Wednesday, December 2, 2015

Thi Ca Mùa Thu

Công viên Mirabeau _ Rennes. Cuối thu 1996
Thu là “mùa thiên đường” của thi sỹ. Thiên đường của họ chưa hẳn là hoa mộng tốt tươi hay hạnh phúc “như sương ban mai long lanh đậu cành lá thắm”! … Đó thường là buổi giao mùa, chuẩn bị cho một cơn hấp hối, cho lìa cành của những chiếc lá đến hồi từ ly, cho hoàng hôn của những cuộc tình, cho tan vỡ và biệt ly. Đó là mùa nở rộ của hoa thạch thảo (bruyères), “hoa biệt ly”.

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo …

L’ADIEU

J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends.
                              Guillaume Apollinaire (1880-1918 _ Alcools, 1913)

VĨNH BIỆT

Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa trên cõi đời này
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
                              Phạm Duy



Ít ra về mặt ngôn ngữ, người Pháp thường dành riêng những gì mong manh, dịu dàng cho phụ nữ. Automne là danh từ giống đực (nom masculin), nhưng trong văn chương hay thi ca, automne thường được dùng như danh từ giống cái (nom féminin) có chủ đích!!! Mong manh, dễ vỡ nhưng lại thường là tác nhân của những đổ vỡ! (sic)

Trong thi ca Việt Nam, đôi khi ta vẫn bắt gặp sự đồng cảm thú vị.

Nước ta, xét về mặt địa lý chỉ có hai mùa nắng mưa, chứ không như những xứ ở vùng ôn đới có bốn mùa rõ rệt. Đúng ra thời gian này ở Sài-Gòn là cuối thu, nhưng cây cối ở đây vẫn xanh mướt, trời vẫn nóng hừng hực, máy điều hòa nhiệt độ và quạt máy chạy hết công suất! Tuy nhiên, thi sỹ xứ ta xem ra làm thơ về chủ đề thu lại hay không chịu được! Mãi rồi nghiễm nhiên ta xem xứ mình cũng có mùa thu như ai. Thế là lá vàng lại xào xạc rơi rụng, nước mắt lại lã chã chia ly, tình yêu lại lục đục tan vỡ …!

NƯỚC MẮT

Đã chết mùa thu em biết chưa
Anh không khóc nữa để mong chờ
Buồn không chở nổi bao nhiêu nhớ
Rưng rức đâu từ vạn cổ sơ.
...
                   Hoài Khanh

TIẾNG THU


Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
                  Lưu Trọng Lư

 BÀI HÁT MÙA THU

Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về.
Cảm vì em bước chân đi,
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.

                                                   Đinh Hùng

LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU

Thu đi cho lá vàng bay

Thôi thế từ đây như lá vàng bay tình lỡ rồi!
...
                           Nhạc: Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh




Bầu trời mùa thu ở Paris thường xám xịt, sương mù xuống thấp nên chẳng mấy khi thấy ánh mặt trời cùng những kiến trúc có chiều cao: tháp Eiffel chẳng hạn, tầng thứ ba, có khi cả tầng thứ hai nữa, chìm trong màn sương dày đặc. Du lịch trung tâm Paris mùa này thật … chán ngắt!
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u! Vui quá nhỉ! Paris, tháng 12, 1996
Nhưng nếu ghé qua Le Bois de Boulogne, Jardin des Tuileries, hoặc nhất là Jardin du Luxembourg thì cảm nhận của du khách sẽ khác hẳn.

Ngay từ tầng thứ hai của tháp Eiffel, rừng Boulogne đã được thấy hiện ra rực rỡ với những tán lá đỏ-vàng-nâu! Còn nếu có thì giờ đi tản bộ cả ngày ở đây thì ngỡ ngàng … hết biết!

Rừng Boulogne (le Bois de Boulogne _ Paris)
Đi qua Vườn Tuileries, xưa kia là thượng uyển, nằm trên trục Louvre – Jardin des Tuileries – Place de la Concorde – Avenue des Champs-Élysées – l’Arc de Triomphe de l’Étoile sẽ cảm nhận dần thế nào là “Mùa thu Paris”!

Vườn Tuileries (Jardin des Tuileries _ Paris)
Chẳng hiểu sao hai bản nhạc tuyệt tác về mùa thu ở Paris, Mùa thu không trở lại của Phạm Trọng Cầu và Mùa thu Paris của Phạm Duy đều nhắc đến cùng một địa danh: Vườn Luxembourg. Lời nhạc đều do mỗi tác giả viết, không phải phổ nhạc từ ý thơ của một thi sỹ nào đó _ có vẻ như thơ của Cung Trầm Tưởng (Tiễn em), chẳng hạn. Thế mà cả hai cuộc tình đều từ ly từ khu vườn này. Phải chăng Vườn Lục-Xâm đã trở thành biểu tượng của tình biệt ly?


Tượng Nữ thần Tự do trong Vườn Luxembourg

Vườn Lục-Xâm, tháng 1, 1997
MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI

Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa
Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi.

Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua
Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng ngập dòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên
………………………
Em ra đi mùa thu, mùa lá rơi ngập đường
Đếm lá úa sầu lên, bao giờ cho tôi quên
                                                  Nhạc và lời Phạm Trọng Cầu




Ngồi quen ghế đá, không em ôi buốt giá từ tâm!
Vườn Lục-Xâm, tháng 1, 1997.
MÙA THU PARIS

Mùa thu Paris, trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ, hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề
Mùa thu đêm mưa, phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ, công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ

Mùa thu âm thầm bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá, ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ, tóc vàng sợi nhỏ
Chờ mong em chín đỏ trái sầu


                          Nhạc và lời Phạm Duy



Có lẽ khó tìm một bài thơ hay bản nhạc nào nói về mùa thu lại thiếu vắng một vật thể gắn bó: lá vàng. Đây là mùa thay lá để … thoát tục. Phải chăng cái đẹp thường “phát tiết” trước khi hấp hối. Cơn hấp hối này sẽ kéo dài lê thê vào dạo cuối thu, lã chã từng chiếc, từng chiếc như “lệ thu” hay “nước mắt mùa thu” (larme en automne) thường bắt gặp trong thi ca đông tây.

Les sanglots longs des violons de l’automne
Tiếng nức nở lê thê của những chiếc vỹ cầm mùa thu
Hãy lắng nghe những vần thơ gieo xuống như lá vàng rơi của Paul Verlaine:

CHANSON D’AUTOMNE

Les sanglots longs
Des violons
De l’automne
Blessent mon cœur
D’une langueur
Monotone

Tout suffocant
Et blême, quand
Sonne l’heure.
Je me souviens
Des jours anciens
Et je pleure

Et je m’en vais
Au vent mauvais
Qui m’emporte
Deçà, delà
Pareil à la
Feuille morte.
                    Paul Verlaine (1844-1896)

BÀI CA MÙA THU

Lê thê nức nở
Vỹ cầm mùa thu
Lòng ta tan vỡ
Nỗi đơn điệu buồn

Không gian ngột ngạt
Giờ điểm nhợt nhạt
Ta nhớ ngày xưa
Thế rồi ta khóc.

Rồi ta ra đi
Theo gió từ ly
Mang ta đây đó
Như chiếc lá vàng.
                          Phùng Ngọc Cửu dịch

Lòng thi sỹ trĩu nặng trước cảnh thu, như trái chín chờ mong để rồi tự nó rụng xuống khi mà nỗi buồn đến hồi quá nặng: chờ mong em chín đỏ trái sầu.

AUTOMNE MALADE

Automne malade et adoré,
Tu mourras quand l’ouragan soufflera dans les roseraies
Quand il aura neigé dans les vergers.

Pauvre automne,
Meurs en blancheur et en richesse
De neige et de fruits mûrs.

Au fond du ciel
Des éperviers planent
Sur les nixes aux cheveux verts et naines
Qui n’ont jamais aimé
Au lisières lointaines
Les cerfs ont bramé

Et que j’aime ô saison que j’aime tes rumeurs,
Les fruits tombant sans qu’on les cueille,
Le vent et la forêt qui pleurent,
Toutes leurs larmes en automne feuille à feuille.
                    Les feuilles
                    Qu’on foule.
                    Un train
                    Qui roule.
                    La vie
                    S’écoule.   
                                            Guillaume Apollinaire (1880-1918 _ Alcools, 1913)

THU SẦU

Thu sầu, thu sầu óng ả
Em sẽ chết khi giông tố qua vườn hồng
Khi tuyết ngập trong vườn cây trái mênh mông.

Ôi thu sầu, trông em gầy xanh xao!
Chết trinh nguyên trong tuyết trắng thanh tao,
Chết giữa vùng hoa trái chín ngọt ngào.

Đàn ưng lượn cuối chân trời bao la
Trên bầy tiên suối tóc xanh là đà
Chẳng đoái thương lũ nai vàng thê thiết
Cất tiếng than bên cánh rừng tịch liêu.

Tôi yêu tiếng thu chơi vơi
Trái sầu chín đỏ rụng rơi,
Gió, rừng âm vang nức nở,
Lệ thu lác đác buông lơi.
               Lá úa
               Tả tơi.
               Con tàu
               Xa khơi.
               Cuộc sống
               Dần trôi.
                             Phùng Ngọc Cửu dịch

Sáu câu cuối gieo xuống, xem chừng như từng chiếc lá rụng.

Lá úa
Năm 1945, một bản nhạc Pháp mang tầm kinh điển thế giới ra đời có tên Les Feuilles Mortes (Lá úa) (tựa bài tiếng Hung-ga-ry là "Hulló levelek") do Joseph Kosma, nhạc sỹ Pháp gốc Hung-ga-ry sáng tác, phỏng theo lời thơ của Jacques Prévert, thi sỹ Pháp.

LES FEUILLES MORTES
Paroles: Jacques Prévert
Musique: Joseph Kosma

Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n'ai pas oublié...
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi

Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l'oubli.
Tu vois, je n'ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

(Refrain)
C'est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m'aimais et je t'aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais

Mais la vie sépare ceux qui s'aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
LÁ ÚA

Ôi, tôi muốn biết bao rằng em còn nhớ
Những ngày hạnh phúc khi đôi ta còn là bạn bè
Hồi đó cuộc sống đẹp hơn
Và nắng cũng rực rỡ hơn hôm nay

Lá vàng dồn lại thành đụn
Em thấy đấy, tôi đã không quên …
(rằng) Lá vàng dồn lại thành đụn
Cả kỷ niệm lẫn tiếc nuối

Rồi gió bấc mang chúng đi
Trong đêm lạnh lãng quên
Em thấy đấy, tôi đã không quên
Bản nhạc hồi đó em hát cho tôi nghe

(Điệp khúc)
Đó là bài hát tựa như hai ta
Em, em yêu tôi và tôi, tôi yêu em
Rồi đôi ta sống bên nhau
Em, em yêu tôi và tôi, tôi yêu em

Rồi cuộc đời ngăn cách những ai yêu nhau
Rất êm ái chẳng hề nghe thấy
Rồi biển xóa nhòa đi trên cát
Những dấu chân tình nhân từ ly.
                         Phùng Ngọc Cửu dịch

Bài hát đã mau chóng nổi tiếng khắp thế giới. Những ca sỹ vang bóng một thời như Yves Montand (mở đầu phim Les Portes de la nuit năm 1946 bằng bài hát Les feuilles Mortes) và Edith Piaf thập niên 50 đã hát bản nhạc với cả phần đầu, mặc dù sau này bản nhạc thường chỉ được hát phần điệp khúc, vốn được xem là đoạn hay nhất.

Nhưng có lẽ bài hát được vang lên ở một âm vực rung cảm nhất, gây xúc động nhất khi Andrea Bocelli, ca sỹ mù người Ý giọng nam cao (ténor) quý phái với khuôn mặt và đôi mắt hiền hậu đáng thương trình diễn trên sân khấu ở Tuscany, Ý, bên cạnh hôn thê của mình. Hãy lắng nghe tiếng violoncelle trầm buồn lê thê hòa quyện với hơi giọng rất dài và ngọt, êm ái không đứt quãng, nối kết tuyệt diệu phần cuối bản nhạc.

The autumn leaves of red and gold _ Lá thu đỏ xậm và óng vàng
Bài hát bất ngờ được phối âm giữa lời độc thoại của ca sỹ với bè đệm dịu dàng của hôn thê mình:

Mais la vie sépare ceux qui s'aiment … The falling leaves
Tout doucement, sans faire de bruit … drift by my window
Et la mer efface sur le sable … The autumn leaves
Les pas des amants désunis … of red and gold.


The falling leaves drift by my window
Lá rụng lướt qua cửa sổ
Thế rồi, cảm nhận âm hưởng tuyệt diệu thê thiết lẫn nội dung cảm xúc của bản nhạc, bài hát lại được mau chóng dịch qua tiếng Anh.

AUTUMN LEAVES

The falling leaves drift by my window
The autumn leaves of red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sunburned hands, I used to hold

Since you went away, the days grow long
And soon I'll hear old winter's song
But I miss you most of all, my darling
When autumn leaves start to fall

LÁ THU

Những chiếc lá rơi
Lướt qua cửa sổ
Lá thu buông lơi
Đỏ pha óng vàng

Tôi thấy môi em
Mùa hạ hôn lên
Đôi tay rám nắng
Nắm lấy dịu êm

Từ dạo em đi
Ngày dài lê thê
Rồi tôi sẽ nghe
Ca từ đông cũ

Nhớ em biết bao
Hỡi em yêu dấu
Khi tán lá thu
Bắt đầu rơi rụng
                       Phùng Ngọc Cửu dịch

Các ca sỹ hàng đầu Hoa Kỳ như Frank Sinatra, Andy William, Nat King Cole … đều đã cất tiếng ca bài Autumn Leaves. Người ta vẫn nói: Des goûts et des couleurs, il ne faut pas discuter _ There’s no accounting for taste _ Sở thích và màu sắc thì miễn tranh cãi. Vì thế tôi vẫn mạnh dạn nói rằng, tất nhiên là theo đánh giá của tôi, Nat King Cole hát bài này là hay … vô địch. Nhưng thôi, ta cùng lắng nghe Nathalie Maria Cole, con gái của giọng ca huyền thoại Hoa kỳ, Nat King Cole, trình bày Autumn Leaves vậy nhé! Hổ phụ sinh hổ tử!



Colchiques dans les prés _ Hoa nghệ trên đồng cỏ
Colchique _ tên tiếng Anh là Autumn crocus hoặc Meadow saffron _ cũng còn có tên là Safran des prés (cây nghệ đồng), nở rộ và có nhiều màu sắc rực rỡ nhưng mang độc tố, vì thế còn có tên là “Tue-chien” (cây bã chó)

Có lẽ sẽ là một thiếu sót nếu nói về thi ca mùa thu mà lại không nhắc đến Colchiques dans les prés (Hoa nghệ trên đồng cỏ), bài hát dân ca Pháp có tựa đề nguyên thủy là L’Automne (Mùa thu), nhạc của Jacqueline Debattre, lời của Francine Cockenpot, cả hai là nữ huynh trưởng hướng đạo sinh. Bản nhạc được sáng tác khoảng 1942-1943 trong các trại hướng đạo sinh trẻ. Ta hãy lắng nghe giai điệu buồn dìu dịu của bài ca dân dã có nhịp ¾ này.

COLCHIQUES DANS LES PRÉS

Colchiques dans les prés
Fleurissent, fleurissent
Colchiques dans les prés
C'est la fin de l'été

(Refrain)
La feuille d'automne
Emportée par le vent
En rondes monotones
Tombe en tourbillonnant

Châtaignes dans les bois
Se fendent, se fendent
Châtaignes dans les bois
Se fendent sous nos pas

(Au refrain)

Nuage dans le ciel
S'étire, s'étire
Nuage dans le ciel
S'étire comme une aile

(Au refrain)

Et ce chant dans mon cœur
Murmure, murmure
Et ce chant dans mon cœur
Murmure le bonheur

(Au refrain)

HOA NGHỆ TRÊN ĐỒNG CỎ

Hoa nghệ trên đồng cỏ
Rộ hoa, rộ hoa
Hoa nghệ trên đồng cỏ
Báo hiệu hè tàn

(Điệp khúc)

Chiếc lá vàng thu
Theo gió cuốn đi
Đơn điệu luân vũ
Xoay tròn hạ cánh.

(Điệp khúc)

Quả lật trong rừng
Nứt ra, nứt ra
Quả lật trong rừng
Nứt dưới chân ta

(Điệp khúc)

Mây trên bầu trời
Dãn ra, dãn ra
Mây trên bầu trời
Dãn như cánh chim

(Điệp khúc)

Bài ca tim tôi
Thì thầm thì thầm
Bài ca tim tôi
Thì thầm hạnh phúc

(Điệp khúc)
                         Phùng Ngọc Cửu dịch



Chiếc lá cuối cùng
Khi trên cây không còn chiếc lá nào nữa thì mùa thu xem như đã chết để nhường bước cho đông về. Trước khi cây hoàn toàn trụi lá, thế nào cũng còn một chiếc lá cuối cùng. Chiếc lá cuối cùng còn bám chặt lấy cành cây, như bám lấy mảnh hy vọng nhỏ nhoi để tồn tại, có lúc kỳ diệu đến độ làm hồi sinh một tâm hồn mong manh, kiệt lực: The last leaf _ O’Henry. Nhưng theo luật biến dịch vũ trụ thì chiếc lá cuối cùng rồi sẽ phải rời cành để biệt ly.

CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG


Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa …
                           Nhạc và lời Tuấn Khanh



Hầu hết các bản nhạc chủ đề mùa thu thường mang hợp âm thứ (mineur), buồn và nhiều khi u uẩn, tiêu biểu như Giọt mưa thu, Đêm thu hay Con thuyền không bến của nhạc sỹ tài hoa nhưng mệnh yểu Đặng Thế Phong. Thỉnh thoảng, hương vị thu mang cung bậc trưởng (majeur) nghe “tươi tỉnh” hơn như Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên, rộn ràng hơn như Thu vàng của Cung Tiến, vốn được xem là “bản nháp” sáng tác đầu tay của ông nhưng cũng đã là một trong những bài kinh điển thuộc chủ đề này.

Dù bản nhạc cung bậc thứ hay trưởng, bên trời đông hay trời tây, thi ca mùa thu vẫn để lại trong chúng ta một cảm xúc man mác, lắng đọng.


Công viên Mirabeau _ Rennes. Cuối thu 1996

6 comments:

  1. tuyệt ! được xem lại những bản dịch thơ & hình Paris anh Cửu ! Phục anh...

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn Tín. Tất cả đều phát xuất từ cảm xúc, và cảm xúc rất mạnh!

    ReplyDelete
  3. Một bài viết thật công phu và đầy nghệ thuật anh Cửu ạ.

    Kh. thích văn phong rất lãng mạn pha lẫn những thú vị bất ngờ trong ý tưởng của anh. Thí dụ như "automne thường được dùng như danh từ giống cái (nom féminin) có chủ đích!!! Mong manh, dễ vỡ nhưng lại thường là tác nhân của những đổ vỡ! (sic)" hoặc là "Còn nếu có thì giờ đi tản bộ cả ngày ở đây thì ngỡ ngàng … hết biết ! " v...v...

    Anh cứ như thể là dẫn độc giả đến một khúc đường nào đó, rồi để tự họ khám phá thêm những gì bí ẩn ở cuối đường bởi vì chưa chắc là cuối con đường ấy lại là ngõ cụt! Làm cho độc giả tò mò, háo hức là một kỷ xảo tuyệt vời của người cầm bút. Anh dùng chữ "mong manh, đổ vỡ" và "hết biết" thật là đắc cách trong hai câu văn trên.

    Anh lại là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ. Kh. thích ý tưởng và từ ngữ rất đặc biệt mà anh viết trong câu văn dưới đây:
    "Có lẽ khó tìm một bài thơ hay bản nhạc nào nói về mùa thu lại thiếu vắng một vật thể gắn bó: lá vàng. Đây là mùa thay lá để … thoát tục. Phải chăng cái đẹp thường “phát tiết” trước khi hấp hối..."
    Vâng, đúng là lá vàng thoát tục và phát tiết trong giây phút cuối đời! Một chút Thiền chăng? Một chút Tục chăng? Cả hai. Chỉ một chiếc lá vàng mà đã làm lòng anh xao động đến nhường ấy ư? Phải thế thôi... vì con người rất cận kề với thiên nhiên, nên hồn lá ẩn trong tiềm thức của con người, phải không anh Cửu nhỉ?

    Cuối cùng, Kh. phải nói với Hồng A một điều rằng: Hồng có một nhà văn độc đáo bên cạnh Hồng đó, coi chừng viết thua anh Cửu đấy nhá...

    Phần nhạc thì Kh. chỉ "ngậm mà nghe" thôi ạ, để lời bình cho Cái Oanh nha.
    Phần dịch thơ thì nhường cho Dzung đó..

    Cám ơn anh Cửu đã cho Kh. đọc một bài viết hay và thú vị

    Kh.


    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào cô Kim Hương,

      Cảm ơn những lời khen của cô. Tất cả vẻ đẹp đều nằm trong thiên nhiên. Con người không thể tạo được cái đẹp mà không có thiên nhiên. Nhìn ngắm thiên nhiên dưới mọi góc cạnh đều có thể nhận ra từng cái đẹp của nó _ beauté sous tous les aspects (cái đẹp nằm dưới mọi góc cạnh).

      Tôi chỉ làm công việc kết nối một phần cái đẹp của những người tinh mắt nhận ra cái đẹp trước chúng ta. Chúng ta nhận ra cái đẹp cùng một góc cạnh của những người đi trước và thưởng ngoạn chúng theo rung cảm tự nhiên của mình là một hình thức tạ ơn họ.

      Tôi cũng chỉ học sinh ngữ Pháp bằng thời lượng quy định cho chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi chỉ tự học thêm khi lên đại học vì yêu thích văn chương Pháp. Đam mê là nguồn khích lệ chính.

      Tôi cũng đã làm một công việc "liều lĩnh" là dịch thơ, vốn là phần khó và tế nhị nhất bởi nếu không, người ta vẫn nói: dịch là phản bội (Traduire, c'est trahir)!

      Tựu trung, đóng góp và chia sẻ với đại gia đình diễn đàn 74 giúp ta vượt lên mọi e dè, mặc cảm, nếu có.

      Phùng Ngọc Cửu

      Delete
  4. Những mùa thu được nhắc đến trong bài viết thật lãng mạn, nhưng cũng man mác buồn. Có một mùa thu tươi tắn hơn, mùa thu của "nai vàng hát khúc yêu đương" để lứa đôi chờ mong "khi mùa thu tới hai chúng ta sẽ cùng chung lối" và lắng nghe "mùa thu nói mình yêu nhau nhé". Mùa thu của Ngô Thụy Miên và đã có lần nghe bạn Phùng Tất Đạt hát bài này rất ấn tượng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn anh Hải đã chia sẻ cảm xúc với bài viết, đã phết thêm một nhát cọ có gamme màu tươi sáng hơn cho một bức tranh mùa thu vốn đã quá buồn! Đây là một chủ đề khó có ai đó đủ khả năng lẫn tham vọng để vắt kiệt hết ý tứ của thi ca về nó. Trong vườn hoa 74, một hạt mầm gieo xuống sẽ nẩy lên một đóa hoa tinh khôi cho mỗi thành viên cùng thưởng ngoạn, chẳng kể hoa đẹp hay hoa dại!

      Người săn sóc vườn, ý tôi muốn nói đến tổng biên tập _ cô Dzung _ đã có công lớn trong việc để hoa … không héo và có nghệ thuật trình bày mỗi bông hoa, luống hoa sao cho khách thăm vườn luôn nhìn thấy vẻ đẹp dưới mọi góc cạnh. Có lẽ mỗi khách thăm vườn đều hoan hỷ mang đến một hay nhiều loại hoa để vườn hoa được sum suê hơn.

      Phùng Ngọc Cửu

      Delete