Wednesday, November 18, 2015

Đường Lên Fansipan

Đường lên đỉnh Fansipan  -cao nhất nước, 3.143m = 10,312 feet, nằm trên rặng Hoàng Liên Sơn- vòng vèo lên xuống qua nhiều đồi núi, thung lũng và rừng nguyên sinh nên du khách muốn trèo thường phải thuê người hướng dẫn.

 Nhân viên công ty Du Lịch Xanh cho biết nếu không gặp trở ngại như thời tiết xấu, đau ốm hay tai nạn thì chuyến đi thường mất 5 ngày 4 đêm: 1 ngày từ Hà Nội lên Sa Pa, ngủ hotel một đêm; 3 ngày lên xuống núi, ngủ lều hai đêm; ngủ ở Sa Pa một đêm nữa, hôm sau về Hà Nội. Khách chịu đi về bằng tầu đêm chỉ mất 3 ngày, đỡ tiền hotel nhưng vé toa đặc biệt với phòng ngủ riêng, đầy đủ tiện nghi như ở Âu Mỹ phải trả cả trăm Đô. Toa hạng nhất có phòng ngủ 4 giường, 6 giường rẻ hơn. Hạng phổ thông (bình dân) ngủ ngồi rẻ nhất. 

Tôi nói tôi lên Sa Pa 3 lần rồi. Đi về và ăn ngủ ở thị trấn tôi tự lo. Chỉ lên xuống núi, ngủ lều, ăn uống thì tốn bao nhiêu. Chi nhánh công ty trên Sa Pa tính giá là 75 Đô gồm cả giấy phép Công An. Quá mỗi ngày tính thêm 20 Đô. Tôi 62 tuổi, phải thuê thêm “cửu vạn” (tên một lá bài Tổ Tôm và Chắn Cạ có biểu tượng là phu khuân vác) để thồ hành trang và cũng phòng hờ tôi đau ốm mới có người  cõng xuống. Tôi nói tôi còn “gân”, không cần cửu vạn. Hướng dẫn viên nhất định không chịu, bảo chú ăn nhạt (chay), mất sức, nhỡ giữa đường đi đứng không nổi thì sao. Tôi đành trả thêm 10 Đô một ngày, không phải tiếc tiền mà vì nhỡ gặp du khách phái “yếu” thì mất mặt quá (đúng y chang, mời xem ảnh đính kèm). 

5 giờ sáng ngày 4 tháng 4, 2001 tôi ra ga Trần Quý Cáp đi tầu hỏa Hà Nội – Lào Cai. Tầu ngày có 2 hạng: ghế mềm và ghế cứng. Tôi mua ghế cứng, không nệm mông nệm lưng, giá 1 lượt khoảng 3Đô 25, cốt tập cho quen cực nhọc.

6 giờ khởi hành. Hà Nội cách Lào Cai 340km (1km = 0.62 mile), đi mất 10 tiếng. Dọc đường mở cửa sổ ngắm cảnh thì phải kéo lưới thép bảo vệ xuống đề phòng bị ném đá. Năm 1993, trên chuyến tầu xuyên Việt, tôi và một sinh viên Mỹ theo học chương trình Học Kỳ Hải Ngoại (College Semester Abroad) đã kéo lưới che chắn nhưng tụi ác ý lại ném phân trâu bò nên thầy trò vẫn lĩnh đủ!

4 giờ chiều, tầu đến ga Lào Cai. Lên Sa Pa phải đi tiếp bằng ôtô. Thấy gấp gáp quá, tôi đi xe thồ (xe ôm) vào thị xã cách ga chưa đầy 2km. Tới ngã ba thứ nhất, rẽ trái qua cầu Cốc Lếu là đường vào phố chợ và khu hành chính. Nếu đi thẳng thì tới cầu Mới và cầu tầu hỏa bắc qua sông Nậm Thi. Sông không rộng nên đứng bên Ta có thể thấy rõ nhà cửa vườn tược bên Tầu.

Tôi thuê phòng ngủ ở khu này. Chiều xuống, lững thững đi ngắm cảnh sông núi yên bình thì khó tưởng tượng rằng năm 1979 Trung Quốc đã san bằng thị xã. Đi tiếp dọc ven sông chừng nửa tiếng nữa, tôi thấy một cây cầu gỗ chênh vênh nối hai bờ nhưng có rào cản và bảng cấm qua lại. Không biết đây có phải là Cầu Biên Giới mà nhạc sĩ Phạm Duy đã diễn tả thật lãng mạn bằng nhạc và lời (?). Nếu đúng thì nơi này quả là “…Cầu cao nghiêng giốc trên giòng sông sâu, sầu vương theo gió bay về cuối trời...” [Bên Cầu Biên Giới].

Hôm sau, gà vừa gáy sáng thì phía Trung Quốc tiếng nhạc quân hành đã dồn dập ào sang. Chưa kịp rửa mặt thì bên Ta mấy cặp loa cũng kèn trống vang dội đáp lễ. Tôi vội trả tiền phòng, rảo bước ra ngã tư, đón xe thồ trực chỉ ga Lào Cai mua chỗ ôtô lên Sa Pa.

Từ nhà ga, xe khách chạy 40km đường đèo vừa dốc vừa khúc khuỷu tới Sa Pa mất khoảng tiếng ruỡi. Khách đa số là Tây Ba Lô chứ không phải Tây khá giả ở hotel 4, 5 sao (sao Chủ Nghĩa Xã Hội, không phải sao Michelin). Giá xe, Ta 1 Đô.  Tây, có khi bị gọi là bọn “đít to” thì tùy cuối tuần hay ngày thường, nhà xe “chém” gấp đôi, gấp rưỡi. Nếu đủ số “đít to”  -theo cách tính tùy tiện của tài xế- họ sẽ không tranh nhau đón khách dọc đường. Ta sẽ được một người một ghế, Tây đỡ phải ghìm giầy xuống sàn như thể hãm phanh (đạp thắng) cho xe chạy chậm lại. 

Bến xe thị trấn Sa Pa (thời điểm 2001) nằm trong khoảnh đất trống giữa sân vận động và nhà thờ. Sân vận động thiếu bảo trì nên cỏ dại mọc rải rác thành từng đám nhỏ và nhiều bực xi măng làm chỗ ngồi bị nứt lộ cả đất đá. Nhà Thờ không có linh mục, chỉ có “Già quản” lo việc kéo chuông có lẽ để khách Tây tưởng Sa Pa vẫn còn sinh hoạt đạo Chúa công khai. Chùa chung chỗ với đền Bạch Y Thánh Mẫu, chính điện thờ Mẫu, gian bên thờ Phật. 

Xế chiều, hướng dẫn tên Lộc -dân tộc Kinh-  và cửu vạn tên Tỏa -dân tộc H’Mong-  đến khách sạn gặp tôi (“người Việt Nam” bây giờ là cụm từ chỉ toàn dân gồm tất cả các sắc tộc Kinh, Thượng, gốc Hoa, v..v..). Lộc nói tôi ăn nhạt nên ngoài cơm chỉ có đậu phụ, muối vừng và dưa chuột. Đồ uống gồm nước khoáng đóng chai, chè và cà phê tan. Lộc phụ trách dẫn đường, nấu nướng, rửa bát đĩa và sẽ mang thêm mươi đẵn (khúc) mía để tôi ăn cho thêm sức. Tỏa thồ lều, nước uống và hành trang của tôi. Nếu thiếu nước, Lộc sẽ đun nước suối. Mai lên đường, có xe U-Át (Jeep Nga Sô Viết chế tạo theo mẫu Jeep quân đội Mỹ thời Thế Chiến thứ II) đưa chúng tôi đến bản Sín Chải, cách đây 9 cây số. Từ đấy cuốc bộ thêm một đỗi là tới đường lên núi (“đỗi” là khoảng thời gian lâu, mau hay quãng đường dài, ngắn được áng chừng chủ quan như  “đợi một lúc, một chút”). 

Bản Sín Chải

Sáng 6/4 trời nắng to, chúng tôi đi bộ băng qua giòng suối đá ở cuối bản Sín Chải rồi bắt đầu trèo dốc. Mới được một đỗi, tôi đã phải nghỉ mệt. Lộc khuyên ăn mía chứ đừng uống nước, õng bụng là ngồi luôn. Đường lên đỉnh núi có 4 gờ cao thẳng đứng. Cái cao nhất khoảng 20 mét (1m = 3ft3). Gờ có nhiều kẽ đá và rễ cây trổ ra nên tôi trèo lên được. Đi thêm mấy đỗi nữa, tới một chỗ phải men theo triền núi. Nhìn xuống vực sâu với những tảng đá to tướng, tôi sợ thót bụng nên cứ hai tay bám víu rễ cây hay khe đá thật vững chắc thì tôi mới dám nhích nhích từng tí  trườn qua khúc này. Lộc căn giờ, mất 32 phút!

Suối bên đường

Dốc cao

Hiểm nghèo

Quá trưa, chúng tôi lên tới độ cao 2.100m. Trời nắng, đỉnh Fansipan hiện ra giữa những cụm mây trắng bồng bềnh và những mỏm núi lam trùng điệp. Lộc bảo trên ấy, cứ dơ tay lên là với tới mây.   

Ăn trưa trễ xong, chúng tôi đi tiếp tới thung lũng nằm ở độ cao thấp hơn để đến chỗ ngủ. Xuống dốc không mệt nhưng mới được một đỗi, hai bắp đùi tôi mỏi nhừ và đầu gối nhức nhối vì cứ phải ưỡn ra sau để khỏi ngã chồm ra trước. Đã thế , đầu ngón chân bị dồn vào mũi giầy nên đường càng dốc càng thốn, trượt vào đá cục, đau buốt óc.

Tỏa

Chưa già

Tới thung lũng, Lộc nói ngủ ở đây bớt gió, dễ nhóm lửa nấu ăn, có suối to, tha hồ rửa ráy. Tỏa nói đây có nhiều nước nên thảo quả mọc rất tốt. Tỏa trồng gần hai trăm cây. Thảo quả hơi giống cây ngô nhưng thấp hơn. Lá trông như lá gừng, vò ra có mùi thơm dễ chịu. Tỏa nói quả chín to bằng ngón chân cái, bán được giá cao, không cần bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Thảo quả chữa đau bụng, giữ bún và bánh phở lâu bở. Lái buôn Trung Quốc trả 10 Đô một cân, mua làm thuốc gì không rõ. Năm ngoái được mùa, thu hoạch non một tạ. Thảo nào Tỏa tuy làm “cửu vạn” nhưng quần áo tươm tất và có xe gắn máy Nhật. Tôi khuyên có tiền phải cho con đi học, đừng uống nhiều rượu quá. Tỏa khoe hai con đều học giỏi và quả quyết không hút thuốc, ít uống rượu nên mới năng trèo lên đây chăm sóc cây cối và khi tốt trời mới có đủ sức thồ hành trang và nước uống cho Tây, Đầm leo núi.

Cây thảo quả

Xế chiều tới chỗ dựng lều, Tỏa chặt củi, nhóm bếp. Tôi theo Lộc ra suối lấy nước. Suối rộng chừng 10m, nước trong, có chỗ chảy róc rách giữa những tảng đá nhẵn bóng. Định tắm nhưng nước lạnh quá nên tôi đi chụp ảnh mấy khóm hoa mầu hồng tím mọc hai bên bờ đá xanh rêu. Ngoài loài này, dọc đường tôi còn thấy ba loài nữa: loài mầu vàng mọc trên các sườn núi, to gần bằng bàn tay; loài nở trên cây cao khoảng 3m, thân cỡ bắp đùi, to hơn hồng nhung, mầu đỏ; loài mọc sát đất, mầu xanh tím, trông như những ngón tay chỉ lên trời.   

Hoa bên suối

Hoa chỉ thiên

Hoa triền núi

Hoa thung lũng

Hoa bên đèo

Hoa đỉnh cao

Động hoa vàng

Ong bướm chắc cũng có nhưng tôi không thấy. Chim có một giống nhỏ hơn chim sẻ, lông cũng nâu; một giống tựa chào mào, lông cũng đen nhưng không có mào. Tỏa nói trước kia trên còn có khỉ, dưới có rắn nhưng bị săn bắt hết.  

Cơm tối xong, Lộc tìm chỗ chôn dấu thực phẩm và nước uống dành cho chuyến về; Toả đóng cọc dựng lều. Sau đó cả hai đi thăm mấy nhóm khách nước ngoài vừa từ Fansipan xuống cắm trại ở phía trên, chắc để học tập ngoại ngữ. Lộc nói có hướng dẫn nữ và một cô Đầm đẹp. Tôi nói tôi mệt phải đi ngủ sớm giữ sức. 

Cơm tối

Phái "yếu"

Nửa đêm thức giấc, có lẽ vì Lộc và Tỏa ngáy to quá. Cố ngủ lại mà không được, tôi vén lều thò đầu ngó quanh thì thấy sáng trăng chan hòa trên cây dưới đất. Tôi vội mặc thêm áo gió, cầm máy ảnh, chui ra ngoài. Mới đầu sợ ma, tôi chỉ chụp ảnh gần lều. Dần dần hết sợ, tôi theo đường mòn ngắm trăng bên suối và mừng thầm chắc phải có duyên mới gặp được dịp may hiếm có này. Len lỏi giữa rừng nguyên sinh rồi ngồi mơ màng trên một phiến đá cho đến khi “sương ướt mái đầu” tôi mới rảo bước về lều. 

Nằm đếm hơi thở sâu, tôi ngủ lúc nào không biết. Ngủ một mạch cho đến lúc Lộc đánh thức tôi dậy uống cà phê, ăn cơm rang. Lộc đề nghị đi sớm thì mới kịp lên đỉnh Fansipan trước khi trời tối. Tôi hỏi đường còn xa và khó trèo không. Lộc nói xa, dễ trèo nhưng tôi phải đủ sức lên được đỉnh 2.408m và đỉnh 2.600m rồi băng qua rừng trúc mới tới nơi.

Háo hức và sợ thời tiết xấu bất chợt, tôi vượt lên dẫn đầu mà không sợ lạc vì từ đây đường được đánh dấu bằng những vết dao chém trên thân cây hoặc bằng giây nhựa xanh hay tím buộc vào những cành cao. Lộc nhắc nhở đường mòn nào nhẵn nhụi, không đánh dấu thì chớ đi vào vì đấy là đường đẩy thân cây xuống núi. Cây gỗ quý Pờ Mu ở vùng này bị đốn gần hết (Pờ Mu mọc thẳng như Red Wood ở Cali nhưng thấp và nhỏ hơn nhiều). Toả kể năm 1999, lửa từ Lai Châu lan sang làm rừng cháy cả tuần. Trên các triền núi cao ở đằng xa, tôi thấy còn mấy cây Pờ Mu cháy đen, đứng trơ trọi, trông như những bộ xương đang dơ tay kêu cứu!

Cỡ hai giờ chiều chúng tôi tới đỉnh 2.600m. Đang nghỉ mệt thì mây xám vần vũ kéo tới. Trời bắt đầu mưa lớt phớt. Tôi sợ mưa to nên bảo Lộc và Tỏa đi tiếp. Được gần hai tiếng thì gió nổi mạnh. Lộc đề nghị nghỉ tránh gió. Tôi hỏi Fansipan còn bao xa. Lộc không trả lời nhưng khuyên tôi nghỉ và ngủ lại đây cho an toàn và gần khe nước. Tôi hỏi Tỏa, Tỏa đáp độ hai tiếng. Tôi bảo tôi muốn trèo tiếp, Lộc cứ ở lại. Tôi hỏi Tỏa, Tỏa đồng ý đi tiếp. Lộc miễn cưỡng nói sẽ theo sau.

Đường càng lên càng dốc. Tỏa đi trước. Tôi cố bám sát nhưng không nổi. Lên cao nữa là rừng trúc. Thân trúc bằng đũa ăn cơm, cao khoảng 2m, mầu nâu, ngọn tỏe như cỏ lau, rất ít lá xanh. Theo dấu vải nhựa xanh và tím, tôi thấy nhiều chỗ đất đen gần như than. Bám trúc cho đỡ bị trơn trượt, đồng thời dùng tay kéo phụ cho chân, tôi gò người trèo tới. Một đỗi sau, tôi gặp Tỏa ngồi giữa đường. Tỏa nói nghỉ mệt. Tôi hỏi còn bao xa. Tỏa đáp không xa lắm và dục tôi đi trước kẻo mưa to khó trèo. Tôi lấy mía ăn. Tỏa nói để lại túi cá nhân, Tỏa mang lên sau. Tôi không chịu, khoác cặp leo tiếp. 

Đường rừng trúc


Hai tay gạt trúc, lên thêm mấy trăm bước nữa, tôi thấy trên cao có phiến đá xám trắng, lốm đốm vàng. Đến gần hơn, tôi thấy thêm ba tảng đá, mỗi tảng to như xe ôtô, dựa vào nhau. Chỗ cao nhất có cái mốc hình kim tự tháp. Biết đấy là đỉnh Fansipan, tôi vừa leo vừa bò lên tận nơi. Mừng và xúc động quá, tôi đứng thẳng, ngửa mặt nhìn trời, hai nắm tay dơ lên cao, lắc lắc như các vận đông viên thể thao đoạt giải quán quân. 

Gần tới nơi

Đang hý hửng, tự mãn thì bỗng đâu một vòm mây từ xa cuồn cuộn tiến tới rặng núi đối diện. Đến bờ ghềnh, thay vì bay qua, vòm mây lại tuồn tuột đổ xuống vực như thác nước nhưng không có mảy may một tiếng động. Cảnh tượng lạ lùng này khiến tôi có cảm giác đỉnh Fansipan chòng chành và đang nhô lên trời. Tôi vội ôm lấy kim tự tháp, hồi hộp chờ đợi vòm mây tràn sang. Chờ một đỗi, không thấy gì cả. Tôi hú gọi Tỏa nhưng chỉ nghe tiếng vọng. Định hú tiếp thì tôi chợt hiểu ra là Toả giả vờ nghỉ mệt, nhường tôi lên trước để tôi một mình mặc tình bộc lộ cảm xúc trên đỉnh Fansipan.

Fansipan


Đang nghĩ phải làm gì để cảm ơn lòng tốt và tế nhị của Tỏa thì mốc kim tự tháp và mấy tảng đá lấp loáng như có chớp. Vì mốc làm bằng kim loại thì sét chắc sẽ đánh trúng ngay nên tôi cuống cuồng tụt xuống, chui vào một hốc đá, nằm co quắp, bịt tai chờ sấm nổ. Chờ một lúc, không nghe sấm nhưng vẫn có chớp. Ngước nhìn lên cao, tôi thấy phía trên lớp sa mù là mặt trời sáng dịu như mặt trăng. Bên dưới lớp sa mù, những cụm mây với đủ hình dạng kỳ lạ vùn vụt theo nhau bay qua khiến cho ánh sáng mặt trời lúc bị chắn, lúc lọt qua như thể có chớp. Hoàn hồn và thích thú, tôi trèo lên đỉnh vái tạ bốn phương trời đất.

Chạng vạng tối Tỏa và Lộc mới lên. Lộc đề nghị chụp ảnh rồi xuống chỗ ban nãy ăn uống, dựng lều. Tôi nói tôi ngủ lại đây, mai chụp ảnh bình minh mới bõ công. Lộc nói sợ đêm lạnh lắm, sợ gió thổi bay mất lều. Tôi nói mất lều tôi đền, nếu Lộc không bằng lòng thì lấy một tấm bạt xuống bên dưới ngủ. Tôi hỏi Tỏa, Tỏa trả lời ngủ đâu cũng được. Lộc nói ở đây không có nước nấu cơm. Tỏa đưa dao bảo Lộc chặt trúc nhóm bếp. Tỏa đi tìm nước.

Nhìn trúc ướt nhưng vẫn cháy lách tách. Tôi không biết mùa nào trúc xanh nhưng vào thời điểm tháng Tư này thì chặng nguy hiểm nhất lại là khu rừng trúc. Nếu cháy thì hết đường thoát. Tôi căn dặn Tỏa và Lộc phải cẩn thận củi lửa vì đất bùn đen như than tức là đã có hỏa hoạn. Cơm nước vừa xong, Lộc tưới nước dập tắt bếp ngay. Tôi kiểm tra không còn đốm lửa nào mới bảo Tỏa trải bạt, dựng lều. Tôi nằm yên chỗ, Tỏa mới nói theo tục lệ H’Mong, đã trèo lên tới đây thì về phải cúng Thần. Tôi hỏi cúng hoa quả được không. Tỏa trả lời cúng lợn quay tốt hơn.

Suốt đêm gió thổi vù vù. Lều đã buộc vào mấy cọc sắt nhưng vẫn rung lên phần phật. Chập chờn đến gần 7 giờ sáng gió mới lặng. Để cửu vạn và hướng dẫn tiếp tục khò khè, tôi vén lều chui ra. Tứ phía, nắng đã chan hòa trên các mỏm núi và mốc kim tự tháp. Tôi mải mê chụp ảnh cho đến khi ngửi thấy mùi cà phê và mùi cơm chín tới. Ăn uống xong, Lộc xin tôi chụp cho một tấm đeo kính râm, một tay chống nạnh, một tay vịn mốc kim tự tháp để tặng người yêu. Tôi chụp cho hai tấm, mỗi tấm một kiểu. Hỏi Tỏa, Tỏa lắc đầu. Ngắm cảnh và chụp ảnh thêm một đỗi nữa, tôi bảo nhổ trại. 

Phó nhòm

Qua rừng trúc ít phút, có hai khách Tây đang lên. Một ông trông rất mệt nhọc. Tôi khuyến khích sắp lên tới đỉnh rồi. Nắng ấm, cảnh đẹp lắm. Cậu hướng dẫn nói ông ấy bị đau bụng tháo dạ (tiêu chảy) chứ không Tây trèo khỏe và nhanh không thua cửu vạn.

Xế chiều xuống tới thung lũng ngủ đêm. Lộc đổi chỗ dựng lều gần suối hơn. Tôi ra suối lau mình, rửa mặt. Lúc trở về đã thấy hai khách Tây và hướng dẫn xuống tới nơi. Người tôi khuyến khích cố trèo tới đỉnh, bước tới cám ơn và nói hết đau bụng rồi.

Trong khi hai hướng dẫn nấu cơm, tôi giúp Tỏa dựng lều rồi đi loanh quanh xem cảnh. Cảnh rất đẹp nhưng túi ny lông, hộp giấy, lon bia, bao thuốc lá, giấy vệ sinh, chai nhựa vương vãi khắp nơi. Tôi vừa nhặt bao, túi, lon, hộp, chai, vừa dùng cành cây nhọn đầu gom giấy. Một lúc sau hai khách Tây đến tiếp tay. Tỏa chặt cành khô làm dàn hỏa đốt rác. Tôi bảo khách Tây nhớ nói với bạn hữu là Tây cũng làm bẩn môi trường chứ không phải chỉ có Việt Nam. Một người hóm hỉnh đáp lại, “In Rome, do like Romans” (nhập gia tùy tục).

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy trễ, điểm tâm thật no để khỏi phải ăn trưa. Tỏa nói sẽ xuống trước về nhà lấy xe gắn máy chở chúng tôi về thị trấn. Tỏa đi rồi, Lộc bảo nếu không phải thồ hàng thì cửu vạn H’Mong có thể lên xuống núi trong ngày.

Xuống, tôi đỡ mệt nhưng đau đầu gối và đầu ngón chân. Có lúc bị chuột rút. đau quá, tôi lại nhớ lời cụ già gác cổng khách sạn tâm sự, “Tây Đầm có nhiều đứa khùng lắm ông ạ. Lên đây không nghỉ ngơi cho sướng cái thân mà lại bỏ bạc triệu để đi ngủ rừng ngủ bụi.”  

3 giờ hơn Lộc và tôi xuống tới bản Sín Chải. Tỏa đã ngồi xe chờ sẵn. Tỏa chạy rất vững tay lái nhưng có thói quen nguy hiểm như nhiều dân xe thồ ở đây là tắt máy khi đổ dốc cho đỡ tốn xăng. Tôi nhờ Tỏa thả tôi ở Đại Lý tầu hỏa gần chợ để tôi mua vé giường nằm đêm nay về Hà Nội. Tôi hẹn Tỏa và Lộc 6 giờ chiều ăn chia tay ở Restaurant Chapa.

Đến hẹn, tôi đi bộ tới nhà hàng. Tỏa và Lộc đã có mặt. Tôi bảo Tỏa và Lộc muốn ăn thịt cá gì cũng được, mấy món cũng được, uống gì cũng được. Thả cửa. Trong khi Lộc xem thực đơn, tôi hỏi chủ quán bao nhiêu một con lợn quay. Chủ quán hỏi to hay nhỏ. Tôi bảo độ 10 cân. Chủ quán nói 27 Đô. Tôi bằng lòng nhưng chủ quán lại bảo phải đặt trước một ngày. Tôi nói tối nay tôi về Hà Nội rồi, không có lợn thì mang ra đây 3 con Hổ (bia Larue, nổi tiếng trước 1975 ở miền Nam, có nhãn đầu cọp) trong khi nhà bếp nấu nướng. Tỏa bảo tôi một mình Tỏa ít nhất phải vài con Hổ mới đồng cân đồng sức.

Về Tắm Ao Xưa.
Xuân 2001.
Bùi Dương Chi.

5 comments:

  1. Mong sao tuổi 70 có được thể lực khỏe và tinh thần minh mẫn như thầy Chi hiện nay( 82t )

    Thầy ơi Còn thiếu tấm ảnh

    vì nhỡ gặp du khách phái “yếu” thì mất mặt quá (đúng y chang, mời xem ảnh đính kèm).

    Kính chúc thầy dồi dào sức khỏe

    ReplyDelete
  2. Đọc xong bài hồi ký của thầy,em ước gì mình có được cảm xúc vui mừng và xúc động mãnh liệt khi đứng trên đỉnh Fansipan_ Nóc nhà Đông Dương.

    Với văn phong dí dỏm, sống động, thầy đã khiến người đọc hồi hộp dõi theo cuộc hành trình lên đỉnh Fansipan đầy thú vị này.

    Kính chúc thầy nhiều sức khỏe để có thêm nhiều chuyến du lịch mạo hiểm vậy nữa.

    Học trò: Hồng A

    ReplyDelete
  3. Gặp lại Thầy sau hơn 40 năm tại cà phê Arul quán, nghe Thầy kể chuyện thấy Thầy còn nhớ hết những chuyện đã qua.
    Hôm nay, qua diễn đàn em lại được đọc bài viết và hình ảnh của Thây làm em có cảm tưởng như chính mình đã được đi đến những nơi như thế, Cảm ơn Thầy đã cho em biết thêm đến những địa điểm mà em chưa một lân tới.

    Học trò cũ: Quách Lục

    ReplyDelete
  4. Em phục thầy thiệt đó! Leo lên tới đỉnh Fansipan thì mấy người đã làm được việc ấy hả thầy?! Nhìn tấm hình thầy cười tươi đứng giữa núi cao vòi vọi mà nể thầy quá.
    Em đợi đọc "ký sự Fansipan" của thầy nha.
    Chúc thầy luôn khỏe để leo núi ạ.

    Trò Kh.

    ReplyDelete
  5. Tấm hình thầy "Chưa già". Đúng vậy, thầy chưa già đâu ! Leo lên được tới "đỉnh trời" ấy phải là cỡ tuổi đôi mươi kìa...
    Trước nhất là càng lên cao càng khó thở vì áp suất thay đổi - giống như mình đi máy bay vậy
    Kế đến là cái lạnh của núi, của trống trải mênh mông để gió ngao du từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia cũng đủ cuốn bay người lưng chừng núi rồi
    Lại thêm những con dốc dựng đứng... mà sao em không thấy thầy cầm cây gậy chống phụ để leo núi hả thầy?

    Em thích thêm đoạn văn này nữa thầy ơi: "...tôi vén lều thò đầu ngó quanh thì thấy sáng trăng chan hòa trên cây dưới đất. Tôi vội mặc thêm áo gió, cầm máy ảnh, chui ra ngoài. Mới đầu sợ ma, tôi chỉ chụp ảnh gần lều. Dần dần hết sợ, tôi theo đường mòn ngắm trăng bên suối và mừng thầm chắc phải có duyên mới gặp được dịp may hiếm có này. Len lỏi giữa rừng nguyên sinh rồi ngồi mơ màng trên một phiến đá cho đến khi “sương ướt mái đầu” tôi mới rảo bước về lều. ..."

    ReplyDelete