Thursday, February 11, 2016

Những Người Thầy và Những Cánh Hoa Tình Bạn

Tôi về nhận nhiệm sở tại trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột cuối năm 1974. Khoảng giữa năm đó, vợ tôi rời trường, gác ước mơ vào giảng đường đại học sang một bên, bước chân vào đời bắt đầu cuộc mưu sinh. Thế là giữa hai chúng tôi chênh nhau một “khóa đại học”. 

Nhóm bạn bè khóa 1974 của vợ tôi thường tổ chức họp mặt, nhất là những lúc có các thầy cô giáo cũ từ nước ngoài về thăm quê. Thỉnh thoảng, tôi cũng tham gia với các bạn, nhưng nhiều lần tôi tránh mặt vì tôi hiểu những lần gặp lại nhau của những nhóm bạn bè cũ đã ở tuổi trên dưới 60 thì không chỉ có chung vui niềm vui hội ngộ mà còn là dịp để đùa vui, thậm chí là trêu chọc quậy phá nhau khi cùng ôn lại những kỷ niệm thời còn đi học. Và tôi muốn vợ tôi được vui hết mình, chơi hết mình cùng bạn bè, thầy cô cũ. Nhưng cũng có vài lần tôi đã dự cùng nhóm bạn này và đôi lần trong số đó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi.

Nhớ có lần sau Tết Nguyên Đán cách đây cũng hơn chục năm khi tôi đang cùng các học trò lớp 12 Chuyên Anh (1987) uống cà phê ở một quán khá nổi tiếng ở Ban Mê, thì nhóm bạn 1974 của vợ tôi cùng vài thầy cô giáo là giáo sư của trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột ngày xưa kéo nhau vào. Thấy trong số đó có hai ba thầy cô cũng từng dạy cùng trường trước 1975, tôi chủ động sang chào và ngồi chơi một lúc. Một trong các giáo sư quay sang hỏi nhỏ tôi: “Sao hôm kia không thấy ‘thầy Hải’ đến dự họp mặt với khóa 1975?”. Tôi hơi bất ngờ. Mấy hôm trước có việc đi ngang khách sạn Đam San, thấy nhiều học sinh cũ của trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột tụ tập, nhưng tôi không chú ý lắm nên không biết có cuộc họp này, lại không ngờ có các giáo sư của trường ở xa về, đông vui như thế. Tôi nhỏ nhẹ thưa với giáo sư ấy: “Dạ, rứa à? Em không thấy có ai báo nên không biết mà đến dự ạ.” Vị giáo sư cười bảo: “Tưởng ‘thầy’ đương chức đương quyền nên ngại gặp anh em mình!”. “Trời đất!” tôi kêu thầm, không biết giáo sư ấy đang nói đùa hay nói thật, nhưng tôi không nghĩ là vẫn còn một khoảng cách trong suy nghĩ giữa các đồng nghiệp đã phải chịu khổ sở mấy năm trong trại cải tạo với những thầy cô giáo được “lưu dung” như tôi. Để làm dịu căng thẳng, tôi nói vui với vị giáo sư ấy: “Dạ, khi về trường em không được dạy lớp 12 của khóa ni. Sau khi chuyển khối trung học đệ nhất cấp đi và nhập khối đệ nhị cấp của các trường tư thục về trường mình để thành lập trường cấp 3 Buôn Mê Thuột, thì các giáo sư tiếng nước ngoài tụi em “mất dạy” vì được phân về phòng học vụ giúp Ban Đại diện trường nhận hồ sơ, sắp xếp các lớp học. Hình như là khi thông báo thi tốt nghiệp có môn ngoại ngữ nên em có ôn tập cho một hai lớp chi đó mấy buổi về ngữ pháp thôi. Chắc vì không được trực tiếp giảng dạy khóa chuyển tiếp ni, nên các em không mời thôi, chứ có chi mà phải ngại.” Tôi cũng hơi chạnh lòng, nhưng lòng chợt dịu lại khi nhớ một ý trong câu trả lời đầy khẳng khái của thầy Hiệu trưởng LVT với một cán bộ giáo dục cách mạng trong buổi họp cuối cùng trước khi giải thể trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột: “ … các thầy, cô giáo nếu làm đúng chức năng của mình thì dù có phục vụ cho chế độ nào cũng không có gì phải hổ thẹn, không có gì để cảm thấy mình có tội để được tha thứ…”. Mấy hôm sau, các anh chị cựu học sinh (hình như khóa 1967 hay 1968 gì đó) tổ chức họp chào đón giáo sư ấy, không hiểu sao các anh chị lại gọi điện mời tôi đến dự. Một vài người trong số các anh chị đó tôi đã có vinh dự quen biết, nhưng nhiều người thì lần đầu tiên tôi có dịp gặp mặt. Và chúng tôi đã có một đêm gặp gỡ với nhiều kỷ niệm không thể nào quên … “bên cầu biên giới, tôi lặng nghe dòng đời, từ từ trôi, sông nước xa xôi, mây núi khắp nơi không tỏ một đôi lời …” âm thanh du dương và lời ca bi tráng của bài hát ấy và khuôn mặt nghiêm nghị nhưng giọng nói trầm ấm oang oang của giáo sư ấy vẫn vang vọng trong tôi mỗi khi tôi nhớ đến buổi tối ấm cúng ấy.

Một lần khác, chỉ mới năm ngoái đây thôi, tôi lại được dự một chuổi buổi họp mặt của nhóm bạn 1974 này với thầy Lê Viết Lâm. Những ngày đầu lơ ngơ ở phố núi “buồn muôn thuở” này, gia đình anh chị Lâm-Thủy là một trong những gia đình “Huế kiều” đầu tiên tôi được ghé thăm. Anh không chỉ là bạn đồng trang lứa với các anh con bác tôi ở Huế mà còn là một thành viên gia đình Phật tử do ba tôi hướng dẫn. Sau 1975, tôi chỉ còn biết tin anh chị qua người con gái học lớp tôi dạy. Một lần, người bạn thời đại học từ Pleiku ghé Ban Mê Thuột chơi, rủ tôi qua thăm một người bạn khác từ Huế vào tại một căn phòng tập thể dành cho giáo viên của một trường cấp 1 gần trường. Tưởng ai, té ra lại là chị Thủy. Sau này khi tôi chuyển về Cao đẳng Sư phạm, lại cùng làm việc với một cô em khác của chị Thủy. Vì vậy, khi nghe vợ nhắc “Thầy Lâm hỏi thăm anh và dặn mai nhớ đưa anh đến quán Văn uống cà phê và gặp vợ chồng Thầy” thì tôi thấy chẳng còn lý do gì để từ chối được. Và tôi cũng đã có một buổi sáng đẹp với nhóm bạn 1974 của vợ mình chung vui tiếp đón thầy giáo cũ. Và tôi đã được uống ly cà phê thơm ngon ấm tình bè bạn, nghe tiếng hát “mộc” đậm nghĩa thầy trò theo dòng phối âm trên máy tính xách tay của bạn Thanh Hải (Bích Toàn), ngắm những cây cảnh xinh tươi trong “vườn” cà phê Văn của Tất Đạt, và được tặng những tấm hình “lứa đôi hạnh phuc” qua nét chụp tài hoa của Trần Can (mà hình như cũng lâu lắm hai chúng tôi không chụp hình chung với nhau đấy Trần Can ạ).



 Lúc cả nhóm loay hoay tìm chỗ chụp hình, nghe tôi khen khóm cây xanh thắm mọc thành chùm rũ lả lơi trên chậu hoa trắng trông rất nghệ sĩ, Phùng Tất Đạt đã không ngần ngại nhổ cho tôi một “mớ” với lời nhắn “cây này dễ trồng lắm, cứ cắm xuống là sống và phát triển được ngay”. Lúc bịn rịn chia tay, thấy tôi lưu luyến nhìn chậu cây lá mặt dưới có hai màu nâu nhạt, mặt trên có màu lục non với đường những gân sáng ánh lên dưới ánh mặt trời cạnh nơi chúng tôi mới chụp hình, Tất Đạt lại nhanh nhẩu “Anh Hải thích cây này hả?” vừa nói bạn vừa với tay bẻ cho tôi một nhánh. Tôi định xin thêm một nhánh nữa vì tôi thường thích trồng cây cảnh thành từng cặp nhưng ngại không dám mở lời. Không hiểu sao, bạn ấy lại đọc được ý nghĩ của tôi, vói tay ngắt thêm một nhánh nữa: “ Cây này anh về trồng trong chậu để trên cao buổi tối ngắm chúng dưới ánh đèn trông cũng hay hay. Anh cố chăm đến tết cây nở hoa cũng đẹp lắm.”.






Tôi cám ơn bạn hí hửng mang cây về nhà ngay chiều hôm ấy đánh cây vào chậu. Tôi đãng trí không hỏi thăm bạn tên của hai loại cây này nên tự đặt cho cây lá xanh là “Tất Đạt” bởi dáng vẻ nghệ sĩ của cây giống với tính cách của bạn, và cây lá màu nâu là “Cà phê Văn” theo tên quán nơi cây từng được dưỡng. Từng ngày, từng ngày tôi chăm chỉ tưới, bón thêm đất, chỉ mấy tuần sau cây “Tất Đạt”đã phát triển xanh um, tôi phải bứng bớt qua chậu khác thành 3 chậu, chưng trong vườn. Hai chậu “Cà phê Văn” phát triển tốt tươi, mỗi cây lại tách thành hai nhánh, vươn lên như những lứa đôi hạnh phúc và không chờ đến Tết mới ra hoa như bạn Đạt nói, giữa tháng 12 dương lịch cây đã nở hoa và màu hồng phai dịu dàng của những cánh hoa kéo từ lúc ấy đến bây giờ để tôi có những chậu hoa đặc biệt chưng trong dịp tết. Mỗi lần nhìn cây, ngắm hoa, tôi lại thấy nét lạc quan bất kể dáng đi khó nhọc của thầy Lâm, nét dịu dàng, cẩn trọng trong từng động tác chăm sóc chồng của chị Thủy, những gương mặt thân thiết của “nhóm bạn 1974”.



Tôi cũng có dịp cùng ngồi với nhóm bạn này trong cuộc gặp thầy Nguyễn Giõng, thầy cô Cao Bính. Và cứ mỗi lần nhớ lại tôi hiểu rằng tình thầy trò luôn ẩn trong đó những điều bất ngờ, thú vị.

Có lẽ điều tôi hối tiếc nhất là những ngày thầy Bùi Dương Chi về thăm Ban Mê, tôi đã không sắp xếp được thời gian để đến gặp Thầy. Tôi đã nghe kể nhiều về Thầy, đã đọc những bài viết của Thầy và tôi thật sự kính trọng và ngưỡng mộ một người Thầy như thế. Một người Thầy của nhiều thế hệ học trò, một người Thầy của nhiều bà con dân tộc thiểu số, một người Thầy của những mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở ngay tại Hoa Kỳ.

CHUYỆN ĐÃ VIẾT XONG MÀ LÒNG VẪN CÒN MUỐN NÓI THÊM

Sáng mồng một Tết, tôi đã ngồi trước máy tính bàn cũ của vợ để gõ bài viết ngắn này trên tường facebook của mình. Nhưng được hơn nữa bài thì điện chập chờn và mọi thứ đã bị xó đi mất tiêu. Cái cảm giác bất an của người đang khai bút đầu xuân bỗng bút gãy ngang khiến tôi muốn treo bút cho đến qua ngày hạ nêu. Nhưng rồi không cưỡng được những gì đang chạy trong đầu, tôi lại lọ mọ gõ lại để gửi lên trước khi tổ chức “cúng đưa”. Hy vọng không có những điều không may với điềm xui rủi ấy. Và cám ơn các bạn đã đọc hết đến dòng cuối cùng này.

(5:15 PM mồng 3 tết Giáp Thân)
Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải

2 comments:

  1. Thân gửi anh Thanh Hải,
    Rất cảm ơn anh đã có đoạn viết rất tích cực về tôi. Tuy nhiên, tôi không phải là cựu giáo chức độc nhất của trường THBMT ngoài việc dậy học còn đóng góp công sức vào các sinh hoạt cộng đồng và thiện nguyện cũng như giúp đỡ thêm các học sinh gốc thiểu số ở Darlac và ở những địa phương khác khi họ rời BMT. Nhìn hình anh chụp với chị tôi rất tiếc không biết anh trước đây nhưng tôi nhận ra chị. Tôi xin lỗi không nhớ tên chị nhưng tôi nhớ có gặp chị vài lần với nhóm CHS 67-74 ở BMT hồi tháng 6/2015 và đã ngồi cạnh chị ôn lại ít chuyện ngày xưa. Tôi cũng nhớ đã chúc chị luôn luôn mạnh khỏe vì tôi thấy chị mảnh mai quá. Mấy hình cây kiểng rất đẹp. Dân Mỹ có câu "you have a green thumb [hay là green thumbs]" để khen tặng những người như anh chị đó.
    Bùi Dương Chi. THBMT 63-74

    ReplyDelete
  2. Đọc bài viết của thầy Hải, em cảm thấy thật thú vị trong những lời kể về chuyện đặt tên hoa! Sự tưởng tượng và sáng tạo độc đáo quá! Thầy có tay trồng cây, chứ còn để em trồng thì sẽ thấy lá là may mắn lắm rồi và dần dần lá cũng sẽ hồn phiêu diêu lên thiên đàng luôn...
    Em ngắm hoa thì hoa sẽ bình yên mà khoe sắc, còn trồng hoa thì kể như giao trứng cho ác vì em đi sớm về khuya, lấy ai tước nước, chăm sóc cây?
    Còn nói về tính nghệ sĩ của Đạt thì... khỏi chê thầy ơi! Một tảng đá giữa đường "giang hồ vặt" của Đạt, Đạt cố khuân về... rồi ngồi tưởng ra "đấy là em ngồi hong nắng trên đồi với mái tóc dài"! Không biết tảng đá ấy còn bên hiên Quán Văn không hả Đạt?

    Trò Kh.

    ReplyDelete