Hồi
còn đi học bậc trung học, hình như tôi chưa bao giờ tự hỏi rằng mình học những
kiến thức học đường sau này ra để làm gì, ứng dụng vào cái gì trong thực tế
cuộc sống. Chỉ
biết học là học.
Cho
mãi đến năm học lớp 12B, trước viễn tượng tiềm tàng kẻ ở người đi (lính) sau khi thi tú tài 2
và trước bậc thềm đại học, trong lớp tôi, nhất là bọn nam sinh tỏ ra cóc cần
đời. Tôi còn nhớ anh bạn BHC cùng lớp, đến giờ học giáo sư nào cũng đứng lên
đặt vấn đề, giọng vừa hằn học, vừa châm biếm: Thưa thầy học rơi tự do sau này ra đời để làm gì? ...
Em không nghĩ cuộc đời em có lúc nào phải sử dụng định luật này ... Thưa thầy,
học quân sự học đường thì phải bắn
súng chứ ...? chứ bước đi một hai kiểu này
chẳng giúp gì lợi cả ... Bên phải ... quay ... Thưa thầy làm sao mình biết bên
nào là bên phải ...? À, bên phải của thầy là bên tay
thầy ... đeo đồng hồ!!! Thiệt hết biết! Nhưng bọn nam sinh chúng tôi lại có ý
ngầm ủng hộ bằng những tràng cười phá lên.
Ngay năm đầu đại học, tôi chuyển qua học ngành
khoa học xã hội và không còn học bất cứ môn nào liên quan đến toán-lý-hóa nữa.
Lúc này tôi tự nhủ rằng bao nhiêu năm đèn sách, học những môn khó nuốt này, nay
xem như bỏ hết. Tuy nhiên, tôi chẳng buồn, chẳng luyến tiếc. Khoa học xã hội
đòi hỏi kiến thức về văn chương, sử địa, và nhất là ngoại ngữ. Như thế, những
kiến thức học ở trung học không phải bỏ đi tất tần tật.
Sau này tôi lại có dịp quay lại các môn khoa học,
nhất là toán học, với tư cách là giáo viên toán dạy bằng tiếng Pháp và hiện nay
là giáo viên toán dạy bằng tiếng Anh. Tôi càng
thấm thía rằng những gì ngày xưa thầy cô dạy cho mình nay đều đắc dụng khi mình
trải nghiệm với thực tế cuộc sống. Kiến thức thầy cô giảng dạy vẫn còn vang bên
tai.
Tôi vẫn nhớ thầy Chu Hàm Ninh dạy tôi năm lớp
nhất, trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ Ban Mê Thuột. Thầy Ninh nổi tiếng dữ đòn.
Bạn đồng môn đồng tuế của tôi đều nhớ điều này, dù qua 52 năm rồi! Hồi đó, ngay
đầu năm học, thầy buộc mỗi đứa chúng tôi đều phải có trong tay quyển “Tâm hồn cao thượng” của Hà Mai Anh. Đây là
một quyển sách gồm nhiều câu chuyện nhỏ nhưng mang tầm giáo dục đạo đức luân lý học đường rất cao, được xem như "luân lý giáo khoa thư" của
nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, từ việc dạy cho học sinh cách ứng xử ở ngoài đường: đang đi nghe quốc ca phải đứng lại nghiêm trang ngả
mũ chào; thấy đám tang phải dừng lại ngả
mũ chào người quá cố; dắt người già hay tàn tật qua đường; không tham của rơi;
không lãng phí thực phẩm; cho đến sinh hoạt trong trường lớp: giúp đỡ bạn,
nhường nhịn bạn, phản kháng lại nạn ăn hiếp,
bắt nạt ...
Đây là quyển sách có nội hàm công dân giáo dục (Instruction civique, tiếng Anh là Civics) rất
căn bản, giúp cho học sinh biết cách ứng xử văn minh hay biết cách điều chỉnh
hành vi cho phù hợp với xã hội. Nếu các
thế hệ học sinh Việt Nam vẫn tiếp tục được giáo dục theo tinh thần này, tôi tin
chắc rằng ngày nay người Việt nam nhìn người Nhật theo chiều đồng đẳng, và khí
phách hơn khi đối diện với bất kỳ một dân tộc nào. Buồn thay, ngày nay, người Việt bị
than phiền (hay bị khinh thường?) nhiều về hành vi không
hợp cách nơi cộng cộng, về thiếu hẳn
chuẩn mực văn minh tối thiểu, nhất là khi ra nước ngoài, vốn không còn là chuyện lạ
nữa, dù biết rằng trong trường học vẫn nghe
nói có môn ... giáo dục công dân (chứ
không phải công dân giáo dục!!!),
nghĩa là phải giáo dục công dân vì họ
... hoang dã! (mặc dù giáo dục hoài mà vẫn ... hoang dã!!!) Điều này thật
đáng để suy gẫm.
Cũng
năm lớp nhất trường Nguyễn Công Trứ, thầy Ninh dạy cho chúng tôi môn lịch sử.
Tôi còn nhớ cả lớp sôi sục căm thù những viên sỹ quan Pháp ngạo ngược như Ngạc-Nhi
(Francis Garnier) và Henri Rivière, đồng thời hét lên vui sướng khi hai ông này
bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết ở Ô Cầu Giấy, Hà nội. Học sinh chúng tôi
cũng kính cẩn khi học về những nghĩa sỹ chống Pháp: Phan Đình Phùng, Đinh Công
Tráng, Hoàng Hoa Thám. Tôi không nhớ tình cảm của mình khi học lịch sử những
năm lớp nhỏ hơn, nhưng còn nhớ là rất thích bộ truyện sử bằng tranh về Ngô
Quyền và rất ghét con người phản nghịch Kiều Công Tiễn đã giết nghĩa phụ của
Ngô Quyền là Dương Diên Nghệ. Chưa hiểu sâu xa lắm nhưng tôi luôn biết rằng
Phạm Ngũ Lão, Mai Hắc Đế, Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu là những anh hùng dân
tôc Việt Nam khí phách. Không hiểu sao tôi nhớ môn lịch sử học ở tiểu học hơn
là trung học.
Thầy
giáo chúng tôi khuyên chúng tôi nên đọc sách này, sách kia, truyền thụ sự kiện
lịch sử và kiến thức địa lý cho chúng tôi mà không kèm theo áp đặt tình cảm yêu
thương người này, căm thù người kia … Sau này lớn lên chúng tôi cảm nhận được
cách giáo dục theo tôn chỉ dân tộc, nhân
bản, khai phóng mà càng yêu quý hơn
nền giáo dục mà chúng tôi được thụ hưởng. Với tôn chỉ như vậy tôi nghĩ nền giáo
dục của bất cứ quốc gia văn minh nào cũng thỉ thể hiện đến thế là cùng!
Giáo trình Cours de Langue et de Civilisation Francaises, thường được gọi tắt là Mauger, quyển 2 |
Dixième leçon: Dans le vignoble champenois _ Cours de Langue et de Civilisation Françaises, Tome 2Bài học số mười: Trong vườn nho miền Champagne _ Giáo trình Ngôn ngữ và Văn minh Pháp, Quyển 2 |
Quyển
sách này đã từng là bạn thân của tôi, sách gối đầu giường của tôi 47 năm trước
đây! Đây cũng là một trong những quyển sách xưa nhất mà tôi còn giữ lại cho
mình sau bao nhiêu năm bể dâu!
Bạn
thường yêu thích nền văn minh của sinh ngữ mà bạn học, đó là một tâm lý tiềm tàng.
Bố mẹ tôi khuyên tôi chọn sinh ngữ Pháp khi tôi vào lớp đệ thất, mặc dù sau này
các bạn học Anh văn hay chế diễu rằng tôi học thứ ngôn ngữ lỗi thời vào những
năm đó. Dù sao thì tôi cũng không có ý niệm gì về sinh ngữ cần chọn lựa khi
mình bước vào năm học đầu tiên của trung học đệ nhất cấp! Tất nhiên, sinh ngữ ở đây hàm ý không phải là
tiếng mẹ đẻ. Dưới nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, học sinh chọn học sinh ngữ
chính từ năm đệ thất (lớp 6) là Anh văn hoặc Pháp văn, học cho đến lớp đệ nhất
(lớp 12) và sinh ngữ phụ là Pháp văn hoặc Anh văn từ lớp đệ tam (lớp 10) học cho
đến lớp đệ nhất (lớp 12). Riêng học sinh ban D (ban văn chương-cổ ngữ) bắt buộc
phải học thêm một “cổ ngữ” là tiếng Hán hay Latin.
Thế
nhưng, nếu tôi nhớ không lầm, học sinh trung học đệ nhất cấp chúng tôi cũng đã
được học thêm Hán văn mỗi tuần một giờ với giáo sư Đương khả kính. Thầy Đương
có một đặc điểm “đáng kính” là … không hề có một học sinh nào sợ thầy theo đúng
nghĩa tình cảm học trò!!! Tôi nhớ ngày xưa học sinh không hỗn xược với thầy
giáo của mình. Bọn họ chỉ lợi dụng tính tình hiền hòa của thầy để “làm tới”,
nghịch phá cho thỏa thích trong giờ học của thầy mà thôi. Như vậy, so với
chương trình trung học hiện nay, chúng ta đã học nhiều hơn thế hệ học sinh bây
giờ đến hai ngoại ngữ đấy nhé!
So
sánh cách học ngoại ngữ bây giờ với quá nhiều phương tiện hỗ trợ, tôi thấy ngày
xưa, dù phương tiện hết sức eo hẹp, mình cũng được học giáo trình có cấu trúc
cân đối về văn phạm lẫn văn minh và văn hóa, có khi hay hơn là đằng khác. Học
sinh Pháp văn học bộ Cours de Langue et
de Civilisation Françaises, thường gọi tắt là bộ Mauger, gồm 4 quyển; học sinh học Anh văn học bộ English for Today gồm 6 quyển với nội
dung truyền đạt kiến thức căn bản về đời sống và kiến thức khoa học cho học
sinh. Tôi nhớ riêng quyển 6 có nội dung văn chương, trong đó những bài như The Open Window của Saki, The Snob của Morley Callaghan, … mang
tính trào phúng nghịch ngợm hay phân tích phức cảm vô cùng thâm thúy và ... bi
tráng! Phần này xin nhường lại cho thầy Bùi Dương Chi thẩm định và giải thích thêm, học trò không dám múa rìu qua
mắt thầy!
Vì tôi học ban
B _ toán-lý-hóa _ nên học sinh ngữ cũng chỉ để đối phó, cố lấy điểm trung bình
chứ không say sưa gì môn học này cho lắm. Sau này, khi lên đại học, Học viện
QGHC tôi theo học được đại học Michigan-Hoa Kỳ bảo trợ nên sinh viên ở đây buộc
phải chọn tiếng Anh làm ngoại ngữ duy nhất để học, và học cật lực! Bỗng dưng
nghĩ đến tiếng Pháp là ngôn ngữ mình học từ thuở còn trẻ con, nay bị buộc phải
chia tay nó theo một ý nghĩa nào đó, tôi thấy buồn buồn nên quyết định vẫn tự
học để nó không bị mai một đi. Lúc đó tôi mới có cảm nhận rõ nét rằng tôi yêu
tiếng Pháp chỉ bởi vì nó là một phần tuổi thơ của tôi!
Năm
tôi học đệ lục, có lần thầy Đỗ Duy Nội dạy Pháp văn _
sau này thầy lại dạy tôi ở lớp 12, có biệt danh do học trò đặt là Monsieur Sorbonne! _ mô tả tháp Eiffel
cho cả lớp nghe. Bọn học sinh Pháp văn chúng tôi cứ là tròn xoe mắt thán phục,
mặc dù sau đó mau chóng quên đi bài “tả chân tháp Eiffel” trong giờ ra chơi vốn
có nhiều trò chơi đánh đinh đánh đáo vui và hấp dẫn hơn!
Thầy
Thân Trọng Sơn dạy Pháp văn năm tôi học lớp 11. Chính thầy là người truyền cho
tôi niềm say mê thơ Pháp với bài Sonnet d’Arvers của Félix Arvers.
Hơn
ba mươi năm sau, tôi may mắn được Cộng đồng Pháp ngữ (Communauté de la
Francophonie) tuyển chọn để đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Pháp rồi đưa
qua Pháp tu nghiệp. Những ngày tháng ở Pháp _ tôi đi Pháp ba lần: 1996-1997,
1999, 2006 _ học ít, đi chơi nhiều nên tôi có cơ hội trải nghiệm. Những gì tôi
được học ở trường trung học thời Việt Nam Cộng Hòa giúp tôi trải nghiệm rất
nhiều, rất rất nhiều!
RƯỢU TA THỜI BAO CẤP
Quay
lại thời còn mài đũng quần ở bậc trung học, sau một hai năm học Hán văn với
giáo sư Đương, hầu như mọi kiến thức đều trả hết cho thầy … ngay sau giờ học. Duy
có một điều tôi còn nhớ tận hôm nay là bài học giáo sư dạy bọn tôi khái niệm về
tính chất tượng hình và cấu trúc của chữ Hán (ideograph
hay ideogram), trong đó từ TỬU là một ví dụ.
酒
Từ
này khá dễ viết. Đó là sự kết hợp từ hai phần: phần bên tay trái là bộ thủy gồm ba nét phẩy, chỉ chất lỏng và
phần bên tay phải là hình mô tả cái chai có nước bên trong!
Thế
là, ngay từ thời niên thiếu, bài học số mười, số mười tám của bộ Mauger và bài
tập viết Hán văn giáo sư Đương đã dạy tôi về … rượu. Hình như Tửu đã ngấm vào tôi mất rồi!
Thời
còn là sinh viên, trước 1975, tôi và bạn bè không có thói quen nhậu nhẹt. Hàng
tháng, sau khi nhận được học bổng ít oi, bọn tôi thường đi xi nê, đi uống cà-phê
nghe nhạc, lâu lắm mới làm một chai bia larue
với cái lẩu cá ở đường Nguyễn Tri Phương, Sài-Gòn,
là khu nhậu nhẹt với món đặc sản nghêu-sò. Chỉ khi nào có dịp họp mặt với đồng
môn khóa đàn anh mới được thưởng thức rượu tây: Napoléon, Martel … vốn rất hiếm
và đắt lắm vào thời đó.
Bôn
ba không qua thời vận. Từ năm 1979, tôi làm thợ tiện cùng hợp tác xã với thầy
Bính, anh Huỳnh Đức Hoàn (đã mất, anh của cô Mùi), anh Hoa (biệt danh “Nghĩa chùa”) và Tựu, là hai anh của cô
Võ Thị Chung. Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc, anh Hoa, Tựu và tôi cùng các
chiến hữu thường đến mấy quán nhậu đường Y-Jut tìm cái gì cay-cay cho quên đời!
Loại rượu chúng tôi uống ngày đó gọi là rượu thuốc, có màu nâu, được bảo cho
biết là ngâm với thuốc bắc!!! Chúng tôi không tin lắm nhưng vẫn cứ nhắm mắt đưa
chân! Thật ra đó chỉ là thứ rượu đế rẻ tiền, thêm màu của hà-thủ-ô để đánh lừa thị giác và thêm thuốc … trừ sâu để tăng
nồng độ để đánh lừa vị giác mà thôi. Chỉ cần uống loại rượu bổ này đều đặn một
thời gian là bổ ngay xuống mồ! Kinh quá!
Từ
năm 1985, gọi là khởi đầu thời mở cửa, các hợp tác xã kinh doanh mậu dịch phát
triển tự do hơn. Về mặt nhậu nhẹt có món bia tươi, đóng chai hay đong vào cái
ca to. Loại giải khát có chất cồn này tỏ ra hấp dẫn dân lưu linh hơn, nhưng
thuộc dạng “hàng mẫu không bán” hay “hết hàng” mau chóng! Muốn uống thứ này thì
túi tiền phải rủng rỉnh, vì người ta không bán bia không mà bắt buộc phải kèm
theo “mồi”, nghĩa là muốn mua một lượng bia nào đó phải mua thêm một đĩa nhắm
với giá cắt cổ mà chẳng ngon lành gì!!!
Tiến
thêm một bước nữa lên thiên đường … là món rượu rắn: rắn hay tắc kè ngâm trong
một cái thẩu to làm mẫu ở quán nhậu, còn thứ rượu rắn chủ quán đưa ra phục vụ
với nhãn quảng cáo bổ gân bổ cốt (hay liệt gân liệt cốt!), hết đau lưng nhức
mỏi hay thậm chí “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử …” thì có trời mới biết rượu này
ngâm với thứ gì, với con chi chi, và công dụng của nó được bao nhiêu phần trăm
so với quảng cáo!!! Chỉ biết thời gian này bọn tôi nhậu tít cung thang. Nhiều
đêm tôi phải bò qua cầu để vào nhà …!!!
Khi
đặt chân đến cửa thiên đàng thực sự thì được nếm món rượu (máu) rắn chính
thống, mắt thấy-tai nghe-tay sờ đàng hoàng! Cả bọn chung tiền đến tiệm nhậu
rượu rắn. Trong bếp có một cái chuồng to nhiều ngăn, bao bằng lưới mắt cáo nhỏ.
Trong chuồng đầy những rắn độc. Rắn hổ mang là đắt nhất. Thực khách chỉ việc chỉ
con rắn nào trong chuồng là a-lê-hấp, vài phút sau có một chai rượu pha với máu
rắn đỏ lòm bưng ra bàn. Khách cứ tại vị an tọa lai rai rượu rắn với đậu phụng,
còn món nhắm làm từ xác con rắn được chọn thì … cái gì cũng phải từ từ! Một
lần, tôi “may mắn” được bầu làm chủ xị, nghĩa là được uống ly rượu có quả tim
con rắn còn sống! Đầu bếp đưa ra một cái chén chung bé như quả trứng cút có
trái tim con rắn bé tí còn thoi thóp trong đó. Rượu rắn được trịnh trọng rót
vào chén chung và rồi …dzô! Tôi nhắm mắt nuốt trọn mọi thứ rồi nín thở để khỏi
… ộc ra! Sau này, tôi kể giai thoại về kiểu uống này cho mấy người bạn Pháp
nghe, họ trợn đôi mắt tròn vo! Ở Việt Nam, con gì “nhúc nhích” đều có thể ăn và
nhậu tất.
Nhậu với anh Võ Văn Hoa
(biệt
danh “Nghĩa chùa”, anh của Tựu và Võ Thị Chung) tại một đám cưới xã viên hợp tác xã tổ chức tại tư gia. Ban Mê Thuột, 1982. |
RƯỢU TÂY
Nếu
những ngày còn… nhậu ở quê hương với nhiều loại rượu bia mà tôi chưa bao giờ
quan tâm hay tình cờ mục kích nó được chế biến như thế nào thì ngược lại, tôi
lại tò mò tìm kiếm trải nghiệm văn hóa rượu ở Pháp, xứ sở nổi tiếng về rượu
vang, và những nơi khác tôi đi qua. Hai bài học số 10
và 18 trong
cuốn Mauger II lại bật lên trong ký ức của tôi.
Rượu
vang (vin) được làm từ nước cốt nho. Nho để làm rượu được trồng từ vùng
Champagne trải dài xuống miền nam nước Pháp, tập trung cao điểm ở vùng miền
trung: Bourgogne, Rhône-Alpes …
Ta
hãy đọc bản dịch bài số 10.
TRONG VƯỜN NHO VÙNG
CHAMPAGNE. Ông Vincent biết chút ít về vùng Champagne; ông đã đến đó tháng bảy
năm ngoái với gia đình bạn bè Legrand của mình… Ông đang đến gần Reims; thời
tiết quang đãng: chẳng mấy chốc ông Vincent thấy từ xa hai tháp chuông của ngôi
thánh đường lừng danh.
Nhưng trước khi ngôi thánh
đường hiện ra trước mắt mình, ông ngừng xe lại trong một ngôi làng đầy ắp không
khí sinh động vui tươi, bởi vì mùa hái nho vừa chấm dứt. Dọc hai bên con đường,
người ta còn thấy những thúng mủng to đùng trong đó nho được những người thu
hoạch nho chở đến tận máy ép, trước những cánh cửa, những người đàn ông cọ rửa
những thùng phuy kỹ lưỡng.
Vị du khách của chúng ta
bắt chuyện với một người trồng nho: “Mùa thu hoạch năm nay tốt chứ? – Khá dồi
dào, nhưng rượu sẽ ngon hơn… và có thể tôi sẽ bán nó đắt hơn. – Có phải ông là
chủ ruộng nho mà tôi thấy trên những đồi cạnh đây không? – Tôi chỉ sở hữu vài
mẫu, tôi canh tác chúng với anh em ruột và anh em rể của tôi… Nhưng tôi không
muốn rằng ông bỏ đi ngay đâu. Hãy vào bếp ngồi nhắm rượu tươi đi, vừa đúng giờ
buổi ăn lỡ rồi đó, chúng ta có nửa tiếng để tán dóc. – Rượu tươi này, có phải
thuần là nước cốt nho không? – Đúng hẳn như thế, nút chai chưa bắn ra đâu!
Chúng ta còn phải đợi lâu nữa. Nhưng rồi ông sẽ thấy ở Reims rượu miền
Champagne sủi tăm như thế nào. Người ta sẽ giữ chúng trong hầm rượu trong nhiều
năm để chúng lên men. Ông sẽ đi khắp nơi, dưới thành phố, trong những hành lang
mênh mông chứa hàng triệu triệu chai.”
Rượu
champagne ngon nổi tiếng thế giới, với hình tượng nút chai khi được khui nổ bôm
bốp thật vui tai. Nó ngon đến độ cả một đoàn quân Đức, nổi tiếng thiện chiến
trong cả hai cuộc thế chiến bị tóm trọn gói không mất một viên đạn. Hãy nghe bản
dịch về câu chuyện có thật 100%, tường thuật trong quyển CHRONIQUE DU XXe
SIÈCLE (Biên Niên Kỷ Thế kỷ 20)
Quân Đức bị bại trận bởi
rượu sâm-banh
Pháp, ngày 12 tháng 9, 1914
Pháp, ngày 12 tháng 9, 1914
Mặc dù lính bộ binh bị kiệt lực và giãn xa một cách nguy hiểm
khỏi các tuyến tiếp tế, các toán quân Pháp và Anh vẫn bám sát gót quân Đức vốn
đã được lệnh lui binh từ hôm qua. Quân đồng minh nhận thấy nhiều điều kỳ cục.
Các tù binh rơi vào tay họ đa số đều mệt lử, nhưng một số lại có các triệu
chứng dễ dàng chỉ dấu một lý giải khác: hàng nghìn chai rượu vang rắc trên
đường rút lui của quân thù. Trong những hầm rượu ở Montagne de Reims, rất nhiều
quân Đức được tìm thấy say bí tỉ, bị đơn vị của họ bỏ rơi. Người và ngựa mở
đường đi trên đống chai vỡ và vỏ chai không. Thế là tổng tư lệnh Joseph Joffre
đã tìm thấy trong rượu sâm-banh và rượu vang Pháp những đồng minh không chờ
đợi.
Ta
hãy đọc bản dịch bài số 18.
VÙNG BOURGOGNE VÀ NGƯỜI
VÙNG BOURGOGNE. “La Bourgogne hay le bourgogne? – Đừng lầm lẫn! La Bourgogne, đó là một thung lũng rộng
trong đó, xuyên qua những đồng ruộng và đồng cỏ, con sông Saône với dòng nước
chậm và êm đềm chảy; đó là những ngọn đồi trồng nho được canh tác bởi những
người nông dân lực lưỡng, khuôn mặt đỏ ửng, giọng nói ồm ồm; đó là những nhà thờ
hiển thánh nổi tiếng, ví dụ như Vézelay, nơi những người hành hương hàng năm đến
đây đi rảo khắp; đó là vùng đất trên đó ý vị đời sống tinh thần cùng tình yêu
vật chất hòa quyện chặt lấy nhau; vùng đất chứng kiến sự ra đời của Bossuet,
nhà đại hùng biện tôn giáo của thế kỷ 17, thi sỹ Lamartine, cùng biết bao con
người tỏa sáng. – Biết bao sự vật cùng con người cùng một lúc, Chúa ơi! – Đúng
thế đấy! Tỉnh này giàu có và đa dạng như rượu vang của nó vậy, rượu bourgogne
nổi tiếng (viết với chữ b thường!) – Vậy ông gọi thế nào về những loại khác
nhau của cùng một thứ rượu? Tôi biết từ này, nó nằm trên chót lưỡi của tôi đấy.
– À, ông muốn nói đến đặc thổ (crus) khác nhau. Có đến hàng tá đấy. Và người
vùng Bourgogne rất hãnh diện về rượu vang của họ. Đó là những người sành rượu
tinh tế. Này, hãy đến gặp họ nếm rượu, trong những vụ mua bán rượu hàng năm.
Phải thấy vẻ nghiêm trang của họ khi họ lắc nhè nhẹ cái cốc bạc của mình, đưa
qua đưa lại hồi lâu dưới mũi để ngửi hương thơm, cuối cùng nâng lên môi rồi
uống. – Đó có phải là tính tham ăn tục uống không? – Không, đó gần như là (xin
thứ lỗi!) lòng thành kính!”
Ta
sẽ nói sau về văn hóa thử rượu và uống rượu.
Còn
nho ở Úc được trồng tập trung vùng Margaret River, Western Australia,
phía nam Perth, có mật độ trồng rất cao.
Một vườn nho ở Margaret River, Western Australia, tháng 10, 2015. |
Nho
trồng theo luống, bò lên giàn thấp và thẳng đứng bằng dây thép căng thẳng theo
chiều ngang. Tương tự như cây cà-phê, mấy năm đầu nho bói cho quả không sai và chất
lượng quả chưa ngon. Người ta nói rằng cây nho càng nhiều tuổi càng cho nhiều
quả tốt. Hồi
ở làng Lacenas, Villefranche-sur-Saône, tôi
gặp những gốc nho trong một vườn nho có tuổi thọ đến 60 tuổi, tính vào thời
điểm năm 1999!
Không
phải cây nho tự ra quả khi đến mùa như mít, soài mà phải tỉa chúng hàng năm.
Tỉa nho là giai đoạn quan trọng quyết định việc cho quả tốt và vụ mùa thu
hoạch.
Nho
được tỉa hai lần trong năm, cuối đông sau những vụ đông giá và đầu hè gọi là
tỉa quả. Người ta cũng lợi dụng giai đoạn này để bón phân, bảo đảm cho một vụ
thu hoạch dồi dào.
Tỉa
cuối đông vào lúc thực vật nghỉ ngơi, tiềm sinh, khi nhựa cây đi xuống gốc.
Thời kỳ lý tưởng là giữa tháng hai và tháng ba, nhưng vẫn cần tránh thời kỳ
băng giá. Nếu thời tiết trong vùng dịu nhẹ thì có thể bắt đầu tỉa nho ngay khi
chúng rụng lá. Trong những vùng lạnh giá nhất, nơi sự đóng băng vẫn có thể xảy
ra vào tháng ba, ta có thể đợi đến tận đầu xuân để tỉa, nhưng đây là lúc cuối
cùng, không thể đợi thêm được nữa.
Tỉa
nho vào mùa hè còn gọi là tỉa quả (taille de fructification), công việc này không
bắt buộc. Việc tỉa bao gồm việc giới hạn con số tối đa năm chùm cho mỗi cành
mới ra và cắt sát những cành không cho quả. Ta cũng có thể loại bỏ tất cả những
chùm bé vì năng suất của chúng sẽ yếu kém.
Nho chín, sẵn sàng để thu hoạch. |
Ở Pháp, mùa hái nho là vào
tháng 9, đầu mùa thu. Đây đúng là hội hè ngày mùa. Nông dân đổ ra đồng thu
hoạch nho, ăn uống.
“Đầm hái nho”, Giáo trình Ngôn ngữ và Văn minh Pháp, Quyển 2. |
Mùa hái nho ở Bourgogne. |
Thu hoạch bằng thủ công. |
.
Còn
đây cũng là một vụ thu hoạch bằng tay sau một nhà thờ ở làng Lacenas,
Villefranche-sur-Saône. Một buổi sáng tôi dậy sớm, đi dạo trong làng. Trời rất
lạnh. Tôi băng ra sau một nhà thờ cổ và thấy một vườn nho đã thu hoạch. Tôi tò
mò phát hiện trên mỗi gốc nho trụi lá trơ cành vẫn còn một chùm nho đọng sương.
Tôi nghĩ bụng có lẽ người ta thu hoạch bỏ sót, nhưng tại sao lại bỏ sót nhiều
thế, vì trên gốc nho nào cũng đều có một chùm, mà vườn nho thì mênh mông! Tôi
ngắt thử vài quả. Ngọt và mát vô cùng!
Tôi
đem điều này hỏi chủ nhà tiếp đón tôi, Christian Moreau, vốn là một giáo sư đại
học dạy hóa học. Ông trả lời tôi rằng đó là tặng phẩm của chủ vườn dành cho
người nghèo. Thỉnh thoảng ông ta vẫn chở tôi đi chơi các làng xung quanh, dừng
lại bên những cây táo (pommiers) trồng dọc ven đường, xuống xe và hái táo cho
tôi, bảo rằng đây cũng là phần để dành cho người nghèo! Thật là một nét văn hóa
nhân bản.
“Thu
hoạch bằng tay!”. Sau khi thu hoạch, mỗi cây còn để lại một chùm nho. Làng Lacenas, Villefranche-sur-Saône, tháng 11, 1999. |
Ở
Úc, vì nằm ở nam bán cầu nên bốn mùa trái ngược hẳn với bắc bán cầu. Mùa thu
cũng là mùa thu hoạch nho, tức là khoảng cuối tháng ba trở đi.
Tôi
không biết ở Úc có văn hóa dành nho cho người nghèo sau vụ thu hoạch hay không
nhưng ở đây người ta vẫn tặng cho người nghèo phần lúa mì sau khi thu hoạch theo
hình vẽ sau:
Sau khi thu hoạch, nho được
chở đến các máy ép để tách phần nước cốt để làm rượu và phần vỏ và hạt để loại
bỏ.
Máy ép nho quay tay (Hình từ giáo trình Ngôn Ngữ và Văn Minh Pháp, quyển 2) |
Ta
có thể hình dung cấu tạo của một máy ép nho. Máy gồm một thùng, tâm đáy thùng
là một thanh vít (boulon) dài thẳng đứng, gai thưa. Con tán (écrou) gắn chặt
vào một nắp tròn khớp sát vào lòng bên trong của thùng. Một tay quay
(manivelle) làm con tán di chuyển lên xuống, làm nắp tròn ép chặt vào nho trong
thùng. Nước cốt nho chảy xuống đáy thùng theo một đường rãnh chảy ra ngoài và
được hứng lấy.
Một
thắc mắc nho nhỏ là trước khi máy ép nho được phát minh thì làm cách nào để ép
nho lấy nước cốt? Trong quá khứ, người ta đổ nho vào một thùng lớn rồi … xắn
quần vào đó đạp, dẫm cho nho dập ra, sau đó vừa hứng vừa ép lấy nước cốt. Tất
nhiên, trước khi vào thùng dẫm, thân thể phải được kỳ cọ thật sạch, nếu không
rượu vang sản xuất bằng cách này uống vào là hết … đi đầu thai!
Đạp nho để lấy nước
cốt. |
Ý tại ảnh ngoại _ ý tưởng nằm bên ngoài bức ảnh _ . Người ta vẫn
thanh minh, đính chính đấy nhé: Sự thật
nằm trong rượu vang đấy! (La vérité est dans le vin). Cánh đàn ông gặp
loại rượu này thì … chưa uống đã say!!!
“Máy
ép thiên nhiên” là tặng vật của thượng đế dành cho xứ rượu vang! _ Dijon, Côte-d’Or, Bourgogne, tháng 6 năm 2006. |
Tranh nề, nghệ thuật đặc
thù Pháp, vẽ lên tường của cả tòa nhà.
Villefranche-sur-Saône, tháng
12-1999, quê hương rượu Beaujolais nouveau.
|
Nước
cốt nho, sau quy trình làm tinh khiết, được trữ trong những thùng gỗ to
(barriques), phình ở giữa, để chờ lên men. Ngày nay, nước nho được trữ trong
các thùng bằng thép không rỉ (inoxidable) tiện lợi hơn trong việc lưu giữ cho
lên men, nhưng một người trồng nho ở làng Lacenas, Villefranche-sur-Saône, nói
với tôi rằng dùng loại thùng trữ này làm cho rượu mất đi phẩm chất ngon truyền
thống.
Thùng
thường làm bằng gỗ cây sồi (chêne), là loại cây rừng có gỗ cứng phổ biến ở
Pháp. Rượu được trữ trong thùng gỗ sồi thường có vị thơm ngon do hương vị đặc
trưng của gỗ sồi tiết ra và ngược lại, những thùng sồi được sử dụng lâu năm, có
khi qua nhiều thế kỷ, rượu ngấm sâu vào sớ gỗ sồi tiết ngược ra rượu trữ trong
thùng làm cho rượu càng thơm ngon hơn.
Nước
Pháp cũng nổi tiếng về một phó sản của rượu vang là thùng barriques. Nhiều nơi
trên thế giới đặt mua thùng trữ rượu của Pháp cho công ty làm rượu của mình,
các công ty Úc ở bang Western Australia là một ví dụ.
Năm
2006, tôi tình cờ được thăm một cơ xưởng làm thùng barriques ở Dijon,
Bourgogne. Sau đây là những công đoạn chính làm thùng.Một thùng đựng rượu nhập từ Pháp của công ty rượu nho Juniper Estate, Margaret River, tháng 10, 2015 |
Ráp gỗ vào đai sắt. |
Ép thêm đai sắt. |
Hơ lửa mặt trong của thùng cho gỗ nở ra. |
Ép các đai sắt vào đúng vị trí của thùng. |
Kiểm
tra thành phẩm bằng máy ly tâm để xác định độ kín. Thùng có chứa nước bên trong, nếu bị rõ rỉ thì loại hẳn, chứ không sửa lại. |
Thành phẩm đạt tiêu chuẩn được xếp vào kho. |
Chụp hình với giám đốc nhà máy làm thùng rượu. |
Thùng chứa rượu được đặt xuống hầm rượu (caves) có nhiệt độ ổn định là 4oC để chờ lên men. Nhiều lâu đài cổ xưa của các lãnh chúa từ thời trung cổ đã xây những hầm rượu thật … nguy nga! Rượu trữ càng lâu năm càng tuyệt!
Hầm rượu lâu đời của lâu đài Chenonceau, Indre-et-Loire, tháng 2, 1997. |
Lời nguyện cầu của người trồng nho. Dijon, 2006. |
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI TRỒNG NHO
Lạy trời!
Xin cho con sức khỏe hoài hoài,
Tình yêu dài dài,
Tiền vừa đủ sài,
Công việc lai rai,
Nhưng rượu ngon tiền trao cháo múc.
Xem
như quy trình làm rượu từ A đến Z tạm ổn. Bây giờ chỉ còn việc là nhâm nhi …
hàm thụ từ xa!
Thử rượu với ông bạn Christian Moreau trong một hầm rượu. Làng Lacenas, Villefranche-sur-Saône, tháng 12-1999. |
Nếu nói tìm rượu vang “dzổm” ở Pháp còn khó hơn là tìm rượu ngoại thật ở Việt Nam quả là không ngoa. Tôi nghĩ có lẽ không thể có rượu giả ở đây vì, cũng giống như bao nhiêu hàng hóa khác, tiền nào của đó, thượng vàng hạ cám, chỉ có rượu với giá rẻ hay rất rẻ hoặc rượu ngon với giá cao hơn hoặc cao ngất ngưỡng. Vả lại, rượu vang được làm từ nho, mà nho lại được trồng bạt ngàn ở Pháp thì họa ai đó có điên mới táy máy nghĩ đến một nguyên liệu nào đó rẻ hơn nho để thay thế! Vả lại, ở xứ này, tội làm hàng giả, hàng nhái sẽ bị phạt rất nặng, kể cả ở tù. Hồi đầu ở Pháp, bọn tôi tiền bạc eo hẹp, lại ít tay là đệ tử lưu linh nên, khi có dịp đụng đao đụng thớt với nhau thì chỉ cần một chai vang với giá 3-4F (khoảng từ 6000 đến 8000 nghìn đồng vào năm 1997) là tự hài lòng rồi!
Ah, thiên đường đây rồi! Xin nhận nơi này làm quê hương! Làng Lacenas, Villefranche-sur-Saône, tháng 12-1999. |
Tháng
11-1999 tôi đến tỉnh Villefranche-sur-Saône, gần Lyon thực tập. Một hôm trốn dự
giờ thăm lớp lang thang ra chợ phiên chơi. Hôm đó là ngày lễ hội Beaujolais
thật tưng bừng. Trước cổng chợ, rất nhiều bàn được xếp hàng dọc dài tít tắp,
trên đó rượu tươi Beaujolais bày la liệt. Tôi tò mò đứng xem, chưa biết ất giáp
gì thì những tiếng mời vang lên khắp nơi. À, thì ra thử rượu miễn phí. Cái vụ
này thì tôi rất ghét nói lời từ chối! Thế là tôi thăm hết bàn này tới bàn khác,
mỗi bàn “mần” một ly con con nhắm với pho-mát làm bằng sữa dê trắng phau ngon
tuyệt. Đi dọc độ vài bàn thì thấy quả thật mình yếu mà còn đòi ra gió … nên
lảng ra rồi đi vào chợ. Hôm đó tôi cũng xem một gian hàng bán pho-mát
(fromagerie) có đến hàng trăm loại, nhiều loại to bằng cái bánh xe hơi! Bộ dao
để cắt pho-mát phải gọi là “đao” thì mới đúng!
Ngôi nhà của vợ chồng Michèle-Denis ở làng Limas, Villefranche-sur-Saône, nơi
tôi ở hai tuần, tháng 11-12, 1999. Hình chụp từ cửa sổ phòng tôi ở. |
Tôi
vốn không phải là “sâu rượu” nên ai … cho gì uống nấy! Vì thế đã thưởng thức
nhiều loại rượu vang rồi mà rốt cuộc vẫn không biết phân biệt được đâu là rượu
dở rượu ngon. Không sao cả! “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, bởi vì có người bạn
già, chủ nhà tiếp đón tôi là Denis Papastratidès, giáo sư người Pháp gốc Hy Lạp
là tay sành rượu mà lại rất … hào phóng. Tôi được đãi rượu thường xuyên và được
cho biết là rượu ngon. Vâng, Denis, tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ông! Trong thời
gian tôi ở nhà Denis hai tuần ở làng Limas, Villefranche-sur-Saône tháng 11-12,
1999, hầu như ngày nào cũng uống rượu. Ông ta dẫn tôi xuống hầm rượu của mình.
Ô mê ly, mê ly đời ta!
Dijon, Côte-d’Or, tháng 6, 2006. Ăn trưa với Denis-Michèle tại một nhà hàng trong ngôi làng giàu có bậc nhất của xứ rượu Bourgogne. |
Họ
thử rượu trong một chiếc cốc đặc biệt bằng bạc không quai, không chân, thường
có hình cầu. Cung cách thử rượu như ta đã thấy như một ví dụ, trong bài học số
18 giáo trình Mauger, tựa như một “nghi thức”: “Phải thấy vẻ nghiêm trang của họ khi họ lắc
nhè nhẹ cái cốc bạc của mình, đưa qua đưa lại hồi lâu dưới mũi để ngửi hương
thơm, cuối cùng nâng lên môi rồi uống. – Đó có phải là tính tham ăn tục uống
không? – Không, đó gần như là (xin thứ lỗi!) lòng thành kính!” Giả
sử các chuyên viên này được yêu cầu thử phẩm chất nhiều loại rượu, loại này
tiếp nối loại kia. Liệu dư vị của loại rượu trước còn đọng trong miệng họ hoặc
trong cốc thử có làm “nhiễu” sự thẩm định chính xác phẩm chất loại rượu họ thử
tiếp theo không? Tóm lại, chuyên viên không phải rửa ly hay xúc miệng vì giải
pháp này không hiệu quả trong việc làm mất hết mùi của rượu. Họ đơn giản chỉ
nhai một mẩu ruột bánh mì (mie) và lau cốc thử cũng bằng ruột bánh mì. Nếu rượu
vang được làm từ thứ nước cốt nho do phụ nữ dẫm đạp thì dù có lau cốc bằng cả ổ
bánh mì hay nhai cả ổ bánh mì thì cũng không tẩy được hương vị đậm đà quyến rũ này!
Thật
thú vị khi mình không phải là một connaisseur! nghĩa là không phải chịu trách
nhiệm về độ chính xác phẩm chất bất cứ loại rượu nào cả. Rượu nào cũng thử và
cũng uống tất!
Thử hết giàn ly bên cạnh thì xin ngủ ở đây hết đêm nay! Dijon, Bourgogne, tháng 6, 2006. |
Thử rượu vang ở công ty rượu nho Juniper Estate, Margaret River, tháng 10, 2015. |
RƯỢU TÀU
Bây
giờ ta ghé về ngôi nhà Đông phương để xem “văn hóa rượu” ở đây thế nào.
Hồi
học trung học, trong môn Việt văn, tôi còn nhớ mấy câu thơ chữ Hán:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
Thú
thưởng ngoạn bốn mùa của người xưa rành mạch và thanh cao, trong đó tửu và thi
chiếm mất một nửa.
Những
thi sỹ lừng danh kim cổ Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ gần như kè kè hai thứ:
túi thơ và bầu rượu. Tương truyền rằng giới thi nhân đương thời kính nể tài
uống rượu làm thơ bẩm sinh của Lý Bạch, đặt cho ông biệt danh là Tửu trung
tiên. Biệt tài “tửu nhập thi xuất” thần tốc của ông làm vua Đường Minh Hoàng
cũng bái phục. Ông để lại cho hậu thế những bài thơ xuất thần khi lưu linh
nhập: ca tụng nhan sắc của Dương Quý Phi ngắm hoa cùng vua Đường Minh Hoàng,
nhưng vua Đường phải “năn nỉ” ông mới chịu khai bút đấy nhé! Sau này bị dèm
pha, ông phải rời bỏ cung đình nhưng vua Đường vẫn cảm phục và dành cho ông đặc
ân: uống rượu ở bất kỳ quán sá nào thì chủ nhân cũng không được tính tiền.
Sướng nhá!
Không
ai biết nguyên nhân cái chết của ông: bệnh, tự vẫn, già? Nhưng hình như người
ta vẫn thích câu chuyện về cái chết “lai láng, lãng mạn” của ông: Một đêm rằm,
bên bờ sông Thái Thạch, huyện Đang Đồ, Lý tiên sinh say xỉn nhìn xuống dòng
nước thấy in bóng Hằng nga đẹp quá, nhảy tõm xuống vớt hình bóng nàng, chẳng dè
gặp Hà bá … Nơi chỗ ông chết có một viên đình gọi là Tróc nguyệt đài (Đài truy bắt trăng).
Được
chết như Lý tiên sinh bộ không sướng hơn là say xỉn rồi … bị xe tông chết à?
Đỗ
Phủ cũng là thi sỹ đương thời với Lý Bạch, nhỏ hơn Lý Bạch mười một tuổi. Hai
tiên sinh bầu rượu túi thơ này thân thiết nhau lắm, nhưng Đỗ Phủ có cái nhìn
nặng tính xã hội hơn. Chứng kiến những bất công của xã hội đương thời, ông muốn
học giỏi thi đỗ làm quan nhưng chí không thành. Thấy người nghèo đói khát, rét
mướt bên lề đường, xương trắng phơi ra trong khi bọn quan tham rượu thịt ê hề ôi
thối, trác táng lầu xanh, ông thốt lên:
Nguyên
tác
|
Dịch Hán Việt
|
Dịch nghĩa
|
朱門酒肉臭, |
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
|
Cửa son rượu thịt ôi,
Ngoài đường người phơi xương chết đói.
|
Thi
sỹ Thôi Hộ đời nhà Đường, ngược lại, đẹp trai và lãng mạn hiếm thấy, không thấy
“bét nhè” như hai tiên sinh trên! Nhân một chuyến ngao du mùa xuân, vào độ hoa
đào nở rộ để đi tìm vần thơ, chàng ghé qua một ngôi nhà tại một thôn vắng xin
nước uống. Người con gái trong nhà bước ra “rót nước trong lu” mời chàng uống!
Ôi, sao trên đời lại có một người xinh như mộng thế! Chàng từ giã nhưng lòng
vẫn cứ “quay quắt”. Năm sau “bén mùi”, mượn cớ khát nước quay lại nhà cũ để gặp
người xưa, chẳng dè cửa đóng then cài, nhà vắng ngắt. Buồn quá chàng khai bút,
xuất thi để lại cho đời một tuyệt tác:
題 都 城 南 莊
|
Đề Đô Thành
Nam Trang
|
去 年 今 日 此 門 中
人 面 桃 花 相 映 紅 人 面 不 知 何 處 去 桃 花 依 舊 笑 東 風 |
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
|
Dịch nghĩa:
Đề (thơ) ở thôn phía Nam Đô Thành*
Năm ngoái ngày này tại cửa đây
Mặt người và hoa đào cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt ấy giờ không biết chốn nao
(Chỉ thấy)
hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.
*
Đô Thành, nay là Trường An, là kinh đô nhà Đường.
Bài
thơ được nhiều tác giả Việt dịch ra nghe rất … phê!
Năm ngoái
ngày này dưới cánh song
Hoa đào
ánh má mặt ai hồng
Mặt ai
nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy
hoa cười trước gió Đông
(Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản dịch)
Cửa này,
năm ngoái, hôm nay,
Hoa đào phản
chiếu mặt ai ửng đào.
Mặt người
giờ ở nơi nao?
Hoa đào
vẫn đó cười chào gió đông.
(Trần Trọng San dịch)
Và quen thuộc hơn cả:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(Kim Vân Kiều _ Nguyễn Du)
Chàng
dán bài thơ vào cửa toan bỏ đi thì một ông lão bước ra hỏi tên chàng. Chàng
khai tên tuổi rồi hỏi thăm người con gái. Ông lão khóc bảo rằng cô con gái ông
mới chết vì tương tư chàng trai năm ngoái đến đây. Ông lão kéo chàng vào nhà.
Thấy xác người con gái vẫn hồng hào, chàng cúi xuống, ghé sát mặt rồi … khóc!
Chẳng dè nước mắt nhỏ xuống làm người con gái hồi sinh. Sau đó … chàng cưới nàng,
y chang truyện cổ tích. Kết thúc thật có hậu!
Đến
đây ta cần … bình luận vì có đôi điều thắc mắc. Có lẽ sử sách ghi lại có chút
thiếu sót: thi sỹ đi tìm vần thơ mà chỉ khăn gói mỗi cái “bị thơ” là thấy không
ổn! Vả lại trời xuân mát mẻ hà cớ gì phải khát nước? Chỉ có “lai rai một bầu”
mới phải đi tìm đồ chữa lửa! Thi với tửu mà biệt ly như thế thì chỉ làm được
thơ … con cóc mà thôi!
Mà
tửu lại còn là bạn đồng hành của sắc theo một trình tự bất biến: tiên tửu hậu sắc (tửu trước, sắc sau). Khi
sương sương rồi mới thấy nhan sắc người con gái tăng lên gấp bội! Không tin cứ hỏi
các bác lưu linh đương đại xem là biết câu trả lời chính xác ngay: tăng (temps) một: …? Tăng hai: …? Tăng ba: …? Có chút cay-cay vào thì dưới cặp mắt tưng tưng đẹp ít
cũng thành đẹp nhiều, khá đẹp thành giai nhân, có khi “xấu đẹp tùy người đối diện” cũng … tuyệt sắc tuốt luốt! Ngày nay
trong xã hội Trung Hoa hay một vài xã hội tương
cận, theo điều tra thống kê, 99.9% các vụ tham nhũng đều liên quan đến
“sắc”, trong đó dung môi là thứ không
bao giờ thiếu!
Kết
thúc có hậu này thật sự … rất đáng tiếc vì đượm mùi liêu trai chí dị quá đáng, nghe chừng như gượng ép! Xem ra kết thúc
của cặp Rô-Méo và Ru-Lét của Shakespeare vẫn tự nhiên và bi tráng hơn nhiều.
Thử tượng tượng xem, nếu chàng Thôi Hộ dán bài thơ lên cửa rồi bỏ đi ngay thì
kết thúc đẹp biết chừng nào, cả chục thế kỷ sau các chàng trai bảo đảm vẫn kiên
trì … nhâm nhi chờ đợi! Thế mới biết Alfred de Musset tinh tế đến chừng nào: “Aimez ce que
vous ne verrez jamais deux fois.” (Hãy yêu những gì mà bạn sẽ không
bao giờ gặp lại lần thứ hai trong đời). Tuyệt! Mộng trùng lai không có ở trên đời (Bùi Giáng).
RƯỢU TIỀN
NHÂN VIỆT NAM
Nhâm nhi tửu Tàu như thế cũng tạm đủ. Nay xem các
cụ Việt Nam chúng ta thưởng thức văn hóa rượu ra sao.
Từ thời cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, rượu đã nằm trong thơ,
thể hiện một thế giá quân tử.
Rượu đến gốc
cây ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú
quý tựa chiêm bao.
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thời
cận đại thì cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã đặt chai rượu lên tay nàng thơ của
mình. Hoàng Đạo vẽ bức biếm họa đăng trên báo Phong Hóa về đặc trưng này của
Tản Đà, vừa gõ đầu trẻ vừa uống rượu với lời thuyết minh: "Tản
Đà: Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: tửu nhập thi xuất!"
Say
là thú vui trong cuộc sống Tản Đà. Bài thơ này học sinh chúng ta đã một thời
học thuộc lòng ở trung học đệ nhất cấp.
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn túy tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do*.
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say túy lúy nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say!
(Lại say, 1921. Tản
Đà)
* Chú thích: Vợ nói rằng say rượu thật là vô ích, còn
ta lại muốn giải sầu nên cứ uống líp-lơ!
Tội
nghiệp phu nhân tiên sinh Tản Đà, chịu đựng một phu quân như thế thật là … phi
thường. Nhưng nếu Tản Đà cứ tỉnh như sáo sậu thì học sinh làm gì có bài thơ này
mà đọc?
Tiêu
biểu cho một phong thái khác, vừa say vừa … nhảy đầm, vừa tâm sự với vũ nữ _
hay tâm sự với thành Sầu, không biết được! _ mới thật … ác chiến hơn nữa!
Khúc nhạc hồng
êm ái
Điệu kèn biếc
quay cuồng
Một trời phấn
hương
Đôi người gió
sương
Đầu xanh lận
đận, cùng xót thương, càng nhớ thương …
Hoa xưa tươi,
trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngã lâu rồi
nhưng chân còn dẻo
Lòng trót
nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng
tràn hết yêu thương
Bước chân còn
nhịp Nghê thường lẳng lơ
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần …
Bốn tường
nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi chân
Sàn gỗ trơn
chập chờn như biển gió
Không biết nữa
màu xanh hay màu đỏ
Hãy thêm say,
còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô,
đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Chưa cuối xứ Mê
ly, chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say
hồn khát vẫn thèm men
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc
ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa!
và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi …
Gian phòng
không đứng vững
Có ai ghi hư
ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi
được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy
giác quan gần bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi!
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt
thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ em ơi!
(Say
Đi Em, 1940. Vũ Hoàng Chương)
Say
thế nhưng vẫn cảm thấy chưa đạt đến chốn Mê ly, chưa chạm đến được cùng trời Phóng
đãng. Say đến thế mà vẫn không phá đổ được thành Sầu. Chưa thực sự xỉn tản!
Chẳng biết khi nghe Ann Landers nói: “People who drink to drown their sorrow should be told that
sorrow knows how to swim (Những ai uống rượu hòng nhận chìm nỗi sầu muộn nên biết rằng nỗi sầu
muộn biết bơi.), chẳng biết tiên sinh Vũ Hoàng Chương còn cam đảm bơi thi với
thành Sầu nữa hay không.
Trong một bài thơ khác, Đời vắng em rồi say với ai? 1943, Vũ tiên sinh đã mất hết lý lẽ để say,
nhưng bình thì lúc nào cũng rót đến khô rượu …
…
Em ơi lửa tắt
bình khô rượu!
Đời vắng em rồi
say với ai?
…
Thưa tiên sinh, nỗi buồn của
tiên sinh đã hết thuốc chữa! Chỉ chờ Hoa Đà tái thế cất cho tiên sinh một…
loại rượu khác có độ cồn bách phân cao hơn nữa!
VĂN HÓA RƯỢU BIA THỜI MỞ CỬA
Trong
thời đương đại chúng ta đang hít thở mà chỉ nói đến văn hóa thuần rượu e lạc
hậu. Hàng ngày chở nội tướng nhà tôi đi chợ, vào dịp giáp tết này, trong hầu
hết các cửa hàng, đại lý nước ngọt, tôi thấy khắp nơi bia thùng chất đụng trần
nhà, chất tràn vỉa hè. Chiều chiều lại chở người yêu “đẹp lão” của tôi đi lăng
quăng, chỗ nào cũng thấy quán nhậu. Rượu không thấy nhưng bia thì … bao la! Vì
vậy, nên gộp hai thứ vào để gọi là nền “văn
hóa rượu bia” cho hợp thời trang.
Tôi
có hai học trò là hai chị em ruột, bỗng dưng “phải lòng” tiếng Pháp nên tôi có
thêm việc làm mấy năm nay. Hàng năm cứ đến dịp nhà giáo hay tết nguyên đán là
phụ huynh hai em lại biếu tôi chai rượu, kèm theo lời dặn dò: “Đây là rượu thật,
đích thân người nhà chúng em đem từ XYZ … về, thầy để dành thưởng thức, đừng …
cho ai! Rượu ở Việt Nam bây giờ toàn rượu giả thầy ạ, uống vào thiệt thân!” À,
ra thế. Tôi không phải là sâu rượu nên cũng chẳng bao giờ uống, đem biếu lại
mấy ông bạn cố tri.
Vậy
có thể kết luận rằng những người giàu có trong nước hiện nay, bất kể đồng tiền
họ kiếm được có mùi vị gì, cũng đều “sài” rượu có “lý lịch trong sáng”. Loại
rượu còn lại tràn lan trong nước đều có lý lịch “tối mật”.
“Hãy
nói cho tôi biết khối lượng bia dân bạn tiêu thụ hàng năm, tôi sẽ nói dân bạn
là … ai.” Thử lên google tìm vài con số về lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam, tôi
không dám đọc chi tiết sợ ngộp thở, chỉ dám liếc qua. Sau đây là vài tiều đề:
“Người Việt “nốc” ba tỷ lít bia bất chấp kinh thế khó …”, “Việt Nam tiêu thụ
bia đứng thứ ba Châu Á”, “Đàn ông Việt uống rượu bia gấp bốn lần bình quân thế
giới”, “Ăn nhậu Việt Nam: năm triệu con chó và ba tỷ lít bia”, … Miễn bình
loạn!
Về phong thái
uống rượu ngày nay, xin nhường lời cho những người nước ngoài tôi quen biết
“phản ứng” tự nhiên trước cảnh rượu chè ở quê hương này.
Vebeke
Hemmel, phụ nữ Đan Mạch, giám đốc dự án giáo dục vệ sinh, theo lời cố vấn quạt
mo của mình là “nhập gia tùy tục” (When in Rome, do as the Romans do), bà phải đi
chúc tết các quan chức địa phương vì sợ họ … giận, khó làm việc. Bà này đến giờ
học tiếng Việt than với tôi: “Cán bộ uống rượu ghê quá! Họ uống liên tục và ép
tôi cũng uống bằng họ. Tôi từ chối, và họ không hài lòng!” Lần khác bà lại
than: “Đám cưới ở đây thật là kỳ lạ! Khách tham dự vừa uống bia vừa la hét.
Nhạc thì ầm ầm, tôi không nghe được ai muốn nói gì với tôi. Họ dự cưới chỉ đề
ăn uống chớp nhoáng rồi ra về. Thật khó hiểu!”
Frank
Sobeck, người Đức, chuyên viên dự án phát triển nông thôn bền vững, thỉnh
thoảng mời tôi, thầy dạy tiếng Việt cho vợ chồng anh, đi nhậu rượu rắn vì anh
thích vị rượu này và tin vào hiệu quả “bổ cốt, giảm đau lưng nhức mỏi”. Hôm đó
cạnh bàn chúng tôi ngồi là một dãy bàn dài gồm các quan chức địa phương đang
nhậu nhẹt. Trên bàn họ gồm rượu tây, bia và mồi ngập ngụa. Chúng tôi vừa uống
vừa nói chuyện. Bất ngờ: “một …, hai …, ba …, dzô!” Rakhee, cô vợ người Nepal
của Sobeck giật thót người, suýt làm rơi ly nước, trợn tròn mắt sợ hãi hỏi tôi
“Họ chửi nhau à?”. “Không, họ chúc nhau.” “Đó là lời chúc của Việt Nam à?” …
Khi thực khách lần lượt rời quán, Sobeck hỏi tôi: “Họ là ai mà tiêu tiền hoang
phí quá? Đồ ăn còn nhiều quá trên bàn!”
James
Corning, người Hoa Kỳ, giám đốc tư vấn quốc tế dự án thoát nước, không rượu bia
thuốc lá tí nào, thường bị “gí” trong mỗi buổi tiệc hỗn hợp. Từng khách một,
bất kể ai đều đến cạnh ông ta, chìa cốc bia đầy ắp cụng vào ly của James đang
để trên bàn rồi hô “oăn hơn-drét pờ sen!” Phản ứng như một robot,
James đáp lại, có khi không nhìn người mời mình là ai vì bận nói chuyện: “five
percent!” rồi nhấc cốc lên, hớp một ngụm nhỏ lấy lệ. Quay qua tôi, ông ta nháy
mắt với tôi: “I
must negotiate!” (tôi phải thương thuyết thôi!)
Một
sư quốc doanh ngoài Bắc phát biểu: “Rượu nằm trong năm giới cấm căn bản của
Phật giáo là đúng đắn, nhưng thử nghĩ xem, đời sống mà không có bia rượu thì vô
vị biết chừng nào …!” Thua!
NAM
VÔ TỬU …
Cuối
năm ngoái dự đám cưới con một người bạn. Ngồi trong một bàn chủ hôn xếp sẵn cho
bạn bè cũ, một ông bạn già phát động phong trào khai mạc bằng cách ra lệnh:
“trăm phần trăm”. Thấy ly của tôi chỉ có nước lọc, anh trợn mắt: “Uống thứ nước
này mà trăm phần trăm cái gì? Nè, nam vô tửu …”
Đó
là câu khích tướng nghe rất quen thuộc trong mọi bàn nhậu. Người có tửu lượng
cao thường tự hào khi áp chế người có tửu lượng thấp và khinh thường người
không biết uống rượu. Tôi không dám chắc trong trong luật lưu linh có quy tắc
này, nam vô tửu (酒) như
kỳ vô phong: làm đàn ông con trai mà không uống rượu thì chẳng khác nào cờ
không có gió, cờ rũ!
Ngày
xưa tôi học môn cổ luật vào năm thứ nhất ở Luật khoa đại học đường, trong bộ
luật Hồng Đức triều Lê nước ta, thời mà luân lý đạo đức lẫn lộn với luật lệ, có
quy định tội thập ác là trọng tội, có thể bị xử trảm, trong đó tội bất hiếu với
cha mẹ là nặng lắm! Một trong những tội bất hiếu là vô tử (無 子),
không có con (trai) để nối dõi tông đường. Quan niệm xưa, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô bị lên án nặng nề vì vi phạm
trắng trợn đến nguyên tắc nam nữ bình quyền. Ấy vậy mà cho đến bây giờ vẫn còn
cảnh “chào ông ngoại” để chọc những người không có con trai trong bàn rượu… Có
thể người ta muốn nói nam vô tử (子) như
kỳ vô phong chăng?
Rượu
tốt hay xấu? Nếu xấu thì tại sao ta vẫn luôn nhớ đến LY RƯỢU MỪNG vào những
ngày cuối năm?
Ly rượu mừng |
Bài viết của anh Cửu thì phải đọc đi đọc lại vài ba lần, rồi cất để dành mai sau mở ra đọc lại nữa!
ReplyDeleteCó rất nhiều điều phải học từ những bài anh ấy viết. Những điều Kh. biết thì giống như những mảng rời rạc, nay anh sắp xếp lại "ngăn nắp, thứ tự".
Những điều Kh. chưa biết thì cứ... tròn xoe mắt ra đọc với tất cả sự thích thú!
Kh.
Chào cô Hương,
ReplyDeleteCảm ơn cô đã có nhận xét về bài viết.
Tôi tự hỏi phải chăng bản tính cà-kê-dê-ngỗng, hay dây dưa, dây cà ra dây muống của tôi khiến tôi hay viết lê thê, luộm thuộm. Cố tật không bỏ được, chỉ bởi vì viết thế nào cũng vẫn thấy chưa cạn ý.
Tựu trung tôi muốn nhớ đến, tha thiết nhớ thương nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã dạy dỗ tôi không nhiều vì, như bao nhiêu người miền Nam bị gẫy gánh giữa đường, nhưng lại rất đầy đủ và căn bản để tự bản thân có thể sải cánh bay xa mà không sợ bị lạc đường hay mềm cánh vì tự ti trước mọi nền giáo dục khác.
Về mặt sinh học thì nền giáo dục ấy đã mệnh yểu nhưng, đối với những thế hệ từng trú ẩn dưới mái học đường thuở ấy, nó vẫn tồn tại một cách dai dẳng vì nó không đứng một mình mà luôn có đối tượng để so sánh, để rồi được hoài niệm. Tôi bỗng nhớ đến lời ai đó nói: “Chết không phải là nỗi mất mát lớn lao nhất trong cuộc sống. Nỗi mất mát lớn lao nhất chính là điều gì đó đã chết trong ta khi ta còn đang sống.” (Death is not the greatest loss in life. The greatest loss is what dies inside us while we live.). Thật thấm thía phải không cô Hương?
Rượu chỉ là một trải nghiệm nho nhỏ. Một mặt nó làm thăng hoa cuộc sống, mặt kia nó làm bạc nhược cả một dân tộc. Chỉ có giáo dục mới giải quyết vấn nạn này, nhưng nền giáo dục nào mới là vấn đề.
Kính thầy cô,
ReplyDeleteAnh Cửu và các bạn à,
Những gì thầy cô đã giảng dạy anh Cửu cũng như giảng dạy chúng em trong cửa lớp, chẳng bao giờ mất đi đâu cả, dẫu bọn em vẫn thường nói "chữ nghĩa trả thầy cô hết rồi" !
Tất cả kiến thức thời học trò thấm dần trong tâm khảm và vô hình làm thành hành trang vào đời, để những ứng xử làm sao giải đề thi của trường Đời vẫn phải áp dụng lại cách giải đề thi của trường Học. Những gì mình học được, thầy cô cứ như là bỏ bửu bối vô cái Túi Khôn cho học trò "lận lưng" - mà ngày còn đi học, chúng nó chả để ý gì đâu- Mãi cho đến khi bước ra trường Đời thì "Tạ ơn Thầy, Tạ Ơn Cô" đã chuẩn bị cho mình chu đáo đến như vậy.
Bài thi ở trường học thì có trường, có thầy cô, có sách; còn bài thi ở trường đời thì có gì? Có tất cả mùi vị của một cuộc sống mà mình không bao giờ biết trước như trang sách mở!
Và cuối cùng là sự thành công ở trường học cũng như trường đời đều gặp nhau ở một điểm hẹn: Cố gắng hết sức mình.
Sau 12 năm cắp sách đến trường, Kh. đã nghĩ như vậy đó anh Cửu à.
Anh Cửu cà kê dê ngỗng "chưa bằng" đàn em Kh. đấy thôi!
Chưa hết đâu ... vì anh đã "buông" trường học nhảy rào sang trường đời bằng chữ "Tửu"!
Từ đường thẳng của môn hình học phẳng của học trò, anh "nối" hai đầu lại thành vòng tròn... thật tròn vo!
Rồi anh chứng minh điều ấy bằng những định đề, định luật của đời.
Thú vị là ở chỗ ấy, nên Kh. cứ tròn xoe mắt thôi!
Và thế là định luật cố định "Rượu vào lời ra", anh đã dẫn độc giả đi "nhậu" cùng với anh! Vui đáo để! Viết làm sao mà anh không "xỉn" mà độc giả xỉn thì anh tài thật - xem độc giả xỉn đây ạ "...rồi...dzô! ..." . Anh không xỉn bởi vì anh còn nhớ đường về lại trường học "...Những trải nghiệm này qua hiện thực xã hội trong một giai đoạn lịch sử, không hề hiện hữu hay được dạy tí li ông cụ nào trong sách giáo khoa thuở còn đi học!"
Hết quán rượu Ta, anh Cửu lại dẫn bọn em qua tuốt quán rượu Tây! Nhưng chẳng phải anh dẫn vô quán liền đâu, anh nhâm nhi từ vườn nho, đến cô hái nho, đến hầm làm rượu nho và cuối cùng mới là nhâm nhi rượu thiệt! Anh đảo từ tiếng Việt, sang tiếng Pháp, ghé tiếng Hán -Việt một chút, thế mà anh vẫn không chao đảo- không lỗi văn phạm, không lỗi chính tả! Tài thật!
Chữ nghĩa mênh mông quá phải không anh Cửu và các bạn?
Chỉ vỏn vẹn 24 chữ cái thôi đấy mà đàn anh, đàn em cà kê dê ngỗng đến chừng này rồi!
Cuối cùng, sau khi đọc hết bài viết của anh, Kh. còn lại hai chữ trong đầu: Nhân bản.
Nhân bản thể hiện nơi người chủ vườn nho để lại chùm nho cho người nghèo.
Nhân bản ở hệ thống giáo dục xưa mà anh và bọn em đã may mắn được hấp thụ.
Kh. quên mất chữ "tửu" rồi ạ... vì ai uống rượu mà chả quên ... nhưng nhớ một câu thơ bất hủ của nhà thơ Bùi Giáng "Mộng trùng lai không có ở trên đời" và và học thêm ở nơi anh Cửu một câu cho trọn tình "túi thơ, bầu rượu" chứ - Alfred de Musset tinh tế đến chừng nào: “Aimez ce que vous ne verrez jamais deux fois” (Hãy yêu những gì mà bạn sẽ không bao giờ gặp lại lần thứ hai trong đời)
Kh.
Nhận định của Thầy Bùi Dương Chi
ReplyDeleteSeattle, Thủ Đô Cà Phê Mỹ, ngày 31/12/2015.
Xem lướt hết bài “Giáo Dục và Trải Nghiệm”, tôi phải pha thêm một tách cà phê Arabica đen và “nóng hôi hổi vừa thổi vừa uống” để tỉnh táo đọc lại.
Đọc kỹ càng xong, trước tiên tôi rất cảm phục về tài năng thích ứng với hoàn cảnh đưa đẩy của Phùng Ngọc Cửu: từ một sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội trở thành giáo viên toán dạy bằng tiếng Pháp và nay là giáo viên Toán dạy bằng tiếng Anh sau một thời gian làm thợ tiện.
Tiếp theo, tôi rất ấn tượng khi đọc phần giáo dục so sánh với nhận định “Thầy giáo chúng tôi khuyên chúng tôi nên đọc sách này kia, truyền thụ sự kiện lịch sử và kiến thức địa lý cho chúng tôi mà không kèm theo áp đặt tình cảm yêu thương người này, căm thù người kia….” {Phân đoạn ở trên bức hình “Cours de Langue et de Civilisation Francaise II} mà với kinh nghiệm tại chỗ trong nhiều học kỳ sau 1975 tôi cho là rất chính đáng và sáng suốt.
Sau đó, tôi vừa hứng thú vừa say sưa khi đọc phần dây cà ra dây muống [TỬU] bò từ Tây, qua Tầu, rồi lòng vòng về tới xứ Ta với một số trong nhiều trích dẫn thi ca và danh ngôn rất hợp tình hợp cảnh mà tôi chưa biết đến.
Cuối cùng nhưng không phải chỉ có vậy (?) [Last but not least] tôi hãnh diện vì THBMT có thêm một CHS mà tôi sẽ ghi vào mục “Con hơn cha là nhà có phước. Trò hơn thầy thì nước mới vinh”. [Tôi tin còn nhiều CHS hơn cô, hơn thầy nữa mà tôi chưa có duyên được biết đó thôi].
Bùi Dương Chi.
Thầy giáo tiếng Anh (THBMT 63-74)
Lan man bên lề
-Trong phân đoạn cuối (ngay trên bức hình chụp 6 cuốn English for Today) có mấy giòng …“Tôi (PNCửu) nhớ riêng quyển 6 có nội dung văn chương, trong đó những bài như The Open Window của Saki, The Snob của Morley Callaghan ….vô cùng thâm thúy và …bi tráng! Phần này xin nhường lại cho giáo sư Bùi Dương Chi thẩm định và giải thích thêm ….”
*BDChi trả lời: Tôi bối rối quá vì tôi chưa bao giờ dùng cuốn English for Today 5 và 6 và cũng chưa bao giờ biết có hai cuốn 5 và 6. Tôi dùng cuốn “La Vie en Amérique” vì tôi nghĩ chắc tác giả Pháp (xin lỗi quên tên) nhìn ra những điểm độc đáo về “Cuộc Sống ở Mỹ” mà tác giả Mỹ rất có thể không nhận ra.
Theo tôi, đây là một ưu điểm của Nền Giáo Dục VNCH trong thời gian tôi dậy ở THBMT từ 1963 đến 1974: với tư cách là GS Anh Văn, tôi đã tự chọn sách giáo khoa mà tôi không bị Hiệu Trưởng, Giám Học hay Thanh Tra ngăn trở.
Kính thưa thầy,
ReplyDeleteHọc trò vẫn thường nhớ đến thầy hơn là thầy, với cương vị là giáo sư lâu năm của trường Trung học Tổng hợp Ban Mê Thuột, đã dạy học trò từ năm này qua năm khác, với con số học trò của thầy lên đến hàng chục nghìn thì làm sao thầy nhớ cho hết?
Vì em học sinh ngữ chính là Pháp văn nên chỉ được thầy dạy dỗ năm cuối bậc trung học, niên khóa 1970-1971. Ấy vậy mà những gì thầy dạy em, tuy ít, nhưng em lại nhớ rất dai, đến tận hôm nay! Ví dụ: cấu tạo và cách sử dụng TAG QUESTIONS; và động từ MISTAKE SOMEONE FOR SOMEONE I mistook you FOR my friend. … Nhớ được kiến thức thầy dạy, dù chỉ một ít, cũng đã là nhớ công ơn của thầy.
Cảm ơn thầy đã dạy chúng em theo tinh lý của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa: dân tộc, nhân bản, khai phóng, vốn như một bệ phóng để chúng em tự bay sau khi đã được chỉ dẫn cho cách bay, đường bay để biết bay cứng cáp hơn.
Con chim tự bay cũng như học sinh tự học, đó là tính khai phóng của giáo dục.
Em vẫn nhớ đến cung cách của thầy đứng trước học sinh, nụ cười của thầy, kể cả những mẫu chuyện thầy … tâm sự với chúng em nhân lúc cao hứng!
Thưa thầy, chính em là người phải tạ ơn thầy, lời tạ ơn đến tận bây giờ mới nói ra được!
Kính thư
Học trò Phùng Ngọc Cửu