Wednesday, November 25, 2015

Nắng Lên Xóm Nghèo

Khoảng năm 2012, tôi dọn nhà về ở quận 8 Sài-Gòn, trong một con hẻm nhỏ, sâu ngoằn ngoèo, tôi vẫn hay cười đùa là nhà ở mấy cái “sẹc”. Đây là một xóm bình dân, nhà sát vách nhau, nhà này nói to thì nhà đối diện cũng nghe thấy.

Đường đi trong hẻm nhỏ đến nỗi hai chiếc xe máy tránh nhau thì cũng đủ chật cứng. Vậy mà đường đi còn bị lấn chiếm bởi khi thì mấy cái lồng nhốt gà đá, khi thì mấy cái lồng chim phơi nắng, hoặc bộ bàn ghế hàng ăn bày ra đường, khách ngồi ăn xì-xụp... Đi trong hẻm, tôi phải tránh phân gà, phân chó, nước xà bông, nước rửa đổ lênh láng ở những hố “ga” hay những chậu bông đặt nhô ra đường cùng vô số chướng ngại vật khác... Nhiều khi đang đi trong hẻm, tôi bị nguyên một thau nước bẩn dội từ trên lầu của một nhà nào đó tạt xuống đất ướt đẫm cả người. Tôi ngước nhìn lên thì người dội nước điềm nhiên nhìn không một lời xin lỗi. 

Con hẻm nhỏ
Mỗi nhà một chậu hoa đặt ra hẻm

Về đêm, sau một ngày làm việc mệt mỏi, mọi người cần nghỉ ngơi thì nhà ai đó trong hẻm vang dội tiếng karaoke ầm ỹ đến tận khuya như tra tấn người nghe.

Tuy vậy, sáng sớm tôi lại được đánh thức bởi tiếng gà gáy nghe thật thanh bình làm tôi nhớ đến một quê nhà xa lắc.

Mùa mưa, nước không có chỗ thoát vì đường sá cứ nâng cao dần, tràn vào con hẻm, vào những ngôi nhà nền thấp làm khổ chủ bì bõm tát nước trong nhà ra hẻm suốt đêm. Ấy vậy mà trẻ con trong xóm lại sung sướng cởi trần đùa nghịch tắm mưa trong những vũng nước đọng.

Đó là nói trong hẻm, còn nhiều đường phố trong thành phố vẫn ngập nước, kẹt xe lúc trời mưa mới ghê hơn nữa. Lúc đó chỉ còn trân mình chịu đựng: “Tôi đứng trong mưa, buốt giá đôi vai.”

Đường phố sau cơn mưa

Nhiều ngày nắng ráo nhưng thủy triều lên ngập một số đường, mang theo rác rưởi và nước cống đen ngòm, bốc mùi kinh khủng.

Quay về chuyện xóm nhỏ, còn cái màn “tám chuyện” của các bà, các cô trong xóm rảnh rỗi họp nhau “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, rồi lan man đến chuyện “cặp kè” của ông kia bà nọ. Lâu lâu có một trận đánh ghen làm huyên náo cả xóm: hai phụ nữ nhào vô túm tóc nhau, giật xé quần áo, chửi bới inh ỏi … Chủ đề này còn kéo dài mấy ngày sau mới vơi đi.

Từ sáng đến tối, tiếng rao hàng đi tận cuối hẻm. Sáng sớm thì có “Bánh mì mới ra lò, nóng … phỏng tay luông … hai ngàng gửi (2 500 đ) một ổ.” Bọn trẻ thích nhất là xe kem với tiếng leng-keng quen thuộc, tiếng rao của người đàn ông giọng miền Trung giới thiệu cả chục loại kem, mỗi que kem chỉ có giá 5 000 đ! Còn mấy người mua hàng hư hỏng hay phế thải có tiếng rao thu sẵn rồi phát ra, nâng lên hàng “công nghiệp” ầm ỹ suốt con hẻm.

Một số người Việt thiếu ý thức sống theo văn hóa và văn minh cộng đồng. Họ có thói quen lấn chiếm, giành giật, to mồm, không có thói quen xếp hàng nơi công cộng ... Trên một số các đường phố Saigon, người đi bộ buộc phải đi xuống đường vì vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ riêng để kinh doanh mua bán. Đôi khi nhà ai có việc cưới xin hay ma chay cũng ngang nhiên dựng rạp, lấn cả nửa hay cả con đường đang lưu thông, thậm chí còn rào hẳn một đoạn đường không cho ai qua lại !!!

Trong xóm nhỏ, có một gia đình “công ty” chuyên nấu ăn tiệc cưới thuê, lấn hết một con hẻm với đám người làm thuê ngồi làm thức ăn , đồ tươi sống tanh tưởi cùng nước thải ngập ngụa suốt ngày. Phường khối xuống thường xuyên nhưng đâu lại hoàn đấy!

Gần nhà có một công viên nhỏ, tôi thường ra đó tập thể dục hay đi bộ. Nhiều chỗ tôi không dám đi ngang qua vì mùi nước tiểu khai nồng nặc, phân chó lăn lóc trên bãi cỏ. Cạnh những thùng rác là chình ình mấy túi nilon thức ăn thừa, chai lọ vương vãi … Kim tiêm ma túy thì lăn lóc dưới gốc cây. Chỉ khổ thân những người phu quét rác, cặm cụi quét nhặt từng chiếc lá úa cùng rác thải.

Tiếng còi xe trên đường thì miễn bàn, chát chúa đinh tai nhức óc, ai muốn bấm còi xe thì cứ tùy tiện … Khói và bụi là hai thứ mà người đi đường hứng trọn.

Trên đường phố, cạnh những tòa nhà cao tầng hào nhoáng, những khu mua sắm sang trọng, những nhà hàng ẩm thực, cà-phê đông vui … bạn có thể thấy những mảnh đời bất hạnh: những cụ già ốm yếu, những người tàn tật, những em nhỏ gầy gò lẽ ra phải được cắp sách đến trường lại phải rong ruổi trên các nẻo đường mưu sinh bằng những xấp vé số … Còn nhiều và còn nhiều nữa lắm … để lời than van, cay đắng còn phải cất lên ai oán cho những phận người bất hạnh.
Cụ già bán nước trà dưới gầm cầu Hiệp Ân
Hàng ngày tôi đi ngang qua cầu Hiệp Ân, nhìn theo một đoạn kênh nước rất bẩn, rác nổi lềnh bềnh. Hai bên bờ là nhà dân lấn ra kênh, nước sinh hoạt cùng chất thải tha hồ đổ xuống dòng kênh tội nghiệp này.

Kênh Đôi, cầu Hiệp Ân, cận cảnh.

Kênh Đôi, cầu Hiệp Ân

Đôi khi tôi vẫn đi tìm một chút bình yên, không gian thoáng đãng cho mình dù phải vượt cả chục cây số qua khu Phú Mỹ Hưng, để giữ lại một chút gì lãng mạn, mộng mơ.

 Một khúc sông ở quận 7

Một khúc sông ở quận 7

Một góc phố Phú Mỹ Hưng

Xóm nghèo bình dân cũng có nhiều điều hay. Hàng xóm xuề xòa, tốt bụng. Mình đi chơi xa có thể nhờ hàng xóm trông nom nhà cửa giùm. Họ còn đóng tiền giùm các hóa đơn điện và nước. Trong xóm có đầy tháng, sinh nhật các cháu bé, mọi gia đình chạy qua chạy lại chia sẻ với nhau.

Tôi vẫn nhủ thầm rằng trong xóm nghèo này bức tranh ảm đạm về kinh tế và môi trường may ra vẫn còn một vài mảng sáng. Biết làm gì để thay đổi ý thức về cách sống cho văn hóa, văn minh hơn một khi luật pháp không nghiêm minh, còn tùy tiện.

Tôi vẫn mong một ngày mai sáng sủa hơn, một bình minh của ngày mới tươi đẹp hơn, một ngày nào đó … NẮNG LÊN XÓM NGHÈO.

Hồng A

1 comment:

  1. Một bài viết rất thực tế trong đời thường, cho nên nghe hương vị trầm luân, cay đắng, bất hạnh pha lẫn xót xa trong chút hạnh phúc của mơ ước người cầm bút.
    Người có căn nhà nhỏ trong ngõ hẹp có lẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc đấy thôi vì đôi khi họ đã nhìn xuống khi hiểu rằng căn nhà họ đang ở vẫn may mắn hơn một chỗ trú nắng mưa ngoài gầm cầu chung quanh họ!
    Họ không có được đầy đủ như mọi người, nhưng họ đã bằng lòng với hiện tại, dẫu trong lòng mơ ước một điều gì đó "khang trang" hơn!

    Kh.

    ReplyDelete