Wednesday, December 30, 2015

Vườn Bách Thảo Singapore

Sáng sớm, tôi rời nhà đi bộ qua những con phố yên tĩnh. Giao thông ở đây rất trật tự và không ồn ào. Khi qua đường, người đi bộ được an toàn theo đèn báo hiệu. Tôi chợt nghĩ đến cảnh giao thông hỗn loạn và ầm ỹ tiếng còi xe ở Việt Nam mà sợ hãi!

Tôi hòa mình vào trong dòng người đông đúc, hối hả trên những cầu thang cuốn để đến cho kịp giờ khởi hành của xe điện ngầm. Tôi phát hiện ra một điều thú vị là, khi khách bộ hành đứng trên cầu thang cuốn thường đứng nép vào bên tay trái nhường chỗ cho những người có việc gấp cần đi nhanh bên tay phải.

Singapore Botanic Gardens (Vườn Bách thảo Singapore) được xây dựng từ năm 1859, khi người Anh đặt chân đến đây. Trước cổng chính của Vườn là một tấm biển lớn biểu thị rằng đây là di sản thế giới của UNESCO (UNESCO World Heritage Site). Vườn rộng mênh mông, là một khu phức hợp gồm nhiều điểm, hoặc mang tính chuyên môn, hoặc mang tính lịch sử. Tôi chỉ thăm một số địa điểm vì thời gian có hạn.

Vừa vào cổng tôi gặp ngay Swan Lake (Hồ Thiên nga). Đây là hồ nước có từ thời thành lập vườn.

Nàng thiên nga đen đang rỉa lông trong hồ.

Không gian yên tĩnh, chim chóc hót thanh bình, muông thú thân thiện và không hề sợ con người: sóc leo cả lên tay khách thăm vườn, gà rừng vẩn vơ kiếm ăn không sợ người đến gần, rồng Komodo thơ thẩn đi dạo …

Rồng Komodo chỉ sống ở Indonesia, khi lớn có thể ăn cả thịt người!

Đường đi rất sạch sẽ, thỉnh thoảng có điểm tiếp nước uống miễn phí cho du khách.

Nước uống được miễn phí!

Bất chợt, tại một ngõ rẽ, tôi bắt gặp giàn hoa ti-gôn hồng và trắng bên đường làm gợi nhớ đến bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” của thi sỹ TTKH.

Hoa Ti-gôn hồng


Hoa Ti-gôn trắng

Ghé qua gian hàng lưu niệm của Gardens Shop, tôi ngắm nhìn những món hàng xinh xắn, đẹp mắt.

Một góc gian hàng lưu niệm

Tôi vào khu Ginger Garden (Vườn Gừng) gồm nhiều giống gừng, vốn là loại thảo dược phổ biến và hiệu quả.

Một giống họ nhà gừng

Bước vào National Orchid Garden (Vườn lan Quốc gia), đây là khu vực đẹp và hấp dẫn du khách nhất nên người người chen chân nườm nượp vào mua vé: $5/người lớn, trẻ em miễn phí, người già và học sinh chịu phí tượng trưng: $1.

Khu vườn này được thành lập và nuôi dưỡng lan từ năm 1928. Hiện nay vườn đã canh tác được hơn 1000 giống lan  thuần chủng và trên 2000 giống lan lai ghép. Vườn trưng bày thường xuyên các cuộc triển lãm lan và tham dự những cuộc trưng bày lan đồ sộ nhất trên thế giới.

Cổng hoa gồm toàn lan Vũ nữ

Một giống Vanda màu đặc sắc

Một cụm Cattleya thơm ngát
Lan Hài (Paphiopedilum), tôn vinh gót sen của giai nhân

Một giống Vũ nữ hiếm và tuyệt đẹp

Một giò Hồ điệp lộng lẫy

Phó nhòm đang tác nghiệp bên gốc liễu già.

Trong Vườn lan có một Cool House (Nhà lạnh), tôi phát hiện có một giống lan ăn thịt (Carnivore) thật lạ lùng!

Giống lan ăn thịt

Palm Valley (Thung lũng Cọ) chợt hiện ra trước mắt sau một khu rừng thiên nhiên. Sở dĩ gọi như vậy vì thung lũng này mọc đầy cọ từ thuở lập vườn.


Thung lũng Cọ, dưới đáy là sân khấu hòa nhạc lộ thiên

Trên đỉnh đồi là pho tượng bằng đồng, tạc đôi vợ chồng nhạc sỹ dương cầm đang chơi bản Polonaise (Khúc luân vũ Ba-Lan) thời thuộc địa.

Tượng nhạc sỹ trình diễn thời thành lập vườn.

Để lưu giữ truyền thống này, một sân khấu lộ thiên sau này được dựng lên trên một hồ nước có tên là Symphony Lake (Hồ Giao hưởng) để công chúng có thể đến đây thưởng thức nhạc sống.

Hồ Giao hưởng phủ hoa Súng

Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi gặp những cây đại thụ hàng trăm tuổi, được ghi rõ xuất xứ và được bảo vệ cẩn thận.

Đại thụ, đặc chủng ở Ấn Độ, Đông Dương và Malaysia.

Cuối mỗi khu vườn, nhân công có tuổi cần mẫn quét lá úa rụng và chăm chút cây cối.

Singapore cũng xứng đáng với cái tên Đảo quốc xanh khi người khai sinh nó, thủ tướng Lý Quang Diệu đã có tầm nhìn xa và khôn ngoan khi tiếp tục duy trì rồi phát triển Vườn bách thảo cùng toàn thể môi trường xanh của đảo quốc. Ông đã thấy ngay từ thời lập quốc rằng nếu không phủ xanh hòn đảo này thì tương lai nó sẽ trơ trụi và nóng như một hỏa lò, làm sao có điều kiện phát triển kinh tế được?

Thật thú vị trên đường về, băng qua khu dân cư Everton Park, tôi tình cờ phát hiện một cây con và một biển ghi chú dưới gốc rằng Thủ tướng Lý Quang Diệu trồng vào năm 2000.

Cây Caesalpinia ferrea do thủ tướng Lý Quang Diệu trồng cách đây 15 năm.

Du lịch mà hờ hững với ẩm thực thì… nằm nhà cho rồi! Singapore không hề thiếu nhiều món ăn quốc hồn quốc túy nào trên thế giới, nhưng muốn thưởng thức món mình thích thì cần biết chúng nằm ở đâu. Lần này đến Singapore, tôi chợt có ý nghĩ thưởng thức món Ả-rập và món Hàn quốc.

Muốn ăn món Ả rập phải đến khu Hồi giáo. Đây là một khu tập trung văn hóa Hồi giáo ở Singapore với ngôi đền Sultan Mosque được xây dựng từ năm 1924, sau này được tôn tạo vào năm 1975 để có kiến trúc như hôm nay.

Đền thờ Hồi giáo Sultan Mosque
Tôi ngần ngại không vào trong ngôi đền vì du khách phải thay áo thụng xanh và đi chân trần khi vào đền.

Du khách phải mặc áo thụng xanh, đi chân trần khi vào đền.

Hai bên khu phố chính là nhà hàng ăn Ả-rập, khu phố này đã có từ xa xưa, được bảo tồn và phát triển đến ngày nay. Con đường này thoạt đầu có tên là Sultan Road, sau đó, vào năm 1910, được đổi tên là Bussorah Street theo một địa danh ở Iraq.

Phố ẩm thực Ả-rập

Có quá nhiều quán ăn Ả-rập quốc hồn quốc túy, từ Istanbul của Thổ-nhĩ-kỳ đến Dubai ở Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Nhìn tên tiệm ăn cứ là … hoa cả mắt. Cuối cùng chúng tôi vào một quán ăn của Liban.

Một quán chính hẩu Trung-Đông. Bên trong xây dựng bằng gỗ thông nhiều năm tuổi.

Một trong những món tôi thưởng thức là nước sốt yaourt dê có vị chua đặc biệt, một món đậu nghiền đặc sản chỉ có ở Trung-Đông, món đậu tán nhuyễn rồi chiên rắc mè, thịt cừu xào rau với ớt cay … xé mũi, điểm xuyết bằng những quả ô-liu thơm béo. Tất cả các món trên được xúc bằng một loại bánh bột nướng dẻo có hương vị đặc biệt.

Món “đặc sản” của nhà hàng Liban
Ban đêm, chúng tôi ghé vào một quán ăn Hàn quốc thường lui tới. Tôi thích nhất là loại rượu gạo trắng, có vị giống như rượu nếp mồng năm tháng năm của Việt Nam nhưng nồng độ nhẹ hơn nhiều. Món kim chi cay xè nhưng đậm đà bị thanh toán sạch ngay từ đầu! Tôi nhớ món đậu hũ có gia vị là lạ. Món chính là cái lẩu thịt bò to đùng với các loại rau tôi không biết tên hết, trừ hẹ.

Món ăn Hàn quốc

Chúng tôi rời quán trong tiết trời đêm mát mẻ.

Hồng A

3 comments:

  1. Hồng A... ít đi dữ nha! Nhìn hoa lan nhớ Bmt chi lạ...Mùa hạ, cứ đi vô rừng một chút, không cần sâu lắm, nhìn lên cao là thấy sắc hoa lan tím lơ lửng trên đầu...Chỉ ngắm thôi, chứ còn khuya mới leo lên hái được!

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Nhận định của Thầy Bùi Dương Chi

    Tới nay, tôi đã ghé họp hành ở Singapore 4 lần. Lịch trình làm việc liên miên nên mới chỉ một lần được “cơm tay cầm” đi xem bãi biển khá đẹp nhưng rất sạch sẽ ở đó. Trên các chuyến bay tôi đã xem nhiều trang khuyến mãi du lịch Singapore nhưng chỉ đến khi đọc hết các phân đoạn mô tả sống động với những dẫn giải lý thú kèm theo nhiều hình chụp rất có tay nghề về “Vườn Bách Thảo Singapore” tôi mới hết e ngại khi khoe khoang với bà con và người quen là tôi đã đi “tham quan” Singapore cả “chục” lần.

    Theo tôi, bài du ký (travelogue) của CHS Hồng A rất độc đáo vì còn gồm thêm cả phần ẩm thực mà Hồng A khẳng định và tôi rất đồng ý là không thể thiếu được cộng thêm mấy hình ảnh với lời dẫn giải liên tưởng mà tôi cho rằng người đọc không thể không thấy gần gũi như “hai dàn hoa ti-gôn màu hồng và mầu trắng”. Outstanding!

    Bùi Dương Chi,

    Thầy giáo tiếng Anh. THBMT (63-74)

    ReplyDelete
  3. Kính thưa thầy,

    Em chỉ mới đến Singapore hai lần: lần thứ nhất ba ngày vào năm 2012, lần thứ hai mới đây bốn ngày. Khi đi du lịch em hay quan sát tỉ mỉ, cố gắng diễn đạt cho người đọc hình dung ra cảnh vật mà em tham quan.

    Em cũng thú vị nhất chi tiết: hai giàn hoa ti-gôn màu hồng và màu trắng trong bài Vườn Bách thảo Singapore vì em vốn mê thơ của thi sỹ TTKH.

    Em cảm ơn lời khen của thầy, đã động viên em khi viết bài. Lời khen của thầy cho em tìm lại được cảm giác vui như được điểm 16/20 của thầy khi xưa, mặc dù mỗi lần học giờ thầy là em sợ đổ mồ hôi vì học dốt môn Anh văn!

    Học trò: Hồng A

    ReplyDelete