Tuesday, September 3, 2013

Nhật ký BV

Nhật ký BV là những “ghi chép vụn vặt" của mình trong thời gian chăm sóc vợ bệnh, có khi được ghi trực tiếp trên điện thoại di động, sau đó về nhà “cóp” vào máy tính, thêm dấu vào để hoàn chỉnh (vì thế có thể vẫn còn những từ thiếu dấu). Có khi là những hồi tưởng được ghi vào USB khi ngồi trước máy xách tay mượn của các con (thú thật, mình “nhà quê” nhiều khi không sử dụng được các chức năng của máy và đã một lần làm hỏng máy của con), hoặc khi được “về nhà” ở BMT ghi vào tập tin trong máy tính bàn quen thuộc của mình. Và mỗi khi đọc lại, thấy thích trang nào lại “share” vào tường facebook và gửi cho bạn bè cùng chia xẻ với hy vọng có ai đó trong tình cờ đọc qua, tìm thấy mình đâu đó trong những ngày cũng chia hoạn nạn với người thân.
 
Thanh Hải

***

NHẬT KÝ BV
27 tháng Sáu 2013

Đang tưới hoa buổi sớm, bỗng nghe chuông điện thoại reo vang. Quái lạ, sao hôm nay khúc hát "Điều giản dị" có vẻ hối hả, thúc dục thế? Vào nhà, cầm máy, tiếng con trai hốt hoảng "Ba ơi, Ba có bị làm sao không?" "Làm sao là làm sao? Ba vẫn khỏe mà!" "Thật chứ? Ba không dấu tụi con điều gì đấy chứ?" Tôi cười, bảo con trai "Ba khỏe, chỉ có cái họng hơi đau vì cả tháng nay "chạy" 4 xô ôn thi đại học thôi." " Vậy mà con tưởng ..." " Không có chi mô, con yên tâm. " Tối lại thấy con tag vào tường kể về giấc mơ của cháu. Ừ, có những giấc mơ cũng chỉ là mơ thôi, nhưng cũng có giấc mơ có thể là điềm báo trước một việc gì không lành... Giấc mơ của con, ai ngờ, lại vận vào ME, không phải vào BA...


***

Nhật ký BV
05 tháng Bảy 2013: 

Để Dung bay về Sài gòn một mình tối qua, mình chẳng an tâm tí nào, nhưng phải sắp xếp lại nhà cửa nhờ người trông coi hộ, nhất là chăm sóc con chó Volga. “Dưới đó có các con, khi nào có lịch mổ thì anh xuống. Bỏ con Volga không ai chăm, tội nó lắm.” Tụi mình đã nuôi con chó này hơn 15 năm rồi, và vẫn xem nó như một đứa con trong nhà đấy thôi. Cha mẹ bỏ con cái bơ vơ sao nỡ? Nhưng … biết làm sao được? 

Cả đêm nóng ruột, 8 giờ sáng gọi điện cho con, con bảo “Đang ở BV, chờ Bác sĩ Long vào.” Mình muốn hỏi thêm nhưng thôi, sợ con lo lắng thêm. Mình đến trung tâm Ama Pui, nhờ cô bé thư ký đăng ký giữ chỗ chuyến bay tối nay xuống Sài gòn. Chạy về nhà dọn dẹp nhà cửa, lưỡng lự giữa đi và ở. Cô bé lại điện “Thầy ơi, có lấy vé không Thầy chứ 12 tiếng trước giờ bay là máy tự động hủy chỗ.” Mình lại chạy đến trung tâm. Truyền khuyên “ Thôi, thầy xuống với cô đi, thầy ạ. Có thầy, cô yên tâm hơn.” Rồi quay sang cô bé thư ký, Truyền “ra lệnh”: “Em in vé cho Thầy luôn đi.”. Cầm vé trên tay, mình vừa phân vân quá. Thôi đành gửi nhà và Volga cho hàng xóm trông hộ vậy.

12 giờ, con trai điện về “Đã làm hồ sơ nhập viện và đưa mẫu bệnh phẩm đi sinh thiết. Thứ ba tuần sau mới có kết quả.” Nghe mình báo đã lấy vé tối nay bay xuống, con trai cằn nhằn. “Ở dưới này có tụi con rồi, tuần sau mổ rồi Ba xuống cũng được. Tối nay Ba xuống rồi nhà cửa và con Volga ai trông!?!?” Nhưng con trai ơi, làm sao con hiểu nỗi lo lắng và sốt ruột của Ba lúc này được. Trước khi kết thúc cuộc điện, con trai bảo, “À, quên. Lúc này khi làm hồ sơ nhập viện, cậu bác sĩ nhận hồ sơ, đọc đi đọc lại rồi hỏi ‘Cô là vợ Thầy Hải phải không. Con bảo đúng rồi thì cậu bác sĩ cho biết tên là Huy, con thầy Thiệp ở gần nhà mình trên Buôn Ma Thuột. Cậu ấy bảo có học thêm Anh văn với Ba, cùng lớp với em Kính (Ti Út) nhà mình …” Tôi ngẩn người một chốc mới nhớ ra. “À, Trần Thái Ngọc Huy!” Em học Nguyễn Du, mỗi tuần 2 buổi đến học thêm tiếng Anh với con trai út của tôi. Ngày em đỗ đại học, bố mẹ em có mời tôi đến dự tiệc mừng. Tôi tặng em cặp bút máy, quà tặng của một học sinh cũ đã thành đạt tặng tôi hôm 20/11, với ước mong em cũng sẽ thành đạt. Sau này nghe tin em được đi học ở Nga. Hơn mười 
năm không gặp lại, không ngờ em vẫn còn nhớ đến tôi và sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi trong hoàn cảnh khó khăn này. Cuộc đời luôn có những bất ngờ thú vị và nghe tin này, tôi lại càng khẳng định thêm mình đã không chọn nhầm nghề. Cám ơn NGHỀ DẠY HỌC.

***
 
Nhật ký BV
12 tháng Bảy 2013

Ai ngờ mình đón sinh nhật thứ nhất của vòng đời thứ hai ở hành lang Khoa hồi sức bệnh viện ĐHYD. Năm ngoái Nhâm Thìn, năm tuổi, lo lắng chờ tin xấu xảy ra như vẫn mọi người tin, nhưng chẳng có gì xảy ra. Năm nay đã qua năm tuổi lại… Cả đêm chập chờn, mỗi người chỉ ngủ được trên một phần ba chiếc chiếu đơn. Năm giờ sang đã chộn rộn. Ai cũng muốn được vào trong xem người thân của mình sau một đêm dài chờ đợi trong âu lo. Sáu giờ rưỡi sáng, người bảo vệ bắt đầu gọi tên cho thân nhân vào. Dung vẫn thiêm thiếp, chắc đêm qua không ngủ được vì đau nhức khi thuốc gây mê đã tan. Không còn nằm cạnh ca cấp cứu hồi đêm, nhưng vẫn được theo dõi huyết áp bằng máy, người đeo dây lòng thòng: dây chuyền dịch, dây chuyền thuốc sau cột sống, dây chuyền ống dẫn lưu, dây gắn với máy dò huyết áp. Tối qua chỉ đọc thấy con số 40–46–43, sáng nay nhảy quanh 60-62. Thế là có tăng lên được chút đỉnh. Lau qua mặt cho Dung bằng khăn giấy, mình siết tay rồi quay ra nhường thời gian cho các con vào thăm Mẹ. …
7 giờ. Hết giờ thăm bệnh. Bảo các con về kịp giờ đi làm, mình dọn dẹp gọn góc ngồi chờ. Cửa thang máy đóng, mở liên tục, các ca chuẩn bị mổ bắt đầu được chuyển xuống phòng tiền phẩu. Tiếng người í ới gọi nhau, tiếng y tá càu nhàu đề nghị dẹp đường để cho xe đẩy bệnh nhân đi qua. Những chiếc xe chở thuốc men, bông, băng, quần áo bệnh nhân sạch và bẩn liên tục qua lại. Thân nhân kẻ đứng, người ngồi, người đi qua lại, lao xao, lố nhố. Gần 9 giờ, con dâu mang thức ăn sang vào, mình nhai nuốt vội rồi bảo con chờ chạy lên phòng ở khoa Ngoại sạt nhờ điện thoại. Điện thoại chưa kịp đầy, đã nghe chuông đổ. Cầm máy lên, tiếng con dâu hốt hoảng: “Ba ơi họ mời thân nhân vào ký giấy cam kết, nhưng họ bảo phải có Ba chứ không cho con ký…”. Ký cam kết??? Có chuyện gì bất thường à? Mình chạy vội xuống, quên cả cám ơn những người trong phòng cho cắm nhờ sạt điện thoại.

Cô bác sĩ còn khá trẻ, thong thả mời mình ngồi rồi rào đón, trấn an. “Mạch của cô yếu quá, chúng tôi không tìm ‘ven’ được. Bây giờ phải lấy ‘ven’ ở động mạch cổ để chuyền dịch. Đây chỉ là tiểu phẩu thôi, nhưng có thể chảy máu, nên phải có cam kết của thân nhân. Vì vậy phải mời chú vào để trao đổi…” Quả thật về chuyên môn mình chẳng hiểu gì mấy, nhưng mình biết rằng động mạch cổ là nơi dễ dẫn đến tử vong nếu có sơ suất nào đó mà không cầm máu được. Nhưng không thể không đáp ứng yêu cầu của bác sĩ vì chỉ có thể chuyền thức ăn và thuốc men bằng đường này thôi. Mình gật đầu và ký vào giấy cam kết: giao sinh mạng vợ cho bác sĩ, chỉ với yêu cầu là bác sĩ trao đổi thêm với BS Long và BS Huy ở khoa Ngoại. Cô BS hứa sẽ điện cho Long và Huy. Trước khi mình rời khỏi phòng hậu phẩu, cô BS thắc mắc hỏi BS Long là người trực tiếp mổ thì việc trao đổi thêm là đúng rồi, nhưng còn BS Huy thì… Khi nghe mình bảo Huy là học trò cũ ở BMT, cô BS trẻ à lên một tiếng, gật gật đầu. Chắc là cô ấy hiểu thêm một điều trong cuộc sống: dù ở đâu thì tình cảm thầy trò vẫn có mối dây liên kết.

Thời gian sau đó là chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi để đến 7 giờ tối hôm đó được phép vào thăm, vết mổ ở cổ vẫn còn dính chút máu và ống chuyền đang cắm vào đấy, còn dây chuyền nằm tòn ten trên giá đỡ. 

Mình đã đón sinh nhật thứ 61 của mình như thế đấy.
 

Đặng Ngọc Hải 

1 comment:

  1. Mến gởi anh Hải, thăm Ngọc Dung ...

    Kh. luôn tin tưởng rằng Dung sẽ lành bệnh, chỉ chịu khó đau chút xíu thôi . Cơ thể người ta rất diệu kỳ, khi Tâm mình nghĩ mình sẽ lành bệnh, thì Thân sẽ ứng biến theo lệnh của trung tâm não nơi mình suy nghĩ để tạo ra một hóa chất đặc biệt chống lại bệnh tật . Anh Hải và Dung tin Kh. đi vì Kh đã đi qua cửa tử một lần trong 7 lần mổ rồi (7 cas mổ này đã đến với Kh. chỉ trong vòng 2 năm mà thôi, mà theo lời bác sĩ mỗi cas mổ cần để bệnh nhân hồi sức ít nhất trong vòng 2 năm !).

    Thế đấy mà Kh. đã vượt qua được ... lời 7 vị bác sĩ của chuyên ngành về giải phẫu, phụ khoa, tiết niệu và thận lắc đầu " Đã trễ rồi ! " khi thận Shut Down (không hoạt động nữa), gan bắt đầu nhiễm độc ...

    Khi Kh. bệnh, vì Kh. không có anh xã như Dung, nên mọi chuyện là TỰ NƠI MÌNH hết cả . Bản năng sinh tồn vực mình đứng dậy ... lúc ấy, nghĩ đến tập THƠ đang ở trong nhà in ... hì ... hì ... là ĐỨA CON TINH THẦN mà mình mong gặp mặt, thế thì mình phải sống để thấy đứa con chào đời " ĐA TÌNH KHÚC "

    Ngọc Dung cố gắng lên bằng cách vững tinh thần để cơ thể không bị phân tâm mà "điều binh khiển tướng" chống lại căn bệnh và anh Hải là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của Dung thì anh Hải cũng phải đứng thật vững nhé

    Chuyện phước thầy cứu bệnh cho mình là cái DUYÊN mà mình không biết trước được đâu, nó đến như là PHÉP LẠ đó, vì những gì mình đã làm phước trong quá khứ, khi nhận lại sự đền ơn, cái phước đó sẽ là gấp bội ngàn lần

    Thương Dung lắm vì Kh. cũng đã trải qua đau đớn vì dao kéo như Dung ...
    Chúc anh Hải thật giỏi để người bạn đời của anh luôn vững tin vào anh

    Bạn của Dung,
    Kim Hương

    ReplyDelete