Sunday, December 20, 2015

Đôi điều cần nói rõ hơn về lời ca Bonjour Vietnam của Marc Lavoine

Nhân đọc bài GIỚI THIỆU SÁCH “VIETNAM HISTORY: STORIES RETOLD FOR A NEW GENERATION” (Lịch Sử Việt Nam: Những Câu Chuyện Được Kể Lại Cho Một Thế Hệ Mới) trên một blogspot, tôi nhớ lại rằng hầu hết các bản dịch qua tiếng Việt từ bản nhạc Pháp “Bonjour Vietnam” của Marc Lavoine tôi gặp từ trước đến giờ đều dịch câu “…ce que tu n’oses dire.” theo nghĩa phủ định như đoạn dịch trong sách dưới đây.


Raconte-moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
Qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire 

được dịch là:

Hãy kể cho con nghe về đế quốc ngày xưa và đôi mắt xếch của con
Những gì người không dám nói, mà con không tài nào diễn tả,
                       (Vietnam History: Stories Retold for a New Generation)

Tôi có thể đơn cử thêm một vài bản dịch khác:

…………………………..
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt
                                    (Thành công của Bonjour Vietnam, VTC News)

hoặc:

… Qua bản dịch của Đào Hùng, lời của bài hát như hiện lên cái mộc mạc, cái chân quê của đất mẹ thân yêu: “Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi; mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời; Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi; Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt...”
                                    (Bonjour Việt Nam - Lời của Hồn thiêng đất Việt.) 

hoặc nữa:

Người hãy kể tôi nghe về cái tên lạ thường và khó phát âm đó
cái tên mà tôi đã đeo mang từ lúc mới chào đời
Hãy kể tôi nghe về cái vương triều cũ và nét đặc sắc của đôi mắt xếch của tôi
Những điều này nói rõ hơn tôi về những gì Người không được nói
                                 (Chào Việt Nam!, Bản dịch Việt của nhà nghiên cứu Lữ Phương, Sài Gòn.)

Thật ra, bài hát Bonjour Vietnam do Marc Lavoine sáng tác và Phạm Quỳnh Anh trình bày không xa lạ với thính giả Việt Nam, thậm chí được Vietnam Airlines chọn làm nhạc nền cho kết thúc mỗi chuyến bay nên ta được nghe dài dài! Âm hưởng bài hát lạ, lại được giọng ca trong trẻo của một cô gái gốc Việt (nhưng không nói được tiếng Việt) hát nên dễ tạo xúc cảm khi nghe. Và có lẽ cũng cần nói thêm rằng đây là một trong số rất ít bản nhạc hiếm hoi được nhạc sỹ nước ngoài viết và ca sỹ nước ngoài hát về Việt Nam nên tâm lý chung là chúng ta khá … lâng lâng tự hào dân tộc! Quả thật, trong giọng hát của cô ca sỹ trẻ măng hát bản tiếng Pháp, và sau này là bản tiếng Anh (Hello Vietnam) thì cái chất “ngoại lai” đó có cái gì càng hay hay và truyền cảm. 

Tuy nhiên, do bởi có quá nhiều bản dịch sang tiếng Việt nhưng lại có một tương đồng ngộ nghĩnh với chữ KHÔNG mà chính các dịch giả dường như “vô tư” không chịu hiểu hay cố hiểu chính điều mình dịch, hay ít ra cũng “nên” thấy có cái gì không ổn và hơi … kỳ kỳ với chữ KHÔNG này!
Động từ dám trong tiếng Việt, oser trong tiếng Pháp và dare trong tiếng Anh đều có nghĩa là “có can đảm, có gan, hay táo bạo làm việc gì đó”. Vậy “KHÔNG dám” có nghĩa ngược lại là “không có can đảm, không có gan, hay không táo bạo làm việc gì đó”. Trong ý nghĩa thách thức, thậm chí còn có nghĩa là hèn, nhát không dám làm việc gì đó.

Trong ngữ cảnh của bài hát này, nếu chịu khó suy gẫm thêm một chút sẽ thấy rằng chính điều được dịch là không dám nói này gây nên thắc mắc khó chịu, bởi nó hàm ý rằng có uẩn khúc nào đó phải che đậy, giấu giếm, thậm chí đáng xấu hổ trong lịch sử Việt Nam để đến nỗi “người” không dám nói ra mà để nét đôi mắt xếch của con tự nói ra thì hay hơn…

Nếu không trả lại sự chính xác ý nghĩa lời viết của Marc Lavoine, một người Pháp sáng tác và viết lời ca, dù chỉ là tình tự về Việt Nam, sẽ dễ kết án rằng ông không hiểu lịch sử Việt Nam, còn “diễu cợt”cho rằng mẹ Việt Nam “nhát”, hay Việt Nam là một phần của Trung Hoa, chủng tộc có mắt xếch, thì thật “oan” cho ông! Hãy trả lại sự trong sáng, rõ ràng của ngôn ngữ Pháp, vì người Pháp thường khẳng định: Những gì không rõ ràng thì không phải là Pháp (Ce qui n’est pas clair, n’est pas français.)

Ở đây cần bàn đến hai điều:

Thứ nhất, ta hãy nói về le trait de mes yeux bridés. Tất cả bản dịch ở trên, trừ bản dịch của Lữ Phương, đều bỏ qua không dịch chữ le trait (nét, đường nét). Vậy, le trait de mes yeux bridés, nên dịch là nét đôi mắt xếch của con. Dường như, nếu người Châu Á thấy khó khăn hoặc không phân biệt được nét bề ngoài giống nhau giữa những người Châu Âu _ người nào cũng “mắt xanh mũi lõ” _ thì ngược lại, những người này không phân biệt được người (chủng) các nước Châu Á, nhìn người Châu Á nào cũng thấy mắt xếch, đặc biệt là người Trung Hoa. Các bạn nhìn tôi xem, đặc chủng Việt Nam đấy nhé! Ấy vậy mà ít nhất ba lần _ một lần ở Paris, một lần ở Thượng Hải, và một lần ở Thái Lan _ tôi “bị” người nước ngoài tưởng rằng tôi là người Nhật! Vậy, liệu có nên võ đoán cho rằng Marc Lavoine nói rằng nét đôi mắt xếch của con trong bài ca xác định rằng con là người Trung Hoa hay “chủng” Trung Hoa? Theo tôi, Marc Lavoine dùng chữ le trait (nét, đường nét) trong bài hát là tuyệt hay! Nếu quả thật ông viết bài hát này cho Quỳnh Anh hát thì nên hiểu là cô có “nét Châu Á”.

Thứ hai, và là điều quan trọng hơn cả cần được làm sáng tỏ, trạng từ (adverbe) NE trong tiếng Pháp không đi một mình để có nghĩa phủ định mà phải kèm theo, hoặc ne … pas, ne … point, ne … plus, ne … jamais, nul … ne, aucun … ne, rien  ne, personne ne, etc. Vậy, khi NE đứng một mình thì NEexplétif (hư từ _ từ ngữ hoặc thành ngữ không cần thiết dành cho nghĩa của một câu nhưng việc sử dụng nó được yêu cầu bởi cách dùng quen thuộc này hoặc có một giá trị nhất định), không có nghĩa phủ định. 

Trong một vài mệnh đề phụ, với số lượng hạn hữu, NE không có giá trị phủ định. Trong văn nói, thường thường người ta loại nó (NE) đi, hư từ NE được dành cho văn phong trang trọng hay trong văn chương. (Dans certaines propositions subordonnées, en nombre limité, NE n’a pas de valeur négative. Le plus souvent, la langue parlée le suprime, le NE se conservant dans la langue soutenue ou littéraire.)

Ví dụ:
-    Rentre avant qu’il (ne) pleuve: Hãy về nhà trước khi trời mưa.
hoặc:
-    J’ai peur qu’il ne se mette à pleuvoir: Tôi e rằng trời đang chuyển mưa.

Một trong những trường hợp hạn hữu nêu trên là, trong những mệnh đề so sánh, sau plus, moins, mieux, autre, meilleur, pire, plutôt, moindre, … người ta dùng NE (explétif) nếu như mệnh đề chính ở thể xác định. (Dans les propositions comparatives, après plus, moins, mieux, autre, meilleur, pire, plutôt, moindre, on utilise ne si la principale est affirmative.)

Ví dụ:
-    Il est plus fin qu’on ne croit: Điều đó tế nhị/tinh tế hơn người ta tưởng.
hoặc:
-   Il veut faire mieux qu’il n’est pratiquement possible: Anh ta muốn làm tốt hơn thực tế có thể có được.
và nhất là:
-   … qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire.

Do văn phạm “hiểm hóc” của ngôn ngữ Pháp thì đoạn:

 “Raconte-moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
qui dissent mieux que moi ce que tu n’oses dire.”

Nên dịch lại như sau:
“Hãy kể cho con về đế chế xưa cũ cùng nét đôi mắt xếch của con
vốn nói rõ hơn là con nói những gì mẹ dám nói.”

Nôm na thì dịch là “Những gì mẹ dám nói ra _ kể cả con nữa _ cũng không rõ hơn là chính triều đại xa xưa cùng nét đôi mắt xếch của con nói ra …”

Sau đây là lời bài hát, và tôi xin mạo muội dịch.

Raconte-moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née
Hãy kể cho con nghe về cái tên kỳ lạ và khó phát âm này
mà con vẫn mang từ ngày con được sinh ra

Raconte-moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés
Qui disent mieux que moi ce que tu n'oses dire
Hãy kể cho con về đế chế xưa cũ cùng nét đôi mắt xếch của con
vốn nói rõ hơn là con nói những gì mẹ dám nói.

Je ne sais de toi que des images de la guerre
Un film de Coppola, des hélicoptères en colère
Con chỉ biết về mẹ qua hình ảnh cuộc chiến
(qua) một bộ phim của Coppola, (và qua) đàn trực thăng giận dữ.

Un jour, j'irai là-bas
Un jour, dire bonjour à ton âme
Un jour, j'irai là-bas
Te dire bonjour, Vietnam
Một ngày kia con sẽ về nơi ấy,
một ngày kia, để chào linh hồn mẹ.
Một ngày kia con sẽ về nơi ấy
để nói lời chào mẹ, Việt Nam ơi!

Raconte-moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds
Qui me portent depuis que je suis née
Raconte-moi ta maison, ta rue, raconte-moi cet inconnu
Les marchés flottants et les sampans de bois
Hãy kể cho con nghe về màu da của con, tóc con cùng đôi chân bé bỏng của con
vẫn mang con bên mình từ ngày con được sinh ra
Hãy kể cho con nghe về ngôi nhà của mẹ, con đường của mẹ, hãy kể cho con nghe về con người xa lạ này
về những khu chợ nổi cùng những chiếc thuyền tam bản độc mộc.

Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre
Un film de Coppola, des hélicoptères en colère

Un jour, j'irai là-bas
Un jour, dire bonjour à mon âme
Un jour, j'irai là-bas
Te dire bonjour, Vietnam

Les temples et les Bouddhas de pierre pour mes pères
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères
Toucher mon arbre, mes racines, ma terre

Đền chùa cùng tượng Phật bằng đá dành cho các cha của con
Phụ nữ còng lưng ngoài đồng lúa dành cho các mẹ của con
Trong kinh cầu nguyện, trong ánh sáng, gặp lại các anh em trai của con
Chạm vào cội, rễ, đất cát của con.

Un jour, j'irai là-bas
Un jour, dire bonjour à mon âme
Un jour, j'irai là-bas
Te dire bonjour, Vietnam
Te dire bonjour, Vietnam


Tình tự lời ca nghe thật cảm động, rất cảm động! Vì vậy, theo thiển ý, nếu ta gắp bỏ “hạt sạn” KHÔNG này ra khỏi các bản dịch thì, cho dù bản dịch tiếng Việt không được hát lên, ít nhất cũng không làm cho tình tự bị vương một chút tì vết.

Một đôi điều suy nghĩ mạo muội. Không dám múa rìu qua mắt thợ.

Phùng Ngọc Cửu

2 comments:

  1. Cám ơn anh Cửu đã cho Kh. biết nhiều điều hữu ích và chính xác về một bài hát nổi tiếng

    Cám ơn Dzung khi post đã tô màu đỏ để phân biệt hai ngôn ngữ trong cùng một câu viết

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Chào cô Hương,

    Cảm ơn cô đã có nhận xét về bài viết.

    Thật lòng, tôi chỉ mong hiểu được một cách trong sáng về một bài ca của người nước ngoài viết về Việt Nam, và cảm ơn họ đã viết đúng về đất nước chúng ta.

    Người Pháp cũng thừa nhận rằng văn phạm của ngôn ngữ họ là khó, đôi khi chính họ cũng chưa tỏ tường, huống hồ chúng ta là người nước ngoài học ngôn ngữ của họ.

    Tôi mong được thông cảm rằng vì tính cẩn thận, hay hồ nghi và thường lật ngược vấn đề chỉ nhằm mục đích giảm thiểu những sai sót chứ không hề “bới lông tìm vết” hay “sợi tóc chẻ làm tư”.

    Con người vốn dĩ bất toàn. Hãy vui sống với sự bất toàn đó!

    Phùng Ngọc Cửu

    ReplyDelete