Saturday, December 5, 2015

Thi sĩ đỉnh cao

Những tiếng “no”, “no” lanh lảnh đượm âm sắc hoảng hốt làm tôi vội vã bỏ lại trên quầy dán tem thư của trạm Bưu Chính trên đỉnh đèo Hải Vân ba tấm thiệp Cảnh Đẹp Miền Trung tôi đang kiểm lại địa chỉ để gửi cho nhà tôi và hai cháu ở Mỹ. Bước qua ngưỡng cửa trạm, tôi nhẩy từ thềm cao bốn bậc xi măng xuống sân rồi chạy về hướng đám đông nhốn nháo đang bao quanh một mái tóc nâu xậm.
 
Hải Vân Quan
Thấy tôi, Katie ngừng la, giật vạt áo gió khỏi tay một gã mặt mày bặm trợn, hổn hển bảo tôi thằng này côn đồ quá. Tôi hỏi cớ sự. Katie nói nó xô đẩy và đòi em phải trả nó 10.000 đồng. Trong khi Katie thuật chuyện với tôi, gã côn đồ quay sang đám đông phân bua như thể hắn hiểu Katie nói gì. Tôi bảo Katie thầy đã dặn chụp hình thì phải xin phép và hỏi giá trước cơ mà. Katie đáp em chỉ chụp cảnh, không chụp người. Tôi hỏi gã côn đồ chỉ chụp cảnh sao lại đòi tiền. Gã trả lời đó là tiền dịch vụ hướng dẫn: vừa chỉ đường đi toa-lét vừa chỉ chỗ chụp cảnh đèo đẹp nhất. Tôi khuyên Katie 10 ngàn chỉ bằng 75 xu Mỹ (3 quarters), trả đi cho yên chuyện, coi cách ứng xử đó cũng như khi các khán giả rộng rãi, “bo” [1] cho nhân viên rạp chiếu bóng ở Mỹ đã rọi đèn pin đưa họ đến tận chỗ ngồi. Katie nhất định không chịu, thà để cho ăn mày.

Còn đang nhùng nhằng thì đám đông hầu hết là dân bán hàng rong và đồ lưu niệm bỗng im bặt,  lùi rãn ra. Một ông hầm hầm sấn vào chỉ mặt gã côn đồ gằn giọng, “Lại mi nữa! Cút đi chỗ khác! Cút! Cút!”. Tên côn đồ co cụm người, dạ dạ thưa thưa công em chỉ chỗ cho cô Đầm đi toa-lét và chụp hình. Ông “hầm hầm” nạt, “Mi có cút đi ngay không?”. Gã côn đồ khép nép quay sang tôi, xuống nước xin 2 ngàn. Tôi đưa ngay cho thằng chả vì biết sinh viên Mỹ trong chương trình Học Kỳ Hải Ngoại không khi nào chịu bị ép buộc làm những gì các em nghĩ là không hợp tình hợp lý. Tôi bảo Katie thôi không chụp hình ở trên này nữa. Katie tỏ vẻ khó chịu nhưng thấy tôi khoanh tay trợn mắt nên vùng vằng đeo máy hình đi ra chỗ đậu xe. Katie vừa quay đi thì ông “hầm hầm” la lên, “Xì-tốp, xì-tốp. Tính bôi xấu nước Việt Nam phải không?” 

Vừa thở phào mừng thầm nhờ có ông này nên chỉ phải trả 2 ngàn là giải quyết êm thấm chuyện bực mình thì lại thót bụng vì câu hỏi rõ ràng có ý định “chụp mũ”. Tôi than thầm đã bảo cả đoàn  ra nước ngoài thì đừng hành xử kiểu Mỹ, nhất là ở Việt Nam. Luật lệ của Việt Nam thường được giải thích và chấp hành tùy theo ý muốn của đảng viên nắm quyền thế. Tôi khuyên sinh viên chuyện gì không trái lương tâm, không hệ trọng thì phải “nhập gia tùy tục” mà ứng phó mới khỏi phiền phức, hiểu nhầm. Katie ở trong lớp đồng ý nhưng “đụng trận” thì chẳng bao giờ chịu “In Rome do like Romans”. Nếu Katie vâng lời thì bây giờ thầy trò đang ngồi xe ngắm cảnh “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” trên đường ra Huế. Tuyệt diệu biết bao! Đúng là “tránh vỏ dưa, đạp vỏ dừa”. Cha này không phải Công An khu vực thì cũng là “cấp ủy” [2] phường xã. Chẳng vậy mà sao các bà các cô các ông đang mải mê xem hoạt cảnh “Ta nắm áo Đầm” đều phải nín khe tránh lối. Katie hỏi tôi hắn nói gì vậy. Tôi dịch câu vừa hỏi vừa buộc tội và bảo Katie chưa ra xe được, để thầy trả lời hắn đã.

Học tiếng Việt qua bài hát
Đi vòng sang đứng cạnh Katie, tôi trình bầy cô sinh viên này là người có học đàng hoàng, không khi nào lại bất lịch sự bôi xấu nước chủ nhà mà cổ đang là khách viếng thăm. Băm băm ngón tay chỏ về hướng Katie, hắn bắt bẻ đây có bao nhiêu cảnh đẹp không chụp lại chụp “xí xổm” [3]. Rõ ràng muốn bôi xấu Việt Nam chứ còn gì nữa. Tôi thông dịch nguyên văn xong, Katie nói không chụp “xí xổm” nhưng trong khi đứng đợi đến lượt, em có điều chỉnh ống kính. Tiểu xong, em ra phía sau, hôi thối lắm, nhưng ở đó mới chụp hình được toàn cảnh núi, đèo, mây, nước. 

Tôi thông dịch tiếp nhưng bỏ cụm từ “hôi thối lắm” vì sợ có khi cả trò lẫn thầy cùng bị hắn buộc thêm tội dám bảo Việt Nam hôi thối. Để chúng tỏ Katie ngay tình, tôi nói với hắn nhiều hướng dẫn viên du lịch cũng đồng ý phải đứng phía sau cầu tiêu mới thấy được toàn cảnh hoành tráng của đèo Hải Vân. 

Non xanh

Nước biếc

Như tranh
Chắc cũng biết vậy, không bắt bẻ được Katie, hắn đánh trống lảng, quay sang tôi lớn tiếng hỏi đọc được mấy chữ Hán trên cửa ải không. Biết dụng ý của hắn cốt làm tôi bẽ mặt trước đám đông, tôi khoan thai chỉ tay từ phải sang trái, đọc rành rọt từng chữ “Hải”, Vân”, “Quan” như thể tôi đang dậy học sinh lớp 6 phát âm tiếng Anh.

Hắn trịch thượng hỏi tiếp, “Thông dịch hay huớng dẫn du lịch”.
Tôi chửi thầm, “Tiên sư thằng mất dậy. Tao đáng tuổi đàn anh mà mày cứ hạch hỏi trống không” nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, ôn tồn trả lời tôi là thầy giáo.   
Lộ vẻ ngạc nhiên, hắn hỏi, “Thầy dậy được Tây hả?”
Tôi nghiêm mặt đáp, “Tây, Ta tôi đều dậy được, miễn là biết trọng lễ nghĩa.”
Hắn nghĩ ngợi một tị rồi nhẹ giọng nhờ thầy bảo cô sinh viên cứ thong thả ra xe trước, mời thầy nán lại uống tách trà cho ấm bụng.

Thấy hắn đã tỏ ra biết điều, xưng hô lễ độ, tôi bảo Katie nói với các bạn chịu khó ngồi chờ, bạn nào muốn xuống xe đi lại cho đỡ cuồng cẳng sốt ruột thì cứ tự nhiên. 

Đợi Katie lên xe xong, tôi theo hắn đến một căn nhà ván gỗ, mái tôn. Trên mái tôn có chặn mấy bao tải -chắc đựng cát- phòng ngừa gió lốc. Nhà chỉ có một khoang nhỏ, một chõng tre, một bàn nhựa, một ghế đẩu và một sợi giây kẽm treo quần áo. Hắn mời tôi ngồi ghế, với tay lấy bình thủy rồi ngồi xuống chõng pha trà. Sau mấy câu trao đổi xã giao, hắn hỏi tôi thích đọc thơ không. Tôi trả lời khi thảnh thơi, tôi thích nghe nhạc và đọc tạp chí chứ rất ít khi đọc thơ. Đúng là hỏi cho có nên dù tôi đã tỏ ý rõ ràng không muốn chuyện trò làm quen mà hắn vẫn lật chiếu lấy một cuốn sổ tay mời tôi đọc mấy bài thơ hắn mới làm. 

Tôi mở cuốn sổ, nghĩ bụng đọc lướt qua vài bài, khen đôi câu lấy lệ rồi ra xe. Ai ngờ đọc xong bài đầu, sang bài sau, tiếp luôn đến tận bài cuối, tôi thấy lời thơ tuy mộc mạc nhưng bộc lộ một tấm lòng nhân hậu, vì cộng đồng và một ý chí kiên cường, đầy quả cảm trước và giữa những nghịch cảnh của cuộc sống ở trong nước hiện nay. Tôi gấp sổ tay, ngỏ lời khen ngợi rồi trân trọng trả lại hắn.

Hắn hỏi, “Thầy khen thật tình không?”.
Tôi nhìn vào mắt hắn, gật đầu, trả lời, “Nếu có duyên tái ngộ, lần sau tôi sẽ ở chơi cả buổi”.

Bắt tay tạm biệt, tôi bảo hắn nên chọn vài bài đăng báo. Hắn nắm chặt tay tôi nói mới gửi đăng hơn chục bài trong mấy năm qua mà đã bị buộc phải bỏ công ăn việc làm lên đây “lao động chân tay cho sáng mắt ra”. Tôi hỏi trước khi lên đây ở đâu, làm gì, có vợ con chưa. Hắn trả lời một hơi, đại để quê Quảng Nam, gần bốn chục, độc thân, chuyên chụp hình nghệ thuật [4], đám cưới, đám tang nên có nhiều dịp chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh chướng tai gai mắt như thời Tú Xương. Hắn bắt chước ông Tú làm thơ trào phúng và chửi đổng tham quan. Từ hồi lên đây tha hồ làm thơ nhưng cả tuần có khi chỉ được một hai khách du lịch mướn chụp hình mầu (Polaroid) trên giấy lấy ngay. Đói quá, đành nhận quét dọn nhà vệ sinh kiêm luôn việc giữ trật tự vì không lao công nào trụ nổi quá nửa năm.

Tôi nói tưởng anh là Công An vì tôi thấy những người bán hàng rong đều tỏ vẻ sợ sệt. Hắn trả lời bà con biết hắn chăm chỉ, có công tâm, không hề cậy thế giữ trật tự để đòi quà cáp nên họ nể nang, quý mến chứ không sợ sệt. Mấy thằng côn đồ “xin đểu” [5] biết vậy nên hễ thấy mặt hắn là phải co vòi rút lui.

Tôi cảm động chìa tay tạm biệt một lần nữa. Hắn mở ví đưa tôi cái danh thiếp, giấy đã cũ mèm, và nói đó là tấm cuối cùng để tôi đừng quên chuyện gặp mặt đủ cả hỉ, nộ, ái, ố trong ngày hôm nay. Tôi xin lỗi không có danh thiếp và để giữ phép lịch sự, tôi cầm xem ngay thì thấy một bên có gương mặt xoã tóc vẽ bằng mực đỏ với tên Lại Phiền Hà và địa chỉ, một bên là bài thơ:

Tôi là thi sĩ Báo [6] không ưa…
Gánh nặng hai vai những sự đời
Để thân cho gió, mây, mưa phủ,
dọn rác phân hôi miệng vẫn cười
thà sống trọn đời như cây cỏ
còn hơn loài quỷ chốn giàu sang
Mong bạn đừng cười mà suy ngẫm
          Cái tên tự gọi LẠI PHIỀN HÀ

Thi sĩ

Thà sống như cây cỏ

Đặt chân lên bực cửa xe, tôi hỏi, “Anh là người dân tộc thiểu số à?”
Hắn trả lời là người Kinh. Tôi nói đây là lần đầu tiên tôi gặp người họ “Lại”. Hắn nói đó là bút hiệu. Tôi nói bút hiệu gì mà đọc lên nghe lạ tai quá. Hắn xoa bóp hai bên thái dương rồi nói rằng trước kia hắn lấy tên thật nhưng từ hồi lên đây “lao động chân tay cho sáng mắt ra”, các ổng gián tiếp “ban” cho bút hiệu đó. Tôi nói họ ban chức danh “nghệ sĩ nhân dân”, “nghệ sĩ ưu tú” chứ ai lại ban bút hiệu. Hắn trả lời cứ mỗi lần chép tay năm, ba bài thơ thành chục bản là hắn đưa các tài xế xe khách nào có cảm tình, nhận lời đưa giùm cho các Báo đăng thì mấy ngày sau lại có một ông Công An ở Đà Nẵng đi xe gắn máy lên hạnh họe. Ổng ấy người Bắc, hễ thấy hắn là ổng lắc đầu chỉ tay đe “lại phiền hà!”

Học Kỳ Thu 1998.
Về Tắm Ao Xưa
Bùi Dương Chi 

Chú thích:
[1] bo: thưởng công, tipping, pourboire. 
[2] cấp ủy: đảng viên có quyền thế. 
[3] xí xổm: chỗ đi cầu phải ngồi xổm. 
[4] nghệ thuật : ở Việt Nam ngày nay, chụp hình “nghệ thuật” nhiều khi là chụp hình rồi chỉnh sửa cho hợp với thị hiếu của khách. 
[5] xin đểu:  vừa xin vừa  hăm dọa.   
[6] Ở Việt Nam lúc bấy giờ chỉ có báo Đảng, báo Nhà Nước và báo của các Hội trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc cũng do các đảng viên điều hành dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Địa Phương. Tư nhân không được  ra báo.

3 comments:

  1. Một duyên gặp gỡ thật thú vị và cũng thật bất ngờ hả thầy?
    Thi sĩ Lại Phiền Hà độc đáo thật! Cầu mong người ấy đừng làm nghề gì khác mà chỉ làm thơ ! Viết đến đây em chợt nhớ đến một câu chuyện vui bên chiếu thơ như sau:
    Có một độc giả nói với các nhà thơ rằng: Nếu tôi là Thượng Đế, tôi sẽ không cho các nhà thơ đi kiếm tiền, chỉ cần làm thơ thôi, rồi bàn dân thiên hạ sẽ "nuôi cơm", nhà thơ đâu cần nhà cửa gì, nên ở nhà ai cũng được
    Em nghe thế thì vỗ tay hoan hô liền tức thì ạ, rồi cầu mong ông ấy chỉ cần được ngồi gần Thượng Đế để xin Ngài ban cho ân huệ ấy!

    Trò Kh.

    ReplyDelete
  2. Phai chi Thay cho chung em thuong thuc them mot so bai tho cua thi si nay thi hay biet may? Nguoi kha doc dao, chac chan tho cung doc dao nhu nguoi...Em rat thich nhung bai phong su kha chuyen nghiep cua Thay, em hy vong se duoc nham nhap chung dai dai, Thay nhe! Em xin cam on Thay truoc.
    Minh Khue

    ReplyDelete
  3. Một cuộc gặp gỡ thật thú vị và cảm động.
    Em cảm ơn thầy đã chia sẻ với lớp 74 những bài phóng sự thật hay.
    Em rất quý trọng nhân cách của thi sĩ Lại Phiền Hà và mong được đọc thêm những bài thơ khác của thi sĩ đỉnh cao này.

    Trò: Hồng A

    ReplyDelete