Cựu học sinh Trần Thị Dung gửi biếu tôi cuốn Đặc San Kỷ Yếu Đại Hội 60 Năm THBMT và mới đây ngỏ ý cho tải lên mạng của nhóm thbmt74 bài tôi đã gửi đăng vì nhiều cựu giáo chức và cựu học sinh cũng không có Đặc San. Tôi nhận lời nhưng thay đề bài và kèm hình ảnh cho phù hợp với tiết Lập Xuân Bính Thân.
*
Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Saigon năm 1963, tôi chỉ chọn một nhiệm sở là Ban Mê Thuột, thủ phủ của tỉnh Darlac. Khoa trưởng hỏi với thứ hạng thi ra trường không thấp sao lại chọn nơi khỉ ho cò gáy. Tôi thưa hai tháng trước khi đỗ Tú Tài Toàn Phần tôi đã đi làm thông dịch viên kiêm dậy tiếng Việt cho Đoàn Tình Nguyện Quốc Tế (International Voluntary Services – IVS) phục vụ trong ngành Nông Lâm Súc ở đó từ tháng 4/1958 đến tháng 8/1960 nên tôi rất có cảm tình với cư dân tứ xứ và đã thích nghi với phong thổ địa phương. Khoa trưởng bảo nếu vậy ông sẽ khuyến nghị Nha Trung Học chấp thuận gấp, chắc không ai tranh chỗ.
Chuẩn bị lên đường thì nhóm đồng môn nối khố hùa nhau chọc quê “thằng họ Bùi không có ô vô rừng hung lắm cũng chỉ đủ sức ngó các em sơn nữ tắm suối được thôi!”. Anh bạn hàng xóm hơn tôi 4 tuổi, Cao học Luật, rất tinh tường chuyện thế sự, gật gù phán mi tính lên xứ Bụi Mù Trời để làm bàn đạp tiến về Saigon hoa lệ làm ông lớn hỉ? Khó lắm quân tử Tàu ơi. Thời buổi ni, không ma giáo thì khôn hồn nghe tau yên phận giáo làng cho con em Kinh Thượng được nhờ. Lần nào bị chọc quê tôi đều khôi hài trả đũa là chờ đấy, ngày tớ xuống núi ngồi xế mui trần [xe hơi hạng sang, mui mở tự động] với một nàng sơn nữ ngực nở mông nẩy phom phom trên đường Tự Do [nay là Đồng Khởi] thì các cậu chỉ có nước hít khói cho đỡ thèm.
Dậy học được 3 niên khoá thì chánh quyền quân nhân tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến cho nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Tôi nộp đơn ứng cử. Nghĩ tới lời thánh phán của anh hàng xóm sinh viên trường Luật -hai lần bị đánh rớt kỳ thi vấn đáp ra trường vì dám cãi lý với giám khảo- tôi tin sẽ được nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ nhờ dậy học tận tâm, coi và chấm thi tuyển vào Đệ Thất [lớp 6] rất nghiêm túc mà còn khởi xướng nhiều sinh hoạt hiệu đoàn và công ích trong thị xã và một số Buôn Thượng thì cần gì phải ma giáo khi đây đúng là dịp dân cư toàn tỉnh Darlac thực thi dân chủ bầu hai dân biểu về Saigon giúp soạn thảo Hiến Pháp mới.
Nộp đơn tới cả tháng mà vẫn chưa thấy tên trong danh sách ứng cử viên, tôi thắc mắc thì nhân viên phụ trách bảo tìm gặp chánh án toà sơ thẩm là trưởng ban bầu cử mà hỏi. Đến trụ sở tòa án trên đường Thống Nhất, chánh án cho gặp riêng và bảo ủy ban bác đơn vì có mấy nguồn tin mật báo tôi thân Cộng. Tôi xin được nghe chi tiết. Ông ấy nghiêm giọng hỏi nhiều lần tôi quả quyết ở mấy hàng cơm tháng quanh chợ trước sau Việt Cộng tất thắng phải không. Tôi nhận có nói như vậy nhưng tôi luôn luôn thêm câu “nếu bên ta cứ đảo chánh liên miên và các ông to bà lớn cứ tham nhũng, lạm quyền tràn lan”. Ông chánh án im lặng một hồi rồi bảo sẽ cho ghi tên tôi vào danh sách bổ túc.
Mấy ngày sau ra trụ sở xã Lạc Giao, tôi nhớ hình như các ứng cử viên được nhiều cử tri xếp hạng “nặng ký” là Nguyễn Văn Chi, trưởng Ty Tiểu Học; Võ Văn Mẫu, hiệu trưởng trường Hưng Đức; Trần Vịnh, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa; Bùi Dương Chi, công chức Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
Trước 1975, đây thuộc khu hành chánh xã Lạc Giao. |
Theo điều lệ, ủy ban bầu cử sẽ in cho mỗi ứng cử viên 5.000 (?) tờ cổ động phát tay và vài chục bích chương. Cấm không ai được in thêm. Ứng cử viên phải nộp đúng thời hạn phần giới thiệu nhân thân, hình mới chụp và biểu tượng để in trên bích chương, tờ cổ động và lá phiếu. Ông Chi chọn “Cái Gùi”; ông Mẫu chọn “Con Voi”; anh Vịnh chọn “Người Thương Binh”; tôi chọn cái “K’Ga” [dao rừng của đồng bào Thượng]. Tôi nhờ thầy Trần Đắc Hiền dậy Việt Văn kiêm huynh trưởng Hướng Đạo, có hoa tay vẽ giùm biểu tượng.
1965. Bích họa do thầy Trần Đắc Hiền vẽ. Giữa tên “Tony” và “Chi” có dấu
chấm. Thư viện nằm trong sân trường, góc Hùng Vương-Bà Triệu. Hè 74, đập bỏ để xây thêm phòng học. |
Theo tôi, lợi thế chính của mỗi ứng cử viên như sau:
- Ông Chi trưởng ty tiểu học được lợi thế vì các quận đều có trường tiểu học. Một số làng và Buôn ở vùng xa cũng có một, hai phòng học. Nghe nói ông được nhiều thầy Phật giáo ủng hộ.
- Ông Mẫu nghe nói được nhiều linh mục Công giáo ủng hộ. Khi tôi vận động tranh cử ở Buôn Alê A, Alê B, Ea Tul, Kotam, Kosier, ...các già làng nói người Thượng rất thích “Con Voi”.
- Nhiều quân nhân và công chức người Kinh bảo tôi họ sẽ bỏ phiếu cho Trần Vịnh vì anh xuất thân Quốc Gia Hành Chánh và đã đi lính. Tôi nhớ hai lần đi vận động chung do ban bầu cử tổ chức anh Vịnh đều chống nạng.
- Tôi tin không ít phụ huynh học sinh Kinh sẽ bỏ phiếu cho tôi vì mấy lý do đã kể ở trên. Đối với phụ huynh học sinh Thượng tôi cũng nghĩ vậy vì tôi quen biết khá nhiều và thường thăm hỏi con em họ ở ký túc xá của trường Trung Học Ban Mê Thuột, Sư Phạm Cao Nguyên và Kỹ Thuật Y’Jut .
Ngày bầu cử là 11 tháng 9, 1966 -cách đây 50 năm- nên trước đó ít lâu ứng cử viên quân nhân, công chức phải nghỉ giả hạn không lương. Tôi tháng nào xài hết tháng đó. Có lần còn phải nhờ một học sinh lớp lớn nhất trường -hiện ở Quận Cam, nguyên Hội Trưởng Hội Không Quân Nam California và Hội Cựu Học Sinh THBMT- đi cầm đồng hồ lấy tiền mua thuốc lá Winston và bao học sinh Thượng học giỏi đi xem chiếu bóng. May mắn trong thời gian này tiền cơm nước được ông anh chu cấp. Nhà ở đối diện cổng trường là của thầy dậy Pháp văn Nguyễn Văn Lễ nhờ tôi trông giùm vì ổng phải đưa vợ con về Saigon kiếm chỗ tạm trú sau khi có giấy thuyên chuyển.
Ngoài hai buổi tiếp xúc cử tri do Ban Bầu Cử tổ chức cho tất cả ứng cử viên ở rạp chiếu bóng Tường Hiệp và làng Hoà Bình [nay là Hoà Thắng], vận động tranh cử trong thị xã thì tôi đi bộ và xe đạp. Ở các khu lân cận, tôi đi xe lam [xe Lambro 3 bánh, Ý chế tạo, chở được cả chục khách]. Những nơi xa quá, tôi nhờ mấy học sinh có xe gắn máy hay những em nào cuối tuần về ở với gia đình phát giùm tờ cổ động. Phụ huynh cũng có mấy người tình nguyện giúp đỡ. Vì tài chánh eo hẹp, tôi không vận động tranh cử ở một số thị trấn, Buôn, làng.
Đã vậy, tôi còn bị lừa. Chuyện như sau: một hôm có người gõ cửa tìm gặp về việc vận động tranh cử ở những nơi xa như Buôn Hồ, Phước An…. Thấy khách trang phục chỉnh tề, dáng dấp chững chạc và tự giới thiệu là Đại Diện địa phương của Dân Xã Đảng nên tôi trân trọng mời vào. Sau mấy câu xã giao, ông ta khen tôi là nhà giáo có thiện tâm làm các việc công ích và ăn nói lưu loát, xứng đáng góp mặt tại diễn đàn quốc hội vì vậy ông muốn hỗ trợ. Ông ấy mào đầu tôi có hai điểm rất yếu kém: một là bị cử tri có thể là cổ động viên ngầm của đối thủ hai lần cáo buộc tôi là “Xịa” [tình báo Mỹ] và lấy tên lai Mỹ “Tony Chi” nhưng tôi đã cải chánh hoàn toàn không thuyết phục; hai là tôi không có gà nhà hỏi mớm và “cho nước” [vỗ tay tán thưởng] đồng thời chất vấn và nếu cần thì bôi bác đối thủ. Nghe tới đó, tôi biết phải nhờ ông này giúp đỡ trừ vụ bôi bác. Về điểm tên lai Mỹ, tôi giải thích trong thư viện ở trường, dưới hàng chữ ghi các lớp tham gia xây cất là tên ba người góp nhiều công sức: Roger Sweeney (tình nguyện viên canh nông Mỹ), Tony (chủng viện sinh Êđê), Chi. Sau mỗi tên có dấu “chấm” nhưng chắc ai đó cố tình ghép thành “Tony Chi”. Tại thời điểm đó, bị gán là “Xịa” và lấy tên lai Mỹ mà ra ứng cử Quốc Hội thì chắc chắn sẽ mất nhiều phiếu. Tôi khẩn khoản nhờ hễ có dịp xin ông cải chánh. Về điểm cần có gà nhà, tôi dứt khoát chỉ muốn để cử tri chất vấn cho trung thực. Ông khách lắc đầu nói đã ra tranh cử mà lại “khí khái xằng” và không có cổ động viên toàn thời gian thì rất khó đắc cử. Ông còn khuyên tôi một là in thêm tờ cổ động vì 99% dân quê và người Thượng sẽ chỉ nhìn hình và xem biểu tượng rồi bỏ phiếu. Tôi từ chối vì làm vậy trái luật bầu cử. Hai là phải mướn nhiều cổ động viên Kinh, Thượng. Tôi nói ở thị xã và các buôn làng lân cận tôi đã có một số học sinh và phụ huynh tình nguyện nên chỉ cần ông giúp ở các vùng xa. Ông ta nhận lời giúp không công nhưng nhấn mạnh tôi phải mướn cổ động viên, càng nhiều càng thêm triển vọng đắc cử. Sau đó, ông ta hỏi tôi tính bỏ ra bao nhiêu tiền để ông lo cho những việc tối cần và cấp bách này. Tôi không nhớ trả lời bao nhiêu nhưng ông ta nói phải có gấp cả chục lần số tiền đó mới tàm tạm đủ. Tuần tới ông ta sẽ ghé lại xem tôi quyết tâm đến đâu. Trong khi chờ đợi, ngay chiều và tối hôm đó, ông ta sẽ phát giùm vài chục tờ cổ động cho anh em Dân Xã Đảng ở quận Buôn Hồ. Mấy ngày kế tiếp, tôi chạy ngược chạy xuôi vay mượn khắp nơi được một khoản tiền gần bằng sáu tháng lương. Hôm đến xem tôi quyết tâm đến đâu qua số tiền tôi có trong tay, ông ta than eo hẹp quá nhưng nể tình tôi là người có lòng với cộng đồng, ông không ngại khó khăn. Đếm và nhận tiền xong, ông ta nói còn bao nhiêu bích chương và tờ cổ động đưa ông ta hết. Tôi đưa gần hết, chỉ giữ lại vài chục tờ.
Sau ngày thất cử, vài học sinh có gia đình ở các nơi xa biết chuyện trên mới kể mấy cuối tuần về thăm nhà trước ngày bỏ phiếu, chẳng thấy bích chương và tờ cổ động phát tay của tôi ở đâu cả. Hỏi cha mẹ thì không ai biết thầy Chi ra ứng cử. Một phụ huynh ở Ban Mê Thuột chuyên bán sỉ giầy dép cho những tiệm bán lẻ ở các thị trấn cũng không thấy bích chương và tờ cổ động nào của tôi. Bà ấy nói thôi rồi thằng chả lấy tiền của thầy còn bích chương và tờ phát tay chắc nó rục thùng rác. Nếu thằng chả còn chút lương tâm đưa cho những người bán xôi lề đường và những sạp thịt cá trong các chợ trước ngày bầu cử để họ gói xôi, gói thịt cá thì thầy dám được thêm cả trăm phiếu.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, gần ngày bầu cử, có hai vụ việc làm tôi băn khoăn.Vụ thứ nhất là một học sinh lớp Đệ Nhị, ở ký túc xá, nói có mấy người Thượng muốn gặp. Nếu tôi bằng lòng thì sẽ có người đón nhưng phải giữ kín. Tôi đoán vụ này liên quan đến việc tranh cử nên hỏi ngày và nơi sẽ gặp? Em trả lời không biết, ngày nào người ta đến đón thì thầy đi, chắc vào buổi tối. Tôi bằng lòng. Mấy tối sau, có người đi xe gắn máy đến đón. Tôi hỏi tên, anh ta nói tên em học sinh Thượng. Tôi yên tâm lên ngồi đằng sau. Ra khỏi thị xã, xe chạy vào các đường đất nhỏ, vòng vèo, không đèn đóm, cỡ nửa tiếng sau mới tới một nhà sàn hẻo lánh, không biết ở Buôn nào. Lên thang bước vào, quanh bếp củi lửa bập bùng tôi thấy bốn người ngồi gần nhau. Nghe lời chào và mời ngồi bằng tiếng Kinh rất sõi, tôi ngồi xuống bên đối diện. Một người thay mặt nói họ biết về tôi qua học sinh, giáo sinh và công chức Thượng. Ai cũng nói tốt nên họ dự tính kêu gọi đồng bào Thượng bỏ phiếu cho tôi. Tôi mừng nhưng rất băn khoăn vì chắc họ là FULRO [Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées = Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Các Sắc Tộc Bị Áp Bức] (*). Tôi cảm ơn và hỏi họ mong đợi gì ở tôi. Người đại diện nói nếu đắc cử, tôi phải đòi ghi vào Hiến Pháp rằng Cao Nguyên Trung Phần [Tây Nguyên] là của các sắc tộc Thượng và phải được tự trị. Tôi nói lảng ra là tôi chả có chân trong đảng phái nào, một mình không làm nổi việc lớn đó. Ông đại diện nói biết chớ nhưng mới đầu chỉ cốt gây tiếng vang trên diễn đàn quốc nội. Sau đó sẽ vận động các cảm tình viên Mỹ, Pháp đưa thỉnh nguyện thư ra Liên Hiệp Quốc. Né tránh không được mà thâm tâm cũng không đồng ý nên tôi không chấp nhận điều kiện này với lý do nếu Cao Nguyên Trung Phần tự trị thì các cường quốc sẽ có thể chia cắt Việt Nam. Họ im lặng rồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Thượng. Tôi không hiểu nhưng có cảm nhận là họ không hài lòng. Tôi chào từ giã. Ông đại diện kêu người đưa tôi về.
Vụ thứ hai là khoảng đầu tháng 9, thiếu tá phó tỉnh trưởng nội an có con học ở trường ghé thăm. Ông ấy nói trung tá tỉnh trưởng rất có thiện cảm với tôi phần vì tôi dậy học được tiếng tốt, phần vì nhiều lần tôi đã giúp thông dịch khi ổng tiếp đón các phái đoàn Mỹ đến thăm Darlac mặc dầu toà tỉnh có sẵn một hạ sĩ quan phụ trách công việc này. Ông phó khuyên tôi nên đến xin ổng hỗ trợ. Đồng ý thì ông phó sẽ đưa tôi vào tư dinh. Tôi cảm ơn và nói tôi không muốn phiền trung tá. Thực tâm tôi muốn nói tôi không thể muối mặt đi cổng sau xin tỉnh trưởng “hỗ trợ” nhưng nghĩ bụng nhỡ ông phó định giúp đỡ không vụ lợi mà tôi lại gạt bỏ thẳng thừng kiểu “Quân tử Tầu” như vậy thì nhẫn tâm quá.
Tú Xương than “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”. Khi tôi rớt Tú Tài phần I thì quả đúng vậy. Lần này, sau khi có kết quả kiểm phiếu, tôi thấy thất cử buồn hơn nhiều. Đã vậy lại còn mất tiền, mất phiếu vì ngờ nghệch, cả tin nên bao nhiêu giấy tờ dính dáng đến vụ tranh cử dân biểu tôi gửi hỏa tốc cho Táo Quân hết, kể cả mấy tờ cổ động phát tay có hình tôi mà một cô giáo đã khen trông như “Áo Len Đầy Lông” [Alain Delon, tài tử cinéma Pháp, nổi tiếng và rất đẹp trai].
Rất may, sau ngày có kết quả bầu cử [ông Chi trưởng ty và ông Mẫu hiệu trưởng đắc cử], thầy giám học Cung Kim Trạch ghé qua an ủi và bảo sẽ xếp thời khóa biểu với số giờ phụ trội tối đa để hết nghỉ giả hạn không lương tôi có thể đi dậy lại ngay cho khuây khỏa và sớm trả xong nợ. Nằm không mấy tuần, buồn ơi là buồn, lắm lúc nghĩ quẩn, giá mình đừng “khí khái xằng” biết đâu giờ này đang đi chào đồng nghiệp, tạm biệt học sinh, chuẩn bị hành trang về Saigon gặp lại mấy thằng bạn đồng môn nối khố cho chúng biết tay thì “đã” biết bao.
Một sáng, vẫn chưa được dậy học lại, tôi ra sân trước ngắm học trò nhốn nháo xếp hàng vào lớp thì có một nữ sinh Thượng ở phía thung lũng cuối đường Bà Triệu đi tới đưa tôi một tờ giấy mầu xanh lá cây gấp đôi, bên ngoài đề “Mr. Chi”. Mở thư, tôi thấy hai hàng tiếng Anh viết theo dạng thơ, đại để là “Hãy kiên trì, còn nhiều cơ hội khác. Nắng sẽ ấm, hoa sẽ nở, chim sẽ hót”. Nhìn chữ ký tắt “D” như bướm bay, én lượn, tôi biết là của Miss Diana D. Gardiner, thành viên đoàn IVS, ở một mình trong Buôn Alê A. Hân hoan và cảm động, tôi cầm thư vào nhà đứng đọc, ngồi đọc, nằm đọc, ra đọc, vào đọc, càng đọc càng hưng phấn vấn vương, quên bớt nỗi buồn thất cử, quên bẵng cả trường lớp học trò. Quá trưa, đói bụng, tôi nấu tô mì gói. Mê mải đọc thư đến nỗi mì cạn hết nước, cháy khét lẹt nhưng tôi ăn vẫn thấy ngon miệng, ấm lòng.
1967. Miss Diana Denny Gardiner, tình nguyện viên ngành dinh dưỡng. |
Kẻng đánh các lớp chiều vào học tôi mới rảo bước ra phố chợ mua giấy viết thư cảm ơn. Tôi cố múa bút nhưng chữ viết càng như gà bới, không thấy “nét bút đa tình lả lơi” đâu cả. Đến tờ giấy cuối, đành phải viết kiểu chân chỉ hạt bột. Ký tên xong, tôi thêm phần Tái Bút mong sớm gặp lại vì mấy tháng qua bận bịu liên miên. Cầm thư sang ký túc xá dành cho học sinh Thượng, tôi đưa tiền nhờ một học sinh đi xe lam đến Buôn Alê A trao cho cô Diana và dặn nếu cô không có đó thì gửi hàng xóm, lúc về nhớ ghé nhà thầy, thầy đưa thêm tiền mua sách vở.
Bẵng đi gần ba tháng không thấy động tĩnh gì. Tôi bớt vấn vương tơ tưởng vì phải dậy nhiều lớp. Bỗng trước lễ Giáng Sinh vài ngày, Diana đến nhà thăm lúc cuối chiều. Tôi mời ra quán Souri Blanc uống bia. Chủ quán này là người Pháp, hầu hết khách ăn uống là giới Tây đồn điền và Tây Pieds noirs ở xứ Algérie chạy sang. Trong khung cảnh quán xá biên thùy, trong bầu không khí Giáng Sinh ấm áp, chúng tôi cười nói miên man nên tiện thể ăn cơm tối ở đó luôn. Lúc chia tay, Diana sực nhớ sáng sớm ngày 24 phải đón máy bay dân sự Mỹ Air America về Saigon họp mặt IVS. Diana đề nghị sẽ đến nhà tôi rồi chở nhau bằng xe Yamaha -2 ống “bô”, 100 phân khối- ra phi trường L19 và nhờ tôi mang xe về nhà giữ giùm đến hết Tết Dương Lịch. Mở cờ trong tim, tôi nói có thói quen dậy sớm đi bộ, để tôi đến đánh thức rồi cùng ra phi trường. Diana bằng lòng.
Trước 1975, đây thuộc khu vực phi trường quân sự L19. |
Phi trường quân sự L19 khi đó nằm theo lộ đường từ Cây Số 3 về hướng Cột Đèn 3 Ngọn, bây giờ là đường Nguyễn Chí Thanh. |
Phi đạo L19 nằm gần Trung Học Ban Mê Thuột nên mỗi khi máy bay -nhất là trực thăng- lên xuống trong mùa khô thì bụi đất đỏ bay vào tận các phòng học. |
Sáng 24/12 trời còn mờ sương giá buốt, tôi đã áo quần chỉnh tề đi bộ gần 6 cây số từ nhà đến Buôn Alê A. Dọc đường tôi bẻ trộm một cành hoa làm quà tặng Giáng Sinh. Tới nơi, Diana nói đã sẵn sàng lên đường. Lấy cớ mỏi chân, tôi ngồi đằng sau, tay giữ va-li, tay ôm chặt eo, môi áp sát má chỉ đường cho Diana đến quán bánh cuốn nóng Thanh Hà (**) ăn điểm tâm và uống cà phê trước khi ra phi trường L19 đón tầu bay. Lúc tạm biệt, tôi thì thầm từ nay gọi L19 là Love1966 để ghi nhớ buổi sáng cuối Thu này. Thân nhau từ đó. Gần một năm sau, phải lòng bén hơi, tôi không những hết buồn thất cử mà còn sung sướng được làm ông Dân Biểu hụt.
Tết Dương Lịch 1-1-1995. Thầy Hyupp đãi rượu cần ở nhà người bà con.
(Vòng từ trái) Lưng chủ nhà, các thầy Hyupp, Lô, Trạch, Nam, cô Trâm, tài xế, cô Diana. |
Con gái của thầy cô Hyupp, của ông bà chủ nhà và của thầy cô Chi. |
Gia đình chúng tôi đi thăm các CHS người Việt gốc Mường ở làng Hoà Thắng. |
(Từ bên phải) Cháu trai, CHS Bùi Thị Mừng, tôi và Luyến. |
Thế mới biết “trong cái rủi, có cái may; trong cái xui, có cái hên”. Các cụ ông, cụ bà ở khắp nơi mà đã phán thì đúng y chang. Hay thiệt!
Bùi Dương Chi
THBMT 1963-74.
Chú thích:
*Một phái Fulro chủ trương thương thuyết, một phái chủ trương bạo động
võ trang chống lại chánh sách của chánh quyền VNCH đối với người Thượng.
Một sĩ quan Lực Lưọng Đặc Biệt thời đó cho biết Fulro đã bất thình
lình tấn công một đồn quân VNCH, giết hơn hai chục binh sĩ. Sau 1975,
FULRO bạo động võ trang đại quy mô chống Nhà Nước Cộng Sản trên Tây
Nguyên và vài nơi dọc biên giới Campuchia-VN cho tới năm 1992. (http://
vi.wikipedia.org).
** Cuối tháng 12/1994, tính từ 1966 là khoảng 28 năm sau, chúng tôi và con cái về Saigon rồi lên thăm BMT. Quán bánh cuốn Thanh Hà đã đổi địa điểm nhưng bà chủ quán -cũng là một cựu phụ huynh học sinh- vẫn tươi cười nhận ra cặp khách quen ngày nào.
** Cuối tháng 12/1994, tính từ 1966 là khoảng 28 năm sau, chúng tôi và con cái về Saigon rồi lên thăm BMT. Quán bánh cuốn Thanh Hà đã đổi địa điểm nhưng bà chủ quán -cũng là một cựu phụ huynh học sinh- vẫn tươi cười nhận ra cặp khách quen ngày nào.
Thân mến gửi CHS TT Dung,
ReplyDeleteCảm ơn chị đã đọc lại và giúp sắp đặt hình ảnh rồi đưa lên mạng thbmt74. Cũng như mấy lần trước, rất chuyên nghiệp.
BDChi. THBMT.63-74.
Em đã đọc bài viết này trong Đặc san rồi, nhưng bây giờ đọc lại vẫn còn tủm tỉm cười thầy ạ... Thầy và cô Diana thật là "hữu duyên...". Hồi xưa cô đẹp quá, lâu lắm rồi em không thấy hình cô, nên không biết cô đẹp hơn hồi xưa không?
ReplyDeleteTrò Kh.
Nhận định của anh Phùng Ngọc Cửu
ReplyDeleteKính thưa thầy Chi,
Em đã đọc bài “Hên Xui May Rủi” của thầy khá lâu rồi, rất dí dỏm nên nhanh nhẩu nhận định ngay, nhưng không hiểu tại sao khi post nhận định thì mọi điều “nắn nót” viết đều biến mất dạng, không để lại tăm hơi. Có lẽ Internet bên Thái lan không ưa “nhận định vớ vẩn” nên từ chối thẳng thừng.
May ra Internet ở Việt nam dễ tính và cởi mở hơn!
Bụng buồn còn muốn nói năng chi, đệ nhất buồn là cái hỏng thi! Những ai nằm trong tâm trạng Tú Xương mới hiểu nỗi niềm này. Xin chia buồn “muộn” với thầy vậy!
Ứng cử và tranh cử ngày xưa, thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, cũng nẩy lửa lắm, không dữ dội như tranh cử tổng thống Hoa Kỳ nhưng cũng thể hiện tính tự do của “ứng” và tính tài năng và độc lập của “tranh”. Tuy nhiên, ngoài tài năng kỹ trị, đặc biệt là tài hùng biện, ứng viên còn phải có một chiến lược và chiến thuật tranh cử mới hy vọng thành công. Ấy vậy mà thầy mới chân ướt chân ráo ra quân lại cả tin giao hết hầu bao lẫn áp-phích cổ động cho một tay cha căng chú kiết nào đó thì … đắc cử mới thật đáng ngạc nhiên!!!
Tuy nhiên, nếu (lại “nếu” nữa _ Avec des “si”, on mettrait Paris en bouteille) thầy đắc cử dân biểu quốc hội lập hiến thì thường sẽ đắc cử luôn dân biểu quốc hội lập pháp sau đó, thì biết đâu, với tư cách là một giáo sư nguyên tắc và chân phương lại rất tình cảm nữa, luật về giáo dục của VNCH vốn đã tốt sẽ còn tốt hơn nữa, và không chừng thời cuộc sẽ khác đi ... Nói theo giáo lý Phật giáo thì cái nhân cực nhỏ nhưng cái quả cực to!
Hên Xui May Rủi, sau khi thầy nhận được kết quả kiểm phiếu thì thấm thía cái Xui và Rủi biết chừng nào. Nhưng Xui-Rủi không đáng sợ bằng cái Nghiệp. Lý Quý Chung là một dân biểu lọc lõi, một chính khách khôn ngoan nhưng cái nghiệp ông ta phải gánh cũng rất đáng sợ!
Nói theo ngôn ngữ bình dân hay bác học thì gặp Hên và gặp May, còn theo giáo lý Phật giáo thì có Duyên.
Hồi tu nghiệp ở Pháp, em học tại thành phố Rennes là thủ phủ của miền Bretagne, cách Paris hơn 300 km về phía tây. Tại đây em quen với một bác sỹ người Việt, lúc đó đã tốt nghiệp và định cư ở Pháp hơn 30 năm: bác sỹ Đ.H.Đạt (có lẽ kém thầy một hai tuổi). Anh Đạt hay rủ bọn em đến nhà chơi cuối tuần, ở vùng ngoại ô Rennes, khung cảnh đồng quê. Anh Đạt có vợ đầm, cô Martine, hiền và xinh gái, mặc dù đã ba bốn con gì đó. Một hôm anh Đạt lên Paris dự hội nghị y khoa, hỏi em và một người bạn nữa có thích đi Paris chơi không. Nếu đi thì anh Đạt sẽ thả bọn em tự do đi đâu thì đi, còn anh sẽ hẹn đón bọn em bốn ngày sau đó, sau khi xong hội nghị. Đây là cơ hội nghìn vàng để thực hiện cuộc sống clochards (đại khái như tây ba-lô vậy đó) mà em hằng ấp ủ.
Nhận định của anh Phùng Ngọc Cửu (tt)
ReplyDeleteTrên đường đi, anh Đạt kể chuyện với hai đứa em: “Moa thấy cuộc đời này có những điều thú vị không thể nào lý giải được. Hai toa thấy Martine của moa chứ? Nó nghe lời moa ghê lắm! Bốn đứa nhỏ của moa đều bú sữa mẹ theo quyết định của moa đấy! Kể cũng lạ, vợ tây độc lập lắm! Chẳng dễ gì ra lệnh cho nó đâu! Nghĩ lại thấy thương Martine của moa. Một hôm moa nói với nó rằng: “Toa có thấy dòng sông (bến Bạch Đằng, Sài Gòn) một lần moa đưa toa về thăm quê hương của moa không? Nó bẩn đến độ toa phải trố mắt khi nghe moa nói hồi nhỏ moa thường bơi với bạn bè ở đây. Hồi đó moa cũng nghĩ rằng mình sẽ sống và bơi ở đây luôn, chẳng ngờ vượt hàng nghìn cây số đến Rennes, rồi lại mò xuống tận đồng quê lấy toa rồi không về Việt Nam nữa. Cái này đạo Phật gọi là … DUYÊN …”
Anh Đạt nói với hai đứa em rằng anh không thể nào cắt nghĩa chữ Duyên bằng tiếng Pháp cho vợ anh hiểu được, dù cố giải thích dông dài, nói rằng tiền kiếp hai người đã có duyên (lại duyên nữa!) với nhau nên kiếp này dù cách trở vạn lý vẫn gặp và sống với nhau ... Martine hỏi lại moa rằng “tiền kiếp” là gì, còn duyên có phải là “la chance” (may mắn) không. Moa đành trả lời rằng “Toa không theo đạo Phật nên không hiểu được đâu!”
Lời kết: Anh Đạt phải lội khoảng mười nghìn cây số mới tìm được Duyên.
Hữu Duyên thiên lý năng tao ngộ …
Cô Diana phải “lò dò” hơn nửa vòng trái đất đến Sài Gòn, rồi lại từ Sài Gòn lên Ban Mê Thuột khỉ ho cò gáy, rồi lại từ Buôn Alê A cất công lên đường Bà Triệu … để nhận lá thư “gà bới” mới bắt được Duyên! Thầy là … “đệ nhất đào hoa” rồi còn gì!
Thôi, cứ nói theo ngôn ngữ bình dân thì cái Hên của thầy gấp vạn lần cái Xui. Đừng hối tiếc chức dân biểu nữa thầy ạ!
Hồi bé em thường đi học ngang qua nhà hàng (auberge) Con Chuột Trắng (La Souris Blanche) ở đường Lý Thường Kiệt, gần góc Quang Trung. Nhà hàng này cũ kỹ, tối lờ mờ. Ngoài đường nhìn vào thấy trên vách có nhiều chuột trắng bò lằng ngoằng trong tủ kính hẹp đóng sát vách. Nghe nói chủ quán là tây đồn điền CHPI nên khách ở đây thường là người Pháp. Thầy mời cô đến đây uống bia thì … sang quá mức! Có lẽ lúc này thầy đã trả dứt nợ vì bị lừa rồi mới hào hoa như rứa!
Vì thầy không thực hiện được “nét bút đa tình lả lơi” nên em xin đề nghị thay chú tích bức ảnh cô Diana ngồi bên chậu kiểng bằng “Nhớ tới ngày nào cùng bước đến … thềm, ngồi xõa tóc thề”. Chắc chắn cô sẽ … chớp mắt cảm động về mái tóc thề của mình ngày xưa!
Em nhận ra Quách Luyến ở tấm ảnh cuối. Quách Luyến, Quách Nha cùng học tập với em ở Buôn Triết một dạo.
Tất cả gợi nhớ đến Ban Mê Thuột một thuở êm đềm.
Học trò Phùng Ngọc Cửu
Thầy Bùi Dương Chi đáp lời CHS Phùng Ngọc Cửu
ReplyDeleteĐáp lời CHS PNCửu,
Cảm ơn anh đã có những nhận định "lan man" về bài "Hên, Xui, May, Rủi".
Đáp (chứ không phải trả lời:
1/. Ứng Cử, Tranh Cử và Bầu Cử dân biểu Quốc Hội trước 1975 ở VNCH: tuy còn có gian lận lớn như bỏ thêm phiếu bầu cho ứng cử viên được chánh quyền ủng hộ vào thùng phiếu đã niêm phong ở những nơi xa các Tp. như Saigon, Huế, v..v..nhưng điều kiện để được ứng cử rõ ràng nên hầu như ai đủ điều kiện cũng có thể nộp đơn ghi danh ứng cử . Cũng có một số trường hợp bị chánh quyền gạt ra với lý do "thân cộng" "Việt cộng nằm vùng" nhưng mấy tờ bào chống chính quyền đều không sợ và ít ra cũng dám tố cáo chánh quyền vi phạm quyền ứng cử của công dân.
2/. Nhiều người bảo tôi và bây giờ thì tôi đồng ý 100% là trong việc thành vợ thành chồng, có "duyên" chưa đủ, phải có "nợ" nữa.
3/. "Duyên" trong nhà Phật: khi tôi "dậy" các sinh viên Mỹ trong chương trình Học Kỳ Hải Ngoại thì tôi học được rất nhiều điều từ một vài sinh viên. Một thí dụ: vì phải dậy đại cương "Văn Minh/Văn Hoá VN" nên tôi không thể không nói về "Đạo Phật" [mà tôi bảo các sinh viên Mỹ nên dùng từ "Nhà" Phật thay vì "Đạo" Phật để tránh hiểu nhầm với "Đạo" Công Giáo, "Đạo" Tin Lành, "Đạo" Bà La Môn, v..v.. ], VÀ tôi đã "bị rất bẽ mặt nhưng được khai trí nhờ một sinh viên năm thứ ba của một ĐH trong Ivy League, chuyên ngành Phật học. Sinh viên đó đã giải thích cho tôi về chữ "Duyên". Nhờ vậy. sau này, tôi tự học thêm về chữ "Duyên" trong tiếng Việt và tôi hiểu như sau:
3a. "Duyên" như trong "cô ấy có duyên", "anh ấy ăn nói có duyên" thì "duyên" này có nghĩa là lôi cuốn, hấp dẫn, v..v.. (tiếng Anh là charming, dùng cho cả hai phái nhưng thường thường là dùng cho phái nữ. Còn phái nam thì người ta hay dùng "charismatic", cũng là có duyên nhưng có thêm ý là duyên lôi cuốn của người có khả năng lãnh đạo).
3b. Sinh viên Mỹ giải thích cho tôi "Duyên" của Nhà Phật là "chất xúc tác" (catalyst trong hóa học), phải có "duyên" thì mới có sự phối hợp các yếu tố tích cực để đưa tới những "thành quả tích cực/tốt đẹp". Sinh viên đó không nói catalyst nào (từ ngữ của Nhà Phật) phối hợp các yếu tố tiêu cực để đưa tới những "hậu quả tiêu cực". Bây giờ tôi vẫn chưa biết cái "catalyst" đó Nhà Phật gọi là gì.
Tôi giống anh về cái thói "giây cà ra giây muống" chỉ khác một tiểu tiết: tôi viết "giây", anh viết "dây".
BDChi