Vào ngày cuối kỳ nghỉ, sáng sớm tôi ghé chợ phiên ở Vasse, ngoại ô thị trấn biển Busselton. Loanh quanh đi qua những gian hàng, tôi dừng lại tại một quầy sách second-hand nhưng vẫn còn mới kít. Tại đây tôi may mắn mua được gần một nghìn con tem sưu tập tuyệt đẹp và quyển ILLUMINATING the PATH to ENLIGHTENMENT của DALAI LAMA với giá “siêu mềm”. Được biết đây là tặng phẩm của những người làm từ thiện, được bán đi để gây quỹ.
|
Quầy sách hấp dẫn |
|
Quầy bánh Pháp chính hiệu: pâté chaud và croissant ngon tuyệt! |
|
Đôi nghệ sĩ chợ phiên |
Nước Úc là một lục địa bao quanh bởi những đại dương nên có hàng nghìn cây số bãi biển. Tùy theo vị trí địa lý, mỗi bãi biển có đặc tính khí hậu và vẻ đẹp khác nhau.
Trên đường ra bãi biển Busselton để thăm cầu tàu Busselton Jetty, ngang qua một công viên, tôi gặp một nhóm người dắt chó đến đây theo học lớp huấn luyện chó. Nhớ đến gian hàng bán thực phẩm và đồ chơi đủ loại cho chó ở chợ phiên hay siêu thị, kể cả những loại thực phẩm đặc biệt dành cho chó kén ăn, tôi chạnh lòng: “Chó ở xứ người sướng thiệt! Ngẫm lại tôi cảm thấy buồn.”
|
Chó được cưng và được săn sóc tốt |
Từ bãi biển của thành phố Busselton, có thể thấy cầu tàu Busselton Jetty xa tít mù, dài nhất nam bán cầu. Tôi đáp chuyến xe lửa mini đến cuối cầu tàu để thăm đài quan sát dưới đáy biển (Underwater Observatory) với giá AUD 32. Theo thuyết trình của hướng dẫn viên, cầu tàu được xây năm 1960, có độ dài 1841 mét. Đài quan sát là một phòng có kiến trúc hình ống bằng bê-tông cốt thép cao 12 m, đường kính 9 m, dày 250 mm, được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Úc và Nhật sau nhiều thập niên mới hoàn thành để mở cửa đón khách vào năm 2003.
Đài quan sát có 4 cửa sổ dọc theo cầu thang đi xuống và dưới sàn đáy. Từ đó du khách tha hồ ngắm đủ loại sinh vật biển bơi lội nhởn nhơ cùng với hàng triệu phiêu sinh vật và san hô đủ màu sắc.
|
Cầu tàu Busselton Jetty |
|
Xe lửa trên cầu tàu |
|
San hô đại dương |
|
Cá sọc bên san hô đủ màu |
|
Đàn cá nhởn nhơ |
Trên cầu tàu trời nước bao la, gió biển mát lạnh. Xa xa, những chiếc tàu nhỏ câu cá. Đi câu cá ở đây thường là thú vui giải trí nhưng phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Đến trưa, nước biển chuyển sang nhiều màu xanh biếc khác nhau, loang loáng những đốm sáng ánh nắng mặt trời.
|
Mênh mông bể khơi |
Rời cầu tàu, tôi đi thăm Chocolate Co., thành phố Margaret River. Ở đây, khách hàng được tha hồ nếm thử đủ loại sô-cô-la, dạo quanh xem đủ loại sô-cô-la ngọt ngào.
|
Quầy nếm thử sô-cô-la miễn phí, không giới hạn số lượng! |
|
Chỉ nhìn sô-cô-la cũng đủ thấy... nghẹt thở! |
|
Chắc cả gia đình mới xơi hết một con gấu bông sô-cô-la này! |
Xuôi đường đi xa hơn về phía nam, rừng cây ở đây vụt cao hơn. Tôi choáng ngợp trước cảnh đẹp thiên nhiên với những cây cổ thụ cao to.
|
Rừng thiên nhiên |
Tôi đi tiếp ra vịnh Hamelin Bay. Gió biển mát lạnh, biển cả mênh mông. Xa xa ngọn hải đăng trắng nhô lên trên bãi đá, nhấp nhô những ngọn sóng bạc đầu, những chiếc canot rẽ sóng ra biển để lướt ván.
Trên bãi cát, rải rác những cụm rong biển theo sóng dạt vào bờ. Luật ở đây không cho phép khai thác hay thu lượm rong biển để bảo tồn môi trường. Theo thông tin, thềm bãi biển ở đây được làm sạch tự nhiên bởi vài loài cá đuối săn mồi. Tôi cố chụp vài con đang lượn lờ sát mép nước nhưng không sao chụp được vì sóng xô mạnh vào bờ, còn tôi lại sợ ướt chân!
|
Ngọn hải đăng trên bờ đá |
|
Thông tin về đặc tính cá đuối địa phương |
|
Chú bồ nông vẩn vơ |
Xế trưa, trên đường về nhà, tôi ghé vào một cửa hàng nằm khuất bên đường bán rượu vang và rượu mùi pha cất với mật ong được gọi là MEAD. Vừa bước vào cửa hiệu, mọi người ồ lên một tiếng: mùi mật ong dịu ngọt thoảng qua mũi. Mật được lấy từ ong hút mật hoa thiên nhiên đủ loại. Ngoài mật ong, phó sản gồm xà phòng, kem bôi da ... chiết xuất từ mật ong cũng được trưng bày. Chính xác, mead được chưng cất từ mật ong hơn là nho khiến cho các loại rượu phảng phất hương vị nồng chát của rượu vang và vị ngọt của ong rừng đặc trưng khó tả.
|
Sản phẩm trưng bày của nhà sản xuất |
Trong siêu thị, trang phục của lễ hội Halloween và hàng trang trí cho mùa Giáng sinh đã rộn ràng. Vài ngôi nhà trên đường đi qua đã xuất hiện ông già Noël trước sân nhà.
Tôi cũng được chỉ cho thấy lác đác từ xa một vài cây lớn trổ bông màu cam rực rỡ (tiếc rằng không chụp được hình) và được giải thích rằng đó là cây Nuytsia Floribunda, đặc trưng ở Tây Úc, được người dân ở đây gọi là cây Giáng sinh Tây Úc (Western Australia’s Christmas tree). Cây trổ bông lai rai từ đầu tháng mười một và càng gần đến Giáng sinh càng nở rộ. Điều thú vị là, theo giải thích của một giáo sư sinh vật học, cây Nuytsia Floribunda cũng là một loại (nửa) tầm gửi như mistletoe: một biểu tượng của mùa Giáng sinh ở Tây phương.
|
Cây Giáng sinh Tây Úc (hình Google) |
Những ngày thăm thành phố Perth, mọi điều với tôi đều mới lạ, đều làm
cho tôi háo hức, ngạc nhiên. Chuyến đi giúp tôi hiểu biết thêm chút ít
về thành phố Perth, về nước Úc.
|
Vẫn còn lưu luyến hương hoa hồng trước nhà |
Ngày chia tay cũng đã đến, tôi bịn rịn tạm biệt hai cô con gái cùng gia đình, lòng hãy còn lưu luyến, bước chân không nỡ rời xa.
Chào tạm biệt nước Úc. Hẹn một ngày gặp lại.
Hồng A
Một chuyến du lịch thật thú vị và Kh. cũng được học hỏi thêm nhiều điều chưa bao giờ biết qua lời kể của Hồng A đấy.
ReplyDeleteKh.