Đại Hội Thánh Mẫu sẽ làm lễ khai mạc vào lúc 7g chiều nay. Từ sáng sớm đất trại đã đầy kín những căn lều lớn nhỏ đủ màu. Những cơn mưa trong đêm làm đất trại lầy lội hơn một chút, nhất là những nơi bị đọng nước, nhưng ngược lại những trận mưa này cũng làm giảm bớt phần nào cái nóng oi bức trong ngày. Những người từ xa về tham dự Đại Hội vẫn đến tấp nập.
Từ Minnesota lái xe xuống Missouri mất khoảng 10 tiếng, hai bạn Ánh và Cư chắc chắn đã rời nhà từ lâu để có thể đến cho kịp lễ khai mạc. Bích Sơn và Dung từ sáng sớm đã nôn nao mong gặp lại hai người bạn ngày xưa. Cứ chốc chốc hai cô bạn lại hỏi nhau "Không biết giờ này Ánh và Cư lái đến đâu rồi?" và bàn tính xem nên đãi các bạn món gì.
Xế trưa, Bích Sơn và Dung đoán Ánh và Cư chắc cũng sắp đến nhưng liên lạc với Ánh bằng điện thoại hoài không được, cuối cùng đành phải gởi text cho Ánh:
- "Người từ Minnesota tới nơi chưa?"
- "Ánh tới hơn một tiếng rồi,
cu Cư chạy xem phong cảnh thành phố, bây giờ mới tới (peanut sugar),
còn trong motel signal không có, đi ra ngoài building mới có sóng, đợi
Cư săn sóc sắc đẹp xong là dọt, see you soon."
Đọc đến hai chữ "peanut sugar", Dung định quay qua Bích Sơn hỏi "peanut sugar là gì vậy Bích Sơn?" chợt nhớ đến Nam Đà. À thì ra vậy! Coi bộ Ánh cũng tiếu lâm một cây đó! Đang chuẩn bị thức ăn, thấy Dung đọc text của Ánh xong rồi cười cười, Bích Sơn hỏi "Ánh nói gì vậy?". Vừa nghe xong là Bích Sơn thắc mắc ngay. Đến lúc nghe Dung giải thích "peanut sugar" là "đậu phộng đường" tức là "lạc đường" đó, Bích Sơn cười quá chừng...
Biết hai bạn sắp đến, Bích Sơn đi chuẩn bị thức ăn ngay, chỉ trong chốc lát, món hủ tiếu bò kho đã sẵn sàng để đãi bạn từ phương xa đến.
Một lát sau, điện thoại reo, Ánh gọi:
- "Bích Sơn với Dung ở khu nào vậy, tụi này vừa đậu xe, đang đi bộ tới đó"
- "Ánh đậu xe ở đâu vậy?". Bích Sơn hỏi.
- "Ở parking của nhà thờ Tin Lành."
- "Như vậy gần chỗ của tụi này lắm. Tụi này ở khu số 5. Ánh với Cư đi về phía đồi Calvê thì tụi này ở phía bên trái".
- "Cứ thấy cái RV nào có cắm cái cờ ở ngoài là tới nơi". Anh Liêm thêm.
Mặc dù xe đậu sát đường, Dung và Bích Sơn vẫn lo Ánh với Cư không kiếm ra chỗ, tụi Dung đi ra ngoài đường chờ các bạn. Vừa thấy Ánh và vợ chồng Cư từ xa, Dung và Bích Sơn mừng rỡ vẫy tay chào các bạn. Ánh và Cư tươi cười vẫy tay chào lại. Bốn người bạn cũ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Thật là niềm vui khôn tả. Cư vẫn điềm đạm như ngày xưa, còn Ánh cao nhoòng và mặt lúc nào cũng nở nụ cười. Những hình ảnh đặc biệt lúc bấy giờ đã được anh Liêm ghi lại qua ống kính nhà nghề của anh.
Trên đường vào khách sạn 5 sao của phe ta, Bích Sơn giới thiệu với các bạn những căn lều của hàng xóm láng giềng.
Cả nhóm chụp một tấm hình kỷ niệm trước mặt tiền của khách sạn. Từ trái sáng phải: Ánh, Cư, Minh (bà xã của Cư), Dung và Bích Sơn.
Trên đường vào RV, cả bọn đi ngang qua nhà bếp.
Bên cạnh đó là nhà để xe. Ở đất trại hai chiếc xe scooter mà anh Liêm và Bích Sơn mang theo trở thành "hàng độc" vì rất tiện lợi mà ít ai có. Mọi năm, anh Liêm và Bích Sơn, mỗi người lái một chiếc. Năm nay vì có thêm Dung, trước khi đi anh Liêm chu đáo chế biến gắn thêm một cái ghế ngồi bên chiếc xe lớn để anh và Bích Sơn đi một chiếc, còn chiếc kia dành cho Dung.
Trong không gian nhỏ bé đó ở đất trại, những người bạn 74 sau bốn mươi mốt năm lại có dịp hàn huyên, ôn lại chuyện ngày qua. Ánh và Cư rời trường cuối năm 72 để gia nhập Không Quân và thuộc khóa đàn em của anh Liêm. Những câu chuyện xưa tuôn trào và không lúc nào vơi tiếng cười, đã được tô thắm với những mẩu chuyện vui từ Ánh và tài kể chuyện duyên dáng của Bích Sơn.
Mãi nói chuyện, không ai để ý đến giờ khai mạc. Lúc ra đến chỗ làm lễ, phía trước đã được ngồi kín nên cả nhóm đành ra tuốt phía sau.
Đi dự Đại Hội, có một vài thứ không thể thiếu được. Dung hoàn toàn không biết phải chuẩn bị thế nào. Lúc sắp sửa ra dự lễ, Bích Sơn bảo Dung cầm theo một cái ghế ngồi, rồi một cái nón, kế đó là chai nước. Trên đường đi mới biết ai cũng mang theo những món này để thích nghi với những cơn mưa nắng thất thường ở đất trại. Thế mới biết mình được bạn cưng chiều, lo lắng cho đủ mọi thứ.
Riêng Xuyến, bà xã của Ánh, suốt buổi lễ không ngừng tay quạt cho cháu ngoại cưng. Vợ chồng Ánh có hai cháu ngoại, lần này chỉ có cháu lớn là Tyler được tháp tùng theo ông bà ngoại đi dự Đại Hội mà thôi.
Buổi lễ khai mạc được diễn ra trong một không khí thật trang nghiêm với rất nhiều cha và ma soeur từ khắp nơi trên thế giới về dự lễ, kể cả Việt Nam.
Tiếp theo lễ khai mạc Đại Hội là Thánh lễ cầu hồn. Bên ngọn nến lung linh, thời gian như lắng đọng lại để mọi ngưới hướng tâm tư về gia đình và những người thân yêu của họ.
***
Thứ sáu, 9/8/2013
Trước khi đi dự Đại Hội, Dung tự hỏi không biết sẽ làm gì cho hết thì giờ rảnh, không ngờ ngày nào cũng bận rộn từ sáng sớm cho đến nửa đêm. Hôm nay chương trình dày đặc với những buổi hội thảo trong ngày và buổi tối sẽ có chương trình giúp vui của Paris by Night.
Từ sáng sớm, Ánh đã liên lạc xem chương trình của các bạn hôm nay như thế nào:
- "Good morning all, chương trình hôm nay ra sao? Hỏi Bích Sơn có nghe Cha giảng gì không? Nói Bích Sơn, Ánh, Cư đang ở trong Hội Trường Các Thánh Tử Đạo."
Buổi sáng, mọi người đi dự hội thảo, Dung ở nhà đi vòng vòng xem cảnh trại và mới thấy chuyện các bạn quảng cáo "Dung nên đi cho biết, dzui lắm" thật không sai tí nào.
Chắc các bạn còn nhớ, nhà Dung ngày xưa ở trên đường Amatranglong, ngay góc Y Jut, gần nhà Bích Sơn. Góc bên kia của khúc đường Amatranglong, đối diện nhà Minh Trung là Ty Thông Tin. Một việc trùng hợp là bây giờ chỗ tụi Dung ở cũng gần trạm thông tin. Và trạm thông tin ở đây không gì khác hơn là nơi quý vị nội trợ ghé lại lấy nước dùng hoặc để rửa chén. Chỉ cần đứng ở dấy một chút là có thể nghe bà con cô bác "tám" đủ thứ chuyện chung quanh khu trại của mình.
Lần trước, nói về cách chống cái nắng nóng cháy da của Missouri, Dung kể đủ thứ nào là nón, rồi dù, áo, quạt mà quên mất cái cách hữu hiệu nhất dưới đây. Còn gì bằng một chút nước mát!
Nhà máy phát điện lưu động mọc khắp nơi, nhưng lớn nhất phải kể đến cái máy phát điện dưới đây. Khiêng xuống xe rồi lúc về phải khiêng lên lại cũng ớn, tốt nhất là để luôn trên xe.
Kế đó là trạm phát điện thành phố, dây nhợ chằng chịt không thua gì ở Việt Nam.
Đi xa hơn một chút, Dung bắt gặp một chiếc xe cũng bị lún sình như xe tụi Dung hôm trước. Xe này so với chiếc RV thì nhỏ xíu. Cả gia đình 10 người xúm lại đẩy hết cỡ mà vẫn không suy suyển. Điều phiền toái là họ đã không mua được xăng, nước đá, bây giờ còn chận mất chỗ ra vào. Buổi tối Dung về kể cho Bích Sơn nghe, hai cô bạn lại nở mũi thêm một chút với thành tích thật "oách" của mình mặc dù cái may chiếm hết 99% trong đó.
Sau khi nghe xong phần hội thảo buổi sáng, anh Liêm và Bích Sơn ghé về ăn cơm trưa. Ở Đại Hội, tuy ai
cũng có điện thoại cầm tay, nhưng việc liên lạc bằng điện thoại cũng đôi
phần khó khăn, vì số người dùng tăng lên gấp bội trong thời gian ngắn
ngủi nên có lúc gọi được, có lúc không. Chẳng hạn như một lần Dung nhìn
điện thoại, thấy Ánh gọi, vội bắt lên và nói:
- "Alô"
- "Alô, Dung đang ở đâu?"
- "Dung đang trên đường về lại RV đây."
- "Alô, Dung có nghe không? Dung đang ở đâu?"
- "Dung đang trên đường về."
- "Alô, sao không nghe gì hết. Alô. Alô"
- "Ánh không nghe Dung nói hả?"
rồi mất sóng... Chán thật! Chỉ còn cách dùng text message. Lát sau, hai vợ chồng Ánh và cháu Tyler ghé đến dùng bữa cơm trưa, vợ chồng Cư ở lại nghe hội thảo. Lần này Bích Sơn đãi các bạn món bê thui và cá lù đù với xoài xanh. Tấm hình dưới đây Ánh chụp lúc Bích Sơn đang chỉ Dung cách cắt xoài xanh ngâm nước mắm.
Sau
buổi ăn trưa, anh Liêm cho cháu Tyler đi thử một vòng trên xe scooter.
Tyler thích quá, lúc xuống xe là khoe với ông ngoại ngay "I like it!". Sau chuyến đi này, chắc ông bà ngoại lại tốn tiền tậu scooter chở cháu đi chơi.
Buổi trưa, Bích Sơn rủ Dung đi nghe hội thảo cho biết. Buổi hội thảo kế do cha Toàn giảng. Cha giảng rất hay, ai nghe cũng thích. Đến nơi, hội trường đông nghẹt không có chỗ chen chân, anh Liêm và Bích Sơn tiến về phía trước hội trường, Dung đi theo mà thắc mắc không biết là sẽ ngồi chỗ nào. Bích Sơn thấy Dung mặt mày lo lắng, liền bảo mình sẽ lên chỗ VIP ngồi (Very Important Person, thường dành cho những người quan trọng). Đến sát sân khấu, Dung còn đang ngơ ngác thì Bích Sơn kéo Dung xăm xăm tiến lên nữa. Trong chốc lát tụi Dung trở thảnh VIP thật, ngồi ngay trên sân khấu. Sau đó, Dung được biết cha Toàn là người duy nhất cho người nghe ngồi ở đây.
Đây là lần đầu tiên Dung dự một buổi hội thảo Công Giáo, cha Toàn giảng hay thật, lúc nào hội trường cũng đầy tiếng cười nhất là khi cha nhắc những câu chuyện vui về các soeur.
Buổi chiều, sau khi xong phần hội thảo, anh Liêm ra thẳng nơi làm lễ để giữ chỗ cho chương trình buổi tối mà sau lễ sẽ là phần văn nghệ của Paris by Night. Bích Sơn về đón Dung vì sợ Dung tìm không ra dù có được chỉ chỗ. Còn Cư lo các bạn bị đói nên ghé mua cho mỗi người một ổ bánh mì và một cái bánh ít. Mua thức ăn xong, lách người xuyên qua rừng người tham dự, mang đến cho bạn cũng không phài là chuyện dễ dàng.
- "Dung đang ngồi chỗ nào?"
- "Từ sâu khấu nhìn xuống, tụi Dung ở gần cây cờ thứ tư bên trái. Cư đang ở đâu vậy?"
- "Đang đứng ngay gốc cây bên trái cột cờ thứ tư. Dung có thấy mình không?"
Mặc dù Cư đứng cách đó không xa, nhưng Dung nhìn mãi mới thấy bạn.
Buổi văn nghệ Paris by Night kéo dài khoảng hai tiếng với sự hiện diện của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn qua vai trò MC cố hữu. Thông thường mỗi ca sĩ sẽ trình diễn hai bài hát, nhưng vì có nhiều ca sĩ có mặt trong dịp này, nên mỗi người chỉ trình diễn có một bài. Chương trình được chấm dứt với hai vở kịch hài. Dung vừa nghe nhạc, chốc chốc lại đứng lên chớp một pô hình y như dân mê ca sĩ thứ thiệt!
Đường về trại buổi tối lại có thêm cái thú dạo phố đêm với những ly sinh tố ngon ngọt, mát rượi.
***
Thứ bảy, 10/8/2013
Chiều nay là phần nghi lễ quan trọng nhất của Đại Hội với Lễ rước kiệu Đức Mẹ tiếp nối với buổi lễ lớn. Sau lễ, phần văn nghệ Paris by Night được lập lại cho những ai chưa có dịp coi hôm trước hay muốn xem lại một lần nữa. Buổi trưa, anh Liêm, Bích Sơn và Dung lại đi dạo phố tiếp.
Ngoại trừ ở Việt Nam, Dung chưa bao giờ có dịp thấy mít nhiều như ở đây. Nếu kể theo họ ngoại thì phải nói là "chỉ có ở Missouri!".
Nhìn mấy miếng xoài ngon lành cộng thêm muối ớt như thế này, thiệt khó mà nhịn!
Đi đại hội, có lẽ ít người quên cái hình ảnh của ông frère "người thiểu số" đội nón lá, tay liên tục quay dây thành vòng tròn, đứng vẫy tay chào mọi người trước lều dành riêng cho dòng của frère.
Đối diện quán Đồng Hành là chỗ bán nhạc dành cho Trung Tâm Thúy Nga. Các ca sĩ hát tối hôm qua đều có mặt ở đây để quảng cáo cho CD và DVD của mình. Những người ái mộ tha hồ được dịp chụp hình với người nghệ sĩ ưa thích. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình đã bỏ lỡ cơ hội đầu cơ tích trữ... đồ cổ. Chỉ cần đi một vòng xin chữ ký và chụp hình kỷ niệm với các nghệ sĩ có mặt, để dành mấy chục năm sau, biết đâu những món đó sẽ thành đồ cổ có giá trị!
Trước khi về lại trại, Dung nhận được text của Cư. Chút xíu Ánh và vợ chồng Cư sẽ ghé lại trước khi đi rước kiệu:
- "Cám ơn Ánh với Cư nhiều lắm nha. Mua thức ăn cho tụi này nhiều quá, ăn mệt nghỉ."
- "Bánh mì có giống BMT không?"
- "Nhớ bánh mì BMT ghê đi. Bích Sơn mời tới ăn trước khi đi rước kiệu không thôi đói bụng."
- "OK để tìm Minh, bọn này ghé lại say Hi"
Hôm nay, Ánh lên khuôn mặc đồ chỉnh tề nhất. Ngồi chơi một chút, cả nhóm chuẩn bị đi rước kiệu. Nhiều bạn nhìn hình đã phải nói thấy Ánh giống Thầy Trọng lúc Thầy còn trẻ.
Đoàn rước kiệu bắt đầu khoảng 5g, sẽ đi một vòng phố gần khu trại.
Những chiếc dù che nắng được giơ lên phủ kín cả đường đi.
Ánh đứng ở đâu dó trong đoàn
Bích Sơn đi chung với những người ở cùng nhà thờ.
Người đi dự đủ cỡ tuổi, từ em bé 5, 6 tuổi
Đến cụ già lưng đã còng
Hoặc các cháu vừa mới lớn.
Đi ngang qua gần chỗ Ánh và Cư đậu xe, Dung mới biết được Trung tâm chỉ huy cảnh sát lưu động cho Đại Hội được đặt trong một chiếc xe đậu ở bên kia đường gần cổng nhà thờ.
Số người tham dự Đại Hội đông đến độ đoàn rước kiệu đã về đến nơi mà những người phía sau vẫn chưa bắt đầu đi.
Lúc về đến chỗ làm lễ, Dung ráng chụp hình Ánh đi chung với đoàn của Ánh mà canh mãi mới được một tấm, may là nhờ Ánh cao hơn những người trong đoàn.
Kế đến là phần thả cờ. Có chứng kiến được cảnh những chùm bong bóng mang những lá cờ theo gió bay lên cao vút và bay mãi đến phương trời xa mới cảm nhận được sự xúc động của giây phút này. Nhất là khi có những lá cờ bay song song với nhau một đoạn đường dài gói trọn tâm tư và niềm hy vọng của người đứng xem.
Ánh và anh Liêm đều nói, vì những giây phút này mà năm nào không đi là thấy thiếu cái gì đó. Ánh đã dự Đại Hội này hơn 25 năm, có năm không đi được, bà xã Ánh kể là Ánh đứng ngồi không yên, làm việc một chút lại gọi điện hỏi bạn "Sao rồi, tới đâu rồi?".
Buổi lễ tối nay là buổi đông nhất. Điều đáng khâm phục là mọi người rất trật tự, không hề chen lấn, không có bất cứ một đáng tiếc nào xảy ra. Bài giảng thật hay với rất nhiều những câu ca dao nói về phong tục và văn hóa của người Việt, cộng thêm một dàn nhạc và hợp ca xuất sắc mà mọi người chỉ có một thời gian ngắn ngủi để tổng dợt sau khi đến trại.
Sau buổi
lễ, vợ chồng Cư ghé đến chơi. Trong lúc đợi Minh đi lấy một vài món quà
kỷ niệm cho gia đình, Dung và Cư ngồi tán dóc, trao đổi tài nấu ăn. Năm ngoái lúc
Minh Khuê qua, vừa thấy nồi thịt kho với trứng của Dung, Minh Khuê nói
ngay, thịt kho kiểu này mà không có nước dừa thì đâu có ngon. Còn Cư cho biết lúc
bà xã đi vắng, Cư kho thịt nhưng không có nước màu, đành lấy cà phê thay thế. Nước dừa cũng không có và được thế đỡ bằng sữa. Xem ra, Ánh với Dung về tài nấu ăn cũng ngang ngửa nhau.
Buổi tối đường về trại thật yên bình.
Mới đó mà đã sắp đến lúc nhổ trại.
Tuần tới bốn người bạn cũ lại trở về những nơi xa cách.
***
Chủ nhật 11/8/2013
Về đến Minnesoata, Ánh gọi điện thoại và Cư text hỏi thăm.
"Hi Dung, Anh Liêm và Bích Sơn,
Mình vừa về tới nhà. Cám ơn Dung, Anh Liêm và Bích Sơn về sự tiếp đón nồng hậu and wonderful friendship. Chúc Dung về thung lũng Hoa Vàng bình an. Mong rằng mọi người có được những ngày vui mặc dầu thời gian quá it."
***
Thứ hai 12/8/2013
Nhận được text của Cư.
- "Dung còn ở Dallas hay đã về California?"
- "2g chiều này, Dung mới lấy máy bay về Cali. Hôm nay Cư có đi làm không?"
- "Hôm nay đi làm, nhưng làm biếng. Ánh gọi nên giờ này đang làm vườn."
- "Vậy là cả ba đứa mình hôm nay đều thuộc lớp làm biếng đó. Tối hôm qua tụi Dung ghé qua nhà Minh (lớp 74) 11g đêm mới ra về. Cho Dung gởi lời thăm Minh (vợ Cư) nhé."
- "Cám ơn Dung rất nhiều. Ánh đi làm nên dậy sớm chứ bình thường còn đang ngủ".
- "Lúc nãy, Dung có nói chuyện điện thoại với Ánh".
....
- "Giờ này chắc Dung đang ngồi chờ chuyến bay ở Dallas... Chúc Dung thượng lộ bình an".
***
Bốn mươi mốt năm sau
Hẹn hò đất khách gặp nhau
Hẹn hò đất khách gặp nhau
Những mái đầu xanh nay đã bạc
Gặp lại nhau đây rồi
Mừng rỡ quá đi thôi
(thơ Cư phỏng theo Phan Khôi để nói thay cho các bạn)
(thơ Cư phỏng theo Phan Khôi để nói thay cho các bạn)
Và tình bạn 74 như Tín vẫn hay nói là "Rứa đó! Rứa đó!".
Dzung
San Martin, 14/9/2013
Chú thích: hình ảnh trong bài được đóng góp bởi anh Liêm, Bích Sơn, Ánh và Dung.
Dzung
San Martin, 14/9/2013
Chú thích: hình ảnh trong bài được đóng góp bởi anh Liêm, Bích Sơn, Ánh và Dung.
Khỉ ơi là khỉ!!!
ReplyDeleteBài viết và hình ảnh quá xá là công phu, ý nghĩa và tuyệt vời!
Anh Liêm và Bích Sơn đúng là dân đi chơi chuyên nghiệp; Đã vậy mà tâm lý quá xá ...nên khỉ Dung được cưng chìu quá cỡ!
Dung, Bích Sơn, Cư, Ánh gặp nhau sau 40 năm nơi xa xôi kia quả là khó tả phải không ? Vui ghê ha ? may mà mình có liên lạc qua email, hình ảnh ...thì còn nhận ra nhau,chứ không thì khó đấy phải không ?
Ngoài hình ảnh đặc sắc ,
- Cái dụ giải thích "peanut sugar"
- Đoàn rước đã về tới rồi mà cái đuôi chưa được đi!
- Cái dụ "ông frere người thiểu số"....làm Cái Oanh khoái quá xá quà xa!!!
Cám ơn Dung và các bạn nheng .
Một bài viết thật công phu, hình ảnh và chi tiết thật thú vị Dzung, Bích Sơn và tất cả bạn bè ơi ! Thật đáng công lặn lội...
ReplyDeleteHình quả bóng bay dễ thương nhất !
Xưa nay Kh. đã từng nghe danh về lễ hội này, nhưng chưa bao giờ được nhìn những tấm hình rất thực tế như vậy
Kh.
Bốn mươi mốt năm sau, hẹn hò đất khách gặp nhau. Đọc qua đầu đề là đã biết cuộc gặp gỡ không phải tình cờ như ngày xưa Phan Khôi đã nói; mà theo ngôn ngữ hiện đại cuộc gặp gỡ này đã được lập trình để bốn bạn ngày xưa cùng chung một lớp được gặp nhau ở đất khách dù cả bốn mái đầu đều đã bạc. Được lập trình để các bạn ở rất xa nhau trên đất Mỹ có thể gặp nhau ở Trung Mỹ, để Dzung từ San Jose bay lại, để Bích Sơn từ Texas bay lên, để Ánh Cư từ Minesota xuôi xuống. Bốn mái đầu bạc mang theo bốn mảnh tình xanh. Bốn mươi mốt năm xưa, bốn bạn và cả chúng ta, tình trong như trang giấy trắng, xúm xít bên nhau trong một mái trường, vui với đời học sinh hoa mộng. Có ai ngờ đâu biến cố đẩy đưa: kẻ đi học người bị cuốn vào bão lửa chiến tranh để rồi chung cuộc kẻ ly hương người viễn xứ...
ReplyDeleteChúc mừng tất cả các bạn trong niềm vui hội ngộ, DTH biết các bạn đã rất vui vì cả bốn bạn Ánh Cư Dzung Mùi đều học chung một lớp Pháp Văn. Cám ơn ký sự chi tiết và hình ảnh của Dzung Trần về buổi hội ngộ, bài viết của Dzung xứng đáng được xếp vào hàng top. Niềm vui của các bạn cũng là niềm vui của bạn bè ththbmt74 chúng ta. Chúc tình thân của chúng ta còn mãi, còn mãi!
ĐTH
Hà Nội 6.17 sáng 17/9/2013
Khong biet cac ban va thay co khi vao nhung trang nhu the nay co cam giac gi? Rieng Cam thay vui buon cu dang trao ( cu nhu sap bi heart attack vay do) vi doi nguoi ngan ngui qua!!! Moi ngay nao vui ben nhau duoi mai truong va an voi nhau nhung goi khoai mi tron muoi dau phong mua o goc truong, trong gio ra choi, cho do doi de vao hoc tiep hai gio sau...Ngay xua con be sao de thuong qua!!!!!!!!!Bay gio dau ai cung muoi tieu..Nhat la cac thay da den tuoi 70..............Troi oi! Nhung ngay xua than ai...Xin tra lai cho toi................................
ReplyDelete