Hôm nay, mới 23 tháng Chạp, sao mai đã nở vàng rực cả cây. Mùa xuân
đến sớm. Từ ngôi trường PTTH cạnh nhà vang vang tiếng loa buổi chào cờ
đầu tuần. Lòng bỗng thực thực mơ mơ nhớ ngày "Hội Xuân Ất Mão", ngày
sinh hoạt hiệu đoàn đầu tiên và cũng là cuối cùng của "cậu" giáo sư mới
ra trường một ngày cuối năm Giáp Dần (tháng 2/1975) ở trường trung học
Tổng hợp Ban Mê Thuột.
Mãi đến gần giữa tháng 12/1974 tôi mới
được bổ dụng về trường và được phân dạy sinh ngữ chính Anh văn cho hai
lớp 11B1 và 11B2 và sinh ngữ hai cho hai lớp 10A4 và 10B4, đồng thời
dạy và chủ nhiệm lớp 7/5. Buổi dạy đầu tiên của tôi là 2 tiết liền lớp
11B2 và tôi đã có một nhầm lẫn nhớ đời. Trước khi tự giới thiệu mình,
tôi liếc nhìn danh sách lớp và thích thú thấy cái tên "Đặng Ngọc Linh".
Tôi mỉm cười nói với lớp, "Tôi rất vui vì trong lớp mình có một người
cùng họ 'Đặng' với tôi" và đảo mắt nhìn về những dãy bàn nam sinh cố tìm
xem trong số các chàng trai ấy "người bà con" của mình là ai. "Tên tôi
là Đặng Ngọc Thanh Hải, rất vui được cùng làm việc với các em. Tôi nghe
thầy Bắc Hà khen lớp chúng ta học rất khá môn Anh văn. Hy vọng tôi sẽ
giúp được các em học tốt môn này như thầy Bắc Hà đã giúp các em trong
mấy tháng qua ... ". Những đôi mắt phía dưới lớp đang chăm chú nhìn
tôi, nhưng chẳng có ánh mắt nào có vẻ là anh chàng họ Đặng đang háo hức
muốn nhận bà con với tôi cả. Chỉ nhìn thấy bên phía nữ sinh, có cô bé
đang cúi mặt xuống, mím miệng cười. "Để làm quen, tôi xin được điểm
danh, và khi tôi gọi tên ai thì người đó đứng lên cho tôi biết mặt nhé.
Ngô Đức An, Võ Chương, Chong Cẩu, ... Nguyễn thị Nam Dung, Bùi Lê Dũng,
Tôn Thất Duyệt, ... , Phạm Hoàng Hải, Hoàng Thị Huệ, Phan Đức Khẩn, Trần
thị Liễu ..." đến đây thì tôi dừng lại một chút rồi mới gọi lớn cái tên
tiếp theo "Đặng Ngọc Linh!". Người đứng lên không phải anh chàng nào
cả mà chính là cái cô bé lúc nãy cúi mặt xuống bàn mím miệng cười. Và
chút nhầm lẫn dễ thương ấy đã làm tôi nhớ lớp 11B2 nói chung và cô học
sinh ấy nói riêng sâu đậm hơn các lớp khác, học trò khác sau này, dù
chúng tôi cũng chỉ gần gũi nhau chưa đầy hai năm học.
Tôi nói
"thực thực" bởi vì tôi biết chắc trước 1975, các trường trung học ở miền
Nam vẫn tổ chức Hội Xuân vào ngày 23 tháng chạp trước khi chia tay về
nghỉ Tết, nhưng dù đã cố nhớ, trong tôi vẫn không hiện lên một ký ức
nào rõ ràng về những gì đã diễn ra trong ngày hôm đó.
Tôi nói
"mơ mơ" vì tôi vẫn mơ hồ nhớ gần cuối buổi sáng hôm ấy, Linh đã đến tìm
tôi ở trại của lớp 7/5 nhờ tôi góp ý về một bài thơ "để góp thêm vào tờ
báo của lớp." Tôi đọc lướt qua, khen bài thơ có tứ lạ và liên kết hai
câu đầu đặc biệt
"Lên đồi dõi vết chim di
Rừng trơ lá rụng nhớ câu thi
đường
Bên hồ sương khói còn vương
Nằm chơi với lá nghe thương cuộc
đời."
Chiều tối hôm đó Linh lại tìm tôi, dí vào tay tôi cuốn đặc san
"Góp Mặt" của lớp với lời dặn "Thầy cố giữ chút kỷ niệm của chúng em!".
Tôi chưa kịp cám ơn thì em đã lấy lại, rút cây viết ghi một dòng chữ
"Học trò 11B2 kính biếu" bằng màu mực đỏ thắm bên dưới câu Kiều " Cũa
riêng còn lại chút này làm tin" đã được viết bằng mực đen ngay trang đầu
của tập "Góp Mặt". Người ta nói "lưu bút mà dùng mực đỏ là điềm xấu
(?)", không biết có tin được không, nhưng chỉ 2 tháng sau, biến cố "10
Tháng 3" đã làm thầy trò chúng tôi tan tác. Nhưng cũng may là dẫu qua
bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, tôi vẫn còn giữ được chút "cũa
riêng" (với từ "của" em viết bằng dấu ngã) ấy để mỗi khi nhìn lại, đọc
lại những bài thơ, tâm sự của các em từng khuôn mặt thân thương của một
thời ngắn ngủi ấy lại hiện về. Hình như đêm hôm đó trong căn lều của lớp
11B2, một số thầy trò chúng tôi (có cả những em bên 11B1 sang) đã ngồi
lại cùng hát cho nhau nghe và tâm tình nhiều chuyện. Tôi lắng nghe các
em chia sẻ những dự định tương lai, những âu lo của cuộc chiến, những bỡ
ngỡ trước cuộc đời đang còn mịt mù phía trước.
Tôi nói "mơ mơ"
vì tôi vẫn như thấy thầy trò tôi đang hớn hở ăn món bánh mì cà-ri gà
được phụ huynh mang đến. Chung quanh tôi buổi trưa hôm đó là những cô bé
cậu bé lớp 7/5 dù tôi chủ nhiệm chỉ không đầy 3 tháng, nhưng nhiều
khuôn mặt đó tôi thỉnh thoảng tôi vẫn gặp: Lệ Hoa ăn nói "bốp chát" ai
ngờ sau này lại trở thành cô giáo dạy văn, Thanh Hương, Như Mai lanh
lợi, sắc sảo từ lúc ấy bây giờ nghe đâu kinh doanh cũng thành đạt, Trần
Thị Hiền khuôn mặt, tính tình hiền lành như tên, Kim Cúc, Nga, Nguyệt,
Tân, Thúy Vân chân chất, hiền lành, Vân Nga, Bích Ngọc xinh xắn, học rất
khá môn tiếng Anh, Hạnh lam lũ nhưng lúc nào cũng vui vẻ, Tuấn Anh có
khuôn mặt thiên thần đã nhất định xin tôi về sớm để tham gia đội rước lễ
trong dịp Giáng sinh 1974, Phạm Sỹ Hiệp hiền lành, nhút nhát bây giờ lại
trở thành một bác sĩ nhãn khoa lừng danh, Chu Đức cậu học sinh nghịch
ngợm đã làm tôi không giữ được bình tĩnh trong những ngày đầu đi dạy
khiến tôi "bạt tai" (và đó cũng là người duy nhất chịu hình phạt trong
gần 40 năm dạy học của tôi), Cung Kim Tường, Huy Sơn, Khánh Hưng những
cậu ấm mặt búng ra sữa. Có những cô cậu tôi đã không còn có dịp gặp lại,
nhưng vẫn nằm yên một góc trong trái tim tôi: Thanh Xuân đã định cư ở
nước ngoài mấy chục năm nay, Minh Tuấn lớp trưởng (em của Minh Tiến lớp
11B1, con trung tá Chi khu trưởng) không biết đang trôi dạt nơi đâu), Mỹ
Lan với khuôn mặt hiền như Đức mẹ Đồng trinh, những tưởng sẽ có một
tương lai hạnh phúc, không ngờ lại yểu mệnh và còn những ai nữa mà tôi
chưa kịp nhớ ra?
Sau "Hội xuân Ất Mão" ấy (mà tôi vẫn đang phân
vân không biết thực hay mơ), tôi đã không bao giờ còn dự được một buổi
sinh hoạt học đường vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Và tôi cũng chẳng hiểu
vì sao hôm nay chút kỷ niệm mơ mơ thực thực ấy lại về trong tâm trí tôi.
Học trò tôi ơi! Chút kỷ niệm này có thực hay tôi đang mơ vậy?
Thầy Đặng Ngọc Thanh Hải
1/2/2016
1/2/2016
No comments:
Post a Comment