Em đã đến chùa Bình Minh (Wat Arun) vào đầu xuân năm 2015. Em chỉ ngồi dưới chùa chơi vơ vẩn, không dám trèo mấy chục nấc thang gần như thẳng đứng đến đỉnh chùa. Em sợ chóng mặt và sợ độ cao lắm ạ!

    Em kính chúc thầy hoàn thành nhiệm vụ nội trợ xuất sắc, còn rảnh thời gian để viết bài cho diễn đàn lớp 74, bởi vì: “Vợ tôi tốt số ai bằng, khéo tay nuôi được một thằng vú em” (lời thầy Chi).

    Học trò Nguyễn Thị Hồng A

    ReplyDelete