Thái lan là một nước nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên hai quốc gia nông nghiệp này, ngoài những điểm tương đồng, những dị biệt là điều hấp dẫn óc tò mò của du khách muốn thâm nhập vào đời sống mà người dân thành thị hay người già nghỉ hưu nhiều khi muốn được hưởng ngay khi họ chưa đến tuổi hưởng nhàn.
Vì vậy tôi đã chủ định một chuyến đi tiêu biểu về vùng trồng lúa thơm lài lớn nhất của Thái lan. Để thực hiện chuyến đi từ tỉnh Nakhon Ratchasima, nơi tôi ở, đến Roy Et qua các tỉnh kế cận nằm về hướng chính đông phải mất hết một ngày đường, vượt khoảng 700 km cho hai chuyến đi và về.
Nakhon Ratchasima là tỉnh có diện tích lớn nhất Thái lan, gồm tới 34 quận, nằm ngay đầu ngõ đến 17 tỉnh đông bắc nối với Bangkok bằng trục đường cao tốc. Chính quyền trung ương có kế hoạch từ lâu tách Nakhon Ratchasima thành bốn tỉnh nhỏ hơn nhưng chính quyền địa phương không đồng ý.
Chúng tôi khởi hành từ rất sớm. Hôm nay trời mát lạnh vào buổi sáng, nhiệt độ thật dễ chịu. Dấu hiệu một chuyến đi thú vị!
Mặt trời ló dạng lúc 6 giờ sáng tại Nakhon Ratchasima. Hình chụp từ xe. |
ĐƯỜNG HÀNG TỈNH
Qua khỏi thủ phủ Khonrat, qua khỏi Phi Mai (Khu di tích đền cổ Phi Mai, “anh em” với Angkor Wat đã đề cập trong bài viết Du lịch Thái Lan 2015), xe rẽ khỏi đường cao tốc để vào đường hàng tỉnh. Phải mất gần tiếng rưỡi đồng hồ xe mới ra khỏi tỉnh Nakhon Ratchasima. Cần nhắc lại rằng tốc độ trung bình xe trên đường cao tốc là 100-120 km/h với 3 lanes mỗi chiều, còn trên đường hàng tỉnh là 80-100 km với từ một đến hai lanes.
Chỉ có giao lộ, khi đường băng qua một thị trấn, mới có đèn giao thông để điều phối giao thông.
Người bán hoa ở giao lộ. Tài xế thường mua hoa để treo trong buồng lái. Xâu hoa có giá từ 10-20 baht. |
Nhìn chung, Thái lan có hệ thống đường sá tốt, thuận tiện cho việc đi lại và chuyên chở, là một trong những yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế. Đường ở đây rất ít ổ gà vì công tác duy trì và bảo dưỡng được nhận thấy liên tục trong suốt chuyến du lịch của tôi ở mọi nơi và mọi miền. Ở mỗi chỗ cần được sửa chữa, đoạn đường được đào lên, từng lớp mặt đường được tái xây dựng. Hình như kiểu “vá víu” không có ở đây!
Đường trong tỉnh |
Đường dẫn vào thôn quê hay vùng sâu-vùng xa thường gồm một lane cho mỗi chiều. Nhìn vết sơn phân cách mới tinh có thể đoán rằng đường mới làm hay vừa được tu bổ lại. Tôi được cho biết rằng càng về thôn quê đường càng tốt. Điều này mới nghe qua tưởng chừng như thật kỳ lạ và “nghịch lý”!
Đường vào làng, hai bên là rừng. |
Đường vào xóm làng cũng rất tốt, hoặc tráng nhựa, hoặc được đúc bê-tông. Đường đất bụi hay lầy lội, tạm bợ rất hiếm.
Đường đầu xóm |
Đường cuối xóm |
Rất hiếm khi gặp cảnh sát giao thông, thường mặc áo chẽn màu xanh đọt chuối, sau lưng ghi chữ TRAFFIC POLICE. Họ ra lệnh cho xe dừng, vừa trao đổi gì đó với tài xế, vừa nhìn vào xe vài giây rồi ra dấu cho xe đi.
VÙNG TRỒNG GẠO THƠM LÀI NỔI TIẾNG CỦA THÁI LAN
Ra khỏi địa bàn Nakhon Ratchasima, hai bên đường là đồng ruộng trải bao la và dài tít tắp. Mùa này nắng nóng, đồng ruộng chỉ còn lại rạ khô. Không thấy người. Thỉnh thoảng hàng đàn trâu bò nhẩn nha gặm cỏ.
Thung Kula Rong Hay là một vùng thiên nhiên đông-bắc Thái lan, rộng đến hơn 3,000 cây số vuông, trải dài theo năm tỉnh: Surin, Maha Sarakham, Buriram, Sisakhet và Roi Et.
Tôi được giải thích rằng khu trồng lúa thơm lài nổi tiếng này của Thái lan có tên là Thung Kula Rong Hay _ Đồng ruộng Kula Khóc (“thung”, tiếng Thái lan có nghĩa là “cánh đồng”; “rong hay” là “khóc”). Ngày xa xưa, Kula là một tộc người Miến điện, nổi tiếng kiên trì và dẻo dai, đã đi dọc suốt vùng cao nguyên này, phát hiện ra vùng đất mênh mông, khát bỏng nhưng lại chẳng tìm thấy một ngôi làng nào. Vùng hoang mạc này không có cây lớn che bóng mát. Điều kiện sống nghiệt ngã và khó khăn tận cùng làm tộc người Kula bật khóc … Từ đó, vùng đất rộng lớn này có tên như vậy!
Thung Kula Rong Hay chịu điều kiện giống như bán sa mạc: khô nóng vào mùa nắng nhưng ngập lụt vào mùa mưa. Đất ở đây pha cát, lại nhiễm mặn. Tuy nhiên, ngày nay vùng này đã được cải tạo và biến thành vựa lúa thơm lài chính của Thái lan.
Một góc cánh đồng bên đường được chụp từ xe. Chú ý: ụ chân cột điện được xây cao vì vào mùa mưa, đồng lúa này bị ngập. |
Gạo thơm lài vùng này chỉ canh tác mỗi năm một vụ vào mùa mưa. Vì vậy, sau vụ thu hoạch, người trẻ trong làng thường tìm việc tại thành phố lớn, một phần vì thích sinh hoạt náo nhiệt và năng động ở đây. Người già không có việc sau vụ mùa tìm thêm việc thủ công khác.
Gạo thơm lài Thái lan nổi tiếng thế giới. Thương hiệu này có uy tín vì không sử dụng thuốc trừ sâu. Gạo dẻo, có mùi thơm, gạo nấu cho vừa nước, cơm để vài ngày vẫn dẻo và thơm. Có lúc Thái Lan, vốn trong quá khứ luôn giữ ngôi vị là nước xuất cảng gạo số một thế giới, bị soán mất ngôi vị này nhưng số tiền họ thu được từ gạo vẫn đứng hàng đầu: điều này muốn nói rằng phẩm chất gạo, chứ không phải khối lượng gạo xuất cảng là quan trọng.
Dọc hai bên đường, nhà máy xay xát và công nghiệp nối đuôi nhau, xen kẽ với nhà dân hay trang trại.
Một nhà máy xay xát bên đường. |
Một ngôi nhà bên đường: trâu bò, rơm rạ. |
Thốt nốt, một thảm thực vật đặc chủng của địa phương, quả dùng làm đường. |
NHÀ THÔN QUÊ
Từ đường lộ chính, chúng tôi rẽ vào đường làng và chạy thêm mấy chục cây số nữa để đến một ngôi làng sản xuất bánh truyền thống, hay nói rằng bánh đặc sản cũng được.
Thôn quê ở Thái Lan có nét tiêu biểu là thanh bình đến độ … vắng vẻ. Nhiều con đường trong làng tôi đi qua thấy ít người qua lại, thỉnh thoảng vài chiếc xe hơi hay honda chạy qua, phá tan bầu không khí yên tĩnh. Thường thì làng nào cũng có chùa và trường tiểu học. Những ngày có lễ hội tôn giáo, chùa treo cờ thì sinh hoạt trong làng mới nhộn nhịp.
Ngôi làng tôi đến hôm nay có kiến trúc nửa Thái, nửa Lào, vốn là nét đặc trưng của một số tỉnh thuộc vùng đông bắc: hai dân tộc sống chung hòa bình do lịch sử để lại. Hai ngôn ngữ lại na ná như nhau nên việc thông đạt dễ dàng.
Nhà gỗ theo kiểu Thái |
Nhà sàn |
Nhà trệt phía trước, nhà sàn phía sau |
Nhà phụ, vừa là nhà kho, vừa là … garage! |
Ở đây, mỗi nhà đều để một chậu thấp, miệng rộng trên một cái đôn hay cột to để trồng rau! Rau xanh tươi trông mát mắt và có cái ăn ngay tầm với. Gần như nhà nào cũng có chum to để đựng hoặc trữ nước mưa.
Cải làn này mà xào với thịt bò thì …! |
Hẹ này mà ăn với hủ tíu thì …! |
Cặp chum thân thiết |
Nhìn chú cẩu say sưa giấc nồng mặc sự đời với các gia đình nhà gà dưới gian nhà sàn làm tôi nhớ đến những làng người Thượng một thời xưa.
Chú cẩu đang nằm mơ thấy gì nhỉ? |
Các gia đình nhà gà này yên ổn tìm cái ăn. |
Làng thường ở cạnh rừng, là nơi dân làng có thể sống dựa vào rừng: măng, nấm, thịt thú rừng, trứng kiến, đường thốt nốt … Ngược lại, rừng cũng được bảo vệ tốt để duy trì môi trường tốt cho con người.
Chúng tôi vào thăm một xưởng nho nhỏ trong làng chế biến bánh truyền thống của làng theo thủ công. Dân làng ở đây chất phác và hồn hậu đến ngạc nhiên: chỉ biết sản xuất mà không biết tìm thị trường tiêu thụ! Họ ít sử dụng điện thoại để tìm kiếm thị trường.
Nguyên liệu sản xuất chính là bột, đường (từ cây thốt nốt) và dầu thực vật.
Một công đoạn sản xuất |
Thành phẩm, bánh giòn tan với vị ngọt thanh của đường thốt nốt. |
Một loại bánh giống hệt như bánh neo hồi bé tôi thường ăn, có điều điểm
xuyết thêm mấy cọng hành tươi xanh. Giòn và ngon tuyệt. Thử đi! |
Tuy là nhà quê nhưng gia chủ không từ bỏ giấc mơ có một ngai vàng làm bằng bánh xe honda và bằng sên xe! |
Một điểm gây chú ý là, dù ở một vùng thôn quê xa lắc nhưng ý thức bảo vệ môi trường của dân làng là rất tốt.
Cách xử lý rác của dân làng |
Không ngạc nhiên khi nhiều người Nhật và Bắc Âu về hưu thích ở vùng nông thôn miền bắc Thái lan: họ, hoặc là lấy một cô vợ Thái rồi mua đất làm nhà rồi nhận nơi này làm quê hương, hoặc vợ chồng già thuê khách sạn hay nhà nghỉ rồi … ngày tháng rong chơi! Đa số họ thích sống ở vùng ngoại ô Chiang Mai, Chiang Rai, … ở các tỉnh phía bắc.
Vùng thôn quê miền đông bắc Thái lan còn đậm chất bình dị, mộc mạc, chất phác và hiếu khách, làm tôi nhớ đến những làng quê Việt Nam sau lũy tre xanh. Nhưng đời sống người dân Thái ở đây tốt hơn, tiện nghi hơn, có internet và mọi dịch vụ tiện ích khác. Đời sống của nông dân Thái lan êm đềm, ổn định, phát triển bền vững . Họ không bao giờ lo lắng bị cướp mất đất đai canh tác.
“Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?”. Cả một đời bon chen nơi chốn đô hội, đến một độ tuổi nào đó thì: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao.”
Đời sống thôn quê không thật thú vị lắm sao?
Hồng A
No comments:
Post a Comment