Thursday, December 31, 2015

Vịnh Marina, Singapore

Mặc dù lễ Giáng sinh đã qua nhưng dư âm vẫn còn trong các khu trung tâm mua sắm lớn nằm dọc theo đường Orchard. Ngày chủ nhật 27-12-2015, người qua lại nườm nượp, nhộp nhịp, trong khung cảnh lộng lẫy, tưng bừng trên con đường trung tâm thương mại chính này của Singapore. Tôi được cho biết sở dĩ con đường này có tên như vậy vì ngày xưa dọc theo đường toàn là cây ăn trái.

Orchard, con đường của mua sắm xa hoa nhất Singapore

Người đi mua sắm tấp nập

Dọc theo những phố chính được trang hoàng thành vòm cao gồm những chùm quả cầu đủ màu sắc tỏa sáng về đêm. Mùa này hàng hóa còn giảm giá nên người mua sắm tấp nập trong những khu trung tâm lớn. Những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Yves-Saint-Laurent… hiện diện khắp các trung tâm mua sắm. Bầu không khí tràn trề niềm vui chào đón một năm mới.

Chanel No 5 và mỹ phẩm nổi tiếng

Kính đeo mắt hàng hiệu

Hòa trong niềm vui của mọi người, để giới thiệu các loại vòng của mình bày bán, một ông già người Trung Hoa lắc vòng thật dẻo.

Ông già lắc bụng bằng vòng gồm những quả cầu gỗ.

Chim cũng thân thiện với người, đậu bên cạnh để mổ thức ăn.

Địa điểm chim bồ câu tụ tập để ăn.

Đi dạo phố nhiều nên đói bụng, tôi chọn một nhà hàng ăn Thụy Sỹ.

Nhà hàng ăn Thụy Sỹ.

Nhà hàng nằm dưới tầng hầm, đi xuống bằng một cầu thang vòng, vách bên trang trí một hang đá có bầy cừu bằng lông to như thật, gật gù đầu chào thực khách đi qua.

Cừu mẹ gật đầu chào thực khách trong khi cừu con say sưa bú mẹ.

Mỗi thực khách được phát một thẻ chip, có thể chọn một thực đơn rất phong phú. Bên ngoài các bàn ăn là một loạt quầy hàng rau củ, trái cây, mới nhìn qua tưởng là một khu chợ nho nhỏ. Thật ra đây là những bếp phục vụ các món ăn có trong thực đơn. Tôi chọn món bánh crêpe Thụy Sỹ. Đứng xếp hàng chờ lấy phần ăn của mình, tôi theo dõi từng động tác khéo léo và nhanh nhẹn của đầu bếp là một ông già có thao tác nhịp nhàng và chính xác đến từng… mi-li-mét. Thoạt tiên, ông đổ một lớp bột nhão lên nồi tráng giống như nồi tráng bánh cuốn của ta, trong khi chờ bột bánh chín, ông xếp nhân gồm rau củ, thịt … dọn sẵn lên một lớp bánh khác đã chín đặt bên trên một nồi khác. Khi bánh sắp chín, một lớp phó mát nhão được rưới lên trên lớp nhân. Đợi một lát cho nhân chín, bằng một thao tác mềm mại, ông cuốn hai mép bánh bột lại và chéo lên nhau. Đợi thêm một chút nữa cho nhân chín đều, một con dao bản dài và hẹp ấn lưỡi dọc theo chiếc bánh để ép cho nước bên trong bánh, nếu có, thoát ra hai đầu bánh. Cuối cùng, chiếc bánh được cắt đôi bằng một nhát chéo, để lộ phần nhân bên trong thấy mà … chảy nước miếng!

Đầu bếp làm bánh crêpe thiện nghệ.

Đĩa bánh do thực khách tự phục vụ bưng về bàn của mình. Thế mới biết ăn là đệ nhất khoái trên đời!

Nhìn kỹ chiếc bánh trước khi nó được phân nhỏ ra và tan dần trong miệng!.

Trên đường ra Vịnh Marina, từ xa đã hiện ra tòa nhà có kiến trúc độc đáo, Marina Bay Sands Hotel, sừng sững dưới nắng chiều. Trên đỉnh tòa nhà một kiến trúc mang hình con tàu, biểu trưng cho làng chài xa xưa thời lập quốc.

Marina Bay Sands Hotel.

Đứng trên cầu Vịnh Marina, gió biển mát lạnh. Bờ bên kia, trước tòa nhà The Fullerton Hotel _ bưu điện từ thời lập quốc, kiến trúc được bảo tồn như di sản quốc gia _ là con sư tử, biểu tượng của đảo quốc, đang phun nước cuồn cuộn.

Tượng sư tử phun nước, biểu tượng của đảo quốc Singapore

The Fullerton Hotel ban đêm

Đôi điều nói về người đã thiết lập Port of Singapore (Cảng Singapore) là Sir Thomas Stamford Bingley Raffles, công chức Bộ thuộc địa Anh, khi đi qua eo biển Malacca vào năm 1818. Khách sạn năm sao mang tên ông đẹp và sang trọng nổi tiếng nằm trên Beach Road mà tôi tình cờ đi qua.

Khách sạn năm sao Raffles
The Shoppes at Marina Bay Sands là khu thương mại quan trọng của Singapore, nằm trước khách sạn Marina Bay Sands, nhìn ra cầu Vịnh Marina. Khu thương mại này rộng bao la, đi dạo cũng đủ rã chân và dễ lạc đường vì ánh đèn sáng choang, cửa hàng nào cũng sang trọng, lộng lẫy. Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều hiện diện ở đây, chỉ ngắm sơ sơ cũng đủ hoa cả mắt. Tôi chỉ vẩn vơ đứng xem, không dám mua sắm những mặt hàng đắt tiền vì ví tiền của mình… mỏng te!

Cửa hàng trà Trung Hoa

Tầng dưới The Shoppes at Marina Bay Sands

Tuy không có tiền đánh bạc nhưng tôi cũng bon chen xem thiên hạ say cuộc đỏ đen. Casino gồm ba tầng, nhưng tầng dưới là khu sát phạt dữ dội nhất. Người nước ngoài vào đây miễn phí, nhưng người có quốc tịch Singapore phải trả 50 dollars Singapore cho tiền vào cửa: đơn giản là chính phủ không muốn dân chúng họ trở thành … bác thằng bần!

Casino ba tầng
Những con thiêu thân đang đâm đầu vào lửa

Đói lắm rồi! phải chen chân trong dòng người đông đúc để đến khu ăn uống. Cửa hàng nào cũng chật ém thực khách. Thực khách mới đến phải xếp hàng rồng rắn mua phần ăn rồi bưng khư khư đứng chờ thực khách nào vừa nhổm người khỏi ghế là ào đến giành chỗ.

Tối nay tôi chọn món Malaysia gồm nhiều món cà-ri đủ loại với cơm nghệ. Hạt gạo được nấu với cà-ri, rời hẳn ra mang màu nghệ vàng ươm, nhai vào thấy beo béo. Tôi thấy hợp khẩu vị với món này. Năm 2012 tôi cũng ăn món ăn của Malaysia ở đây nhưng hồi đó không chú ý lắm.

Món Malaysia toàn cà-ri!

Tôi được đề nghị thử thêm món Ấn Độ. Tại sao lại nói “không” nhỉ? Món này gồm một cái bánh mỏng bằng bột nướng, cơm nấu với nghệ, hạt rời bong ra, cùng với mấy loại nước sốt cà-ri. Một cái bát con con đựng món gì đó nhìn qua giống như cà tím. Thử một miếng muốn bong cả lưỡi! Được biết là món Ấn Độ này có thể ăn bằng cách … bốc bằng tay!

Món Ấn độ cũng toàn cà-ri!

Xong bữa, muốn thử món chè nhãn, sương sa hạt lựu. Lại xếp hàng! 10 dollars Sing., đắt quá!

No nê rồi, bây giờ mới đủ sức thưởng thức nghệ thuật! Ra khỏi The Shoppes at Marina Bay Sands thì trời đã tối hẳn. Còn khoảng nửa giờ nữa là xem màn trình diễn nước và ánh sáng (Water and Light Show). Trên bến Vịnh Marina lát ván, khán giả đã tụ tập khá đông rồi. Mỗi đêm có hai suất trình diễn, lúc 8:00 pm và 9:30 pm. Mỗi suất kéo dài 10 phút.

Khán giả tụ tập trên Marina Bay đợi xem suất diễn

Trời về đêm gió biển thổi mát lạnh, khí trời trong lành. Cảnh vật đẹp lung linh, huyền ảo.
Marina Bay về đêm

Trong bóng đêm, thấp thoáng những con tàu nhỏ treo đèn đủ màu lượn qua lượn lại, chuẩn bị cho màn trình diễn. Tiếng nhạc trầm, âm lượng rất lớn phát ra từ vịnh, không thể xác định chính xác từ đâu vì là âm thanh ba chiều tạo ra một cảm giác phấn khích khó tả. Những vòi nước dọc theo cầu vịnh tung lên cao, phối hợp với ánh sáng thành những cột nước muôn màu. Nước tiếp tục phun mạnh, nhưng tỏa ra thành sương tạo thành một bức màn. Dưới hiệu ứng của ánh sáng từ đèn chiếu, hình ảnh nổi lên trên màn nước thành một đoạn phim ngắn thể hiện một thông điệp nào đó. Vì màn nước chuyển động liên tục nên hình ảnh hiện trên đó cũng bập bềnh, lượn lờ theo. Âm thanh, ánh sáng và nước hòa quyện nhau thu hút hoàn toàn sự theo dõi của khán giả.

Đoạn phim diễn đạt lại cuộc đời con người: từ thuở ấu thơ, thời niên thiếu, tuổi trưởng thành đến tuổi già. Để sinh tồn, con người phải vượt qua bao thiên tai khắc nghiệt nên việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Thế hệ trẻ cần được săn sóc và bảo vệ. Cây xanh cần được phủ mọi nơi để tạo một môi trường sống trong lành. Âm nhạc thể hiện sự hân hoan, ca ngợi cuộc sống tốt đẹp.
Water and Light Show

Water and Light Show

Cuối màn trình diễn, thỉnh thoảng những vòi phun tung lên các cột lửa sáng rực. Nước hòa với ánh sáng tạo hình ảnh những con sóng xô dạt đủ màu sắc. Đèn trên tàu rọi những chùm ánh sáng xuyên qua màn nước tạo thành những vòi rồng ngả nghiêng.

Cuối màn trình diễn

Trong suốt màn diễn, bọt nước hắt vào cầu vịnh làm ướt cả người xem, mát lạnh.

Một buổi trình diễn nhạc-nước đặc sắc, tôi chỉ biết nói được ba từ : “Thật tuyệt vời!”.

Một số người xem đứng cạnh tôi luôn miệng thốt ra: “Wow! Wow!”

Tôi lên tầng 57 cao nhất của khách sạn Marina Bay Sands. Đứng trên mũi tàu biểu tượng cho làng chài xưa nhìn xuống đảo quốc lộng lẫy trong ánh đèn đêm. Quán cà phê và bia rượu lộ thiên đã đầy khách vừa nhâm nhi vừa thưởng thức trời biển lộng gió với thành phố rực rỡ dưới kia.

Quán bar lộ thiên

Singapore rực rỡ trong ánh đèn đêm

Có ai ngờ đâu, ngày đầu lập quốc 1965, thủ tướng Lý Quang Diệu mơ một ngày nào đó Singapore phát triển bằng Sài-Gòn, vậy mà năm mươi năm sau, với tầm nhìn xa, chiến lược đúng đắn của nhà lãnh đạo tài ba này cùng sự đồng lòng quyết tâm của người dân đảo quốc đã đưa đất nước phát triển thần kỳ, hiện đại ngang tầm với thế giới.

Ý chí phát triển đất nước đã thành hiện thực một phần lớn nhờ vào chính sách diệt tham nhũng của chính phủ. Các công chức cao cấp đều là những nhà kỹ trị tài ba, tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu thế giới, những người có ý thức cao về thượng tôn pháp luật nên ở đây không hề có một hình ảnh quan tham bụng phệ, sâu dân mọt nước nào. Mọi nơi tôi đi qua, nhất là các nhà vệ sinh nơi phi trường, hình ảnh những người già cần mẫn lau chùi ngay sau khi hành khách bước ra; những ông già cặm cụi, yên lặng gom xe đẩy … Hình ảnh này thể hiện tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng rất cao. Chẳng thế mà năng suất lao động của người Singapore cao bậc nhất Đông Nam Á, cao hơn cả chục lần năng suất lao động của một số quốc gia trong vùng!

Đất nước này cũng cất cánh bay xa nhờ may mắn có một nhà lãnh đạo vừa tài ba, vừa đức độ, vừa có ý thức tha nhân cao. Ông Lý Quang Diệu muốn rằng khi mất đi, dinh thự ông ở sẽ phá đi để làm chung cư cho dân chúng ở. Ngày ông mất đi, cả đảo quốc khóc nhưng không hề thấy tượng đài của ông, dù nhỏ, ở bất cứ nơi nào trên đảo quốc nhỏ bé này.

Bốn ngày ngắn ngủi du lịch đảo quốc này đã qua, tôi chỉ đi thăm được vài nơi. Những điều mắt thấy tai nghe cho tôi một cái nhìn thoáng qua, hiểu biết chút ít về đất nước này.

Tôi ngưỡng mộ Singapore, không phải vì sự giàu có hay phát triển của họ mà là nhân cách của họ.

Hồng A

3 comments:

  1. 30 năm để gầy dựng một đất nước! Quả thật...ông Lý Quang Diệu là người cha lập quốc của Singapore!
    Hồng A bây giờ viết ký sự đường xa giỏi lắm, nhất là tiết mục diễn tả ẩm thực.

    Kh.

    ReplyDelete
  2. Nhận định của Thầy Bùi Dương Chi

    Du ký này theo tôi thuộc loại rất độc đáo và xuất sắc như bài “Vườn Bách Thảo Singapore” căn cứ vào các phân đoạn mô tả sống động phong cảnh thiên nhiên, những kiến trúc, những sinh hoạt văn hoá và nghệ thuật, ẩm thực, v..v.. kèm theo những ảnh chụp có tay nghề và các tấm hình biểu hiện cho cuộc sống yên bình và ngăn nắp ở Sing như cảnh “ông già lắc bụng…”, “chim bồ câu thân thiện…”.

    Tuy du ký đưa lên hình ảnh giầu có của Singapore khiến không ít người trầm trồ thán phục nhưng tôi thấy câu kết của CHS Hồng A rất đáng trân trọng: “Tôi ngưỡng mộ Singapore, không phải vì sự giầu có hay phát triển của họ mà là nhân cách của họ”.

    Lan man bên lề.

    Giữa tấm hình {The Fullerton Hotel ban đêm} và hình {Khách Sạn 5 sao Raffles} có phân đoạn “Đôi điều nói về người tìm ra đảo Singapore đầu tiên là Sir Thomas Stamford Bingley Raffles, công chức bộ Thuộc Địa Anh”.

    Tôi vào Google Search và Wikipedia thì thấy thông tin ông ấy là người đã thiết lập Port of Singapore (Cảng Singapore) chứ không phải là người tìm ra đảo Singapore đầu tiên.

    Tôi hay nghi ngờ tính xác thực của các “sự kiện lịch sử” tương tự như “sự kiện” Christopher Columbus “khám phá” ra Châu Mỹ và Bác Sĩ Yersin “khám phá” ra cao nguyên Lang Biang (Lang là tên ngọn núi người nam và Biang là tên ngọn núi người nữ của thổ dân đã có từ trước khi người Pháp đến đô hộ Việt Nam- xin lỗi tôi quên xuất xứ).

    Bùi Dương Chi.

    Thầy giáo tiếng Anh. THBMT (63-74).

    ReplyDelete
  3. Kính thưa thầy,

    Em cũng thích chi tiết: ông già người Hoa lắc vòng thật dẻo, em nghĩ em không thể lắc bụng như vậy được đâu. Cảnh người và chim sống chung trong môi trường thân thiện tạo thêm cảm giác bình yên.

    Khi đi du lịch nước người, em cứ nghĩ về đất nước mình, thấy mình bất lực, buồn làm sao nên mới viết bài để chia sẻ với thầy cô và các bạn.

    Em cảm ơn thầy đã chỉ ra sai sót thông tin về Sir Thomas Stamford Bingley Raffles trong bài viết ạ.

    Học trò: Hồng A

    ReplyDelete