Saturday, February 6, 2016

Hoa và Thi Ca

Những năm trước 1975, tôi còn là sinh viên đang học ở Sài Gòn, mê xem xi-nê hay ngồi quán cà-phê nghe nhạc. Một lần xem một phim khoa học viễn tưởng ở rạp Rex có tên là Hầu tinh (La Planète des Singes) chẳng hiểu sao có những chi tiết nho nhỏ trong phim mà tôi nhớ mãi đến hôm nay. Một phi hành đoàn thám hiểm không gian, đáp xuống một hành tinh lạ. Họ đi trên một sa mạc không có sự sống cho đến một ngày họ chợt khám phá ra một bụi hoa nhỏ nép dưới hốc đá. Họ hét lên vui mừng vì đây là dấu hiệu của sự sống. Sau đó họ đi vào một khu rừng và bị một bầy khỉ tung lưới tóm gọn. Họ bị nhốt vào một nhà tù. Tại đây họ khám phá ra nhiều tù nhân đồng chủng như họ bị các bác sỹ khỉ mổ hộp sọ rồi khâu lại. Những người này bị biến thành những robot nô lệ, chỉ biết làm việc và không biết nói. Chỉ  có một vài người trong phi hành đoàn sau đó vượt thoát khỏi ngục, chạy mãi ra đến một bờ biển. Một nam phi hành đoàn chỉ kịp thở dài nhẹ nhõm, nhưng sau đó anh ta lại thét lên căm hờn khi phát hiện ra tượng Nữ thần Tự do gãy đổ, vương miện cắm vào vách đá bên bờ biển.

Tôi chỉ nhớ chi tiết gây ấn tượng nhất là khi phi hành đoàn phát hiện ra cụm hoa dưới hốc đá. Ôi hoa! hình tượng đặc trưng, không những cho sự sống mà còn cho cái đẹp của trái đất này. Hoa cũng tượng trưng cho phụ nữ mà Onassis, tỷ phú Hy Lạp, người cưới Jackie Kennedy_phu nhân cố tổng thống John Kennedy_ đã “kín đáo” nhận ra một điều mà bất cứ người đàn ông nào cũng cảm nhận được nhưng lại không “biết” nói ra: “Nếu trái đất này không có phụ nữ thì cánh đàn ông cố làm giàu hay gây chiến tranh để làm gì?”

Chỉ tưởng tượng đơn giản rằng một ngày bước ra khu vườn mà chẳng có đóa hoa nào, dù là hoa dại hay một “đóa hoa vô thường”, thì ngày hôm đó có còn thi vị nữa không?

Mỗi cuộc tình thường gắn bó với một loài hoa nào đó. Cánh hoa đó là chất xúc tác dẫn dắt đến kỷ niệm, mầu hoa đó tô thắm đậm cuộc tình, hương hoa đó phảng phất bàng bạc dư hương người con gái nào đó…
Hôm nay ta cùng bước vào khu vườn rực rỡ hương hoa đầu xuân. Đừng chần chừ nữa vì mùa xuân chóng tàn để chỉ còn là vùng kỷ niệm sau đó! 

Ngọc lan trầm ngát thu hương

 H.2 Một giống ngoc lan lạ, thơm ngát. Quận 7, Oct. 2015

Trong một khu vườn hay một công viên, chỉ cần hiện diện một cây ngọc lan trổ hoa thì vùng không gian xung quanh sẽ ngát hương, một thứ hương thanh cao đặc trưng không thể lầm lẫn. Cánh hoa ngọc lan thưa, trắng nuốt, phủ quanh đám nhụy vàng nhạt, nổi bật trên đám lá to xanh biếc. Hoa này một thời là quà tặng người tình của tôi ngày chủ nhật sau một tuần vắng bóng!

Có lẽ không ai có thể mô tả hoa ngọc lan hay hơn Dương Thiệu Tước. Lời nhạc óng ả như tơ, giai điệu mượt mà, quý phái. Đây là bản nhạc có thể loại độc nhất vô nhị trong nền âm nhạc Việt Nam theo cảm nhận của tôi.

Ta hãy lắng nghe đoạn chuyển tông dịu buồn ở điệp khúc cùng đoạn dứt (pour finir) thanh thoát, cao vút.

Ngọc lan dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng.
Ngọc lan nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mây cánh phong, nắng thơm ngoài song.
Nét thắm tô bóng chiều, giấc xuân yêu kiều, nền gấm cô liêu.
Gió rung mờ suối biếc, ý thơ phiêu diêu.
Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng mạch tuôn lai láng.
Dáng tiên nga giấc mơ Nghê thường lỡ làng.

Ngọc lan giọng ướp men thơ mát êm làn lụa bóng là,
Ngọc lan trầm ngát thu hương bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.

Bông hoa đời nghìn xưa tới nay
Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây.
Cho tơ chùng đàn hờ phím loan
Thê lương mây nước sắt se cung đàn.
Ôi tâm hồn nghệ sỹ chìm trong hương thắm
Nhớ phút khuê ly hồn mê tuyết hoa ngọc lan

Mờ mờ trong mây khói men nồng ủ ấp duyên hững hờ.
Dần dần vương theo gió, tơ lòng dâng bao cung thương nhớ.

 


Dạ lai hương

Một lần, sau bao năm xa cách, về thăm lại khu vườn hoang phế,
chợt xúc động nhận ra cây Nguyệt quế không người chăm sóc
mà vẫn vươn cao thành “cổ thụ”.
Hương nguyệt quế lan khắp xóm. BMT tháng 7-2015

Hoa nguyệt quế thơm ngát về đêm
Có một loài hoa nở về đêm, hương thoảng dìu dịu, lan toả rất xa. Một đêm trời đầy sao, giải ngân hà trải dài như một dòng sữa (la voie lactée), trời lặng gió, dạ lai hương nở trắng xoá trong vườn: Đêm thơm như một dòng sữa, lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà.
Gió dìu dịu, trăng toả sáng, hương quyện trong không khí tĩnh lặng: hương đêm. Phạm Duy không mô tả dung nhan của hoa mà chỉ nói bước chân nhè nhẹ của hương hoa làm đêm thêm thanh tịnh và thái hòa.

Ðêm thơm như một dòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà.
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya

Ðường đêm sao yên vui, người đi quen lối
Tình trai nở bốn phương trời.
Ðàn em trong cơ ngơi
Nhờ đêm đưa tới những ai làm ngát hoa đời
Nhịp bàn chân, hương đêm ơi!
Nhịp bàn tay, hương đêm ơi!

Lung linh trăng lại về nữa
Cánh gió đưa hương ngả đầu mây phất phơ
Ðêm thơm không phải từ hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà

Ðời ngon như men say tình lên phơi phới
Ðẹp duyên người sống cho người.
Ðời vui như ong bay, ngọt lên cây trái
Góp chung mật sống lâu dài
Nhịp bàn tay nhân gian ơi!
Nhịp bàn tay hương yêu ơi!

Ðêm đêm trước khi ngủ kỹ
Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ
Ðêm thơm thêm một lần nữa
Rồi hẹn nhau thương nhớ





Hoa phượng trong khuôn viên La Salle Tabert, Sài Gòn, tháng 5-2015

Nền âm nhạc Miền Nam Việt Nam trước 1975 có hai nhạc sỹ cùng mang chí  hướng “tang bồng hồ thỉ nam nhi trái”: Lâm Tuyền và Nguyễn Văn Đông. Lâm Tuyền mang chí tang bồng lãng tử của cánh chim âu sải cánh cho mỏi rồi mới hồi hương (Khúc nhạc Ly hương, Hình ảnh một buổi chiều, Tiếng thời gian, Tơ sầu, Trở về dĩ vãng, …), còn Nguyễn Văn Đông (Chiều mưa biên giới. Mấy dặm sơn khê, Nhớ một chiều xuân, Sắc hoa mầu nhớ, Hàng hàng lớp lớp, Phiên gác đêm xuân,  …) mang chí tang bồng của nhà binh, không ngạc nhiên lắm vì ông là sỹ quan quân đội, nhưng lòng vẫn canh cánh vì vận nước nổi trôi: Non nước ơi, bèo trôi theo sóng đưa …. Nhạc Nguyễn văn Đông có giai điệu man mác của những cuộc tình mong manh của người trai còn nợ nước qua những lần ghé thăm người tình rồi lại phải ra đi … Tuy là dân nhà binh nhưng nhạc của ông không mang mùi súng đạn tàn sát, nếu có, lại chỉ có một lần mang nét buồn vì nhớ người tình hay chỉ thoáng qua giây phút ngắn ngủi bên người tình: Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê qua ngàn chốn sơn khê … hay Xác hoa tàn rơi trên báng súng, ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi.

Hoa vẫn là hình tượng không thiếu trong nhạc của Nguyễn Văn Đông. Hoa bốn mùa xuân-hạ-thu-đông đều gợi niềm cảm hứng, trải dòng nhạc cho tình yêu. Thấy hoa lại nhớ người yêu: Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người, chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ … Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời … (Nhớ một chiều xuân)

Nếu bên trời Âu hoa bruyère (thạch thảo) tượng trưng cho biệt ly thì ở xứ ta hoa phượng vỹ báo hiệu từ ly!_ Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi, sắc tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy … (Sắc hoa mầu nhớ). Chiều hành quân qua xóm nhỏ, thấy xác pháo hồng tươi như phượng vỹ, biết người xưa qua sông, dù thấy trong lòng dậy sóng gió mưa nhưng rồi vẫn phải bước tiếp mà không thể dừng chân được! Ôi, màu áo kaki nhân bản!

Hoa phượng rơi đón mùa thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Sắc tươi màu pháo vui
Tiễn em chiều năm ấy

Xưa từ khu chiến về thăm xóm
Ngàn xác pháo lấp ánh sao hôm
Chiều hành quân nay qua lối xưa
Giữa một chiều gió mưa
Xác hoa hồng mênh mông

Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gửi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Xa rồi vẫn nhớ, một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi rơi trong lòng tôi

Thu vừa sang sắc hồng tô lối
Tình thu thắm thiết quá thu ơi
Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi
Nhớ muôn vàn nhớ ơi
Hát trong màu hoa nhớ

Tôi lại đi giữa trời sương gió
Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi
Chiều thu sau không qua lối xưa
Đến những trời gió mưa
Xác hoa hồng mênh mông,

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Chiều hành quân anh đi về cánh rừng thưa, thấy sắc hoa tươi nên mơ mầu áo năm xưa. Hình ảnh người lính quanh năm xa nhà, xa người yêu. Một chút gì gợi đến kỷ niệm cũng nhớ đến người yêu: hoa cúc và hoa rừng vàng, hay hoa mai, ai biết được!

Phạm Đình Chương được xem là nhạc sỹ phổ thơ có hồn nhất của nền âm nhạc Miền Nam Việt Nam. Bài Mầu kỷ niệm ông phổ từ thơ Nguyên sa là một trong bài độc đáo, cùng với Mộng dưới hoa – thơ Đinh Hùng, Nửa hồn thương đau – thơ Thanh Tâm Tuyền …

Nhớ ngày nào tan trường về chung lối
Mắt thuyền sương, nghiêng nón ngất ngây đời.
Lòng trao lòng cho tình vút lên khơi,
Cho ngon mầu trìu mến ướt lên môi.

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu luyến thương.

Ngày hành quân anh đi về cánh rừng thưa
Thấy sắc hoa tươi nên mơ mầu áo năm xưa.
Kỷ niệm đâu len lén trở về tâm tư
Có mắt ai xanh thắm trong mộng mơ.
Hẹn ngày mai khi tan giặc sẽ cùng nhau.
Góp hết hoa thơm chung tay xây kết mộng đầu.
Trời thần tiên đôi bướm nhịp nhàng lả lơi.
Nương cánh nhau đi xa hơn cả cuộc đời.

Ôi mầu hoa! mầu thương nhớ.





Nếu mỗi loài hoa được ươm trồng nâng niu trong vườn và được đặt tên mỹ miều không lầm lẫn thì trong những cuộc tình lãng mạn ở chốn đồng nội, người con gái thường được tặng một bó hoa nhỏ hay hoa được tết một vòng mảnh khảnh rồi đặt lên đầu như vương miện khiến nét khả ái của người con gái còn tăng lên gấp bội. Có lẽ chỉ có mấy anh em ban Bee Gees nhà họ Gibb mới lột tả hết được nét đẹp này khi thì thầm với chúng.

Hoa gì vậy nhỉ?

Wildflower

Wildflower, sacrifice everything
In a wonderland that you know
It's crazy that I'm clear out of my mind
A wonderful place to be.

Hoa dại, hãy hy sinh mọi thứ
Trong một vùng đất thần tiên mà em biết đến.
Thật điên rồ khi tôi xóa sạch khỏi tâm trí mình
Một chốn kỳ diệu (như thế) để ở.

Wildflower, sweet as the morning light
If I blink an eye, will you go?
I'm starting to care much more than I dare
A wonderful thing to see
And what do we know

Hoa dại, dịu ngọt như ánh sáng ban mai
Tỷ như tôi nháy mắt, liệu em sẽ biến mất đi chăng?
Tôi sẽ bắt đầu lưu tâm nhiều hơn tôi là tôi dám
đến một thứ kỳ diệu để nhìn ngắm
Cùng với điều chúng ta biết.

First say, 'You love me'
And then say, 'You leave me'
But we never say goodbye
God, you're an angel
But even an angel must choose

Trước hết hãy nói, “Anh yêu em”
Rồi hẵng nói, “Anh bỏ em”
Nhưng ta chớ bao giờ nói lời giã từ
Chúa ơi, em là một thiên thần!
Thế nhưng ngay cả một thiên thần cũng phải chọn lựa chứ.

Someone will hurt you
And when you stop running
There's only this love of mine

Ai đó sẽ làm em đau
Và rồi khi nào em ngừng chạy
Thì chỉ còn lại mỗi tình yêu này của tôi thôi.

Wildflower, sacrifice everything
In a wonderland that you know
If older is wise, one look in your eyes
I'm younger than I should be
And only time, waiting for you to grow

Hoa dại, hãy hy sinh mọi thứ
Trong một vùng đất thần tiên mà em biết đến.
Nếu già đi chính là khôn ngoan thì (chỉ) một cái nhìn trong mắt em
Tôi sẽ trẻ ra hơn là tuổi tôi phải mang
Và rồi chỉ khi đó tôi mới chờ đợi em mọc lên.
                                             Phùng Ngọc Cửu dịch

First say, 'You love me'
And then say, 'You leave me'
But we never say goodbye
God, you're an angel
But even an angel must choose
Someone will hurt you
And when you stop running
There's only this love of mine
Wildflower, sacrifice everything
In a wonderland that you know
If older is wise, one look in your eyes
I'm younger then I should be
And only time, waiting for you to grow




Cuối năm 1973, lần đầu tiên đến Dalat để thực tập sáu tháng ở đây, tôi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp và đời sống văn hóa thành phố này. Dalat là thành phố duy nhất ở Miền Nam có sắc thái riêng biệt. Ngoài thông bạt ngàn vi vu như tiếng thác nước từ xa, hồ Xuân Hương với hàng đào rừng phớt hồng nở rộ vào cuối năm làm cho hồ nước với nhà Thủy tạ rực rỡ hơn dưới ánh nắng chiều. Dalat với những buổi sáng sương mù dầy đặc, có khi đứng cách nhau vài mét không nhận diện được, càng làm cho thành phố mờ ảo khi mà, đứng bên đây đồi khách sạn Palace, thành phố chìm khuất trong màn sương dầy như mây trắng, chỉ còn vài ngọn thông nhú trên lớp bông gòn trắng đục này!

Con gái Dalat vào mùa này má ửng hồng như hai quả đào. Chủ hàng quán bên chợ lầu thường mặc áo dài, dù là bán quán ăn. Café Tùng truyền thống và quán Lục Huyền Cầm của vợ chồng Lê Uyên Phương thỉnh thoảng ca sỹ Khánh Ly từ Sài Gòn lên góp tiếng hát là hai nơi tôi thích đến.

Ngày đó hoa đẹp tập trung ở vườn Bích Câu dưới chân Đồi Cù nhưng tôi vẫn thích hàng đào rừng ven hồ hơn.

Đào rừng Thailand, 2013, chỉ mang tính thuyết minh

Hơn ba mươi năm sau tôi có dịp quay lại chốn này để cảm nhận rằng … “Hãy yêu những gì bạn sẽ không bao giờ gặp lại lần thứ hai trong đời”!

Ai trước đây có kỷ niệm với Dalat hãy giữ trong lòng thì nhớ … đừng quay lại thành phố này nữa nhé!

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.

Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.

Ôi! màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào.
Ôi! màu hoa đào như môi hồng người mình yêu,
Ôi! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.

Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa,
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
                                                           Nhạc và lời Hoàng Nguyên



Hôm nay trời xuân bao tươi thắm, dừng gót phiêu linh về thăm nhà. Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi, tôi đã hình dung nét ai đang cười. …  Hoa đào đầu xuân đón người phiêu linh về thăm nhà, nhưng một loại bông hoa khác mới thật là chứng nhân của mối tình với cô hàng xóm.

Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi.

Ngày còn học trung học, chắc không ít bạn bè cùng trang lứa với tôi mê đọc Điệu ru nước mắt của Duyên Anh. Ngoài nhân vật chính Trần Đại mã thượng, du đãng nhưng lại rất trí thức _ nói tiếng Pháp như gió _ lại vô cùng nghệ sỹ khi tán nàng Tường Vi (tôi không chắc lắm về tên người con gái này khi đọc tác phẩm này gần 50 năm trước đây!) làm caissière cho quán café của gia đình của cô bằng bài hát Cô láng giềng của Hoàng Quý.

Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười

Tôi mơ trời xuân bao tươi thắm
Đôi mắt trong đen màu hạt huyền
Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn dâng sóng
Xao xuyến nỗi niềm yêu

Cô láng giềng ơi! Không biết cô còn nhớ đến tôi
Giây phút êm đềm ngày xưa kia, khi còn ngây thơ
Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời tôi không hề
quên bóng ai bên bờ đường quê, đôi mắt đăm đăm chờ tôi về

Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly!

Cô láng giềng ơi! Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi
Chân bước vui bên bờ đường quê
Em có hay chăng giờ tôi về?

Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi

Bài hát còn lời thứ hai nối tiếp chuyện tình của lời thứ nhất của chàng trai bẽ bàng, rảo bước chân sáo vui tươi về xóm cho đến khi Trước ngõ đầu thôn nghe tiếng pháo, chân bước phân vân lòng ngập ngừng! Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao, tôi biết người ta đón em tưng bừng … Thôi thì ra bờ dậu năm xưa để Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi … và để ngậm ngùi … Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi!  Thôi thì đành quay gót không hẹn ngày về: Chân bước xa xa dần đường quê. Ai biết cho bao giờ tôi về!




Ta cùng đọc bài thơ Còn chi nữa của Lưu Trọng Lư trong tập Tiếng Thu phát hành năm 1939, rồi thưởng thức âm điệu trầm buồn do Phạm Duy phổ nhạc dưới tựa đề Hoa rụng bên sông.

Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng,
Đừng vỗ nữa, tình ơi!

Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi.
Tình anh đà xế bóng,
Còn chi nữa, em ơi?

Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối?
Chân nâng trên đường sỏi,
Sương lá đổ rộn ràng.

Trăng nội vẫn mơ màng
Trên những vòng tóc rối.
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi

Còn đâu những giờ nhung lụa:
Mộng trùm trên bông
Tình ấp trong gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng?

Còn đâu mùi cỏ lạ
Ướp trong mớ tóc mây?
Một chút tình thơ ngây
Không còn trên đôi má.


  
Những vật thể trong lời nhạc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh thường được lập lại là mầu xanh của áo mà người tình của ông thường mặc trong bài Tà áo xanh, hay mầu áo xanh là mầu anh trót yêu trong Thu quyến rũ, hoặc Anh quay về đây đốt tờ thư quên đi niềm ân ái ngàn xưa trong bài Lá thư hay nhặt mấy cánh hoa để kèm vào thư, lá thư xanh mầu yêu …

Ông ít nhắc đến hoa, chỉ  duy nhất hoa lan hương mầu trắng như duyên em thầm kín trong bài Cánh hoa duyên kiếp, nhưng chẳng biết hoa lan hương ông muốn đề cập đến là loại hoa gì.

Hoa lan hương mầu trắng _ Narcisse?

Hoa lan hương _ Lan hồ điệp-Phalaenopsis?

Chẳng quan trọng! Nhắc đến hoa là đẹp rồi! Ở một đoạn khác, Đoàn Chuẩn lại than thở: Hồng nào xinh không gai, bướm kia đâu ngờ bẽ bàng, yêu một sớm nhớ nhau bao mùa thu … mặc dù nghe nói bà Đoàn Chuẩn rất xinh gái! Có lẽ ông cũng trầy trật lắm mới chinh phục được bà: Il n’y a pas de rose sans épines!

Từ một nơi xa xôi cách bao núi rừng suối đồi
Anh gởi mấy cánh hoa về người yêu.
Hoa lan hương màu trắng như duyên em thầm kín
Trong hương thu màu tím buồn.
Hẹn một ngày nao khi màu xanh lên tà áo
Tình thương lên quầng mắt anh đón em về thuyền mơ.

Đêm hôm nay chợt nhớ tới nơi xa
Lúc anh về nhặt mấy cánh hoa.
Kèm vào thư lá thư xanh màu yêu
Cánh hoa duyên kiếp này tìm em trong ý thu.

Hồng nào xinh không gai, bướm kia đâu ngờ bẽ bàng
Yêu một sớm nhớ nhau bao mùa thu
Em tôi hay hờn lắm hay tô thâm quầng mắt
hay mua hoa màu trắng về
Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối
Rồi tan trong chiều vắng khi gió thu về thành mưa.

Đêm hôm nay ngồi dưới ánh trăng thu
Viết tơ lòng gửi tới cho nhau
Rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư
Tới em đôi mắt sầu kèm theo bao ý thơ.




Có lẽ không ít người ở thế hệ trước 1975 ở Miền Nam Việt Nam lại không biết bài Mơ Hoa của Hoàng Giác, đồng tác giả những bản nhạc nổi tiếng khác: (Tung cánh chim tìm về tổ ấm) Ngày về, Lỡ cung đàn. Những bản nhạc thời ấy có bìa vẽ theo nội dung bản nhạc theo cảnh và người rất quen thuộc của họa sỹ Phi Hùng hay Bạch Đằng, hoặc vẽ theo lối lập thể có Duy Liêm nổi tiếng một thời, hoặc nét cọ rất … liêu trai với Kha Thùy Châu. Nhiều khi ai đó thích bản nhạc cũng thích và nhớ luôn … bìa nhạc.

Hình bìa một bản nhạc quen thuộc một thời

Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân
Trên đường thẳm xa, tôi nhắn cô em đôi lời
Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên,
Quên người gặp gỡ trong một chiều mơ.

Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa,
Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa.

Tan giấc mơ hoa, bóng người khuất xa,
Đôi đường từ đây ai bước đi không hẹn ngày,
Người tuy xa cách nhưng lòng ta khắc ghi,
Bên đèn một bóng tháng ngày chờ mong

Lưu luyến chi nhau, thêm sầu đớn đau
Muôn trùng từ đây, trong gió sương thân giang hồ.
Đường xa xa tắp ngại ngùng chân bước đi,
Bên lòng thầm nhớ bóng hình người mơ.

Trên đường xa vắng bóng ai mờ khuất lòng thêm vấn vương,
Gió thông xa đưa reo buồn sầu nhớ tới người chiều xưa

Cô hái hoa ơi! Mắt mờ đoái trông,
Sao đành thờ ơ, trong giấc mơ ta mong chờ,
Dù hoa quen bướm âm thầm riêng có ta
Hoa còn tàn úa tơ lòng còn vương



Nhưng hoa nở để mà tàn. Đẹp “quyến rũ khói sương” như phù dung thì cũng sớm nở tối tàn, bền đến cả tháng như cẩm tú cầu (hydrangea/Hortensia) hay thậm chí hoa có tên là bất tử (immortel) cũng không sống đời được.

Hydrangea/Hortensia/Cẩm tú cầu rực rỡ

Vậy thì Kiếp hoa như dòng nhạc điêu luyện của Dương Thiệu Tước, với hợp âm trưởng khi hoa khoe sắc ban mai, chuyển sang hợp âm thứ khi về chiều. Thanh Lan một thời trẻ trung lôi cuốn giới trẻ đương thời chắc cũng ngậm ngùi khi trình bày bài hát này.


Trong vườn chiều êm nắng tươi 
Đàn bướm lượn bay tưng bừng 
Màu cánh vàng xanh trắng hồng
Rung rinh lướt êm lẫn cùng sắc hoa 

Vui đùa lững lờ bên hoa 
Bầy én lượn bay tưng bừng 
Ngàn tiếng đồng ca vang lừng
Hầu như lãng quên tháng ngày dần trôi

Nhưng bên luống hoa kìa ai ngồi thở than
Thương cho đời hoa khéo sao sớm nở tối tàn 
Mà giờ đây muôn hoa thắm tươi hương theo gió đưa 
Trong muôn sắc huy hoàng, ai có ngờ đâu
Khi ánh tà dương lắng sau màn sương. 
Hoa lìa cành biếc hồn theo gió vương .

Đàn ai tơ vương
Cho khuây mối sầu thương.



Mon amie la Rose

Một sự trùng hợp thú vị về nội dung khi Việt Nam có bài Kiếp hoa thì Pháp có bài Mon Amie la Rose, được phổ nhạc từ bài thơ của Cécile Caulier và Jacques Lacombe, do Françoise Hardy trình bày với nét mặt thanh tú và dịu buồn.

On est bien peu de choses et mon amie la rose me l'a dit ce matin.
"À l'aurore, je suis née, baptisée de rosée.
Je me suis épanouie, heureuse et amoureuse.
Au rayon du soleil, je me suis fermée la nuit, me suis réveillée vieille.
Pourtant j'étais très belle, oui, j'étais la plus belle
Des fleurs de ton jardin."

Tôi đây chỉ là vật nhỏ bé, còn bạn gái tôi là đóa hoa hồng đã nói điều ấy sáng nay với tôi.
“Vào lúc bình minh tôi được sinh ra, được làm phép bằng sương mai.
Tôi rạng rỡ, hạnh phúc và yêu thương
dưới tia nắng. Rồi tôi khép lại trong màn đêm và thức dậy già nua.
Tuy nhiên, tôi đã từng đẹp nhất. Vâng, tôi đã từng đẹp nhất
Trong những đóa hoa ngôi vườn của bạn.”

On est bien peu de choses et mon amie la rose me l'a dit ce matin.
"Vois le dieu qui m'a faite, m'a fait courber la tête
Et je sens que je tombe, et je sens que je tombe.
Mon cœur est presque nu, j'ai le pied dans la tombe, déjà je ne suis plus.
Tu m'admirais hier et je serai poussière pour toujours demain."

Tôi đây chỉ là vật nhỏ bé, còn bạn gái tôi là đóa hoa hồng đã nói điều ấy sáng nay với tôi.
“Hãy nhìn thượng đế đã tạo ra tôi, đã làm đầu tôi cúi xuống
Rồi tôi cảm thấy mình ngã, rồi tôi cảm thấy mình ngã
Tâm tôi gần như trần trụi, bàn chân tôi nằm dưới nấm mồ, rồi tôi chẳng còn hiện hữu nữa.
Hôm qua bạn vẫn còn chiêm ngưỡng tôi, rồi mai đây tôi sẽ vĩnh viễn là cát bụi.

On est bien peu de choses et mon amie la rose est morte ce matin.
La lune cette nuit, a veillé mon amie.
Moi en rêve j'ai vu, éblouissant les nuits.
Son âme qui dansait bien au-delà des nues et qui me souriait.
Croit celui qui peut croire.
Moi, j'ai besoin d'espoir sinon je ne suis rien
Ou bien si peu de choses, c'est mon amie la rose qui me l'a dit hier matin.

Tôi đây chỉ là vật nhỏ bé, còn bạn gái tôi là đóa hoa hồng đã chết sáng nay.
Đêm nay vầng trăng đã trông chừng bạn gái tôi.
Tôi, trong cơn mơ đã thấy trong những đêm rực rỡ
Tâm hồn em, lúc đó đang khiêu vũ ở bên kia thế giới của những tâm hồn trần trụi và rồi mỉm cười với tôi.    
(Tâm hồn em) tin ai đó còn có thể tin.
Còn tôi ư, tôi cần hy vọng, nếu không tôi chẳng là gì cả?
Hoặc là quá nhỏ nhoi, đó chính là bạn gái hoa hồng của tôi đã nói điều ấy sáng nay với tôi.
                                                                        Phùng Ngọc Cửu dịch


Françoise Hardy



Cherry blossom _ A blossom fell

Một nét văn hóa thú vị, theo “kinh nghiệm” của người Gypsy, một chủng tộc có gốc Châu Á phát xuất từ Romania, thường du mục đó đây trên xe kéo lợp vải, sành ca hát và bói toán _ cho rằng, nếu một cánh hoa _ blossom, hoa từ cây lớn cho quả, chứ không phải hoa bụi nhỏ _ mà rụng xuống môi một phụ nữ nào thì chớ dại tin nàng ấy: bội tình đấy!

Nếu sau này tình cờ nghe lại giọng hát của Nat King Cole thì các bạn nam nhớ kỹ kinh nghiệm này nhé!

A blossom fell from off a tree
It settled softly on the lips you turned to me
The gypsies say and I know why
"A falling blossom only touches lips that lie"
A blossom fell and very soon
I saw you kissing someone new beneath the moon
I thought you loved me, you said you loved me
We planned together to dream forever
The dream has ended, for true love died
The night a blossom fell and touched two lips that lied.

Một cánh hoa rơi từ một (nhánh) cây
Cánh hoa đậu mềm mại trên đôi môi mà em quay về phía tôi.
Người du mục Di-gan nói nên tôi hiểu vì sao rồi:
"Một cánh hoa rơi chỉ chạm vào đôi môi nào gian dối thôi".
Một cánh hoa rơi rồi chẳng mấy chốc
Tôi thấy em hôn một người nào đó vừa mới đến dưới ánh trăng.
Tôi ngỡ rằng em đã yêu tôi,còn em đã nói yêu tôi.
Đôi ta cùng nhau dự định mơ màng mãi thôi.
(Nhưng rồi) Giấc mộng tàn bởi tình yêu chân thật đã chết
Vào buổi tối mà một cánh hoa đã rơi rồi chạm vào đôi môi gian dối.
                                                                                  Phùng Ngọc Cửu dịch




Mai trắng


Xuân ở Việt Nam, được hiểu là tết, là mùa hoa nở rộ. Ngày xưa, một thời thanh bình dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa, khi chiến tranh chưa tàn phá đất nước thì cây cỏ tốt tươi: Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Tiếc rằng cảnh thanh bình ấy đã sớm lụi tàn.

Thôi, hãy dẹp bỏ muộn phiền để dành cho mình một phút thanh thản với Hoa xuân. Hoa sẽ nở và sớm nở trên đất nước Việt đáng thương và đáng yêu này.

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi
Thấy hoa tươi cuời bỗng thương đời

Xuân! Hoa còn tươi mãi
Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui
Xuân! Hoa nở vì ai
Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai
Có một chàng thi sĩ miền quê
Ngắt bông hoa biếu người xuân thì
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về

Những đoàn người trên luống cầy nâu
Thấy hoa xuân phép lạ ra màu
Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu
Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu
Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao
Bắt tay nhau tránh cuộc cơ cầu
Người cùng mùa đã thoát vực sâu
Sức reo hoa nở lúc Xuân đầu

Xuân! Hoa tỏa hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân! Hoa là tình tôi.
Ðua nở cùng ai cùng quyến luyến mọi nơi
Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thúi hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già.
                                     Nhạc và lời Phạm Duy




Vườn hồng năm xưa, Ban Mê Thuột, tết Giáp Thân, 2004.

Những ngày tháng êm đềm nơi vườn nhà vui với cỏ cây. Xuân năm ấy, mấy trăm gốc hồng rộ hoa cùng một lúc, hương tỏa ngát, ngào ngạt và rực rỡ vào những ngày giao mùa: cuối và đầu năm.
Tháng 7-2015, nhân một chuyến về Ban Mê Thuột thăm mẹ già, tôi quay lại căn nhà xưa đã bỏ hoang 8 năm!  Vườn xưa tan tác không còn gì ngoài cỏ dại và lau sậy. Thật kỳ diệu, cây nguyệt quế vốn được săn sóc kỹ ngày xưa, qua bao năm tháng không ai chăm chút, nay vụt lớn quá mức tưởng tượng, hoa vẫn trổ hương thơm ngào ngạt!

Come back to Soriento! Trở về mái nhà xưa!

Vườn xưa còn thoảng hương em,
Vấn vương theo gió sợi mềm tóc xanh.
Chim bay bỏ nhánh khô cành
Người xưa xa thẳm bước đành về đâu?
                                                  Hồng  A

Viết và gửi từ Thái-Lan, một chiều cuối năm.
Ngày 6 tháng 2 năm 2016, nhằm ngày 28 tháng chạp âm lịch.

Phùng Ngọc Cửu.

7 comments:

  1. Thân gửi CHS PN Cửu,
    Tôi vừa viết xong mấy nhận định dài lê thê về bài "Hoa và Thi Ca" rồi gửi cho anh và nhóm THBMT74 qua Email. Mệt quá, nên tôi quên không kể hai chuyện "đáng yêu" về Hoa.
    1/. Hoa Cẩm Tú Cầu. Hồi tôi còn trẻ, khoẻ, đẹp giai nhưng nhà nghèo có lần được một hoa khôi trong chòm xóm hứa nếu tặng cô ấy đúng loại hoa mà cô ấy thích thì cứ mỗi cánh hoa, cô ấy sẽ cho "mi" một cái. Tôi đã nghe 2 "cậu cả con bà hai" cam đoan đó là hoa ngọc lan nhưng tôi nghĩ hoa chắc tụi nó xúi bậy. Tôi đoán là Cẩm Tú Cầu xanh biếc pha mầu tim tím vì đã đẹp mà lại có tới cả trăm cánh. Đúng thì "mi" cả tháng mới đã. Ai ngờ Bụt đã bảo "Tham thì thâm" thành ra đành phải lén bỏ thùng rác cho đỡ mắc cở với bà con lối xóm.
    2/. Tôi không thấy anh cho hoa chuối vào bài viết. Hoa chuối vửa to đẹp, vừa ăn được. Bún Riêu(?) mà không có hoa chuối thì không thể kể là đủ vị được. Chuyện hay về hoa chuối chắc anh biết nhưng rất có thể nhiều người Việt lớn lên ở nước ngoài không biết. Chuyện rằng, xưa ở nước ta, những ai đỗ Thám Hoa (không biết có phải là Tiến Sĩ hạng Magna Cum Laude không?)thì vua cho đi thăm vườn Thượng Uyển. Ai thích hoa nào thì vua sẽ cho thợ làm hoa bằng vàng cùng kích cỡ. Nghe nói chỉ có một ông dám chọn hoa chuối. Vua ban cho nhưng cấm bán và đi đâu cũng phải đeo vào cổ.
    BDChi. THBMT 63-74.

    ReplyDelete
  2. Trò Kh. đọc "câu chuyện tình bật mí" của thầy Chi thì tủm tỉm cười ruồi một mình rồi phá lên cười ... ha... hả... thầy ơi!
    Ai cũng có một thời sao "khờ dại"
    Đi qua rồi ngoái lại, vẫn còn thương
    Ồ lạ quá... chỉ vì em là con gái
    Ta có em là có cả thiên đường

    ReplyDelete
  3. Anh Cửu thuộc nhạc nhiều ghê nơi... và anh nối kết những mẩu hoa ấy thành một bài viết thật khéo léo. Thế còn HOA HỒNG của riêng anh thì sao ạ? Ừ thì... chắc sẽ bài viết riêng thật đặc biệt dành cho loài hoa rất riêng ấy trong cuộc đời anh?

    Kh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phùng Ngọc Cửu trả lời nhận định của Kim Hương

      Chào cô Kim Hương,

      Lễ và nhạc là hai giá trị nhân bản chỉ hiện hữu trong nhân trị chủ nghĩa của Khổng tử (có đề cập đến một trong những tấm lịch mà thầy Chi giới thiệu với chúng ta đường link của ts Nguyễn Xuân Diện).

      Lễ thì tôi không "thích" lắm vì nó vừa khó học, vừa có vẻ "cụ", "đạo mạo" quá!

      Thật lòng, tôi yêu nhạc theo tinh thần nghệ thuật hơn là giáo dục, vì vậy tôi thuộc nhiều bài hát từ thuở ... lên ba. Tôi càng yêu nhạc hơn khi xác định rằng bất cứ ai có chút lòng mến yêu nhân trị chủ nghĩa đều có thể yêu nhạc, thứ nghệ thuật tự nhiên như ... chim, nhưng những người mệnh danh là tiến bộ (XHCN) đã không biết ca hát lại còn rắp tâm tiêu diệt sở thích tự nhiên này của con người (nhạc vàng).

      Tôi nói nhỏ rằng sẽ không dại gì viết thêm về hoa Hồng đâu. Kinh nghiệm của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn còn sờ sờ ra đấy. Tôi rất sợ bị gai chích thêm rồi!

      PN Cửu

      Delete
  4. Xin lỗi bạn đồng nghiệp Đại Hiền và Hậu (hình như có học Đệ Nhất ở THBMT?) tôi quên không nhắc CHS Phùng Ngọc Cửu là trong tấm hình dưới bài "Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân.." có ghi Trần Thái Hoà (phối) > ca nhạc sĩ hải ngoại nổi tiếng và là con của cặp Hiền Hậu đó. Thái Hoà hát trầm ấm đến độ em gái tôi cách đây chắc cũng đến gần chục năm và hai bà bạn (khi đó đều trong tuổi lục tuần và goá chồng) tâm sự với tôi đại khái là "ông này hát giọng trầm ấm đàn ông quá, tụi này phải ra mắt xem có duyên gì hay không?". Tôi bảo Thái Hòa là con bạn đồng nghiệp của tôi, bằng tuổi con các cô! Mấy "bà già giặc" hết "Mơ Hoa".
    BDChi

    ReplyDelete
  5. Nhận định đầu tiên của Thầy Bùi Dương Chi

    Thân gửi CHS Cửu,

    Tối mất gần 1 tiếng đồng hồ đọc để thưởng thức ca nhạc, thơ và ngắm hoa. Lẽ ra phải viết "Nhận Định" vào cuối bài nhưng tôi ngại nhỡ bấm (click) sai [khung] thì phí công "phun châu, nhả ngọc" nên tôi viết Email cho anh và nhóm THBMT 74 cho chắc ăn.

    Các bài hát và các danh ca thì tôi đều nhớ nhạc, lời và tên (kể cả người nước ngoài) chỉ trừ 2 ca sĩ Lưu Hồng và Mai Thiên Vân. Nhạc thì vẫn còn nhớ nhưng lời thì không nhớ hết. Nhạc sĩ thì nhớ lại hết tên nhờ anh kể ra + viết lại nguyên tác phẩm & ghi lại tên bài ca.

    3 bài thi/ca nước ngoài thì hôm nay mới đọc nhưng tôi cảm nhận được ngay ý thơ một phần cũng nhờ có các bài dịch thành thơ và tiếng hát rất hay của mấy ca sĩ nước ngoài mà tôi vẫn nhớ tên.

    30 Tết, ngồi nhìn cây cối trụi lá, trời mây mờ xám mà được đọc thơ, nghe ca/nhạc và nhìn những hình ảnh hoa muôn mầu qua những đoạn văn lúc thì thâm trầm, lúc thì lãng mạn của anh nên không thể không ngỏ lời khen ngợi được.

    Hơn nữa, anh compose bài này vào ngày 28 Tết ở Thái Lan càng khiến tôi được/phải sống lại mấy lần tôi nằm một mình ở Bangkok chờ lấy Visa vào VN cách đây 23 đến 24 năm vào dịp Tết Ta vì Spring Semesters thuờng bắt đầu từ cuối January hay đầu February vì là "Visa làm việc" chứ không phải "visa rời" (visa đóng vào giấy riêng dành cho Việt kiều ở Mỹ về thăm thân/du lịch VN chứ không đóng hẳn vào passport vào thời điểm đó). Có lần buồn quá, tôi mua nhang và bánh ngọt đem ra sân Hotel cúng Giao Thừa! Tôi đoán anh may hơn tôi vì anh có cháu gái đã học thành tàì và hiện ở Thái Lan.

    Tôi tiếc rằng-ca sĩ thì nhất rồi, toàn là cỡ thượng thẳng- nhưng không có "ngâm thơ sĩ".

    Hình ảnh thì nhất rồi. Tôi đoán phần lớn là anh hay Hồng A chụp phải không?

    Bài nhận định của tôi thuộc loại "giây cà ra giây muống" [xin người đọc thông cảm cho] vì bài viết cũng vậy nhưng rất đặc sắc nên tôi xếp vào loại "giây cà ra dàn hoa ti-gôn" là loại hoa mà "nửa phần tốt đẹp của anh" (your better half) đã tiết lộ trong một bài về du lịch Thái Lan là chị ấy ưa chuộng.

    NHÂN ĐÂY, tôi "sửa sai" phụ đề H.2 = Ở ngoài Bắc, vùng Hà Nam Phủ Lý, gọi hoa đó là Di Lăng (Y Lăng).

    Mới nở thì các cánh hoa mầu xanh lợt, sau đó chuyển sang mầu vàng rồi tàn rụng. Ngọc lan thì mầu trắng.

    Còn loại hoàng lan, tôi chỉ thấy ở ngoài Bắc, cũng thơm như ngọc lan nhưng hoa mầu vàng lợt rổi chuyển sang vàng.

    VỀ NHẠC SĨ: Hoàng Nguyên là nhạc sĩ độc nhất tôi quen biết nhiều vì anh ấy là bạn học cùng ban Anh Văn và cùng lớp ở ĐH Sư Phạm Saigon. Tên khai sinh là Cao Cự Phúc. Anh ấy hơn tôi và các bạn trong lớp từ 4 đến 6 tuổi. Gọi là "anh" vì anh ấy phải nhập ngũ và mấy năm sau tử nạn xe hơi khi còn rất trẻ. Bài ca theo tôi cảm động nhất là bài "Cầm tay anh, em hỏi đường nào lên thiên thai... nơi hoa xuân không hề tàn, nơi bướm xuân không hề nhạt, ........(trả lời) Anh nào biết đường lên Thiên Thai, khi trời đất còn vương thương đau, khi hồn anh chưa biết sẽ về đâu...". Đây không phải là bài "tình ca" mà hai nhân vật là một em bé ăn mày và Hoàng Nguyên "gặp nhau" khi Hoàng Nguyên mới được thả tù vì bị nghi là CS nằm vùng.

    Giây muống dài quá rồi.

    Bùi Dương Chi. THBMT 1963-74.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Học trò Phùng Ngọc Cửu trả lời nhận định của thầy Chi

      Kính gửi thầy Chi,

      Em cảm ơn thầy đã kiên nhẫn bỏ cả giờ đồng hồ để đọc một bài dây-cà-ra-dây-muống, rồi còn khen học trò nữa. Em phải lấy can đảm để nói nhỏ với thầy rằng “thầy nào trò đó”, ngộ nhỡ người ngoài nghe thấy lại bảo “mèo khen mèo dài đuôi”!

      Em rất e dè khi chọn ca sỹ trình bày bài hát vì, chín người mười ý, khó có một đánh giá chung về cùng một phía cho nghệ thuật nên đôi lúc đành để tính chủ quan, võ đoán quyết định trong việc chọn lựa. Riêng về việc chọn hai ca sỹ Mai Thiên Vân và Lưu Hồng _ Hai ca sỹ có tên tuổi không “thượng thặng” theo sự đánh giá của thế hệ “già khó tính” _ trong hai bản nhạc “Sắc hoa mầu nhớ” và “Kiếp hoa” là có chủ đích: Video clip “Sắc hoa mầu nhớ” thể hiện được nội dung bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông rõ nét hơn những video clip khác; còn Lưu Hồng-Kiếp hoa chỉ bởi vì các versions khác đã khá cũ, phẩm chất âm thanh không đạt.

      Thi và ca thường quyện chặt vào nhau để thành một thể đồng nhất tuyệt diệu hơn từng thành tố, vì thế em không dám và không “nỡ” phân tách. Đó là lý do “ngâm thơ sỹ” không hiện diện trong bài viết này.

      Đây là lần thứ ba chúng em trải qua những ngày tết âm lịch ở Thái Lan. Một lần khác xa nhà vào dịp tết là năm 1973, khi Hiệp định Paris “bị” ký kết, em buộc phải ở lại trường tại Sài Gòn để canh gác. Ai có trải qua ngày tết xa nhà, dù có ở hotel hay nhà ấm êm thì vẫn lạnh lẽo “thấu tình cô lữ đêm đông không nhà!”.

      Em cảm ơn thầy về từ ngữ "giây cà ra dàn hoa ti-gôn" thầy tặng cho bài viết. Ngày còn ở Ban Mê Thuột, ngầm biết “nửa phần tốt đẹp của em” thích hoa Ti-gôn nên em kín đáo lùng xục tìm về trồng. Khu vườn đã bỏ hoang từ 2007. Năm ngoái vợ chồng em về thăm lại, ai ngờ cây nguyệt quế và giàn ti-gôn vẫn thi gan cùng tuế nguyệt. Không biết “nửa phần tốt đẹp” của em có hiểu được “tình ý chung thủy” hay không …

      Em cảm ơn thầy đã bổ sung kiến thức về hoa Di-Lăng. Điều thú vị là giống hoa này đã có từ lâu ở ngoài Bắc, vùng Hà Nam Phủ Lý vốn là quê hương của bố mẹ em. Di lăng có hương cũng thanh thoát như Ngọc lan, “dung nhan” thì không sánh bằng nhưng có nét đẹp “hoang dại” (sauvage) hơn. Không hiểu “hữu sắc vô hương” hay ngược lại, nên chọn phẩm chất nào. Tham thì thâm, đòi cả hai có khi nằm ôm gối cả đời!

      Em cảm ơn thầy lần nữa về thông tin về một góc cuộc đời của nhạc sỹ tài hoa Hoàng Nguyên. Giai điệu “Ai lên xứ hoa đào” và “Đường nào lên thiên thai” mang hai tâm trạng trái nghịch. Thân phận nghệ sỹ thời chiến, cho dù chỉ thể hiện “nghệ thuật vị nghệ thuật”, lắm khi vẫn phải chịu búa rìu chính trị. Tội nghiệp!

      Em biết ca sỹ Trần Thái Hòa là con thầy Hiền. Có biết đâu, theo thầy bật mí, anh ấy ca bài Mơ hoa chẳng dè thành Hoa mơ. Số đào hoa có khác!

      Mượn lời thầy: “Giây muống dài quá rồi.”

      Kính thư

      Học trò Phùng Ngọc Cửu

      Delete